Trang chủ Tết Việt Du xuân Yên Tử núi thiêng vào tháng hội xuân

Yên Tử núi thiêng vào tháng hội xuân

119

Hôm nay (23/2), tức ngày 10 tháng Giêng âm lịch, hàng năm được coi là ngày khai hội chính thức cho Hội xuân Yên Tử. Hơn 100 nghìn người đã hành hương về Yên Tử. Về Yên Tử, du khách không chỉ muốn tìm về cội nguồn của dòng Phật giáo nước ta mà còn muốn chiêm ngưỡng những cảnh quan hùng vĩ, những kiến trúc độc đáo của đất nước.

Tương truyền rằng, vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên có An Kỳ Sinh tới núi Đầu Voi và tu tiên đắc đạo tại đây. Từ đó núi Đầu Voi được mang tên An Tử Sơn. Đến thời hậu Lê, Chúa Trịnh Cương được phong An Đô vương nên An Tử Sơn được gọi là Yên Tử. Trải qua hàng nghìn năm, đến mùa xuân năm 1236, Vua Trần Nhân Tông lên Yên Tử cầu làm phật rồi sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm. Từ đó Yên Tử trở thành ngọn núi thiêng, là trung tâm Phật giáo của cả nước ta và rất hưng thịnh vào thời Trần.

Năm Kỷ Hợi (1299), Giác Hoàng Đệ nhất Trần Nhân Tông hiển Phật, các tăng ni đã dựng tháp sáu tầng bằng đá xanh theo kiến trúc thời Trần, tạc tượng bằng đá cẩm thạch trắng trên mộ để ghi nhớ ân đức của Người. Đến nay ngọn tháp trung tâm và đẹp nhất Yên Tử này gần như vẫn còn nguyên vẹn.

Cũng để ghi nhớ những dấu tích của Giác Hoàng Đệ nhất Trần Nhân Tông, mỗi nơi người đến hoặc đi qua đều có một ngôi chùa nằm rải rác từ quốc lộ 18 lên đến chùa Đồng trên độ cao 1.068 mét, với chiều dài hơn 20km. Mỗi ngôi chùa, mỗi địa danh lại gắn với một câu chuyện của buổi đầu Vua Trần Nhân Tông lên núi như: Chùa Suối Tắm, chùa Giải Oan, chùa Cầm Thực, chùa Lân…

Để có thể đi được hết các chùa, tận hưởng hết vẻ đẹp kỳ vĩ của Yên Tử, theo chỉ dẫn của Ban Quản lý di tích thì tốt nhất du khách nên đi thẳng lên chùa và suối Giải Oan, đường Tùng, đường Trúc, qua Hòn Ngọc, Tháp Tổ (mộ Vua Trần Nhân Tông) rồi lên Hoa Yên bằng con đường độc đạo và nghỉ tại Khu dịch vụ Hoa Yên. Sau đó du khách sẽ đi theo hướng chùa Một Mái, Bảo Sái, tượng An Kỳ Sinh, chùa Đồng theo hướng tay phải. Khi xuống sẽ qua chùa Vân Tiêu, bia Phật rồi xuống Hoa Yên. Từ Hoa Yên xuống, du khách có thể đi bằng đường cáp treo để được ngắm cảnh đẹp Yên Tử từ giữa không trung.

Theo Ban tổ chức, lễ khai hội Yên tử sẽ đón khoảng 10 vạn lựợt khách. Trước đó, từ mồng 1 đến mồng 9 tết, Yên Tử đã đón trên 24 vạn lượt người hành hương. Để tránh tình trạng ùn tắc tại các ga cáp treo, hệ thống cáp treo 2 chặng lên Hoa Yên và chùa Đồng cũng được đầu tư nâng cấp phục vụ lên 2.500 khách/1 giờ.
 
Dự kiến mùa lễ hội năm nay, Yên Tử sẽ đón khoảng 3 triệu lượt khách đến tham quan.
 
Tuy nhiên, ngay từ hôm nay, ngày đầu khai hội đã nảy sinh nhiều bất cập như quá tải cáp treo, vẫn còn những “thầy lang” bán thuốc dân tộc, hay do lượng lũ hành tăng đột biến khiến “non thiêng bị ô nhiễm” nghiêm trọng…Phải làm gì để bảo vệ rừng thiêng Yên Tử? Đó là câu hỏi mà nhiều du khách đặt ra với các cơ quan có trách nhiệm và chính quyền Quảng Ninh. Bởi vì, mùa lễ hội Yên Tử  hôm nay mới  bắt đầu… 

Chen chân lễ Phật tại chùa Đồng

Viếng Phật hoàng tại Tháp tổ Hoa Yên

Lễ mọn, lòng thành

 

Lễ Phật trước chùa Hoa Yên

Chờ cáp treo

Sắp lễ

Chùa Đồng

Chà sát tiền lẻ vào chùa Đồng để lấy may

Rác tại chùa Đồng