Dấu mốc khắc ghi Yên Tử vào lịch sử và trở thành trung tâm Phật giáo của nước Đại Việt là năm 1299, cách nay vừa tròn 710 năm, khi Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia đến vùng đất linh thiêng này hành đạo.
Mảnh tháp cổ bằng đất nung thời Trần được khai quật từ dưới nền chùa Lân (nay là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử). |
Sau hai lần lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Nguyên – Mông thắng lợi (1285-1288), vị vua anh hùng Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con, xuất gia về Yên Tử tu hành, lấy pháp hiệu Trúc Lâm Đại Đầu Đà, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Bằng học vấn uyên thâm và kinh nghiệm từng trải, Trần Nhân Tông lĩnh hội thành tựu của các vị cao tăng đi trước, tiếp nhận những yếu tố tích cực của Phật giáo là từ bi, bác ái, khoan dung, bình đẳng, hướng thiện và loại bỏ mặt yểm thế, yên phận, bí hiểm, siêu thoát… tạo nên bản sắc riêng của đạo Phật Việt Nam. Đạo không tách biệt đời, đạo phải thể nghiệm trong cuộc sống – giáo lý Thiền Trúc Lâm Yên Tử trở thành nền tảng tư tưởng dựng nước, giữ nước thời Trần và tiếp tục mạch sống chảy dài đến tận ngày nay.
Sư thầy Thích Tuệ Phúc đưa chúng tôi đi tham quan phòng trưng bày các di vật của Thiền viện Trúc Lâm – trước đây có tên gọi Long Động tự hay chùa Lân. Tôi vô cùng xúc động khi nhìn thấy hàng trăm mảnh gốm cổ có niên đại khác nhau được trưng bày trang trọng tại đây. Nhiều nhất là những mảnh gốm thời Trần: mảnh gốm đất nung tạo hình bệ hoa sen với hai lớp cánh đắp nổi chen khít dăng hàng ngang như thường thấy ở các bệ tượng Phật, một mảnh tháp cổ thời Trần với những đường diềm trang trí cánh sen và lá đề vô cùng tinh tế, một mảnh vỡ mô hình tháp đất nung với đường diềm mái và những ô trang trí hoa chanh đặc trưng thời Trần… Những di vật gốm này được lấy lên từ lòng đất năm 2002 khi xây dựng lại chùa Long Động trên nền chùa cũ đã bị giặc Pháp tàn phá những năm 1950.
Đường cáp treo thứ nhất từ chân núi lên chùa Hoa Yên đang được tháo dỡ và lắp mới để nâng công suất. Chúng tôi có dịp thử sức mình với đường hành hương từ chùa Giải Oan lên chùa Hoa Yên ở độ cao gần 1.000m và đường dài 1.600m. Leo ngược các bậc đá dốc đứng trên sườn núi Yên Tử quả là một thử thách đáng kể đối với nhiều người. Một đoạn mang tên dốc Hà Nội đang được hoàn thiện những bậc thang đá cuối cùng. Đây là công đức đóng góp của nhiều người Hà Nội và cán bộ chiến sỹ Đại đội 6 thông tin Yên Tử. Bước chân lên đường tùng cổ có tuổi đời hơn 700 năm, mọi mệt nhọc như tiêu tan. Những rễ tùng uốn lượn ôm lấy đá, trơn bóng hòa lẫn cùng đá. Một cầu thang tự nhiên tạo bởi rễ tùng và đá dưới những tán tùng cổ thụ khiến lòng người sững sờ trước vẻ đẹp của tạo hóa và bàn tay con người. Tương truyền, hai hàng tùng này chính do vua Trần Nhân Tông trồng.
Qua Hòn Ngọc tới vườn tháp Huệ Quang – trước cửa chùa Hoa Yên với 97 ngọn tháp lớn nhỏ chứng tỏ quy mô to lớn nhất và lâu đời nhất của khu di tích Phật giáo này. Nổi bật trong vườn tháp là tháp tổ Huệ Quang. Đây là ngôi tháp do đích thân vua Trần Anh Tông cho xây để chứa xá lỵ vua cha vào khoảng năm 1310. Nền tháp xây bằng đá, có mặt hình lục giác. Bệ tháp tạo nên bởi hàng chục phiến đá xanh ghép lại. Các khối đá được gia công cẩn thận, mạch ghép rất thẳng và có thêm lỗ cá chì ghép mối, những viên đá ở phía ngoài có chạm nổi đề tài sóng nước. Tầng khám thờ là đài sen gồm 102 cánh mở rộng ôm lấy thân tháp ở phần trên. Trên mỗi cánh sen có chạm nổi hoa cúc dây.
Đây là nghệ thuật trang trí bệ đá hoa sen hình hộp rất đặc trưng của thời Trần.
Đặc biệt, phía sau tháp còn một đoạn đường khá nguyên vẹn được lát 84 viên gạch hoa. Gạch có dáng hình vuông, độ nung khá cao. Mặt gạch chạm nổi hoa cúc được bố cục theo quy tắc vuông tròn: bao quanh diềm gạch vuông hàng chấm nổi tròn giữa hai đường gờ nổi, chính giữa là một bông cúc trong vòng tròn, bốn bông hoa cúc khác đối xứng xung quanh trong một vòng tròn lớn hơn, điền kín bốn góc là các bông hoa cúc nhỏ hơn. Trong các di tích thời Trần ở nước ta, đây là con đường gạch hoa duy nhất còn lại đến ngày nay.
Yên Tử, nơi thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa môi trường tự nhiên và môi trường kiến trúc nghệ thuật – một truyền thống đáng được trân trọng của dân tộc ta. Mỗi ngôi chùa, am tháp đều tựa vào dáng núi thế cây. Dấu ấn nghệ thuật Phật giáo vẫn còn được lưu giữ ở Yên Tử như một minh chứng cho sự trường tồn của thiền phái Trúc Lâm – một biểu hiện rõ nét ý thức dân tộc mạnh mẽ của quân và dân Đại Việt thời nhà Trần: chủ trương sống với đời, hòa vào đời, sống theo quy luật của tự nhiên, gần dân, thân dân, thắm đượm tình người.