Lật mở những điều bí ẩn
Nằm trên đỉnh núi cao, với cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng, di tích Hồ Thiên từng được sử cũ ngợi ca là nơi cảnh đẹp dấu thiêng của vùng đất Đông Triều.
Cùng với Yên Tử, Hồ Thiên và Ngọa Vân là hai địa danh nổi tiếng gắn với tên tuổi và sự nghiệp tu hành của vua Trần Nhân Tông, người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm – một thiền phái Phật giáo lớn của Việt Nam mà cho đến hôm nay triết lý của nó vẫn thấm đượm tinh thần dân tộc, có giá trị nhân văn cao cả, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.
Nơi đây chính là một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng của thiền phái này vào cuối thời Trần (đầu thế kỷ 14) và là chốn tu hành của nhiều vị cao tăng. Nhưng do di tích này nằm trên đỉnh núi cao, không tiện đường qua lại nên nó dần bị rơi vào quên lãng và hoang phế.
Cuối năm 2007, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với UBND huyện Đông Triều tiến hành điều tra khảo sát khảo cổ học và thu được nhiều tư liệu quan trọng, làm sáng rõ giá trị lịch sử văn hóa về khu di tích và cung cấp những bằng chứng khoa học chân thực về quy mô và chức năng của các công trình kiến trúc tôn giáo trong hệ thống các di tích Phật giáo ở khu vực này.
Cụ thể là đã xác định được vị trí của các công trình kiến trúc như chùa, vườn, tháp, nhà bia, nhà tổ, nhà tăng và khu tịnh thất tại chùa Hồ Thiên.
Đặc biệt tại một số vị trí, các nhà khảo cổ học đã lắp ghép được những manh mối quan trọng dự báo về khả năng sẽ tìm thấy những kiến trúc tháp chùa thời Trần.
Không những thế, qua quá trình điều tra, các nhà khảo cổ học còn nhận diện được chùa Hồ Thiên có quy mô rất lớn (500m2), mặt bằng hình chữ “Công” hoàn toàn khác với những nhận định trước đó cho rằng Hồ Thiên chỉ có quy mô nhỏ và mặt bằng hình chữ “Đinh”.
Tại khu nhà tổ chùa Hồ Thiên – nơi từng đặt tượng đá thờ ba vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm là vua Trần Nhân Tông và hai đệ tử Thiền sư Pháp Loa và Huyền Quang – hiện còn lưu giữ hai pho tượng đá trong tư thế tọa thiền, đều đã bị mất đầu, trong đó có một pho được suy đoán là tượng vua Trần Nhân Tông.
Bên cạnh đó, tại khu di tích Ngọa Vân (chùa Ngọa Vân và am Ngọa Vân) nơi tu hành và viên tịch của Vua Trần Nhân Tông, các nhà khảo cổ học đã chứng minh được Ngọa Vân là một quần thể kiến trúc chùa tháp Phật giáo lớn bao gồm 4 khu vực với 12 điểm di tích nằm trải rộng và kết nối dài với hệ thống di tích chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần trên suốt chiều dài của dãy núi Yên Tử.
Tại đây đoàn điều tra khảo sát còn tìm thấy rất nhiều dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc chùa tháp cùng nhiều loại di vật như gạch, ngói, chân tảng, đồ gốm, sành có niên đại từ thời Trần đến thời Lê, Nguyễn. Đặc biệt các nhà khảo cổ còn tìm thấy một dấu tích lò nung ngói của thời Lê Trung Hưng thế kỷ 18.
Tư liệu này cho thấy trong điều kiện xây dựng trên núi cao, rất khó khăn về vận chuyển nên người xưa đã xây dựng những lò nung gạch ngói ở vị trí thuận lợi về nguồn nước và nguyên liệu điều này trùng hợp với việc xây dựng chùa Vân Tiêu (Yên Tử) và chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều).
Một minh chứng quan trọng khác đó là tại Ngọa Vân hiện cũng vẫn còn những công trình kiến trúc liên quan đến vị vua Trần Nhân Tông đó là tháp Phật Hoàng – tháp mộ của Hoàng đế Trần Nhân Tông, và chiếc bàn đá tương truyền là nơi ngài ngồi thiền và viên tịch. Đây là những bằng chứng cho thấy rõ tầm quan trọng đặc biệt của khu di tích Ngọa Vân.
Cần trả lại vị trí xứng đáng
Hệ thống chùa tháp thiền phái Trúc Lâm không chỉ dừng ở khu Yên Tử mà nó là một hệ thống quần thể các di tích chùa tháp nằm trên dãy núi Yên Tử từ Đông Triều sang Uông Bí.
Chính vì vậy hai di tích Hồ Thiên và Ngọa Vân cần được đặt trong chiến lược quy hoạch bảo tồn để gắn kết với khu di tích Yên Tử tạo thành một quần thể về không gian văn hóa Phật giáo của Việt Nam và gắn kết với quần thể không gian văn hóa Trần gồm khu di tích lăng mộ các vua nhà Trần, khu đền Sinh và chùa Quỳnh Lâm.
Làm được điều này, không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo vệ di sản văn hóa mà còn mở ra những triển vọng mới cho việc phát triển kinh tế du lịch.
Theo Tiến sĩ Bùi Minh Trí – Viện Khảo cổ thì để thực hiện được ý tưởng trên phải tính ngay đến việc khai thông những tuyến đường hành hương kết nối giữa các không gian văn hóa bởi điều này sẽ giúp cho người hành hương có một tuyến thăm quan nhiều di tích nổi tiếng mà còn hiểu thêm về không gian văn hóa tâm linh.
Song trước hết phải có kế hoạch trùng tu tôn tạo những công trình kiến trúc tôn giáo quan trọng khi có đầy đủ bằng chứng và những cơ sở khoa học tin cậy.
Được biết, UBND huyện Đông Triều cũng đồng tình với việc quy hoạch bảo tồn di tích để phát huy giá trị lịch sử văn hóa to lớn của quần thể di tích trong sự kết nối với hệ thống di tích Yên Tử.
Hy vọng rằng, không lâu nữa, những người hành hương về nơi đất Phật sẽ được biết thêm rằng Yên Tử còn một chốn thiêng.