Trang chủ Tin tức Yên Bái: HT Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng về “Hạnh kham nhẫn...

Yên Bái: HT Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng về “Hạnh kham nhẫn của người Phật tử”

69
Được biết, nhằm thực hiện kế hoạch hoạt động Phật pháp và phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2015 của BTS Phật giáo tỉnh Yên Bái, tiểu Ban Hoằng pháp tỉnh Yên Bái phối hợp với hạ trường triển khai chương trình hoằng pháp hướng về ngày Vu lan báo hiếu tại 3 điểm trong tỉnh: Ngày 25/6 Ất Mùi tại trụ sở BTS tỉnh, ngày 26 tại BTS Phật giáo huyện Văn Chấn và ngày 27 tại BTS Phật giáo huyện Văn Yên, nhằm nâng cao nhận thức về giáo lý Phật đà cho quý Phật tử vùng sâu vùng xa. Và mở đầu chương trình Hoằng pháp này là thời pháp thoại của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN.
Mở đầu bài pháp thoại, Hòa thượng đã giảng giải cho các Phật tử hiểu rằng, trong các hạnh tu của người đệ tử Phật, thì hạnh kham nhẫn là một trong những hạnh quan trọng và cần thiết có ở nơi người đệ tử của Đức Phật – không chỉ riêng phái xuất gia, mà còn gồm cả những người tại gia.
Yên Bái là một địa bàn rộng nằm trong vùng Tây Bắc nhiều đồng bào dân tộc khác nhau, là nơi Phật giáo chưa được mở rộng, Tăng Ni – chùa chiền và Phật tử đều ít, nhưng lòng người tin Phật và hướng về Phật thì đang phát triển. Vì thế, Hòa thượng cũng đã tán thán đức kham nhẫn của Tăng Ni và Phật tử tỉnh Yên Bái – đặc biệt là Đại đức Thích Minh Huy cùng sự tạo điều kiện của chính quyền tỉnh Yên Bái, nơi đây đã trở thành một Đại già lam, là trụ sở của BTS Phật giáo tỉnh Yên Bái, là Đạo tràng tu tập hàng tháng của các Phật tử.
Đức kham nhẫn nằm ở trong Đức tinh tiến, mà Đức tinh tiến nằm ở trong 37 phẩm trợ đạo. Nó thuộc về Tứ chính cần, tức là 4 việc cần thiết cho con người chúng ta siêng năng trong cuộc sống.Hai điều về thiện đó là, những điều thiện chưa được phát sinh thì phải tạo duyên lành cho nó phát sinh, nó đã phát sinh thì phải chăm bón vun trồng, để nó được tăng trưởng. Còn với hai điều về ác, Đức Phật dạy rằng “Đối với những việc không mang lại lợi ích cho mình, cho người, cho muôn vật, nó chưa sinh ta nhất định không cho nó sinh, còn nó đã sinh thì phải trừ bỏ không cho nó phát triển”.Đây chính là 4 pháp siêng năng, tinh cần trong 37 phẩm trợ đạo. 
Nhiều kiếp quá khứ xa xưa, Đức Phật luôn luôn thể hiện Đức tinh tiến của mình, và do tinh tiến cho nên mới viên thành đại giác trong kiếp hiện tại này. Ở các bậc Bồ Tát thị hiện thân tướng Bồ Tát để hóa độ chúng sinh, thì cũng phải ra vào sinh tử mới hóa độ được chúng sinh. Người đệ tử Phật phải lấy việc hoằng pháp là nhiệm vụ cao cả, là bản hoài của mình. Ở đâu có người nghe Pháp, thì người đệ tử Phật phải đến đó để truyền trì chính pháp không sợ gian nan, chẳng hề khó nhọc, làm tất cả mọi việc để mang lại lợi ích cho hữu tình bởi “phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật”. 
Hòa thượng chia sẻ “Trong mùa Vu Lan này, BTS tỉnh Yên Bái đã đề ra chương trình 3 ngày Hoằng pháp, với số lượng Tăng Ni ít như vây, phải nói rằng đức kham nhẫn vô cùng cần thiết, Đức tinh tiến vô cùng cần thiết. Các vị đã dấn thân lên đây, từ Đại đức Thích Minh Huy cho tới các bậc Tăng Ni, không phải là do Phật giáo tỉnh nhà đào tạo nên, mà đều là các vị từ những nơi khác về, có cả những vị Phật giáo miền Trung – miền Nam cũng về miền Tây Bắc này để chung sức chung lòng, chúng ta biết rằng người tu sĩ là người dấn thân. Cho nên Đức Phật mới để cho tu sĩ là du hóa. Cuộc sống của người tu sĩ là đời sống phạm hạnh, không vướng vào dòng sinh tử ân ái, không vướng vào sở hữu tài sản, chỉ có một bình bát ba tấm y. Một bình bát ăn cơm vạn nhà và thuyết pháp cho vạn người. Rồi lấy công hạnh thuyết pháp độ sinh làm đầu. Như chúng ta đã biết, không có việc gì suôn sẻ cả,nhưng người Việt có câu “cái khó ló cái khôn”. Trong khi hành đạo, hoằng pháp độ sinh, thì nhiều khi cũng rất khó khăn, nhưng phải biết uyển chuyển và tính kham nhẫn là vô cùng cần thiết. Hai nữa, Cũng có nhiều khi chúng ta hành đạo hoạt động gặp các vị làm công tác xã hội tôn giáo, sẽ có khi thuận và không thuận. Chúng ta nên nhớ trong kinh điển, Phật Tổ có dạy “Thuận hành nghịch hành vô phi Phật sự”. Có nơi dễ thì mình nên hoàn thành tốt, còn những nơi khó khăn thì mình phải từ từ từng bước một rồi sẽ thành công”.  
Cuối cùng, Hòa thượng đã nhấn mạnh tới một lực lượng không thể thiếu được đó là hàng ngũ Phật tử tại gia – đó là cánh tay phải của Phật giáo, Phật giáo được tồn tại, chính pháp được xương minh hay không một phần là do Phật tử. Hòa thượng mong rằng “Các Phật tử hãy biết khuyến hóa mọi người. Công đức của người theo Đạo lớn và công đức của người khuyến hóa người theo Đạo cũng lớn. Mình đã có công đức tu Phật, học Phật thì bây giờ mình cũng phải khuyến hóa, trước nhất là cho con cho cháu mình rồi sau đó là tới cộng đồng xã hội. Đặc biệt hãy biết quan tâm hơn nữa tới lớp trẻ bởi tre già thì măng mọc, hướng các em quay về với nếp sống chân thiện mỹ, có như vậy một em nhỏ ngày hôm nay rồi tương lai sẽ trở thành một người lãnh đạo, người công dân có ích cho xã hội chứ không phải chỉ là những kẻ sa vào những tệ nạn của thế gian“.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được: