Trang chủ Nghiên cứu Triết học Ý thức là gì (1)

Ý thức là gì (1)

1337

Liệu triết học Phật giáo, cụ thể ở đây là Duy thức học, có thể giúp họ đưa ra những kết luận rõ ràng về vấn đề trí thông minh nhân tạo, về những câu hỏi đến từ Cơ học lượng tử, từ Tâm lý học, Xã hội học…? Để giúp mọi người hiểu thêm về vấn đề này, Nguyệt san Giác Ngộ giới thiệu đến bạn đọc loạt bài nghiên cứu chuyên sâu về Duy thức học, vấn đề Ý thức – một vấn đề được nhiều nhà Phật học và nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu từ lâu, song vẫn luôn có những phát hiện mới mẻ.

Vị trí và vai trò của ý thức

Theo Phân tâm học, tâm của con người chia làm hai là ý thức và vô thức. Duy thức học thì phân làm tám và ý thức là một trong tám phần đó. Như vậy, nhìn theo quan điểm nào thì ý thức cũng chỉ là một phần của tâm. Tuy vậy, ý thức rất năng động và có phạm vi hoạt động rất lớn.

Ý thức có thể hướng ra ngoài để tìm hiểu về thế giới, có thể hướng vào trong để tìm hiểu nội tâm, khám phá vô thức. Ý thức có thể duyên được cả ba thời, dung thông cả ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Ý thức có khả năng liên tưởng, tưởng tượng, trừu tượng hóa, phân tích, tổng hợp, suy luận, kết luận… Ý thức còn có vai trò điều khiển nhiều hoạt động của thân xác. Tóm lại, ý thức là thành phần lanh lợi và đa năng nhất của tâm, nên nó được xem là công cụ chính yếu của triết học và khoa học.

Con người là con vật biết tư duy. Chính tư duy đã làm cho chúng ta khác hẳn với các loài khác. Tư duy là một hoạt động của ý thức. Với ý thức, con người đã tạo ra nhiều ngành khoa học, gặt hái được nhiều tri thức. Qua đó con người đã làm thay đổi thế giới, thống trị thế giới. Hiện nay, chúng ta đã sở hữu được một lượng kiến thức và tri thức khổng lồ về các hiện tượng thiên nhiên và tâm linh nhưng chúng ta lại có quá ít hiểu biết về ý thức của chính mình. Câu hỏi “ý thức là gì?” trở thành yêu cầu cấp bách.

Giải quyết câu hỏi này sẽ giúp chúng ta hiểu được bản chất của nhận thức và tư duy, qua đó giải quyết được nhiều vướng mắc mà các ngành khoa học đang gặp phải. Trả lời được câu hỏi trên cũng giúp chúng ta giải quyết được vấn đề nhận thức của khoa học. Vì sao? Vì khoa học là những môn học về hiện tượng, qua quá trình phát triển hiện đang phải đối mặt với vấn đề bản thể học. Có thể nêu cụ thể một số trường hợp sau:

1. Trong lãnh vực robot học, có một câu hỏi gây tranh cãi trong các thập kỷ qua là: “Trí thông minh nhân tạo” (artificial Intelligence) có thể trở thành hiện thực không? Nói cách khác, người ta có thể tạo ra các robot thông minh như con người không? Nhiều nhà khoa học cho rằng có. Nhiều nhà khoa học khác cho rằng không. Cho đến nay vấn đề này chưa ngã ngũ vì chưa giải quyết được câu hỏi ý thức là gì?

2. Trong lãnh vực vật lý: Theo quan điểm cổ điển, thế giới là một thực thể tồn tại độc lập với ý thức của con người. Chính vì thế, thái độ đúng đắn của một nhà vật lý là đóng vai trò quan sát khi làm thí nghiệm. Trong vật lý hiện đại, cụ thể là trong cơ học lượng tử, khi quan sát các thành phần cơ bản của vật chất, các hạt cơ bản, các hạt này vừa có tính liên tục của sóng, vừa có tính không liên tục của hạt. Điều khó hiểu là khi con người tìm cách đo lường quan sát, nó mới tự cụ thể hóa bằng hạt. Nếu không có quan sát viên thì không thể nói nó là gì. Chính vì thế, trong cơ học lượng tử, nhà vật lý không chỉ đóng vai trò một quan sát viên mà còn đóng vai trò của một người tham gia khi làm thí nghiệm. Điều này đặt ra một số câu hỏi sau: Phải chăng thế giới được xây dựng bằng ý thức của con người? Phải chăng thế giới được hình thành do có sự tham gia của ý thức? Nếu có, ý thức tham gia ở mức độ nào trong việc tạo nên thế giới?

Trên chỉ là hai trường hợp cụ thể. Trong thực tế, việc hiểu được ý thức còn giải quyết được nhiều vướng mắc của các ngành khoa học khác.

Ý thức trong Duy thức học

Theo Duy thức học, tâm chúng ta tạm phân thành tám: Năm thức trước, là nhãn thức, nhĩ thức, tĩ thức, thiệt thức, thân thức, được gọi là tiền ngũ thức, cộng với phần ý thức được gọi là sáu thức ngoài, vì chúng ta dễ dàng nhận ra chúng. Hai thức sau là thức mạt-na và thức thứ tám, gọi là hai thức trong, vì chúng hoạt động một cách âm thầm, sâu kín, khó nhận thấy. Sáu thức ngoài hoạt động có gián đoạn, lúc có, lúc không. Hai thức trong hoạt động không gián đoạn. 

Căn, cảnh, thức

Sáu thức ngoài mỗi thức đều có chỗ nương riêng. Chỗ nương của thức gọi là căn. Nói cách khác, căn là nơi phát ra thức. Tương ứng với sáu thức ta có sáu căn là nhãn căn (con mắt), nhĩ căn (lỗ tai), tĩ căn (lỗ mũi), thiệt căn (cái lưỡi), thân căn (cơ thể) và ý căn (chính là mạt-na). Sáu căn, mỗi căn có khả năng kết hợp với một loại cảnh riêng, để tạo ra thức. Cụ thể như:

Nhãn căn kết hợp với sắc cảnh để tạo ra nhãn thức, là sự nhận biết về sắc tướng (hình ảnh, màu sắc).

Nhĩ căn kết hợp với thanh cảnh để tạo ra nhĩ thức, là sự nhận biết về âm thanh. 

Tĩ căn kết hợp với hương cảnh để tạo ra tĩ thức, là sự nhận biết về mùi.

Thiệt căn kết hợp với vị cảnh để tạo ra thiệt thức, là sự nhận biết về vị.

Thân căn kết hợp với xúc cảnh để tạo ra thân thức, là sự nhận biết về xúc chạm.

Ý căn kết hợp với pháp cảnh để tạo ra ý thức, là sự nhận biết về pháp.

Đến đây, để dễ nhận ra tính thực tế và hợp lý của cách phân chia trên, chúng ta hãy làm một sự đối chiếu giữa Duy thức học và Tâm lý học mà cụ thể là Phân tâm học phương Tây.

Theo Phân tâm học, tâm linh chúng ta được phân thành hai là ý thức và vô thức.

Vô thức là phần tâm linh hoạt động ở bên ngoài ý thức. Ý thức của chúng ta chỉ biết được chút ít về vô thức. Có nhiều vùng của vô thức, ý thức hoàn toàn không biết. Vô thức chính là thức mạt-na và thức thứ tám trong Duy thức học.

– Vì chưa thể phân tích vô thức thành hai phần như Duy thức học, nên Phân tâm học không thể lý giải tính cá nhân, còn gọi là sự chấp ngã, có mặt nơi các chủ thể nhận thức. Chấp ngã, là cho rằng ta là chủ thể thân tâm của chính mình.

– Vì ý thức lấy mat-na làm căn, phần này thuộc về vô thức, nên ý thức luôn chịu sự tác động của vô thức. Đây là điều đã được Phân tâm học khám phá, nhưng Phân tâm học chưa thể chỉ ra tác động ấy trong từng ý niệm như Duy thức học.   

Sáu thức ngoài được Phân tâm học gom về ý thức. Sở dĩ có hiện tượng này, vì theo truyền thống, các nhà tâm lý phương Tây vẫn cho rằng các giác quan như mắt, tai… là thành phần của bộ máy sinh lý. Chỉ có ý thức là thành phần của bộ máy tâm thần (thành phần tâm lý). Điều này dẫn đến các hệ quả sau:

Việc xem mắt là chiếc máy chụp ảnh, tai là máy ghi âm… khiến Tâm lý học không thể giải thích tại sao khi một tác động bên ngoài (là một hiện tượng vật lý, thuần mang tính vật chất) kích thích lên các giác quan (cũng là thành phần mang tính vật chất) lại tạo ra các cảm giác, là một hiện tượng tâm lý. Tâm lý gia Bourdon nói: “Sự xuất hiện cảm giác sau khi có sự kích thích không thể giải thích được”. Nếu quy các cảm giác về cho ý thức, chúng ta vẫn gặp lại những khó khăn trên, nên Clarapèle viết: “Vấn đề triết học liên hệ đến nguồn gốc của ý thức là vấn đề khó khăn nhất”. Cụ thể hơn, dù máy chụp hình có ghi lại được các hình ảnh thì chúng ta cũng không thể nói rằng máy chụp ảnh biết được các hình ảnh mà nó đã chụp được.  

Với Duy thức học, mắt, tai… là các căn. Căn có hai phần, là “phù trần căn” và “thắng nghĩa căn”. “Phù trần căn” là năm giác quan mắt, tai… mà ta có thể nhận biết. “Thắng nghĩa căn” là phần tịnh sắc vi tế. Nó là thể của phù trần căn, và là chỗ nương chính của 5 thức nhãn thức, nhĩ thức… Bát Thức Qui Cũ nói: “Ngũ thức đồng y tịnh sắc căn”. Căn, là chỗ thức y tựa, nhưng cần hiểu nó như một duyên giúp 5 thức sinh khởi hơn là thứ tạo ra 5 thức. Gốc, đều bắt nguồn từ thức thứ tám.

Theo tinh thần Duy thức, các căn đều là sự biến hiện của thức, không lìa thức mà có, nên ở nơi căn đã hàm chứa đủ hai thành phần sinh lý và tâm lý. Vì vậy, việc xuất hiện các cảm giác (các thức ngoài) khi căn tiếp xúc với trần cảnh là điều tự nhiên.        

Việc quy 6 thức ngoài vào ý thức đã đồng hóa sự nhận biết của 5 thức trước với việc nhận biết của ý thức. Điều này không phù hợp với thực tế. Trên thực tế, ý thức không thể nhận biết trực tiếp về trần cảnh. Ta có thể dễ dàng kiểm chứng: Nếu mắt bị mù, tai bị điếc… thì chúng ta không thể nhận thức về hình ảnh, âm thanh… dù các cảnh ấy đang hiện diện và ý thức vẫn còn đó. Ý thức chỉ biết các trần cảnh thông qua 5 thức ngoài và xem đó là những biểu hiện của pháp. Nói cách khác, thứ mà ý thức nhận biết là pháp, không đồng với đối tượng nhận biết của 5 thức ngoài.

Vậy “Pháp” là gì? Tại sao đối tượng nhận biết của ý thức lại là pháp? Tâm của ta vận hành thế nào để tạo ra một ý niệm về pháp trong ý thức?

Muốn hiểu được các điều trên, trước hết cần phân biệt hai loại ý thức: Ý thức hiện lượng và ý thức phân biệt.

Ý thức hiện lượng
và ý thức phân biệt

Ý thức hiện lượng: Còn gọi là ý thức vô phân biệt, là loại ý thức vừa sinh ra đã có(1) Lúc còn bé, người ta thường sống với loại ý thức này. Với ý thức vô phân biệt, chúng ta cũng biết về trần cảnh thông qua 5 giác quan, nhưng không khởi lên các ý niệm phân biệt như cái này, cái kia, trong, ngoài…

Ý thức phân biệt: Loại ý thức này chỉ xuất hiện và phát triển theo quá trình lớn lên của con người. Đây là loại ý thức tập thành. Nghĩa là do huân tập mà có. Ý thức phân biệt có được từ kinh nghiệm sống của cá nhân và từ sự giáo dục của gia đình và xã hội.

Thí dụ 1: Một đứa bé bò chơi quanh phòng, chụp được gì liền cho vào miệng. Nếu nuốt được nó sẽ nuốt, không nuốt được nó sẽ nhả ra. Nếu sự việc này diễn ra nhiều lần (tập) đứa bé sẽ dần nhận ra thứ gì ăn được, thứ gì không ăn được.

Thí dụ 2: Một đứa bé, nếu được hướng dẫn cái này là ghế, cái này là bàn… và sự hướng dẫn diễn ra nhiều lần (tập) thì về sau đứa bé sẽ tự mình gọi tên khi nó gặp các vật đó.

Hai thí dụ trên cho thấy việc huân tập từ kinh nghiệm sống và từ sự giáo dục đã làm hình thành các ý niệm phân biệt. Khi ý thức lấy các ý niệm phân biệt này làm cơ sở cho sự nhận biết về thế giới thì gọi là ý thức phân biệt.

Nơi người trưởng thành, ý thức phân biệt chiếm ưu thế. Ý thức hiện lượng vẫn còn đó nhưng khó nhận ra. Khi căn tiếp xúc với trần cảnh, ở sát na đầu tiên, ý thức vẫn còn trong trạng thái hiện lượng. Qua sát na thứ hai, ý thức phân biệt mới xuất hiện.

Những ý niệm phân biệt được tạo ra theo nhiều cách khác nhau. Ở con người, phương tiện chính để tạo ra các ý niệm phân biệt là ngôn từ. Ngôn từ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các ý niệm phân biệt cho con người.

Đôi điều cần biết về ngôn từ

Trước hết, chúng ta cần lưu ý, khi mới sinh ra không ai biết gì về ngôn ngữ. Nếu một cá nhân không được hướng dẫn, dạy dỗ, không có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với ngôn ngữ thì cá nhân ấy khi lớn lên vẫn không biết sử dụng ngôn ngữ. Điều đó cho thấy, ngôn ngữ không phải là một hiện tượng tự nhiên mà là một hiện tượng tập thành. Ngôn ngữ chỉ được hình thành sau quá trình huân tập.

Ngôn ngữ với tính cách uyển chuyển của nó đã cho phép tạo ra vô vàn ý niệm phân biệt. Như cũng là màu xanh mà có xanh nhạt, xanh đậm… càng có nhiều ý niệm phân biệt thì ý thức phân biệt càng phát triển, kéo theo sự phát triển của tư duy. Vì thế, chính ngôn từ và sự giáo dục đã làm cho con người khác hẳn các sinh vật khác.

Thông thường, một đứa bé bắt đầu tiếp cận với ngôn ngữ bằng cách tập gọi tên các sự vật quen thuộc. Việc gọi được tên các sự vật góp phần tạo ra sự nhận thức tách biệt rạch ròi giữa các sự vật. Song song với quá trình tách biệt các sự vật với nhau, là tiến trình gắn thuộc tính cho từng sự vật. Điều này dẫn đến một cách nhận thức mới. Đó là cách nhận thức về các sự vật trong thế giới thông qua ngôn từ. Đây là môi trường hoạt động chính của ý thức phân biệt.                         

Nhìn trên chiều sâu của tâm, ngôn từ đã hình thành theo phương thức sau: Khi một đứa bé được chỉ dạy cái này là bàn, cái này là ghế… thì hình ảnh và tên gọi của các vật sẽ được ghi nhận và lưu trữ trong tâm. Nếu việc chỉ dạy này diễn ra nhiều lần, về sau khi bắt gặp các vật đó, đứa bé sẽ gọi được tên các vật đó.

Sau khi ghi nhận, ngôn từ và hình ảnh của sự vật đều được lưu trữ trong tâm. Nói chính xác là được lưu trữ trong thức thứ tám. Vì sao? Vì 5 thức ngoài hoạt động có gián đoạn và chỉ duyên với các cảnh hiện tại, nên ngôn từ và hình ảnh không thể lưu trữ ở đó. Chúng cũng không thể được lưu trữ nơi ý thức, vì ý thức hoạt động có gián đoạn. Lại nữa, nếu được lưu trữ ở ý thức thì chúng ta phải thường thấy chúng. Trên thực tế, ngôn từ về một sự vật nào đó chỉ xuất hiện lúc thích hợp. Lúc bình thường nó không xuất hiện nơi ý thức. Do có khả năng lưu trữ đó mà thức thứ tám còn có tên là “tạng thức”, là kho chứa các chủng tử thức.

Trong thời điểm hiện tại, khi mắt bắt gặp một sự vật mà ta có thể gọi tên chúng, điều đó cũng có nghĩa là tên gọi các sự vật đã được lưu trữ trong tạng thức. Nói theo Phân tâm học, là đã được lưu trữ trong vô thức. Nếu trước đây ta chưa từng biết tên các sự vật đó, thì ở hiện tại khi bắt gặp các sự vật đó, ta không thể biết tên gọi của chúng.

(Còn tiếp)