Trang chủ Nghiên cứu Ý nghĩa yếu tố huyền sử trong lịch sử Đản sinh của...

Ý nghĩa yếu tố huyền sử trong lịch sử Đản sinh của Đức Phật

145

Thế nên, hàng năm Phật giáo đồ trên khắp cõi hành tinh này hân hoan đón mừng Đại lễ Khánh đản bằng tấm lòng tôn kính. Mục đích cuối cùng là để phô diễn tận cùng hình ảnh Phật đản sinh qua những yếu tố huyền sử hóa thân từ huyền thoại có xuất xứ từ Kinh tạng, được xem như là những tác phẩm văn học Phật giáo. Đó là mô thức Phật đản sinh được giới Phật giáo đồ diễn trình bằng hình ảnh Ngài từ cung trời Đâu Suất cưỡi con voi trắng sáu ngà hiện xuống ứng mộng với hoàng hậu Ma Da. Sau đó, Ngài thị hiện giữa cõi đời nhân lúc mẫu thân giơ tay vin cành Vô ưu trong vườn Lâm Tỳ Ni và liền cất bảy bước chân đi hóa hiện trên bảy đóa hoa sen diệu kỳ. Ngài dõng dạc tuyên bố như là một thông điệp giải thoát với âm vang rung động trời đất: “Trên trời dưới đất, duy Ta là độc tôn”.


 


Rõ ràng, chính các yếu tố huyền sử được xuất phát từ những huyền thoại trong Kinh Hi hữu vị tằng hữu pháp – A hàm, cũng như Kinh Đại bổn – Nikaya làm cho lịch sử Đản sinh của Ngài, từ con người bình thường trần thế lại hóa thân trở thành con người phi thường ngay giữa đời này. Với lòng tịnh tín bất động đối với Như Lai, con người phi thường như Ngài lại thị hiện, sống mãi trong tâm thức mỗi con người.


 


Xem ra, những bài kinh có tính văn học, ngay từ khi ra đời đã gắn liền với huyền thoại. Suy cho cùng, huyền thoại là một kho tư liệu vô cùng quý giá nằm trong ký ức nhân loại. Huyền thoại nghiễm nhiên trở thành vô thức tập thể thông qua các biểu mẫu, siêu mẫu, cứ thế ăn sâu vào tiềm thức người đọc mà di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Các nhà trước tác mặc nhiên sử dụng các yếu tố huyền thoại, trước hết như là một biểu tượng, một ẩn dụ để nói lên ý nghĩa tác phẩm đằng sau một hệ thống ngôn ngữ được diễn đạt qua một lớp ngôn từ, hình ảnh cụ thể với những chi tiết cực kỳ sinh động. Vì thế, huyền thoại được sử dụng để đi vào giấc mộng, đi vào cõi vô thức của nhân vật và hóa hiện thật phi thường. Từ đó, yếu tố huyền thoại được nối kết thật chặt chẽ để tạo ra tính liên văn bản của tác phẩm tưởng chừng như thật hoàn toàn, khiến cho người ta dù ở  và sống với các nền văn hóa khác nhau vẫn có thể hiểu nhau như là thông điệp chung của nhân loại. Tuy nhiên, các nhà trước tác tùy theo tính chất của tác phẩm mà trong quá trình sáng tác có thể biến cải, chuyển đổi huyền thoại thành huyền sử để có nhiều giá trị tư tưởng nghệ thuật hơn.


 


Chúng ta không có gì ngạc nhiên để nhìn nhận hoàng hậu Ma Da ứng mộng mang thai cho đến ngày hạ sinh Ngài. Voi trắng sáu ngà là một biểu tượng của Bồ tát thanh tịnh với muôn hạnh cứu đời. Voi tượng trưng cho sức mạnh hùng dũng luôn hướng về phía trước. Sáu ngà lại càng đặc biệt hơn, vì thực tế không có con voi nào sáu ngà, nhưng đây lại biểu đạt hình tượng Bồ tát thành tựu được Lục độ ba la mật. Thế nên, voi trắng là cũng là hình tượng Đức Phật hóa thân. Ngài chính là Bồ tát Hộ Minh từ cung trời Đâu Suất, cưỡi voi trắng sáu ngà ứng mộng với hoàng hậu Ma Da, sau đó Bà mang thai và sinh ra Ngài. Khi Đản sinh, Ngài không như những con người bình thường khác mà được hóa hiện bằng hình tượng siêu thực nhưng vô cùng sống động như kinh Hi hữu vị tằng hữu pháp mô tả:


 


“Vị Bồ tát khi sinh ra Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng về phía Bắc bước đi bảy bước, một lọng trắng được che lên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương lên tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau: “Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn trên đời! Nay là đời sống cuối cùng, không còn tái sinh ở đời này nữa…”.


 


Rõ ràng, hình tượng siêu thực của Phật đản sinh xuất phát từ trong hiện thực. Ngài được sinh ra, lớn lên trong đời. Mỗi bước đi của Đức Phật là mỗi bước làm hóa hiện hạnh nguyện từ bi trí tuệ đem đến tình yêu và hạnh phúc cho muôn loài. Vì thế, kinh điển thường diễn tả Ngài như hoa sen sinh ra trong bùn, mọc lên trong bùn mà không bị nhiễm ô mùi bùn. Thế Tôn cũng thế, sinh ra trong đời, lớn lên trong đời mà không nhiễm mùi đời. Cho nên hoa sen được biểu tượng cho hình ảnh của Ngài. Phật là hoa sen, hoa sen là Phật. Khi Ngài sinh ra bước đi trên bảy đóa hoa sen là hình ảnh biểu đạt con đường đi đến thăng chứng qua bảy giai trình tu tập: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát Thánh đạo. Nói chung là 37 phẩm trợ đạo. Đây chính là con đường đưa Ngài đến thành tựu Vô thượng Bồ đề. Bảy đóa hoa sen cũng biểu trưng cho bảy vị Phật thị hiện để giáo hóa chúng sanh ở đời.


 


Và lời tuyên bố “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” (trên trời dưới đất, duy Ta là độc tôn) là một sự thật minh chứng cho tiến trình tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ, đạt quả vị Niết bàn là cao quý nhất ở đời mà Thế Tôn đạt được. Một con người nếu không thành tựu trí tuệ vô thượng và giải thoát Niết bàn thì cũng đều bị tác động sự biến hoại của luật vô thường, chẳng có gì cao quý cả. Chỉ có sự chứng ngộ chân lý là cao quý nhất mà không bị bất cứ luật gì ở đời chi phối. Nói theo Chánh pháp, ai thành tựu được trí tuệ vô thượng, an trú tâm đại bi, người đó là độc tôn. Phật là mẫu người như thế nên Ngài xưng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” là sự thật hiển nhiên.


 


Vả lại, thời kỳ Đức Phật đản sinh là thời kỳ triết thuyết Bà La Môn giáo thịnh hành trong xã hội Ấn Độ. Chỉ có Bà la môn là cao quý, Phạm thiên tạo hóa sinh ra muôn loài. Chúng sanh hiện hữu đều do Phạm thiên, thần chủ Bà la môn mà được sinh ra ở đời. Các bậc Thánh nhân cũng thế. Sự Đản sinh của Thế Tôn là nhằm bác bỏ quan điểm truyền thống sai lầm đã ăn sâu trong tín ngưỡng người Ấn Độ bấy giờ. Trên hết, Ngài thị hiện ở đời để xác chứng Ngài sinh ra không phải từ Phạm thiên, Bà la môn nào cả mà Ngài sinh ra từ kết quả nghiệp lành và công hạnh đã tạo lập nhiều đời, nhiều kiếp trong sự nỗ lực tu hành thành tựu quả vị Niết bàn. Sự kiện Phật đản sinh được diễn trình trong bối cảnh hào quang chiếu rọi kỳ diệu và mười ngàn thế giới rung động là để minh chứng có một thế giới giải thoát là có thật. Nó có tác động mạnh mẽ làm chuyển hóa tâm thức chúng sanh muôn nơi, rung động mọi thế giới cho những ai biết hướng tâm nỗ lực tu hành thành Phật. Do đó, Ngài tuyên bố: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.


 


Đạo Phật là đạo đến để thấy! Thấy để mà tu hành! Tu hành để thành Phật. Phật đản sanh hôm nay chính là Phật đản sinh trong lòng khi chúng ta cất tiếng kinh cầu, sống theo lời Phật dạy, từng bước nở đóa hoa sen, hướng về miền đất an lạc.