Trang chủ Tết Việt Phong tục Ý nghĩa và những tục lệ ngày Tết Nguyên đán ở Việt...

Ý nghĩa và những tục lệ ngày Tết Nguyên đán ở Việt Nam

68

– Sửa soạn: trong tuần lễ trước tết, nhiều gia đình đi viếng mộ của người thân, đắp thêm đất, dọn cỏ, thắp nhang khấn mời hương linh người thân về vui tết với gia đình.


Ngày 23 tháng 12 âm lịch: mọi nhà làm cơm cúng tạ ơn và tiễn đưa ông Táo về trời. Đây cũng là lúc mọi người sắm sửa chuẩn bị đón năm mới.


Từ ngày 25 trở đi nhiều nhà đã bắt đầu gói bánh chưng để cúng tết, đem biếu và để dành trong ăn mấy ngày đầu năm. Tết còn không thể thiếu mâm ngũ quả bày trên bàn thờ. Gọi là mâm ngu quả nhưng thực chất không có ai quy định phải là các loại quả gì. Mỗi loại quả có màu sắc, hương vị và hình dạng đặc trưng đều có một ý nghĩa nhất định. Mâm ngũ quả dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu và ước mong những điều tốt lành.


– Giao thừa: là đúng 12 giờ đêm của ngày cuối cùng trong năm. Đây là giây phút thiêng liêng nhất. Lúc này chuông nhà thờ đổ dồn giã, tiếng chuông đại hồng bên chùa ngân vang, tiếng trống đình làng vang vọng, tất cả nhộn nhịp báo tin năm mới vừa đến.


Trước khi trời tối, bàn thờ cúng trời đất để sẵn ngoài lộ thiên và bàn thờ cúng tổ tiên ở trong nhà đã được bày biện sẵn. Phút giao thừa, người chủ gia đình mặc quần áo tề chỉnh, thắp hương, hai tay chắp trước ngực khấn lễ mời hương linh ông bà, tổ tiên về ăn tết với gia đình và phù hộ cho gia đình con cháu gặp mọi điều tốt đẹp, may mắn trong năm mới.


Trong đêm giao thừa nhiều gia đình đi chùa lễ Phật. Theo truyền thống, họ thường hái lộc là những nhánh cây có lá non nụ mới, như xin Phật được sự tươi mát cùng phước lành mang về nhà.


– Mồng 1 tết: là ngày đầu tiên của năm mới và thường dành riêng cho gia đình mình. Trẻ con, người lớn đều mặc quần áo đẹp quây quần bên nhau. Con cháu bắt đầu chắp tay trước ngực cung kính mừng tuổi và chúc tết, chúc sức khỏe ông bà, cha mẹ. Sau đó, ông bà, cha mẹ và người lớn lì xì mừng tuổi cho trẻ con. Lì xì là tặng một chút tiền, thường là tiền giấy mới tinh, gọi là chút quà đem lại may mắn cho trẻ chăm ngoan, học giỏi.


Thức ăn, bánh trái, kẹo mứt, rượu bia thuốc lá, hoa quả đã bày đầy trên bàn thờ, giờ đây mọi người tới lễ lạy tổ tiên, rồi khi nhang tàn hạ thức ăn xuống cả nhà cùng ăn, nói cười rộn rã.


Người khách đầu tiên bước vào nhà gọi là xông đất, được ví như là người mang đến vận may hay rủi cho gia chủ năm đó. Thế nên có nhiều gia đình rất cẩn thận, họ xếp đặt để chọn người khỏe mạnh tươi tắn, hợp tuổi với chủ nhà để “xông đất” với mong ước sẽ mang nhiều may mắn đến nhà mình.


– Mồng 2 tết: là ngày thứ hai trong năm mới, thường dành để thăm viếng và chúc tết gia đình bên vợ và gia đình những người bạn thân.


– Mồng 3 tết: là ngày thứ ba trong năm mới. Mối dây liên hệ mở rộng ra ngoài phạm vi gia đình. Người ta đi chúc tết thầy cô giáo, hàng xóm, bạn bè… Tối ngày này là bữa cơm cúng tiễn đưa tổ tiên về lại thiên đường.


– Mồng 4 tết: là ngày thứ tư, là ngày chẵn tốt ngày. Nhiều người thường chọn ngày này để bắt đầu mở cửa bán hàng kinh doanh hay làm việc. Khi xưa, các vị học giả nhà nho cũng cẩn thận chọn ngày tốt, giờ tốt đem bút giấy ra khai bút làm thơ hay viết câu đối.


Ta thường nói “Ba ngày tết” nhưng thật ra không khí tết kéo dài cả tháng. Những lễ hội mừng tết lan rộng từ phạm vi gia đình, tới họ hàng, tới hàng xóm rồi tới làng xã, đâu đâu cũng có hội mừng xuân. Các thôn làng thường tổ chức văn nghệ và hội múa cho cả làng tham dự. Rồi các cuộc thi đua tranh tài được diễn ra trong sân đình làng để mua vui. Tất cả mọi người vui đùa với nhau, họ sống trong sự hòa thuận và đoàn kết. Đó là ý nghĩa tuyệt vời của ngày Tết Nguyên đán ở Việt Nam.