Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Ý nghĩa thực chứng của Đức Phật tổ Thích Ca Mâu Ni

Ý nghĩa thực chứng của Đức Phật tổ Thích Ca Mâu Ni

395

Không tìm được Chân Thiện Mỹ nơi các thầy Bà La Môn, Ngài cương quyết thực hành phương pháp khổ hạnh. Chưa một ai trong lịch sử nhân loại kiên trì khổ hạnh như Ngài. Ngay cả tuyệt thực, tiết chế hơi thở cho đến khi thân thể hao mòn, thịt khô máu cạn, chỉ còn da bọc xương cũng không lay chuyển được ý chí sắt đá của Ngài.

Mặc dù ý chí kiên cường nhưng xác thân đã quá kiệt quệ. Một hôm Ngài ngã quị bên dòng sông Ni Liên Thiền (Neranjarà). Khi tỉnh dậy, Ngài mới nhận ra rằng con đường khổ hạnh đến tột cũng chỉ là hành hạ thân xác, mà trí tuệ lại càng thêm thoái hóa.

Mặc dù không lợi dưỡng, nhưng cần phải có một xác thân tráng kiện thì tâm hồn mới lành mạnh, trí tuệ mới minh mẫn. Như một nhạc công sử dụng đàn, nếu dây lên quá căng thì sẽ đứt, nhưng nếu quá chùng thì đàn sẽ không thành tiếng, chỉ có dây lên vừa phải thì tiếng đàn mới thanh tao. Cũng vậy, chỉ có con đường trung đạo, không lợi dưỡng, không khổ hạnh ép xác mới đưa đến cứu cánh giải thoát.

Nghĩ như thế, Ngài liền xuống sông Ni Liên tắm rửa và bắt đầu trì trai khất thực. Sau khi thọ thực, sức khoẻ được phục hồi; Ngài ngồi tĩnh tọa dưới cội cây Bồ đề trên một nắm cỏ khô và tham thiền nhập định.

Nhờ năng lực an trụ của chỉ thiền, như một bình nước đã được lắng trong không còn một chút bợn nhơ, Ngài cảm thấy tâm hồn khinh an thư thái và sáng suốt lạ thường. Với tâm trí minh mẫn đó, dần dần Ngài hồi tưởng đến những kiếp sống quá khứ của mình.

Ngài nhớ rõ trong những kiếp xa xưa ấy Ngài đã sống ở đâu, thuộc giai cấp nào, vui khổ ra sao và sinh sinh tử tử trong những cảnh giới nào. Tất cả chi tiết trong các kiếp sống trầm luân của Ngài đã hiện lên trong ký ức rõ ràng như một cuốn phim chiếu trên màn ảnh. Vào canh một, khi đang chú tâm quan sát những hiện tượng sinh diệt của kiếp sống, bỗng nhiên Ngài chứng ngộ được tuệ giác đầu tiên tức là Túc Mạng Minh (Pubbe nivàsànussàti Nàna).

Kế đến Ngài suy xét đến kiếp sống thăng trầm của chúng sinh trong vòng sanh tử luân hồi để tìm ra nguyên nhân nào khiến cho người thì sang giàu, kẻ khốn khổ, người thông minh, kẻ ngu dốt và vì sao chúng sinh vẫn mãi đắm chìm trong bể sinh tử không thể thoát ra khỏi định luật vô thường, khổ não.

Nhờ trí tuệ sáng suốt, trong canh hai Ngài đã tìm ra giải đáp và chứng ngộ tuệ giác thứ nhì là Thiên Nhãn Minh (Cutùpapàta Nàna), tức là trí tuệ thấu triệt nguyên nhân sanh tử luân hồi của tất cả chúng sanh. Ngài biết rằng do nơi nghiệp thiện và bất thiện phát xuất từ thân, khẩu, ý mà chúng sanh sinh trưởng trong những cảnh giới khác nhau, trình độ khác nhau.

Đến canh ba, Ngài lại dùng trí tuệ soi xét và tìm kiếm phương pháp nào khả dĩ chấm dứt dòng trầm luân sinh tử. Ngài nhận thức rằng: "Đây là khổ, là phiền não và ô nhiễm. Đây là nguyên nhân đau khổ, phiền não và ô nhiễm. Đây là sự diệt tận mọi khổ đau, ô nhiễm. Và đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt mọi phiền não khổ đau."

Nhận thức như thế, tâm Ngài đã được giải thoát ra khỏi dục lậu, hữu lậu, kiến lậu và vô minh lậu. Từ đó dòng sinh tử luân hồi đã hoàn toàn chấm dứt đối với Ngài. Đó chính là tuệ giác thứ ba mà Ngài đã chứng ngộ tức là Lậu Tận Minh (savakkhaya Nàna) vậy.

Khi cuộc chiến thắng vinh quang vừa viên mãn, cả tam thiên đại thiên đều rúng động, hào quang ngũ sắc từ thân Ngài chiếu khắp tam giới. Chư thiên trong mười muôn triệu thế giới ta bà đều đồng thanh tung hô Ngài là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật và Thế Tôn.

Quả thật cuộc chiến thắng vẻ vang của Thái Tử Sĩ-Đạt-Ta có một ảnh hưởng sâu xa đối với nhân loại. Chúng ta không lấy làm lạ khi nhiều người tôn Ngài là bậc vĩ nhân, hoặc xem Ngài như một nhà đại cách-mạng, giải phóng con người ra khỏi hai thứ xiềng xích nô lệ: tinh thần nô lệ thần linh, thể chất nô lệ giai cấp xã hội.

Chúng ta thử đưa ra vài nhận xét về ý nghĩa bài học chiến thắng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

1. Bài học Hy Sinh và Kiên Trì: Sức chịu đựng gian khổ, Đức tính nhẫn nại bất thối chuyển và ý chí tinh tấn vô tiền khoáng hậu của Ngài quả là một bài học vô giá đối với những ai muốn noi gương Ngài đi tìm chân lý. Mặt khác, đức tính hy sinh của Ngài quả thật vô bờ bến. Mấy ai dám từ bỏ tiền tài danh vọng để đổi lấy đời sống tu hành khắc khổ, thế mà Thái Tử đã lìa bỏ cung điện nguy nga và khước từ quyền uy của một vị Chuyển Luân Thánh Vương để dấn thân vào con đường chông gai hiểm trở, miễn là thực hiện được lý tưởng tự giác giác tha.

2. Bài học Trung Đạo: Thời bấy giờ ai cũng tin tưởng rằng thờ phụng thần linh hoặc khổ hạnh ép xác mới được cứu rỗi. Có người tương đối sáng suốt hơn cho rằng thân xác là nơi phát xuất những tội lỗi, những ham muốn nhục dục. Bao lâu không còn nô lệ ở thân xác thì tâm hồn mới được thanh thoát, do đó họ hành hạ xác thân cho đến khi sức cùng lực tận để mong thoát khỏi ái dục. Nhưng Đức Phật đã chứng nghiệm rằng khổ hạnh quá đáng là vô ích, vì tâm hồn chỉ minh mẫn trong thân thể lành mạnh.

Như vậy chỉ có con đường Trung đạo, không thái quá, không buông lung, mới đưa ta đến cứu cánh giải thoát. Con đường Trung đạo đó là phương pháp duy nhất để chế ngự thân, khẩu, ý hầu hướng dẫn hành động, lời nói và tư tưởng theo lẽ chánh.

3. Bài học Thực Chứng: Hầu hết các tôn giáo thời bấy giờ đều dạy phải thờ cúng thần linh và con người phải quy phục trước uy quyền thưởng phạt của Thượng đế. Sự thực chứng của Ngài chứng minh rằng tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Bất cứ ai kiên trì, nhẫn nại, tinh tấn bất thối chuyển như Ngài cũng có thể tự mình giải thoát, giác ngộ và trở thành bậc siêu phàm. Mỗi cá nhân có quyền tự do lựa chọn cho mình một hướng đi và chịu trách nhiệm về mọi hành động của mình. Trong sạch hay ô nhiễm, hạnh phúc hay khổ đau, trầm luân hay giải thoát đều do mình tạo ra.

Đây quả là một cuộc cách mạng giải phóng tư tưởng nô lệ mà trong đó con người phải phục tùng Thượng đế chứ không thể trở thành Thượng đế của chính mình. Có nô lệ chăng là con ngừời nô lệ nơi chấp ngã vì đã tự tạo và tự trói buộc mình trong một thứ xiềng xích Vô Minh, Ái Dục. Từ sự nô lệ đó con người trở thành phàm phu, thấp hèn. Chừng nào giải phóng ra khỏi những thằng thúc ấy con người mới được giải thoát và trở thành thánh nhân, chứ không cần đến một đấng quyền uy cứu rỗi.

Đức Phật cũng là một nhà đại cách mạng, chủ trương san bằng giai cấp khi Ngài dạy rằng: "Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn. Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ". Ngài chứng tỏ rằng một người trong giai cấp hạ liệt có thể tự giác và trở thành toàn thiện. Trái lại, một người trong giai cấp vua chúa hay Bà La Môn nếu hành động đê tiện, không sáng suốt thì vẫn là kẻ hạ liệt.

Chúng ta còn học được ở sự thực chứng của Ngài bài học "Chiến thắng được mình là một chiến công oanh liệt". Bên trong mỗi người đều có một đạo quân rất hùng hậu đang ngự trị đời sống của họ. Muốn đánh đuổi thứ ngoại xâm đó không phải là dễ, vì giặc phiền não đã nằm ngay trong những phần sâu kín nhất của tâm hồn chúng ta và đã trở thành một thứ nội tuyến nguy hiểm mà Albert Camus gọi là "Kẻ lạ mặt".

Hành động của chúng ta hằng ngày bị chúng chi phối mà không hề hay biết. Khi tĩnh tọa dưới cội cây Bồ Đề, chính Thái Tử Sĩ-Đạt-Ta đã đối diện với những đạo binh ma này và đã hàng phục chúng trước khi trở thành bậc Chánh đẳng Chánh Giác. Bất cứ ai muốn hoàn thành sứ mạng tự giác giác tha phải rèn luyện ý chí quật cường và tinh thần dũng cảm để phấn đấu vì "Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình".

Cuối cùng, chúng tôi xin trích dẫn lời ca ngợi Đức Phật của học giả H. G Wells sau đây: "Nơi Đức Phật ta thấy rõ ràng là một con người giản dị, có lòng nhiệt thành; một mình tự lực phát huy ánh sáng tươi đẹp, một nhân vật sống thực, một con người như mọi người, chứ không phải một nhân vật thần thoại ẩn hiện trong nhiều truyện hoang đường. Ngài cũng ban cho nhân loại lời khuyên bảo có tính cách phổ thông. Nhiều quan niệm tân tiến và đạo đức của thế hệ tân thời đều tương hợp với giáo lý ấy".

Và Sri Radhakrishman cũng nói rằng: "Nơi Đức Phật Cồ Đàm ta nhận thấy một tinh hoa toàn thiện của người Đông Phương, ảnh hưởng Ngài trong tư tưởng và đời sống nhân loại là một kỳ công hy hữu cho đến nay không thua kém ảnh hưởng của bất cứ một vị giáo chủ nào trong lịch sử. Mọi người đều sùng kính, tôn Ngài là người đã dựng nên một hệ thống tôn giáo vô cùng thâm cao huyền diệu. Ngài thuộc về lịch sử tư tưởng thế giới. Ngài là kết tinh của người thiện trí. Đứng về phương diện trí thức thuần túy, đạo đức trang nghiêm và tinh thần minh mẫn, chắc chắn Ngài là một trong những bậc vĩ nhân cao thượng nhất của lịch sử".

Trích từ sách Con đường hạnh phúc