‘Kathina’ có nghĩa là bền chặt, không dễ bị vỡ vụn. Gọi là Đại lễ Kathina vì đại lễ này bền vững do bao gồm nhiều qui định quan trọng đưa đến sự viên mãn của sự cúng dường, đó là những yếu tố thù thắng về tâm thí, thời thí, vật thí, người thọ thí, và cung cách thí.
Chữ Kathina còn được dịch là Y công đức, có nghĩa là thọ lễ này được 5 công đức trong 5 tháng, là kể từ ngày ra Hạ vào rằm tháng 9 đến rằm tháng 2 âm lịch. Cũng gọi là Y thưởng thiện – phạt ác, nghĩa là thầy Tỳ-khưu nào an cư nhập Hạ đúng theo luật của Ðức Phật thì có công đức lành nên được thưởng y này, còn những thầy Tỳ-Khưu nào phi pháp, phá an cư, đứt Hạ thì phạt bằng cách không được y này.
Thời Đức Phật tại thế, Ngài và chư Tăng có nếp sống du phương nghĩa là đi từ nơi nầy sang nơi khác để hoằng hoá độ sanh. Ở Ấn Độ từ Rằm Tháng Sáu đến Rằm Tháng Chín Âm lịch là mùa mưa; côn trùng sanh nở, cây cối đâm chồi nẩy lộc, việc đi lại khó khăn. Đức Phật và chư Tăng an cư tại một nơi có mái che trong suốt thời gian nầy.
Đây cũng là dịp để chư tăng trau giồi pháp học, pháp hành. Thông thường, chư Tăng chính thức nhập hạ từ rằm tháng sáu đến rằm tháng chín, gọi là Tiền an cư (Purimikāvassā). Nếu có việc chẳng đặng đừng thì nhập hạ sau đó một tháng tức từ rằm tháng bảy đến rằm tháng mười, gọi là Hậu an cư (Pacchimikāvassā).
Đức Phật luôn khuyến khích đệ tử cúng dường đến Chư Tăng, vì Chư Tăng là người đại diện Như lai duy trì Phật Pháp khi Như Lai tịch diệt- Niết bàn. “Này Ānanda, Như Lai chưa bao giờ nói rằng cúng dường đến cá nhân riêng lẽ sẽ hưởng phước báu nhiều hơn làm phước thiện dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng (Tăng Đoàn)”.
Quả phước của việc dâng y Kathina
Chính Đức Phật tuyên thuyết cho chư Tỳ-kheo sau ba tháng An cư về tầm quan trọng của “sự cúng dường Y Kathina”: Này chư Tỳ kheo, ví như Đại núi Thiết Vi to lớn, dù cơn gió lớn nhất cũng không thể làm di chuyển hay lay động được, cũng thế công đức tích luỹ của người cúng dường Y Kathina cũng to lớn và vững chắc như vậy.
Trong thời kỳ Phật giáo hiện đang còn tồn tại trên thế gian, chư Tỳ khưu hiện đang còn tồn tại, đó là một cơ hội tốt hiếm có, cũng rất hy hữu để cho những thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có dịp tốt làm phước bố thí cúng dường tam y, bát và các thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng, rồi phát nguyện kiếp sau gặp Đức Phật xin xuất gia trở thành Tỳ khưu theo cách “Ehi Bhikkhu!” (thiện lai Tỳ Kheo). Nhất là trong dịp lễ dâng y kathina thì lời phát nguyện của mình sẽ thành tựu như ý, bởi vì buổi lễ dâng y kathina có nhiều phước thiện lớn lao vô lượng, phát nguyện điều gì mà chẳng thành tựu được! Chắc chắn sẽ thanh tựu như ý.
Để thành tựu những quả báu của phước thiện bố thí lớn lao vô lượng, thì cần phải hợp đầy đủ những nhân tố cần thiết như:
– Vật thí phải được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch.
– Thí chủ có tác ý thiện tâm (tác ý) hoàn toàn trong sạch.
– Bậc thọ thí là người hành pháp cao thượng.
– Đức Phật thuyết giảng bài pháp Pakiṇṇakadesanā so sánh quả báu củamột lần làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng như sau:
Này các hàng Thanh Văn đệ tử !
Các con lắng nghe quả báu một lần
Dâng y ka-thi-na đến chư Tăng.
Hằng ngày dâng cúng dường đến chư Tăng,
Nhiều vàng bạc và các thứ châu báu,
Chất cao từ cõi người đến cõi trời,
Phạm thiên sắc giới Sắc cứu cánh thiên,
Không bằng quả báu một phần mười sáu,
Của một lần dâng y ka-thi-na,
Đến chư Tăng đã an cư nhập hạ.
Các con lắng nghe quả báu một lần
Dâng y ka-thi-na đến chư Tăng.
Hằng ngày dâng cúng dường đến chư Tăng,
Nhiều vàng bạc và các thứ châu báu,
Chất cao từ cõi người đến cõi trời,
Phạm thiên sắc giới Sắc cứu cánh thiên,
Không bằng quả báu một phần mười sáu,
Của một lần dâng y ka-thi-na,
Đến chư Tăng đã an cư nhập hạ.
Mỗi ngày có được trăm con voi quý,
Trăm con ngựa quý, trăm xe ngựa quý,
Trăm ngàn cô gái đeo bông tai ngọc,
Không bằng quả báu một phần mười sáu,
Của một lần dâng y ka-thi-na,
Đến chư Tăng đã an cư nhập hạ.
Hằng ngày dâng cúng dường đến chư Tăng,
Những thứ vật dụng dù nhiều bao nhiêu,
Không bằng quả báu một phần mười sáu,
Của một lần dâng y ka-thi-na,
Đến chư Tăng đã an cư nhập hạ.
Xây tám mươi bốn ngàn ngôi chùa lớn,
Làm pháp toà bằng các thứ châu báu,
Rồi hằng ngày cúng dường đến chư Tăng,
Sự cúng dường ấy có quả báu lớn,
Thật vĩ đại, cho quả được an lạc,
Không bằng quả báu một phần mười sáu,
Của một lần dâng y ka-thi-na,
Đến chư Tăng đã an cư nhập hạ.
Hằng ngày dâng cúng dường đến chư Tăng,
Lâu đài bằng vàng và các châu báu,
Cao đến cõi trời Sắc cứu cánh thiên,
Sự cúng dường ấy có quả báu lớn,
Thật vĩ đại, là nhân sanh sự an lạc,
Không bằng quả báu một phần mười sáu,
Của một lần dâng y ka-thi-na,
Đến chư Tăng đã an cư nhập hạ.
Bởi vì lễ dâng y ka-thi-na,
Đến chư Tăng đã an cư nhập hạ,
Tỳ khưu thọ y, chư Tăng hoan hỷ,
Được hưởng quả báu 4 giới không phạm,
Suốt thời gian hưởng quả báu dâng y.
Vì vậy, Như Lai dạy các con rằng:
Phước dâng y ka-thi-na cao quý,
Hơn tất cả mọi phước bố thí khác,
Cho nên người có trí tuệ quán xét,
Sự lợi ích sự an lạc của mình,
Trong mùa lễ dâng y ka-thi-na,
Nên làm lễ dâng y ka-thi-na,
Đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư,
Nhập hạ trong suốt 3 tháng mùa mưa.