Trang chủ Diễn đàn Ý nghĩa của việc Tổng Bí thư chúc tết Đức Pháp chủ

Ý nghĩa của việc Tổng Bí thư chúc tết Đức Pháp chủ

350

 

Có thể có một số bạn đọc coi sự kiện này là một điều bình thường, tương tự như những chuyến thăm viếng của các nhà lãnh đạo đối với các tổ chức tôn giáo, nhân dịp tết đến, hay trước các cuộc lễ quan trọng của mỗi tôn giáo, như Noel, Phật Đản…
 
Nhưng, theo ý kiến riêng của chúng tôi cuộc viếng thăm, chúc tết Đức Pháp chủ của ông Tổng Bí thư có một ý nghĩa hết sức đặc biệt, mà dưới đây, xin phép được trình bày chi tiết:
 
Thông thường, việc viếng thăm và chúc mừng các tổ chức tôn giáo nhân các ngày tết, lễ tôn giáo thường do quý vị lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, cụ thể là các vị phụ trách công tác văn xã, công tác dân vận, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, lãnh đạo các cơ quan dân cử, lãnh đạo cơ quan phụ trách tôn giáo và dân tộc, lãnh đạo các đoàn thể tổ chức xã hội… phụ trách. Hầu như, không có việc tham gia của các vị lãnh đạo Đảng vào việc này.
 
Địa điểm các cuộc viếng thăm chúc mừng đều là trụ sở của tổ chức tôn giáo (như đến các Tòa Giám mục, trụ sở Trung ương và địa phương của Giáo hội Phật giáo, Văn phòng các Hội thánh…).
 
Như thế, chúng ta đã thấy ý nghĩa đặc biệt của cuộc viếng thăm chúc túc tết Đức Pháp chủ của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
 
  Đây là cuộc viếng chúc tết Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, và cùng đi, có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Phạm Phạm Quang Nghị. Dường như, đây là hân hạnh chưa từng có của Phật giáo Việt Nam. Xin lưu ý, đây là cuộc viếng thăm của các nhà lãnh đạo Đảng, khác với các cuộc viếng thăm của quý vị lãnh đạo Nhà nước và Mặt trận theo thông lệ.
 
Ông Tổng Bí thư và Bí thư Thành ủy đã đến tận chùa riêng, trú xứ của Đức Pháp chủ ở tận ngoại thành Hà Nội để thăm viếng. Đây quả là thịnh tình đặc biệt.
 
Những bức ảnh đăng trên các trang mạng Phật giáo cho thấy cả hai phía, Đức Pháp chủ và các vị lãnh đạo Đảng đều có sự tương kính trang trọng, đặc biệt là theo phong cách Phật giáo. Hai bên chắp tay cung kính xá chào nhau theo nghi thức nhà Phật.
 
Những nụ cười hân hoan, chân thành, thắm đượm tình cảm quý mến, tràn ngập trên các bức ảnh chụp cuộc viếng thăm của Ông Tổng Bí thư. Cái tình đó, cũng là điểm hết sức đặc biệt. Nó khác hẳn với những nụ cười xã giao, nghi thức…
 
Cần mở rộng sự so sánh ở phạm vi rộng hơn để nhìn thấy ý nghĩa đặc biệt của cuộc viếng thăm Đức Pháp chủ của Tổng Bí thư. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại dường như chưa từng có chuyện như thế. Ở miền Nam, trước 1975, dù “tổng thống” chế độ Sài Gòn có khăn đóng áo dài đến Việt Nam Quốc Tự lễ Phật trong một vài dịp lễ Phật Đản hiếm hoi, thì cũng là chuyện hình thức và nghi lễ. Nó chưa bao giờ có tình dân tộc, tình đạo… Còn đối với Phật giáo Ấn Quang, thì sự bạc bẽo, lạnh nhạt từ phía nhà cầm quyền miền Nam trước 1975 là lẽ đương nhiên.
 
Vì vậy, theo chúng tôi, cuộc thăm viếng và chúc tết của Tổng Bí thư đối với Đức Pháp chủ có một ý nghĩa đặc biệt đối với Phật giáo nói riêng, đối với quan hệ giữa Phật giáo và dân tộc nói chung.
 
Sự kiện Tổng Bí thư thăm và chúc tết Đức Pháp chủ vừa thể hiện kết quả của mối quan hệ hết sức tốt đẹp giữa Phật giáo với Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, đồng thời là tín hiệu lạc quan và hứa hẹn sự phát triển tốt đẹp hơn nữa của mối quan hệ đã nói ở trên trong thời gian tới.
 
Theo chúng tôi, truyền thông về sự kiện đại hoan hỷ này bằng một vài bản tin, bài báo… là hoàn toàn không tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa tích cực của sự kiện như đã phân tích ở trên.
 
Chúng tôi xin đề xuất những hình thức truyền thông lâu dài và rộng rãi như sau, nhằm mục tiêu trên hết là khẳng định và thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa Phật giáo Việt Nam và Đảng và nhà nước. Cụ thể là:
 
  Ban ngành có trách nhiệm của Giáo hội tổ chức biên tập xuất bản bộ sách ảnh về các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong quan hệ với Phật giáo (gồm cả quý vị tiền nhiệm). Bộ sách này sưu tập ảnh những cuộc gặp gỡ, thăm viếng của những nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong những năm qua. Đặc biệt, sự kiện Ông Tổng Bí thư thăm và chúc tết Đức Pháp chủ phải là điểm nhấn đặc biệt.
 
Các ban ngành có trách nhiệm của Giáo hội trích tuyển hình ảnh từ bộ sách nói trên xuất bản một bộ ảnh triển lãm khổ lớn, tương tự với những bộ ảnh triển lãm, do Nhà xuất bản Thông tấn, trực thuộc Thông Tấn xã Việt Nam, xuất bản nhằm mục tiêu trưng bày.
 
Bộ ảnh triển lãm khổ lớn nói trên phải được in bằng kỹ thuật chất lượng cao, hoặc làm lamina, để các chùa có thể trưng bày lâu dài, không phai màu, không hư hỏng, như một kỷ vật quý của các chùa.
 
  Các ban ngành của Giáo hội chọn một bức ảnh tiêu biểu nhất, ý nghĩa nhất có khẩu hiệu “Phật giáo luôn gắn bó với dân tộc”, phát hành dưới dạng khổ thật lớn đến các chùa, để treo như ảnh chính ở nơi trang trọng.
 
Làm những việc này, Phật giáo chúng ta không phải “nịnh” nhà nước, mà là góp phần làm sâu sắc, vun đắp, thúc đẩy phát triển mối quan hệ giữa Phật giáo và dân tộc.
 
Điều này lợi chung cho tất cả các bên. Nhất là, nếu ở các địa phương cấp dưới xa xôi, chưa nắm được tinh thần của bước phát triển mới trong mối quan hệ giữa nhà nước và Phật giáo, còn có những việc làm không phù hợp với chính sách, chủ trương cấp Trung ương, thì qua những hình ảnh có ấn tượng mạnh mẽ như thế, chắc chắn, những địa phương cấp dưới, nếu chưa quán triệt chủ trương chung, chắc chắn sẽ có bước chuyển biến tích cực trong quan hệ với Phật giáo, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo điều kiện cho Tăng Ni Phật tử phục vụ tốt hơn cho Dân tộc và Đạo pháp.
 
MT