Trang chủ Diễn đàn Ý kiến Tăng Ni sinh TP. Hồ Chí Minh gửi tới Đại...

Ý kiến Tăng Ni sinh TP. Hồ Chí Minh gửi tới Đại hội PGVN lần VI

76

– ĐĐ.Thích Quảng Hiếu: Vấn đề giáo dục là vấn đề mà tôi và huynh đệ là SV của HVPG cũng như các trường CĐPH, TCPH bức xúc đó là việc đầu tư cho giáo dục của Giáo hội chưa nhiều, thậm chí còn manh mún. Giáo trình chưa nhất quán từ trên xuống dưới, các HVPG chưa có chương trình thống nhất nên chất lượng giáo dục cho Tăng Ni trẻ chưa đồng đều và có sự chênh lệch. Chúng tôi mong Giáo hội nên quan tâm, sớm thống nhất chương trình dạy và học cho Tăng Ni ở HVPG cũng như hệ thống giáo dục Phật giáo. Làm được vậy thì chắc chắn chất lượng dạy và học của Tăng Ni sinh sẽ sớm đạt chuẩn của thế giới.


– ĐĐ.Thích Hạnh Tín:  Việc giáo dục cho Tăng Ni thiết nghĩ là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo hội hiện nay. Học là một mặt song hành cùng tu, tu mà không học là tu mù, do vậy mong Giáo hội cần quan tâm hơn đến công tác giáo dục. Đó là giáo trình phục vụ việc học phải được thống nhất để SV có tài liệu tham khảo nhằm xem đó như kim chỉ nam cho việc nghiên cứu, học tập về giáo pháp của Phật. Ngoài ra, sau khi SV học ra trường, Giáo hội cũng phải bố trí công việc cho những Tăng Ni có tâm muốn đóng góp đã nỗ lực học tập suốt 4 năm trên giảng đường. Nếu không thì sẽ không khuyến khích tinh thần học tập của Tăng Ni trẻ vì họ nghĩ có học ra cũng đâu đem kiến thức ấy phục vụ lại cho mọi người!


– ĐĐ.Thích Chúc Giác, Tăng sinh Trường TCPH TP.HCM: Học tập trong thời buổi hội nhập này quả là nhu cầu cấp thiết, nhất là đối với Tăng Ni trẻ. Rồi đây Phật giáo VN sẽ giao lưu với nhiều nước, nếu Tăng Ni trẻ không đứng ra gánh vác trách nhiệm quảng bá hình ảnh PGVN cũng như đất nước VN thì ai sẽ làm. Tăng Ni trẻ có một thuận lợi là vốn ngoại ngữ khá, kiến thức cũng được cập nhật trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, nếu chỉ học trong nước thì có khi chưa đủ, Giáo hội cần tạo điều kiện để Tăng Ni ra nước ngoài tu học ngõ hầu học hỏi từ thế giới những cái hay về góp phần bổ túc cho PGVN.


Nói thật, nếu tu sĩ hiện nay muốn hoằng pháp, nói chuyện với Phật tử mà không có kiến thức đạo và đời thì rất khó thuyết phục. Vì sao? Vì Phật tử bây giờ họ có trình độ cao, họ thẩm định bằng con mắt khoa học. Do vậy việc hoằng pháp lợi sinh cũng cần những người trẻ đồng trang lứa với họ thực hiện. Điều đó nghĩa là mong Giáo hội trẻ hóa đội ngũ giảng sư cũng như những người làm công tác Phật sự…


– SC.Thích nữ Thông Tiên, Trưởng ngành học tập, SV khóa VI, HVPG: Giáo dục không chỉ dừng lại ở Tăng Ni mà còn một bộ phận khá đông đảo là Phật tử trẻ. Chính họ cũng làm nên màu sắc và góp phần làm hưng thịnh PG và dân tộc. Chúng ta làm sao để gieo vào hạt giống yêu thương cho những Phật tử trẻ để làm đạo đức của họ được tăng trưởng. Hiện nay có quá nhiều “độc tố” từ các phương tiện thông tin như game bạo lực, Internet với những trang web đen đã làm cho nhiều người trẻ đau khổ và bạo động. Mà ai sẽ là người tiếp cận những người Phật tử trẻ, chính là Tăng Ni trẻ. Do vậy giáo dục từ trên xuống, phải làm cho Tăng Ni trẻ thực sự trẻ thì mới gần gũi được các Phật tử trẻ. 


–  SC.Thích nữ Chúc Chơn, SV khóa VII, HVPG VN tại TP.HCM: Những Tăng Ni trẻ như chúng tôi đã nguyện xuất gia tu học, nghĩa là nguyện bỏ tất cả những vướng víu chuyện đời. Vào trong cửa Phật không chỉ đánh chuông gõ mõ một mình mình tu, một mình mình biết mà còn phải hoạt động hoằng pháp lợi sinh. Vậy sau khi học xong ở các trường Phật học, chúng tôi mong Giáo hội hãy trao cho người trẻ cơ hội. Lâu nay những thầy lớn vẫn chưa tin những người trẻ nên chưa dám giao trọng trách hay công việc cho Tăng Ni trẻ. Chính vì điều đó mà nhiều cử nhân trẻ khi ra trường, đầy nhiệt huyết nhưng trong một thời gian ngắn đã “xìu” và điều này sẽ rất phí chất xám, phí tài năng trẻ.