Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Ý kiến của độc giả phattuvietnam.net về bài viết “Đi tìm những...

Ý kiến của độc giả phattuvietnam.net về bài viết “Đi tìm những nguyên nhân làm suy yếu đạo Phật”

71

Trần Việt PhươngBa Đình, Hà Nội (tvp_hn…@gmail.com) Tôi nghĩ Phật giáo Việt Nam chưa phát triển xứng với tiềm năng, xứng tầm với yêu cầu cuộc sống và thời đại vì thiếu một Giáo hội đủ mạnh. Sức mạnh của Giáo hội ở đây là đề cập tới tầm nhìn, năng lực quản lý và điều hành, sự đồng lòng nhất trí trong việc phối hợp thực hiện những Phật sự chung. Rõ ràng hàng chục năm nay Giáo hội sống trong tư tưởng bao cấp, yếm thế, bị động, mạnh ai lấy làm, cát cứ theo chùa chiền, tổ đình, tông phái, vùng miền. Chúng ta chưa thấy một dự án, chương trình nào của Giáo hội đáng kể, để lại dấu ấn hoặc phát huy tác dụng lớn cả. Hàng chục năm qua, ngành hoằng pháp mới chú trọng phát triển lực lượng giảng sư, nhưng lực lượng đó lại chủ yếu ở các đô thị, trung tâm, năm thì mười họa mới đi đến vùng sâu vùng xa. Lực lượng cư sĩ Phật tử chưa được tận dụng, phát huy vào hoạt động hoằng pháp. Ngày nay, việc hoằng pháp qua internet, hoằng pháp qua các phương tiện truyền thông của Giáo hội còn bỏ ngỏ. Ở góc độ các chùa, các thầy trụ trì, nhất ở miền Bắc, việc hướng dẫn, giáo hóa và thuyết pháp cho Phật tử còn được bỏ ngỏ theo kiểu “chắc gì đã làm được”, cứ lo cúng kiếng cho Phật tử đã hết ngày.


Tuy nhiên, chúng ta không thể trông đợi sự đổi mới từ Giáo hội. Phật giáo Việt Nam hiện nay chỉ còn cách là chấn hưng, đổi mới từ dưới lên, đặc biệt là các Tăng Ni và Phật tử trẻ. Chỉ khi chúng ta tích cực dấn thân, cống hiến, hết mình vì sự hưng long của Phật pháp thì mới hy vọng sự biến chuyển. Bản thân mỗi Phật tử trẻ nên tích cực hoằng dương Phật pháp bằng khả năng của mình, ví dụ bằng nếp sống gương mẫu của bản thân, chia sẻ các câu chuyện, băng đĩa, slide show Phật pháp với những người xung quanh, khuyến khích người khác đi chùa, học Phật, tổ chức các nhóm bạn, câu lạc bộ tu học Phật pháp, tích cực làm từ thiện đối với người nghèo… Mỗi người đóng góp một viên gạch, một từ tâm, một trí tuệ, ngôi chùa Phật giáo Việt Nam chắc chắn sẽ có ngày hưng thịnh. Chúng ta không nên nói nhiều nữa mà phải hành động, hãy cùng đoàn kết, hòa hợp, chia sẻ và khuyến tấn lẫn nhau. Mong trang web phattuvietnam.net sẽ có cách phát động phong trào chấn hưng Phật giáo, đặc biệt trong giới trẻ.


Nguyen NhanĐà Nẵng (hoangtrongnghia_nh…@yahoo.com) Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến những nguyên nhân làm PG suy yếu của Cư sĩ Nghiêm Minh Kiên là thực tế và cụ thể,nhưng theo tôi thì như vậy là chưa đủ và có những việc cần làm ngay.PG dù sao đi chăng nữa thì cũng là một tổ chức Tôn giáo,khi nói đế tổ chức thì không thể không nói đến sự đoàn kết,hoà hợp.Hơn thế PG có giáo lý Lục hoà rất trí tuệ,rất hoàn hảo, các tổ chức các Tôn giáo khác cần phải học tập.


Nhưng thực tế thì tổ chức PG chưa hoàn toàn sử dụng triệt để tinh thần ấy có chăng chỉ là khẩu hiệu mà thôi,nên dẫn đến tình trạng thiếu đoàn kết,đường lối không nhất quán,có xu hướng phân hoá trong nội bộ và phân biệt vùng miền.Như vậy trụ còn không vững nói gì đến phát triển.


Hiện nay thấy quý thầy quý cô Phật sự quá nhiều, vừa là nhà tu hành vừa là nhà quản lý đôi lúc kiêm cả làm kinh tế.Như vậy làm sao đủ thời gian hành trì giới luật cũng như pháp môn,pháp môn không chuyên giới luật không nghiêm thì làm sao cho hàng PT nương tựa được,bên cạnh đó có rất nhiều cư sĩ PT rất có khả năng quản lý,làm kinh tế và có tâm cống hiến gánh vác cùng Tăng Ni,nhưng không có cơ hội,nhân sự là việc rất cần cho sự phát triển của một tổ chức.Có người mà không dùng,dùng người mà không đúng thì thật nguy thay.


Giáo pháp của Đức Phật là để hành trì nhiều hơn là nguyên cứu, nhưng hiện nay tôi chưa thấy đạo tràng nào xứng tầm cả chỉ vài Chùa mang tính tự phát mà thôi như vậy làm sao thu hút được PT cũng như những người có nhu cầu tu tập,còn muốn tu tập tại nhà qua băng giảng thì tôi thấy mỗi Giảng sư nói mỗi kiểu không biết đường nào mà lần.Nên chăng Ban văn hoá phải có sự thống nhất về nội dung để GS có hướng và Cư sĩ dể tu tập theo.


– Tổ chức rời rạc.


– Nhân sự thiếu, yếu.


– Thuyết nhiều hơn hành.


Tôi thiết nghĩ đó là vấn đề cần sớm khắc phục ngày nào hay ngày đó.


Tôi có thỉnh ý vài vị Tăng ni về vấn đề phát triển Phật Giáo tại địa phương nơi tôi ở thì thấy có Thầy cười trong yêm lặng, có quý Thầy nói giượng “Phật sự thì nhiều nhưng không thể muốn làm là được theo kiểu tự phát thì không khéo lại mạng tội”. Và tôi cũng cười trong yên lặng.


Đôi dòng suy nghĩ của đệ tử còn mang nặng tính phàm phu có gì mong chư Tôn Đức từ bi,chư thiện tri thức chỉ bảo.


Nguyễn Hữu Tuệ MinhTP. Hồ Chí Minh (longnh…@yahoo.com) Ý kiến về bài viết của cư sĩ Nghiêm Minh Kiên: Lâu nay tôi cũng có ý muốn viết đôi lời cảm nghĩ của mình gởi tới các vị chức sắc của PGVN, nhất là sau khi đọc các bài báo liên quan đến sự thoái trào của Phật giáo (ở Hàn Quốc, …). Khách quan mà nói, vài năm nay PG Việt Nam có nhiều khỏi sắc: chùa xây dựng nhiều, mọi người đến lễ chùa nhiều hơn, rồi Vesak … Là một người có cảm tình với PG, thỉnh thỏang tìm hiểu giáo lý đạo Phật, thi thỏang đi chùa. Song trong tôi vẫn thấy thiếu thiếu một điều gì đó để mình được gần với đạo Bụt hơn.


Hôm nay, đọc bài viết của cư sĩ Nghiêm Minh Kiên, tôi thấy như có người hiểu ý mình, nói hộ dùm mình. Bài viết thật hay, giàu chất liệu để dựng xây một nền đạo vững bền. Tôi chỉ dẫn chứng 1 ví dụ từ thực tế bản thân mình để thấy rằng tư tưởng “Phước Điền” là có thật và rất lỗi thời. Mỗi khi rằm, mùng một có dịp đến chùa tôi chỉ thấy nhà chùa tổ chức tụng kinh; mọi người thì đốt nhang khấn vái, thi thỏang tôi thấy có một vài buổi rao giảng này nọ. Tôi muốn vào lắng nghe, nhưng nhìn vào không khí buổi rao giảng đó mình ngại không dám vào. Thôi thì đứng bên ngoài một lúc rồi về vậy! Tôi nhìn những người dân thấp nhang khấn vái “đủ kiểu” trong chùa, tôi thật ái ngại không biết trong số họ có mấy người biết những giáo lý cơ bản nhất của Phật giáo: tứ diệu đế, bát chính đạo … Thật buồn.


Đại bộ phận những người tới chùa chưa một lần được nghe các vị chủ trì chùa giảng huấn về kinh sách, về giáo lý cơ bản. Nói chi tới việc trò chuyện, tìm hiểu gia cảnh nhân gian. Là người rất có cảm tình với đạo Bụt, tôi ao ước mình sẽ được đến dự những buổi thuyết pháp, nói chuyện của một chùa nào đó (theo tông phái mình thấy hợp) trong sự chấp nhận niềm nở của các vị sư trong chùa. Nhiều người cùng mong mỏi như tôi lắm …!


Vũ Văn TiếnBãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh (minh.dang5…@yahoo.com.vn) Cảm ơn tác giả Nghiêm Minh Kiên đã có những bài phân tích rất hay, rất đúng với thực trạng hiện nay của PG nước nhà. Tác giả đã nói hộ những suy nghĩ, lo lắng cho tương lai Phật giáo Việt Nam của những người con phật trong thời đại này. Con kính mong chư vị tôn túc trong TW GHPGVN hãy bớt chút thời gian để đọc và suy ngẫm những bài viết này từ phần 1, phần 2A và nên theo dõi tiếp phần 2B nữa để có những biện pháp cụ thể trong công tác hoằng pháp của GH.Đó là điều mà chúng con mong lắm lắm. Kính chúc tác giả Nghiêm Minh Kiên thân tâm thường lạc, Bồ đề tâm kiên cố để có những bài viết hay như thế này nữa.


Minh NgọcTP. Hồ Chí Minh (phngbinh198…@yahoo.com.vn) Thời gian vừa qua, Phật giáo Thế giới đã rung lên những hồi chuông báo động về sự suy giảm tín đồ Phật tử, yếu kém trong công tác hoằng pháp…hết Hàn Quốc lại tới Mông Cổ… Các độc giả đã góp ý chân thành về thực trạng, hạn chế trong công tác hoằng pháp hiện nay của Phật giáo Việt Nam. Thật quý hoá biết bao. Thật cảm động biết bao vì vẫn còn đó những người Phật tử trẻ tuổi biết quan tâm, biết lo lắng cho tiền đồ Phật giáo nước nhà. Tôi đã đọc 2 bài viết của cư sĩ Nghiêm Minh Kiên và những tâm tư, nguyện vọng của quý đạo hữu gần xa. Tôi nhận thấy những điều tác giả đề cập đều rất thực tế, lời lẽ rất chân thành, thống thiết trước những điều mắt thấy tai nghe. Tôi cũng không có lời gì thêm về những bài viết đó.


Tôi chỉ mong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đức Pháp chủ, chư tôn đức trong ban Hoằng pháp, các vị tăng ni, Phật tử được đọc các suy nghĩ này, những tâm tư này mà đề ra những kế hoạch cụ thể. Tôi cũng mong mọi người hãy thẳng thắn nhìn vào thực tế dù nó có phủ phàng, đau lòng đi chăng nữa.


Xin quý thầy đừng ngủ quên trong ánh hào quang đã vang bóng một thời, đừng tự hào và sống mãi trong quá khứ nữa. Và cuối cùng, tôi cũng như mọi người đều đón chờ sự hồi âm trả lời, những kế hoạch cụ thể, suy nghĩ của Đức Pháp chủ, của quý thầy trong Ban Hoằng pháp trước tâm tư, mong mỏi của mọi người. Giáo hội cần đề ra những chương trình cụ thể, cần có những việc làm thiết thực, hành động ngay chứ không nên ngồi bàn luận một cách chung chung, mơ hồ …


Vĩnh KhánhHóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh (khanhnguyenvin…@gmail.com) Rất cảm ơn những bài viết và những suy tư, lo lắng của Cư sĩ Nghiêm Minh Kiên, quý thầy có biết những người trẻ như chúng con phải chống chọi với bao nhiêu thử thách “truyền giảng Tin Mừng” ngay khi bắt đầu tập đọc đến khi trưởng thành không? Họ tiếp cận với những người Phật tử và những người theo truyền thống thờ ông bà không khác gì những người làm tiếp thị, quảng cáo mà không hề đòi hỏi điều kiện gì… Đến bây giờ con vẫn chưa quy y, nhưng nếu không nhờ những ngày xưa theo ngoại đến chùa, được sinh hoạt trong gia đình Phật tử một thời gian ngắn, được đọc những cuốn sách Lược sử phật tổ, Kinh Pháp Hoa, tạp chí Giác Ngộ,… thì con đã không chống chọi được với nhiều lần truyền đạo, nhiều cách tiếp cận khác nhau của cả đạo Thiên Chúa và Tin Lành.


Mong quý thầy, các cư sỹ có tâm huyết hãy mang đến những người trẻ một nền móng cơ bản để họ có thể tự chống chọi những thử thách, hãy có nhiều những Vesak 2008, chùa Hoằng Pháp, thầy Thích Nhất Hạnh, Thích Chân Quang,… con tin Phật pháp sẽ trường tồn cùng dân tộc…


Hàn Lập TuyếtQuận 3, Tp. Hồ Chí Minh ([email protected]) Trước đây, tôi có đọc bài của Nguyễn Kha về sự trăn trở của GHPGVN trong vấn đề hoằng pháp. Đây là bài viết được bóc tách nhiều kía cạnh và rất đáng được hoan nghênh. Bài của bạn Nghiêm Minh Kiến cũng cùng trăn trở ấy, nhưng được nhìn với gốc độ khác nhau.


Đáng tiếc chúng ta không thể nào “up” sự này cho các cấp lãnh đạo giáo hội hay. Bởi lẽ trên 80-90% người lãnh đạo GH là những người không hề biết NET là gì, mà các ngài cũng không có (hoặc không cần) những người tham mưu về vấn đề này. Vì cứ chấm mẫm rằng: “độ người hữu duyên” là chắc ăn(!).


Nếu muốn thay đổi, theo tôi có lẽ là phải thay đổi từ quan điểm của những người lãnh đạo. Mà nói tới quan điểm thì rất..chơi vơi! Cứ ngồi than vãn: “mạt pháp” cho chắc ăn (!) Tôi hy vọng, các cấp lãnh đạo GH hãy đọc những niềm trăn trở này của những người…hữu duyên này! Nam-mô A-di-đà Phật.


Nguyễn Thanh HoàngTP. Hồ Chí Minh (danghuy100…@yahoo.com) Người mang Phật pháp tới độ cho chúng sinh cần phải giống như một người thầy thuốc giỏi, phải biết “bắt mạch” tâm của con người, hiểu được chính xác bệnh của họ, rồi mới “kê đơn thuốc” giáo lý thích hợp. Cái phương pháp này được Phật nói là “Tùy duyên”, chứ không phải là tư tưởng “độ cho người hữu duyên” đầy thụ động như nhiều người lâu nay vẫn hiểu lầm.” Đúng như người viết đã nói, thật sự mỗi khi một việc hoằng pháp, giáo hoá không thành công, hoặc một tổ chức phật giáo bất đồng ý kiến, thì lại đổ lổi cho chữ “Duyên”. Hình như người ta dùng chữ “Duyên” làm lý do, làm cái bia đỡ cho những sai làm, kiêu mạn, ít kĩ nói rõ hơn là bản ngã của họ.


Đúng là sao không xem lại mình đã hiểu được chữ ” Duyên” đến đâu, hay đó là chữ “Duyên” trong ý nghĩ kiểu con Ếch, chân mình vẫn còn đặt trên đất, chứ mình đâu phải là Phật hay thần thánh mà biết người Hữu Duyên và Vô Duyên, rùi chờ người Hữu Duyên mới nói, mới làm, mới thương… giống câu ” Há miệng chờ sung. Tại sao không đi mà tìm về. Nói vậy để một người có trí tuệ khi sử dụng từ ngữ đạo Phật thận trong hơn, chứ không dùng cái Ta công thêm một vài từ ngữ đạo Phật mình chưa thông hiểu rùi giảng giải cho người. Cái đó vừa hại người, hại mình…


Nguyên ThuậnQuy Nhơn, Bình Định (thichgiacta…@yahoo.com) Chúng tôi những tăng ni trẻ đang thao thức vì thế hệ của mình làm sao để đủ sức ghánh vác trọng trách của thời cuộc mang đến. Có khi nào đó quý Ngài hoặc chư vị Phật tử lớn phải ngậm ngùi và suy nghĩ cho đàn hậu bối không, tre đã già mà măng chưa mọc, hoặc măng đã mọc nhưng thiên tai bão lụt quá nhiều làm sao cho măng có thể đâm chồi nảy lộc được.


Thực tế rất đau lòng đó ai mà không khỏi ngậm ngùi, khi tinh thần Bồ Tát nhập thế của chúng ta hình như bị yếu đuối thì làm sao mà thành tựu quả vị chánh giác được. Chúng tôi không chỉ lý luận suông, mà chỉ hy vọng các bậc tôn túc tiền bối và chư vị Phật tử sớm tìm ra một giải pháp thích hợp cho thời đại và triển khai để làm ngọn hải đăng cho lớp sau vững chân tiến bước.


Còn vấn đề nhận chân được làm thế nào để phát huy hết năng lực của Phật pháp, thì quý vị có nhiều kinh nghiệm hơn chúng con, nhưng mong sao chúng ta hãy đoàn kết theo tinh thần của lục hoà, sau đó nghiên cứu tất cả các nguyên nhân khách quan và chủ quan của quá trình truyền bá của Phật giáo vào các nước Bắc truyền như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Tạng, Mông Cổ…để “ôn cố tri tân”, không phải thủ cựu mà là học hỏi tinh thần của tổ sư, những khó khăn gian khổ để đưa một hệ tư tưởng ngoại lai vào văn hoá bản địa lâu đời của Trung Quốc, sau đó được chấp nhận như văn hóa chính mình và phát triển không ngừng.


Chúng ta khi nghĩ đến đó sẽ cảm phục ý chí tinh thần và nghị lực của lớp tiền bối mà hổ thẹn với sự nghiệp trước mắt của bản thân. Và làm sao để nối tiếp sự nghiệp của Tổ Tiên, tự lợi lợi tha được viên mãn. Chúng con luôn mong đợi một tương lai tươi sáng hơn. Chúc tác giả an lạc!







Nếu quý độc giả có ý kiến về vấn đề bài viết này nêu ra, xin bấm vào đây, hoặc gửi thư về địa chỉ [email protected].