Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả Xung quanh Dự thảo quy định quản lý tiền công đức: Không...

Xung quanh Dự thảo quy định quản lý tiền công đức: Không tiếp nhận tiền công đức, tài trợ kèm theo điều kiện…

303
Ảnh minh họa
Xung quanh Dự thảo quy định quản lý tiền công đức: Không tiếp nhận tiền công đức, tài trợ kèm theo điều kiện…

Theo đó, nguyên tắc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội nhấn mạnh phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, phù hợp với nguyện vọng của nhà tài trợ, quy định của pháp luật về di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo.

Tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức phải công khai, minh bạch

Theo dự thảo, Thông tư này hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội (Nghị định 110). Đối với lễ hội, di tích có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước, các đơn vị phải thực hiện theo đúng nội dung chi, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Nguyên tắc quyên góp, tiếp nhận các khoản công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội được quy định tại điều 2 dự thảo Thông tư là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm. Theo đó, việc công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội mang tính tự nguyện; không được ép buộc tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội; không được coi việc công đức, tài trợ là điều kiện để tổ chức lễ hội hoặc cung cấp quyền tham gia, tham quan, du lịch, nghiên cứu lễ hội, di tích; không được quy định mức bình quân, mức tối thiểu công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội.

Không tiếp nhận tiền công đức, tài trợ kèm theo các điều kiện làm sai lệch bản chất, nội dung, ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa, truyền thống của lễ hội; làm sai lệch kiến trúc di tích, xâm hại cảnh quan, danh lam thắng cảnh và vi phạm quy định của pháp luật về di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo. Không được lợi dụng việc tổ chức lễ hội, quản lý và sử dụng di tích nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm. Tiền công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội không thuộc sở hữu cá nhân và không phản ánh vào ngân sách nhà nước; được để lại toàn bộ cho cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, quản lý di tích sử dụng cho các hoạt động lễ hội, quản lý và sử dụng di tích theo quy định tại Thông tư này. Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội phải có sổ sách thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp với nguyện vọng của nhà tài trợ, quy định của pháp luật về di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo.

Đối với lễ hội truyền thống tại các di tích lịch sử – văn hóa, cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, cơ sở quản lý di tích có văn bản thỏa thuận rõ về việc phân chia các khoản công đức, tài trợ cho hoạt động lễ hội và cho quản lý di tích để làm căn cứ theo dõi, quản lý, sử dụng theo hướng dẫn tại Thông tư này. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ, ủng hộ kinh phí cho hoạt động lễ hội, quản lý di tích, chăm sóc, giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử – văn hóa, khoa học của lễ hội, di tích; hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước…

Nhằm đảm bảo tiêu chí công khai, minh bạch, điều 3 dự thảo quy định, cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, cơ sở quản lý di tích tiếp nhận công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, quản lý di tích và hoạt động lễ hội.

Vẫn còn những ý kiến khác

Điều 4 quy định về Quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội nêu, để bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận các khoản tài trợ cho công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội, BTC lễ hội bố trí người tiếp nhận các khoản tài trợ; ghi chép chính xác các khoản tài trợ.

Quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích, điều 5 dự thảo nêu, người làm công đức, tài trợ bằng cách bỏ tiền vào hòm công đức; đưa cho bộ phận tiếp nhận công đức tại di tích; chuyển tiền vào tài khoản của cơ sở quản lý di tích mở tại ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước; khuyến khích công đức bằng tiền theo hình thức chuyển khoản, phương thức điện tử. Cơ sở quản lý di tích bố trí người tiếp nhận công đức tại khu vực tiếp nhận công đức trong di tích; mở sổ sách ghi chép đầy đủ, chính xác từng khoản công đức đã tiếp nhận; ghi phiếu công đức theo đề nghị của người làm công đức. Bên cạnh đó là những dự thảo quy định đối với công đức, tài trợ bằng giấy tờ có giá theo quy định của pháp luật; đối với công đức, tài trợ bằng kim loại quý, đá quý… Về quản lý tiền trong hòm công đức, cơ sở quản lý di tích căn cứ tình hình thực tế để quyết định số lượng hòm công đức đặt tại di tích. Hòm công đức đảm bảo mỹ quan, bền vững và phù hợp với di tích; được niêm phong và sử dụng tối thiểu 2 loại khóa, chìa của mỗi khóa được giao cho cơ sở quản lý di tích và Trưởng BQL di tích quản lý độc lập. Định kỳ hằng ngày, hằng tuần hoặc hằng tháng, cơ sở quản lý di tích thực hiện kiểm đếm số tiền trong hòm công đức…

Góp ý cho dự thảo này, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản gửi Hội đồng Trị sự GHPGVN và Bộ Tài chính. Hoà thượng cho rằng, dự thảo này phù hợp áp dụng đối với việc quản lý các lễ hội và di tích bình thường, qua đó đảm bảo sự công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích trong công tác tổ chức lễ hội, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Kết cấu, bố cục của dự thảo Thông tư phù hợp với các nội dung tổ chức lễ hội và quản lý di tích được quy định tại Nghị định 110.

Tuy nhiên, cho rằng dự thảo này không phù hợp với lễ hội và di tích tôn giáo (chùa của Phật giáo…), Hòa thượng Thích Thanh Quyết thay mặt Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đề nghị không đưa vào quản lý tiền công đức đối với các di tích là chùa… đã được kiểm đếm danh mục di tích. Theo Hòa thượng, Điều 56, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định “Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên, tổ chức, quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật”. Như vậy tiền công đức tại các chùa Phật giáo là tài sản của Giáo hội (Giáo hội đã ủy quyền cho nhà sư trụ trì, trông coi và toàn quyền sử dụng tài sản công đức tại các chùa theo đúng quy định của tổ chức Giáo hội…).

Cũng tại văn bản, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần lấy ý kiến của 16 tôn giáo và gần 40 tổ chức tôn giáo tại Việt Nam, GHPGVN lấy ý kiến phật tử, nhân dân về việc hiến cúng, công đức vì đức tin đối với Đức Phật…


 MINH NGỌC/VĂN HÓA ONLINE