Trang chủ Văn hóa Xưng chị gọi em với sư thầy – ngạc nhiên chưa!

Xưng chị gọi em với sư thầy – ngạc nhiên chưa!

130

Thầy Thích Quang Minh đưa tôi và một người bạn nữa đến thăm các quý thầy ở một ngôi chùa. Trong xe của chúng tôi xuất hiện một cô gái quãng 40 tuổi là chỗ quen biết với bạn tôi. Cả 4 thầy trò và 1 chuyến đi.

Sư thầy của chùa rất nhiệt tình dẫn chúng tôi lên chính điện lễ Phật và sau đó đưa đi tham quan chùa. Sư thầy mời trà chúng tôi và cho biết sẽ mời 4 người ở lại thọ trai. Vui mừng khôn xiết. Có bữa trưa chay tịnh trong chùa thật là tuyệt. Nhất là đối với những Phật tử tu tập lâu năm như tôi và Tứ.

Bỗng nhiên tôi nghe thấy cô gái kia nói với nhà sư “Em cứ kệ chị. Để chị tự”. Giọng cô ta tỉnh bơ. Như một người chị nói chuyện với đứa em của mình vậy. Ngạc nhiên quá!

Trời đất! Được mời trà và cô gái đã nói như vậy. Trời đất! Mải ngắm và lễ Phật, mải vãn cảnh chùa tôi không để ý đến cách ăn nói của cô gái. Không biết từ lúc đến cô ta có xưng hô như vậy với các quý thầy trong chùa hay không. Nói thật lúc này mặt tôi như nóng lên (dù chữ NHẪN tôi luôn ghi khắc).

Tôi gọi cô gái ra và nói rằng đây là quý Thầy, là nhà sư xuất gia, rằng các Phật tử chúng ta phải gọi là “thầy” xưng “con”. Cô ta cho tôi biết, cô không phải là Phật tử. Trời đất! Dù không là Phật tử đi chăng nữa cũng không thể xưng hô chị chị em em với các nhà sư được. Với các vị xuất gia (dù theo đạo nào) chúng ta phải cung kính. Tôi giải thích nhẹ nhàng rằng ai đến chùa cũng xưng hô lễ phép với các nhà sư. Cô gái nói rằng phần lớn họ như vậy. “Còn em không thích như thế”.

Sau này cô gái có nói với tôi rằng không nên chấp vào cách xưng hô, rằng xưng hô thế nào mà chẳng được. Câu nói kiểu chị em của cô gái quãng gần 40 tuổi với nhà sư trẻ tuổi 30 thật sự làm tôi giật mình. Cô ta nghĩ rằng vị nhà sư ít tuổi nên cô ta có quyền là bề trên, là chị và xưng em với sư. Tôi chợt nghĩ, nếu đi học mà thầy giáo ít tuổi hơn có lẽ cô gái này cũng xưng chị em luôn mất!

Bữa trưa cô gái không ăn trưa cùng chúng tôi. Bốn bộ bát đũa thừa một. Sư thầy Thích Quang Minh nói chắc rằng bị tôi phê bình nên cô ta buồn. Thầy Quang Minh cho biết đối với cá nhân thầy thì mọi người muốn xưng hô thế nào cũng được. Thầy chấp nhận bất cứ cách xưng hô nào. Anh Tứ bạn tôi hỏi, khi cô ta xưng hô với quý thầy như vậy có quý thầy nào nói gì không. Thầy Quang Minh bảo rằng không, rằng quý thầy đâu có để ý vào mấy cái đó.

Tôi nhớ rằng mình đã vào các ngôi đền, chùa, tu viện, nhà thờ của rất nhiều đạo khác nhau. Từ Thiên chúa giáo đến đạo Hồi, từ Chính thống giáo đến Ấn độ giáo, từ Tin lành đến đạo Xích, từ Do thái giáo đến đạo Lão,… nhưng ở đâu tôi cũng cung kính và những người vào đó đều rất cung kính. 

Sự cung kính thể hiện bằng cách đi đứng, xưng hô, thái độ, cách giao tiếp. Đi đâu cũng vậy cách ứng xử văn minh là rất quan trọng, mà vào những nơi tôn nghiêm thì càng quan trọng hơn. 

Tự nhiên tôi nghĩ đến quang cảnh bố mẹ tôi đến dự buổi nói chuyện của tôi với các doanh nhân và tri thức (hoặc với sinh viên và các bạn trẻ). Tôi đang thuyết trình trên bục thì bố tôi gọi và bảo “Này, mày xuống bố bảo cái này. Mày nên thêm mấy chi tiết nữa vào cho buổi nói chuyện thêm hấp dẫn”. Bố mẹ tôi đẻ ra tôi và đôi khi ở nhà có thể xưng hô như thế chứ. Tuy nhiên khi ra trước đám đông, trước công chúng cách xưng hô chắc chắn phải khác đi. Tưởng tượng ra vậy chứ tôi biết rằng bố tôi luôn biết xưng hô đúng cách và lịch sự.

Tôi viết bài này ngay sau khi chuyến viếng thăm chùa kết thúc với mong nguyện rằng những ai đọc được có thể hiểu thêm về cách xưng hô. Và mỗi chúng ta, dù là ai, nên tôn trọng chốn trang nghiêm, nên chọn cách xưng hô lễ phép, khiêm tốn.

Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty sách Thái Hà