Cho nên, vào những ngày cuối năm, dù ngược xuôi nơi đâu, dù hoàn cảnh thế nào, ai nấy đều chuẩn bị về vật chất lẫn tinh thần để đón mừng xuân đến.
Khởi đầu một năm mới là khởi điểm cho những ước mơ tin tưởng, là mở đầu cho những chương trình hành động, cũng là tiền đề cho những hy vọng thành công trên đường đời và đường đạo. Vượt lên tất cả, đó là ước mơ bình an phúc lạc, từ hoàn cảnh bên ngoài đến thân tâm bên trong mỗi người.
Ðất nước ta thanh bình là hạnh phúc lớn lao cho mọi người dân, nhất là trong thời đại chiến tranh khủng bố đang đe dọa toàn cầu. Còn trong nội tâm chúng ta, lại là một trường xung đột do những tình cảm tư tưởng chợt đến chợt đi, lăng xăng biến đổi không bao giờ dừng, khiến ta tạo nghiệp và quẩn quanh trong vòng sinh tử. Người tu chúng ta, may mắn được hưởng mùa xuân thanh bình của đất nước, cũng đồng thời mong mỏi xuân thanh bình tự nội.
Nhìn lại những năm tháng đã qua trong cuộc đời, ta thấy mình đã nếm trải biết bao cảnh vui buồn thuận nghịch. Gặp cảnh thuận cảnh vui, ta phấn khởi tự hào; nhưng khi gặp chuyện không may xảy đến, ta lại đau khổ thối tâm, nhiều lúc còn oán trời trách người. Người biết tu không mong cầu luôn gặp may mắn thành công trong mọi việc, vì dễ làm ta cống cao ngã mạn; cũng không sợ khó khăn trở ngại, vì ý chí vững chắc giúp ta càng mạnh bước tiến tu.
Những hành giả trong công phu thiền tập, nhiều lúc thấy tâm an định và cảm nhận một niềm vui nhẹ nhàng thanh thoát, nhưng cũng có khi thấy vọng tưởng lẫy lừng, phiền não bủa vây tứ phía.
Ðó là chướng duyên trên đường tu, nhưng đó cũng là những bài học sáng giá, nếu ta biết nhân đây kiểm nghiệm lại công phu tu tập và những kiến giải của mình về Phật pháp; nếu ta biết vọng tưởng phiền não là những kiết sử từ lâu ngủ ngầm trong tâm thức nhưng hư dối không thật, để càng tinh tấn hành trì.
Như vậy, bất cứ hoàn cảnh nào ta cũng có thể biến thành cơ hội thăng tiến nội tâm. Biết biến chướng duyên thành thắng duyên, biết tận dụng thuận cảnh để đường tu thêm hanh thông, ta có thể nhận ra ý nghĩa chân thật của hạnh phúc.
Bồ tát Di Lặc có nụ cười hạnh phúc dù bị lục tặc bủa vây, vì Ngài là Bậc Ðại hỷ Ðại xả. Hỷ không phải là vui đùa cười cợt như lẽ thường của thế gian, mà là sự chân thành mừng vui và ngợi khen những thành công và hạnh phúc của người khác.
Xả không phải là lãnh đạm quay lưng trước những cảnh đời bất hạnh, mà hết lòng giúp người nhưng không dính mắc, là trạng thái thanh tịnh của tâm trước các pháp và trước cuộc sống thuận nghịch thăng trầm. Biết buông xả mới có thể thật lòng thương yêu người, mới thông cảm và tha thứ những thiếu sót của người, mới có thể vì lợi ích cho chúng sanh mà làm việc.
Những lời chúc tốt đẹp dành cho nhau trong những ngày Tết, tuy có vẻ sáo rỗng, nhưng cũng có ý nghĩa mong cho mọi người luôn gặp điều may mắn an lành. Phật tử chúng ta tin sâu lý nhân quả, biết rằng nhân quả tác dụng ở cả ba thời quá khứ – hiện tại – vị lai, nên cần giúp nhau tạo nhân lành trong ý nghĩ, lời nói và việc làm. Nếu gặp hoàn cảnh thuận lợi, ta biết mình đã gieo nhân thiện lành đời trước, và càng tinh tấn tu hành để ngày sau hưởng hạnh phúc an vui.
Nếu gặp nhiều chuyện như bất như ý trong đời, ta hiểu đó là hậu quả của nhân xấu ta đã gieo từ quá khứ. Chí thành sám hối những tội lỗi đã phạm, đồng thời nỗ lực công phu, từng bước chúng ta sẽ chuyển được nghiệp xấu ác thành hiền thiện. Vì nghiệp tạo từ thân miệng ý, trong đó ý dẫn đầu, nên chuyển nghiệp cũng chủ yếu nhờ chuyển hóa tự tâm. Tin sâu nhân quả, tịnh tu ba nghiệp là điều kiện cần thiết cho ta hưởng mùa xuân thanh bình nội tâm, do chính ta tạo dựng.
Ðức Khổng Tử khi nhìn dòng sông đã thốt nên lời cảm thán: “Chảy mãi, chảy mãi ư? Ngày đêm không dừng!”. Chúng ta cũng có khi nhìn mọi sự vật quanh ta và cả thân tâm ta đều như những dòng sông đang trôi chảy. Thời gian trôi nhanh không bao giờ dừng nghỉ, mới ngày nào đang độ tuổi thanh niên căng tràn sức sống mà nay đã lưng mỏi gối dùn. Vô thường nào có tha ai bao giờ?
Nhưng ý thức cuộc đời là vô thường không phải để ta đắm mình trong bi quan, phó mặc dòng đời đưa đẩy, mà phải nhận chân sự huyễn mộng của các pháp để không bị vướng mắc bởi ngũ dục lục trần. Những gì thế gian cho là lạc thú, có phải thường là đau khổ theo sau? Hoa nở rồi tàn, người trẻ đẹp rồi một thời gian cũng trở nên già xấu. Có bữa tiệc nào mà không tan, có trò vui nào không đến hồi kết thúc?
Hạnh phúc thế gian là đáp ứng được những nhu cầu của giác quan; nhưng nhu cầu của con người thì ngày càng cao do lòng tham vô hạn, như người khát uống nước biển, có bao giờ hết khát?
Một số thanh niên thường nghĩ mình còn nhiều thời gian, cứ vui chơi thỏa thích, đến khi lớn tuổi sẽ tu chí làm ăn cũng không muộn.
Một số người quan niệm, sự tu hành là dành cho tuổi già, vì người trẻ còn đang nhiều mộng đẹp để ấp ủ, nhiều hoài bảo để thực hiện, nhiều trách nhiệm phải chu toàn và nhiều ham muốn phải thỏa mãn. Nhưng cái chết đâu phải chỉ đến với người già? Cho nên Cổ Ðức đã nói:
“Chớ đợi đến già mới học Ðạo,
Mồ hoang lắm kẻ tuổi xuân xanh”.
Thấy rõ cuộc đời là vô thường, ta còn phải hiểu ý nghĩa tích cực của nó, vì vô thường cũng là điều kiện tối cần để duy trì và phát triển mọi sự vật. Trái tim đập, dòng máu luân lưu, hơi thở ra vào… là vô thường, nhưng nếu không như thế thì con người không thể tồn tại được.
Nếu tâm không vô thường, làm sao ta có thể chuyển hóa tự tâm từ độc ác sang hiền lương? Nếu nghiệp không vô thường, làm sao ta tu hành chuyển đổi nghiệp xấu thành nghiệp thiện?
Do vậy, người ngộ lý vô thường là người thấu triệt tính huyễn hóa của muôn pháp và không bị vô thường làm điên đảo, khổ đau. Các Ngài không chán bỏ chỗ vô thường, đi tìm cái thường hằng ở nơi nào đó xa xôi; mà ngay nơi vô thường nhận ra chân thường, từ nơi động chuyển mà sống với tâm thể vĩnh hằng bất động. Ðó là ý nghĩa đích thực của sự tu hành, là xuân thanh bình miên viễn của nội tâm, cũng là bản hoài của chư Phật – Bồ-tát.
Ðức Phật dạy: “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, an trú trong hiện tại”. An trú trong hiện tại là nội dung của chánh niệm. Chúng ta thường thích hồi tưởng những chuyện vui buồn đã xảy ra, hoặc tô vẽ mơ mộng cho một ngày mai tươi sáng, mà không bao giờ biết bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại.
Vì không thỏa mãn với những gì mình đang có, nên ta cứ mãi khổ đau và cứ mãi truy đuổi một bóng dáng hạnh phúc không thực. Người biết đạo không mong cầu sự bình an từ bên ngoài hay một cảnh giới hạnh phúc ở tương lai, vì hạnh phúc không phải là kết quả của sự truy tìm đuổi bắt, mà là sự dừng lại, sống trọn vẹn nơi đương xứ – tại đây và bây giờ.
Nội dung thứ hai của chánh niệm là tỉnh giác biết rõ từng chuyển biến của thân tâm bên trong và cảnh vật bên ngoài. Thân tâm cảnh đều là duyên hợp, sinh sinh diệt diệt trong từng sát-na, còn cái biết luôn luôn hiện hữu, không bao giờ sinh diệt. Chúng ta đang sống trong thời đại mà khoa học đã có những thành tựu vượt bậc, nên xung quanh ta là một trường hỗn loạn của màu sắc và âm thanh. Nếu không có công phu tu tập, ta dễ bị choáng ngợp quay cuồng trong sự hỗn loạn ấy, không thể nào tìm thấy bình an.
Cứ ngay trong guồng máy vận động của vạn pháp, ta vẫn an nhiên thiền tập; ngay trong hoàn cảnh khó khăn, ta vẫn gắng công tu tiến. Ðối với khổ đau, ta biết đó là chất liệu cần thiết kích thích ta nỗ lực công phu, vì có khổ đau ta mới tìm cách thoát khổ. Ðối với bệnh tật, ta biết cuộc đời là vô thường, thân người không có gì bền chắc, mạng sống chỉ trong hơi thở, nên không để thời gian luống uổng trôi qua. Trước cái chết, ta biết đó là bắt đầu một cuộc sống khác, là chấm dứt một đời sống và biểu hiện nghiệp mới ở kiếp sau.
Sinh già bệnh chết là lý thường nhiên, có tử mới có sinh, như có mùa đông lạnh lùng mới có xuân về ấm áp. Tạo nhân an lạc, ta đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi hoàn cảnh, kể cả cái chết cũng không là điều đáng sợ. Như thế, thiền tập có kết quả bước nào, ta có hạnh phúc ngay bước ấy, vì an lạc có ở hiện tại và nơi tự thân tâm ta. Tinh thần hiện tại lạc trú thật rất đơn giản nhưng vô cùng vi diệu và thiết thân với tất cả mọi người.
Chúng ta sinh ra, tất cả đều phải tuân theo những quy luật muôn đời của vũ trụ vạn hữu. Những gì có hình tướng, kể cả thân mạng và những sở thuộc của ta, đều không thoát khỏi định luật vô thường. Chỉ có đạo lý là vĩnh hằng với thời gian và thênh thang với không gian. Chỉ có đạo lý mới là nơi nương tựa chắc thật của mọi người con Phật.
Dù trải qua những cảnh đời thuận nghịch, những thăng trầm của cuộc sống, người có công phu tu tập sẽ không bị chao đảo cuốn lôi. Tâm bình an thì bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào ta cũng thấy an nhàn tự tại. Tâm thanh tịnh thì tất cả các pháp đều là cảnh giới Phật, bốn mùa nhân gian đều chỉ là mùa xuân muôn thuở, như lời Thiền Lão Thiền sư:
Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.
Ý thức thân tâm cảnh đều là duyên hợp hư giả, những lạc thú thế gian đều là ảo ảnh không thật, chúng ta không truy tìm hạnh phúc từ những khoái cảm của giác quan, cũng không mong cầu bình an từ những thần linh ban phước giáng họa. Nikoskasanzaki đã viết: “Mảnh đất mới chỉ có trong lòng người”, xuân thanh bình chỉ được tìm thấy ngay bản tâm của chính ta mà thôi.