Trang chủ Tết Việt Du xuân Xuân ở Từ Nguyên

Xuân ở Từ Nguyên

281

Đi đâu cũng nghe gió sông thổi lên mát rượi và nụ cười chào mừng tử tế của dân địa phương. Điều làm tôi và chị Phượng mê tít là tình cảm ấm áp trong chùa. Mỗi lần đến chùa Từ Nguyên, hai đứa đều có cảm giác như  được về quê ngoại hay nhà của mình.


Bao giờ Sư bà Từ Nguyên cũng đón chúng tôi bằng nụ cười hiền lành kèm theo câu mắng yêu không hề đổi từ: – Hai đứa này, còn nhỏ xíu mà sao thầy chúng cứ thả đi lung tung! Không sợ “kẹ” bắt gì hết!


Sư Trí, trưởng tỷ của sư bà Minh Đức (chúng tôi thường gọi là bác Hai) thừa cơ  góp lời nằn nì:


 – Thầy à! Vậy con già rồi, thầy cho con lên thành một chuyến cho biết Sài Gòn nghen?


 – Không được! “ông” già cả rồi, đi đâu…


Nhìn bác Hai tiu nghỉu, chị em tôi quay mặt ra đường, phóng mắt nhìn vào khoảng sân vàng rực hoa vạn thọ, gởi lén một nụ cười.


Không khí ngày Tết mới đẹp, tươi tắn làm sao. Trước sân chùa hoa mai nở rực, hàng cúc tím ven đường như vừa thay áo mới, khóm hoa hồng đỏ thắm còn đọng vài hạt sương, duyên dáng khoe sắc, óng mượt như nhung.


29 Tết, chị em tôi phụ trang hoàng chánh điện. Bác Hai trịnh trọng chưng cặp dưa hấu to bự trên bàn Phật, trong khi dưới nhà bếp quý sư chú đang gói bánh tét. Bác Hai tuy già nhưng rất đảm việc, có thể nói là rất chu đáo, dẻo dai. Đang loay hoay chưng trái cây, đột nhiên bác bật cười. Chúng tôi chưa kịp hỏi thì bác đã kể:


 – Bác nhớ hồi năm ngoái cũng chưng hai trái dưa bự như vầy nè. Đến lúc công phu khuya, bác ngủ gục, mõ không gõ, lại nhè trái dưa mà nện nguyên cái dùi bự vào, làm nó bể nát!


 – Vậy rồi sao hở bác?


 – Bác sợ Sư bà hay, “ổng” quở, lật đật ôm trái dưa bể đi giấu vào đống rơm sau hè rồi cuống quýt ra chợ mua trái dưa giống y chang như vậy đem về chưng. Riêng  trái dưa bể, bác sợ bỏ phí, nên phình bụng ra ăn, kết quả bị trúng thực, ba ngày Tết bị bịnh nặng, nằm ẹp…


 – Sư bà không biết chuyện hả bác?


 – Không! Không biết! Nhưng bác nằm trên giường thấy Sư bà thức canh bệnh, mặt mày hốc hác xanh xao… bác đâu có chịu nổi, vậy là bác thều thào khai  ra hết. Sư bà quở: – Bà Trí ơi là bà Trí! Chuyện như vậy mà cũng giấu tôi, lỡ bà trúng thực “đi” luôn có phải khổ không? Sao mà khờ quá! Báo hại tôi canh bệnh muốn chết!


Chuyện vừa buồn cười vừa cảm động. Tôi từng ở qua khá nhiều chùa, vì từ thuở lên tám lên chín là ba đã gởi tôi ở các chùa trọ học, tính ra tôi ăn cơm chùa nhiều hơn cơm nhà và không khí quanh tôi lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng mõ chuông, ngan ngát hương trầm. Do vậy mà tôi biết được nếp sinh hoạt của nhiều chùa, bên Tăng lẫn bên Ni. Song, những kỷ niệm về chùa Từ Nguyên thì rất đặc biệt, cảm động… đã khắc sâu vào tâm não tôi không thể nhòa phai dù năm tháng chất chồng.


Sư bà Từ Nguyên hình như có rất ít đệ tử (khoảng năm sáu vị). Buổi sáng, thầy trò xúm xít điểm tâm quanh cái bàn dài. Tất nhiên hai chị em tôi ngồi chót bẹt ở hàng ghế sư điệt. Cây đèn dầu tù mù lúc trời còn chập choạng đủ cho tôi quan sát hoạt cảnh quanh mình. Thức ăn và nồi cơm được để giữa bàn, không có người phục vụ, có vẻ Sư bà không cho ai phục vụ và đích thân tự đơm cơm ăn. Bác Hai và các sư chú khác đang tranh thủ kéo nồi cơm về phía mình, ráng gắp dề cơm cháy to để thanh toán cho mau thì Sư bà đã nhanh nhẹn chìa bát ra:


 – Bỏ vào đây! Chia tôi một miếng!


Các vị đệ tử cố vờ không nghe thấy, chia nhau thiệt lẹ miếng cơm cháy thì Sư bà đã nhanh nhẹn xén cho mình một miếng to. Các đồ đệ im thin thít chẳng dám nói câu nào, nhưng ánh mắt các vị ấy đầy vẻ xót xa, nóng ruột.


Sau bữa ăn thường có điểm tâm trái cây, Sư bà chia khẩu phần đều nhau. Biết Sư bà thích bòn bon, (khi thấy Sư bà bỏ đi xuống bếp lấy gì đó…) vị nào cũng len lén nhét vài trái phần mình vào đĩa Sư bà, nhưng lúc Sư bà lên, gạt hết phần trái cây ấy ra và nói trống không:


 – Ăn đi! Không được nhường!


Riêng chúng tôi là khách, lại nhỏ, nên được ưu ái cực kỳ. Tôi ra sân rửa chén, xi măng trơn, thế là tôi trượt chân té nhào.


Mọi người lính quýnh đỡ tôi dậy, rối rít hỏi thăm. Lát sau bác Hai bỗng vỗ vào đầu mình, tự trách:


 – Bác gì mà… tệ vậy! Cháu nó té mà không biết khuấy chanh đường cho uống…


Nhìn bác Hai hiền lành, phúc hậu, tôi thắc mắc:


  – Sao bác không nhận đệ tử, bác Hai?


Bác cười móm mém:


 – Tao dốt thấy mồ! Thâu đệ tử lấy gì dạy chúng?


Trong mắt tôi, bác Hai và Sư bà giống như những vị Phật. Đâu cần ngôn ngữ để dạy, vì bản thân hai vị đã là những bài thuyết giáo hùng hồn.


Khi tôi nhắc về Sư bà Từ Nguyên, ca ngợi lòng từ bi, cách cư xử ưu ái của người thì rất nhiều vị đã nồng nhiệt xác nhận:


 – Tính Sư bà là vậy, không phải đệ tử mình mới cưng, đối với tất cả hàng tu sĩ hậu bối, “ông” đều cư xử bình đẳng, yêu thương và quan tâm lo hệt như nhau.  


Còn bác Hai đúng là hiền như Bụt. Bác giàu lòng hy sinh, tính hiền lành, nhân hậu đến độ tôi nghĩ chắc bác không cần phải tu thêm gì nữa… Đêm đêm, nhìn bác thành kính lạy Phật, đã tụng một thời Di Đa còn thêm thời Sám Hồng Danh, không màng tuổi tác đã cao. Nhìn bác lim dim lần chuỗi, thành khẩn đóng chuông, chắp tay cung kính lễ Phật, tôi thấy lòng nao nao và có cảm giác như quanh đây đã được tịnh hóa.


Đến lúc đưa chúng tôi ra bến xe, bác Hai ngoắc một chiếc xe lôi, thận trọng ấn chúng tôi ngồi vào nơi có chỗ dựa đàng hoàng. Riêng bác ngồi chông chênh phía ngoài và không cho chúng tôi phản kháng (thật là ngược đời!). Ra tới bến xe, hồi ấy vé xe rất khó mua, muốn mua phải xếp hàng, chen lấn vất vả, nhưng  bác không để chúng tôi đi mua mà lại giành mua. Cầm hai chiếc vé bác đưa sao tôi nghe nó nặng oằn vì chất chở quá nhiều nghĩa tình.


Về Từ Nguyên ăn Tết, hình như chúng tôi chưa được nghe một thời Pháp nào. Song thân giáo của những vị trưởng bối nơi đây có uy lực bằng vạn lời nói. Cư xử thế nào là quyền tự do, là thói quen riêng của mỗi người. Song đức độ, phong cách vị tha, từ ái mà các bậc trưởng thượng nơi đây ban cho – không riêng gì chúng tôi – đã khiến tôi xúc động tột cùng. Có thể nói được chìu chuộng, nếu thiếu ý thức người ta sẽ dễ sinh hư, ỷ lại… Song khi từ tâm trong lòng người mênh mông quá, thì nó sẽ bộc phát tự nhiên như suối nguồn (mà không cần tập luyện hay gượng ép). Sức giáo hóa của tấm lòng nhân thừa uy lực để khuất phục kẻ cứng đầu nhất. Tôi bỗng thấm thía câu nói của Krishnamurti: “Nơi nào có uy quyền, nơi đó không có tình thương”. Ở đây, dù Sư bà hay nói trống không cộc lốc, nhưng ẩn giấu trong đó là lòng yêu thương, sự quan tâm chân thành của một bậc trưởng thượng dành cho người nhỏ. Nụ cười của Người thật hoan hỷ, từ bi, ấm áp. Điều này khiến trái tim tôi mềm đi và cảm thấy mình trở nên nhỏ bé, thấp thỏi trước trái tim Phật mênh mông. Tôi chợt hiểu: Phật là vậy, Ngài có phân biệt đệ tử nào với đệ tử nào đâu; tất cả đều là chúng sinh, đều bình đẳng, đáng thương và đáng độ.


Tôi ăn Tết ở Từ Nguyên chỉ có vài ngày ngắn ngủi song cứ nhớ mãi không quên.