(1301) Tân Sửu – Thượng hoàng vân du Chiêm Thành từ tháng 3 đến tháng 11, giao kết lân bang, hứa gả con gái yêu cho Chiêm chúa.
(1306) Bính Ngọ – tháng 6, mùa hạ. Gả Huyền Trân công chúa cho chúa Chiêm Thành là Chế Mân. Chế Mân đem dâng đất châu Ô và châu Lý. (Việt sử Thông giám cương mục – Chính biên. VIII. 14)
Theo gót nàng công chúa nhỏ nhà Trần, bước chân Nam tiến của người Việt bắt đầu.
Kể từ đấy, dân ta di cư lập ấp, đào kinh xẻ rừng, be bờ đắp đập, thuần dưỡng thiên nhiên, tiến về phương Nam, mở mang bờ cõi.
Bốn trăm năm sau (1306-1744).
Giáp Tý (1744) – Vũ Vương (Nguyễn Phúc Khoát) xưng vương hiệu, đổi phủ làm điện, sửa sang phép tắc, định triều phục. Lại chia đất nước làm 12 dinh. (VNSL – Trần Trọng Kim).
Trong 12 dinh ấy, ba dinh vốn thuộc Chiêm Thành, ba dinh vốn thuộc Chân Lạp.
Lưu dân ngày nào, nay thành chủ đất.
* * *
Trên quê hương mới, đất rộng, người thưa, biết đến xuân về khi mai vàng nở rộ. Nhớ quê xưa, gói nếp thành đòn, chế ra bánh tét, tiện khi mang xách, vỡ đất đồng xa. Lúc ăn, lúc cất, dùng dây cắt lát, tiện việc để dành. Tưởng nhớ ông, bà, bày mâm ngũ quả: “cầu”, “dừa”, “đủ”, “xài”, tỏ lòng thành kính.
Tôm cá đầy sông, điên điển đầy đồng, so đũa đầu ngõ, rau đắng sau hè, bạc hà chân ruộng, nấu nồi lẩu mắm, trăn, rùa, ếch, rắn, không thiếu thứ gì. Cá linh, ba khía, tép bạc, tôm đồng, dơi, chuột, lòng tong, nhiều không kể xiết. Bắt ăn không hết, bón ruộng, làm phân, ướp mắm ăn dần, không khi nào thiếu.
Thóc lúa đầy bồ, cất vò rượu quý, đãi khách đường xa. Rót ly rượu mừng, say câu vọng cổ:
“Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.(*)
* * *
Nhớ quê xưa.
Mỗi tiết xuân về, gió mùa se lạnh. Đồng áng đã xong, lúa phơi, ngô quạt, đầy lẫm đầy bồ.
Làng trên xóm dưới, mở hội vào xuân. Đình dựng nêu cao, thịt mỡ dưa hành, treo câu đối đỏ. Trai tài gái sắc, xiêm áo xênh xang, nghiêng nón quai thao, môi trầu cắn chỉ. Liền anh liền chị, mắt lá đung đưa, cất câu ca xưa: “Mây trôi – bèo dạt”.
Trống giục sân đình, chiếu chèo mở hội: “Thị Màu lên chùa”. Rối nước thủy đình, vui thay chú tễu. Hoa đào trước ngõ, hồng đôi má ai? Chùa dựng Phật đài, tiếng chuông, tiếng mõ, hương khói mịt mờ, siêu sinh tịnh độ. Bến đò trước chợ, dập dìu xôn xao, trẻ con thôn nào, thùng thình áo mới. Cụ đồ năm ngoái, trải chiếu cạp điều, bút múa nghiên mài, cho câu đối mới.
Nhà nhà vui tết, quét dọn ban thờ, trước cúng ông, bà, phô tài, đãi khách. Bánh chưng, bánh ít, tô mọc, tô măng, vất vả quanh năm, no ba ngày tết. Con gà, con vịt, cắt tiết làm lông, có cả bộ lòng, nấu tô canh miến. Trẻ con xúng xính, chúc thọ ông, bà. Mừng tuổi, làm quà, lì xì bao đỏ. Trong nhà ngoài ngõ, dập dìu du xuân, làng xa xóm gần: “Chúc mừng năm mới”.
* * *
Cảnh tết hai miền, mới đấy mà đã có thể coi là chuyện cũ: “ngày xửa – ngày xưa”.
Chưa đầy hai mươi năm, từ khi nước ta rũ bỏ cách nghĩ, cách làm cũ, tiến hành “Đổi mới”, khoảng hai năm nay, tập tễnh bước chân vào sân chơi toàn cầu, gia nhập thị trường Thương mại thế giới, cảnh tết và xuân không còn như xưa.
Công nghiệp hóa – đô thị hóa tác động mạnh vào phân bố dân cư, một số lượng lao động nông nghiệp đáng kể bị hút từ Bắc vào Nam, vào các đô thị lớn và các khu công nghiệp phân bố không đồng đều. Chen lấn tàu xe, “cơm tù – xe tội” là hình ảnh nổi bật với hàng vạn người lao động xa quê những ngày cận tết. Nghịch cảnh ấy còn tiếp diễn trong nhiều năm nữa khi địa bàn nông thôn chưa được coi trọng, và ngành giao thông vận tải – vốn luôn đi sau thời cuộc – giải quyết được vấn nạn này.
Sản xuất phát triển, kinh tế tăng trưởng, miếng cơm manh áo không còn sức ép lúc xuân về. Tấm bánh chưng, con gà thiến, tô măng miến, nồi thịt kho – bán đầy các siêu thị, thành món ăn hàng ngày – đã mất đi vẻ hấp dẫn truyền thống.
Ngày xuân, khuynh hướng đi tìm hương vị lạ, thử nghiệm các món cầu kỳ đăng đầy các tạp chí ẩm thực và hướng dẫn cặn kẽ trên truyền hình.
Đất nước thống nhất, miền Bắc học miền Nam món lẩu. Đông xuân se lạnh, còn gì thú hơn ngồi bên lửa hồng, nghe dầu sôi trên bếp, hít thở hương vị thơm lừng của món ăn đang chín. Cái lẩu miền Nam giải quyết một vấn đề cơ bản của ẩm thực miền Bắc là ăn nóng. Miền Nam cũng truyền cho miền Bắc cách uống rượu kiểu “Chăm phần chăm”. Cách uống ấy đinh tai nhức óc, ồn ào vô kể. Còn miền Bắc thết đãi miền Nam món phở chính hiệu, không pha trộn rau thơm các loại và tương ớt, xì dầu.
Rượu quê Làng Vân, Chương Xá… chỉ còn nơi thôn dã. Người Hà Nội bây giờ mời nhau không chỉ chai Johnnie Walker Gold Label, hay chai Cognac Rémy Martin mà còn phải săm soi năm sản xuất, tối thiểu cũng phải đạt tiêu chuẩn XO để chứng tỏ cấp độ ăn chơi của người sành điệu.
Văn hóa ẩm thực, trong đó có văn hóa rượu – kỹ thuật sản xuất và nghệ thuật uống rượu – đang là một thách thức, một không gian trống, chưa định hình.
Văn hóa phương Tây xâm nhập mạnh mẽ vào đời sống thông qua phim ảnh, Internet và truyền hình, đặc biệt trong giới trẻ. Thời trang Hàn Quốc đang đẩy chiếc áo tứ thân mớ ba mớ bảy, khăn đóng áo dài lên sân khấu lễ hội. Còn lễ hội trở thành cơ hội kinh doanh.
Ngày nay, muốn tìm một cảm nhận nguyên thủy của ngày xuân và Tết cổ truyền, chỉ có cách lên miền núi. Chợ tình Khâu Vai, chợ thổ cẩm Bắc Hà v.v… vẫn còn truyền thống. Xuýt xoa trong cái rét vùng cao, hơ hai bàn tay lạnh cóng bên lửa hồng, nghe âm thanh đùng đục của món thắng cố đang sôi già trong chảo là cái thú của những người mùa xuân đi tìm cảm giác lạ.
Dân “phượt” Hà Nội còn oái oăm hơn, dăm ba chàng trai, cô gái, rời bỏ thị thành, phi ngựa sắt lên non cao, đến với các bản, H’Mông ngắm hoa đào. Uống rượu ngô, nghe tiếng khèn gọi bạn, chiêm ngưỡng các nàng H’Mông má hồng như táo chín, xênh xang váy áo ngày xuân.
Phân hóa giàu nghèo diễn ra với tốc độ chóng mặt. Một số gia đình giàu có, nhân ngày xuân, đi ăn tết phương xa. Các tour du lịch nước ngoài: Paris, Tokyo, Sidney, Jeju v.v… đăng đầy các trang quảng cáo. Người Sài Gòn, nhân tết, đi đổi gió ở Mũi Né, Nha Trang… bằng xe riêng, đón Giao thừa bên bờ biển, ngắm bình minh năm mới ở Vinpearl Land không còn là chuyện lạ.
Dễ bắt gặp những cặp vợ chồng còn rất trẻ, rặt tiếng Hà Nội, sáng mồng Một vẫy vùng trong biển xanh ở Victoria, Hội An, hay thong thả bên nhau trên bãi cát trắng ngần của khu du lịch cao cấp Furama, Đà Nẵng.
Ngày xuân Sài Gòn, thăm chợ hoa đường Nguyễn Huệ, thấy mỗi năm một mới. Hội Hoa xuân Tao Đàn, một thương hiệu uy tín nhiều năm. Kỳ hoa, dị thảo, chim quý, cá lạ, những bộ sưu tập đá công phu, những tạo hình bất ngờ của gỗ lũa trưng bày một thiên nhiên thiên hình vạn trạng. Những thành tựu mỗi năm một mới, cứ ngày xuân tập hợp lại nơi này. Đầm Sen, Suối Tiên cũng là nơi đáp ứng yêu cầu thưởng ngoạn, du xuân của đông đảo công chúng.
Người Hà Nội có thú vui chợ tết. Chợ xuân Hà Nội muôn sắc ngàn hương. Nhưng ngắm hoa không bằng ngắm người. Con gái Hà thành chính thị là một loài hoa biết cười biết nói, má thắm môi hồng, ríu rít như chim, đong đưa ánh mắt. Ngày xuân đang về, tuổi xuân đang tới, các bé choàng manteau, đi bốt da cao, diện còn hơn đầm. Mà đẹp hơn đầm thật.
Tết cổ truyền là một định chế văn hóa nằm sâu trong tâm thức người Việt. Tuy nhiên, như mọi hoạt động văn hóa khác, cũng chịu tác động của đời sống, của hội nhập, giao lưu, của thời gian và của những tiếp biến nhiều chiều. Tin rằng, những dao động vừa qua chỉ là dao động con lắc, sẽ có lúc tìm lại cân bằng.
Viết mãi, giờ mới nhớ ra, xuân năm nay, chỗ đáng đi nhất là về quê, chỗ đáng chơi nhất là Hà Nội, cái đáng ngắm nhất là con gái Hà thành. Tất nhiên, đấy là ý riêng.