Trang chủ Văn học “Xuân Khai Phúc Lạc” qua góc nhìn chư Tổ

“Xuân Khai Phúc Lạc” qua góc nhìn chư Tổ

“Xuân Nhật Tức Sự” được lưu truyền là của Thiền sư Huyền Quang (1254- 1334) là vị Tổ thứ ba Thiền phái Trúc Lâm. Đây là bài thơ hay, bài thơ này rất đẹp về “Xuân”, vì sao? Vì Ngài diễn tả một hành động thong dong tự tại của cô gái tuổi tròn trăng đang thêu gấm…

172

MỞ ĐẦU:

Cận Tết, ký ức trong con ùa về hình ảnh vị Thầy Giáo thọ Chơn Không Tăng (HT.Thích Thông Thiền) năm nào đã từng đứng trên bục giảng ươm mầm cho đàn hậu thế chúng con hình ảnh sắc xuân, khí xuân… và cả nét đẹp của “Xuân” qua góc nhìn của chư vị Thiền sư, trong đó điển hình là Thiền sư Huyền Quang – Ngài có bài thơ nói về Xuân – “Xuân Nhật Tức Sự”.

NỘI DUNG:
春 日 即 事

二 八 佳 人 剌 繡 遲

紫 荊 花 下 囀 簧 鸝

可 憐 旡 限 傷 春 意

盡 在 停 鍼 不 語 時

(玄光)

Dịch âm:

XUÂN NHẬT TỨC SỰ.

Nhị bát giai nhân thích tú trì .
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.
Khả liên vô hạn thương xuân ý.
Tận tại đình châm bất ngữ thì.

Tổ Sư Huyền Quang

Dịch nghĩa:

Nhẩn nha thêu gấm tuổi tròn trăng,
Líu lo chim hót khóm hoa gần,
Bao nổi thương xuân thương biết mấy
Là lúc dừng kim không nói năng.
(HT.Thông Thiền dịch)

Bài thơ “Xuân Nhật Tức Sự” được lưu truyền là của Thiền Sư Huyền Quang (1254- 1334) là vị Tổ thứ ba Thiền phái Trúc Lâm. Đây là bài thơ hay, bài thơ này rất đẹp về “Xuân”, vì sao?

Vì Ngài diễn tả một hành động thong dong tự tại của cô gái tuổi tròn trăng đang thêu gấm:

“Nhị bát giai nhân thích tú trì.”
(Nhẩn nha thêu gấm tuổi tròn trăng)

Một tâm hồn thư thái đã tạo nên một hành động thong thả, an nhiên của cô gái; không một chút gì hiện lên vẻ gấp rút bất an chi cả trong lúc đương làm, mà ở đây Ngài diễn tả cô gái cứ “nhẩn nha” thêu gấm; còn ở ngoài kia lại:

“Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly”
(Líu lo chim hót khóm hoa gần)

Có hoa nở, chim hoàng oanh hót, một khung cảnh thật đẹp làm sao!

Nếu mình trong Ngài, bất chợt nhìn thấy khung cảnh đầy thơ mộng trước mắt như thế chắc hẳn dễ gì chúng ta không buông lời xuýt xoa khen ngợi, ở đây Ngài Huyền Quang nói:

“Khả liên vô hạn thương xuân ý.
Tận tại đình châm bất ngữ thì.”
(Bao nổi thương xuân thương biết mấy
Là lúc dừng kim không nói năng)

Vì sao Thiền sư Huyền Quang lại thật là thương, thương biết mấy; khi thấy cô gái dừng tay thêu và im lặng không nói một lời!

Như vậy có phải là Ngài thương cô gái hay không? Đây là một vấn đề mà chúng ta cần lý giải để làm sáng tỏ cái “gốc” của lý Thiền nhé!.

Ở đây chúng ta cần hiểu cho rõ, cho thấu đáo lời của chư vị Thiền sư, thì chúng ta mới không bị kẹt ở ngữ ngôn hiện tại, chúng ta cần phải hiểu và thấy vượt ngoài ngữ ngôn thì tâm mình mới không bị vướng mắc, không bị chấp trong chữ nghĩa, ngôn ngữ như chư vị Tổ thường gọi là “ý tại ngôn ngoại”, tức là thấy cái gì ngoài kia chớ đừng thấy ở đây.

Qua đó, chúng ta thấy chư vị Thiền sư Việt Nam nhìn ngày Xuân ra sao? Trong nhà Phật dùng chữ “Xuân” để dạy bảo chúng ta và nói lên những ý nghĩa thâm trầm của Đạo, các Ngài mượn “Xuân” để sách tấn, răn nhắc chúng ta cố gắng tu cho xứng đáng là những Thiền sinh xuất thân từ Thiền viện là con cháu của Tổ, các Ngài luôn mong muốn chúng ta mồi ngọn đuốc sáng của các Ngài để soi đường hướng dẫn người sau, làm thế nào để ngọn đuốc tuệ luôn luôn được lưu truyền, hưng long mãi mà không bị mai một.

Kẻ phàm tình, khi nói đến ngày Xuân là chỉ có Xuân ở thế gian, ngày Xuân sắp đến, sẽ đến và đang về trên quê hương đất Việt thì mình vui rộn đón Xuân, Xuân qua rồi thì tâm hồn mình cũng lại đi theo mùa Xuân, trong lòng lại cảm thấy buồn chán, sống đời vô vị, sống một cuộc sống không định hướng…một cuộc sống đầy mối tơ vò bòng bông trong nhiều lối rẻ chẳng biết đi về hướng nao trước ngã ba thế sự. Ôi thôi, có khác gì như người đang lạc giữa rừng tăm tối chẳng biết lối ra. Đó là lối sống hưởng thụ mùa Xuân theo nghĩa trần thế, bị bao cạm bẫy cám dỗ vây quanh không lối thoát. May sao trên bước đường trở về, chúng ta được sự chở che của đức Phật của Tổ, được nương nơi lời dạy của đức Phật cùng chư vị Tổ mà tất cả chúng ta đều tin tưởng, một lòng hướng thẳng về sự tu hành, đi theo con đường đức Phật đã dạy, thì mỗi bước đi là một bước an lành, mỗi một bước đi là rơi rụng bao nhiêu đau khổ. Để rồi từ dạo ấy, từng bước chân chúng ta đều đi trên con đường tươi đẹp và mát mẻ, đó chính là mùa “Xuân”, “Xuân” này chính là đồng nghĩa với “Xuân” của chư Tổ hằng nhắc đến.

Cho nên, trong đạo, các Thiền sư cũng dùng chữ “Xuân” để nhắc nhở chúng ta. Nhờ lời khuyên dạy của các Ngài, chúng ta càng tu càng phấn khởi hơn, càng vui thích hơn, nguồn vui đó các Thiền sư cũng mượn chữ “Xuân” để diễn tả. Vậy chúng ta phải cố gắng đi mãi trên con đường tươi đẹp đã chọn dù phải vấp té trầy chân hay gặp những hòn sỏi phiến đá trở ngăn… Nhưng dù những chướng ngại có khó khăn bao nhiêu cũng không thể ngăn cản được bước chân của những tâm hồn, những con người nguyện quyết tiến đến chỗ “Xuân an lạc miên viễn”.

Chính mỗi bước tu là mỗi bước chúng ta huớng về mục tiêu cao quí nhất, an lạc nhất của đời mình. Vì vậy khi nói đến ngày “Xuân” chúng ta cảm nhận một niềm vui tràn đầy ở ngay hiện tại, ở ngày mai.

Như vậy, quan điểm của vị Thiền sư Huyền Quang nhìn thấy được “Xuân” khi nào?

“Là lúc dừng kim không nói năng.”

Vì sao ? Tại sao lại là lúc dừng kim thì thấy được “Xuân”?

Trong nhà Thiền, khi đến chỗ chân thật cứu kính, thường nói là:

“Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt.”

tức là bặt đường ngôn ngữ, không có lời để diễn tả và dứt chỗ tâm hành tức là dứt cái tâm đang tìm kiếm, đang đuổi theo sáu trần. Dứt chỗ tâm hành tức là dừng thêu chớ gì? Dừng được tâm đó mới là chỗ thương, thương lắm. Thế nên ngài Huyền Quang nói : “thương, thương lắm” là thương chỗ không nói, tức là đã đến chỗ viên mãn tột cùng thì không còn lời gì để nói, ngay đó là thấy được “Xuân” rồi chẳng phải tìm “Xuân” đâu xa xôi.

Như một vị Ni Diệu Nhân ở đời Lý, khi sắp tịch để lại những câu thơ nhắc nhở chúng rằng:

“Thiền Phật bất cầu
Uổng khẩu vô ngôn.”

Dịch:

“Thiền Phật chẳng cầu
Uổng lời không nói.”

Ngài răn nhắc chư vị đồ đệ là đến chỗ không cầu Thiền, không cầu Phật, tức là đến chỗ rốt ráo. Đến chỗ đó vừa mở miệng là sai, là lạc về đối đãi rồi.

Cho nên Thiền sư Tịnh Giới đời Lý Ngài răn:

“Kham tiếu thiền gia si độn khách,
Vi hà tương ngữ dĩ truyền tâm.”

Dịch:

Cửa thiền những thẹn người si độn,
Biết lấy câu gì để truyền tâm.

Ngài vạch trần ra cho chúng ta thấy thật đáng tức cười cho “ông khách si độn” trong nhà thiền đã có cái gì tràn đầy trong lòng, vui tươi, thích thú, ông muốn đem cái an lạc đó ra để diễn tả và chỉ dạy cho người sau, song không biết làm sao vì mở miệng là sai, mở miệng là mất rồi. Nên nói:

“Vi hà tương ngữ dĩ truyền tâm.”

Nghĩa là: Không biết đem lời gì để truyền cho mọi người cái tâm an lành tự tại của chính mình. Như vậy để nói rằng chỗ chân thật bất sinh bất diệt luôn luôn là thanh tịnh là an lạc, chỗ ấy không có lời để diễn tả, thì làm sao mở miệng, làm sao nói? Thế nên ngài Huyền Quang nói là: thương, thương lắm, tức là chỗ không có lời chính là vậy.

Đến đây chúng ta mới thấm thía được ý nghĩa của toàn bài thơ. Đầu tiên là cô thiếu nữ yêu kiều đang thêu gấm, cô gái rất đẹp, gấm cô thêu cũng đẹp. Ngoài trời hoa nở rộ, chim hoàng oanh hót lảnh lót, tất cả cái đẹp hợp lại là tượng trưng cho mùa Xuân. Mùa Xuân đẹp với người thế gian trần tục được sánh bằng những hình ảnh diễm lệ, hào nhoáng bên ngoài; nhưng đối với người có chí xuất trần thượng sĩ thì mùa “Xuân” phải như thế nào? Cô gái đẹp nhưng cứ thêu, thêu mãi, thì đó là cái đẹp của luân hồi sinh tử, chưa đáng cho chúng ta quan tâm. Cần phải có cái đẹp khi không nói và lúc dừng thêu, đó mới thật là cái đẹp của người tu muốn tìm, muốn được.

Thế nên hai câu kế tiếp Ngài Huyền Quang nói rằng:

“Bao nổi thương xuân thương biết mấy
Là lúc dừng kim không nói năng.”

Không còn một lời, không còn đan dệt, chính đó là chỗ ước mơ mong mỏi của bậc xuất trần thượng sĩ. Thế mà có nhiều người lại hiểu theo cái đẹp của thế tục: Cô gái đẹp đang thêu gấm, bên ngoài có hoa nở chim hót…, rồi cho ngài Huyền Quang là tình cảm dồi dào. Thật ra Ngài là một nhà thơ lại là một Thiền sư, nên Ngài diễn tả quá khéo léo sinh động, người đọc dễ hiểu nhầm. Còn chúng ta là con cháu trong nhà Thiền cần phải hiểu cho rõ, thấy cho đúng chỗ này, chớ nói theo quan niệm thế gian, chỗ thấy biết thiển cận riêng mình sẽ bị thiên hạ chê cười.Vậy trọng tâm của người tu là phải làm sao đạt đến chỗ cứu kính Niết-bàn. Chúng ta quyết định phải đạt được mục đích đó, một mục đích rất đẹp, đẹp vô cùng. Những mục đích, nét đẹp “Xuân” đó được chư vị Thiền sư Việt Nam thể hiện qua các bài thơ, và điển hình là bài thơ “Xuân Nhật tức sự” của Ngài Huyền Quang đã diễn tả sự tu hành hoàn toàn là đẹp, đẹp như mùa Xuân!

KẾT LUẬN
Tóm lại, qua bài thơ “Xuân Nhật tức sự” của Ngài Huyền Quang cho mình nhận thức được rằng: Tất cả người tu chúng ta đã có duyên lành từ đời trước, đều đủ phước duyên nên mới sớm thức tỉnh chọn được con đường đẹp đẽ an lành này thì từ đây về sau chúng ta phải cố gắng nỗ lực đi cho đến đích, đạt cho đến chỗ cuối cùng. Không có lý do gì mình đã chọn được con đường tốt đẹp rồi lại lo chuyện bâng quơ không đáng để phí hết thời giờ. Hoặc có niệm thối Bồ-đề tâm, muốn đứng lại hay xoay mặt trở qua con đường khác. Đến cuối cuộc đời nếu chúng ta không đạt được mục đích thì rất là đáng tiếc. Ở đây Thiền sư mượn “Xuân” để tượng trưng cho cái “tâm chân thật” sẵn có nơi mỗi chúng ta. Nếu biết khéo trở về cái tâm chân thật của mình, thì thân này còn hay mất chỉ là tạm bợ, còn cái tâm chân thật lúc nào cũng thanh tịnh, sáng suốt, như trong nhà Thiền thường gọi đó là Pháp thân, Pháp thân thanh tịnh, miên viễn, không tan hoại.Thế nên sống được với Thể chân thật không sinh không diệt thì ngày nào cũng là “Xuân”, lúc nào cũng là “Xuân miên viễn” rồi!

Năm Qúy Mão sắp sẽ ẩn mình nhường bước cho năm Giáp Thìn ngự trị, con Pháp danh Thích Nữ Hòa Thảo (Cỏ Thơm) xin kính chúc toàn thể quý độc giả, đồng nắm tay nhau, sách tấn nhau tiến mãi, tiến mãi trên con đường “Xuân” tâm rộng lớn tươi đẹp an lành, đạt được như nguyện “bao giờ bằng Phật “mới vừa được lòng quý độc giả!

Kính chúc quý độc giả nhân dịp “Xuân khai” sẽ nhận được nhiều “Phúc lạc” bất diệt và miễn viễn nơi tâm Xuân chính mình!

Tác giả: Nguyễn Võ Thị Ánh Tứ (Thích nữ Hòa Thảo)
Thiền viện Chơn Không Ni, Bà Rịa Vũng Tàu