Trang chủ Tết Việt Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua

Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua

92

Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua, câu thơ của Xuân Diệu nói rất đúng tâm sự nuối tiếc những ngày tết của không ít người. Những ngày cận tết, mua sắm, dọn dẹp nhà cửa thường là những ngày "xuân" nhất. Đến mùng 1, mùng 2, Tết hiện diện với cờ hoa bày rực rỡ, lân rồng múa nhộn nhịp nhưng thế nào bạn cũng sẽ nghe quanh bạn ai đó thở dài: "Ngày mai đi làm lại rồi!"… Làm sao tận hưởng được đến giây phút cuối cùng của kỳ nghỉ tết mà không bị mất vui bởi viễn cảnh sắp phải cần mẫn "cày bừa" trở lại?

Ám ảnh hậu Tết

Theo tâm lý, bạn hay cảm thấy những kỳ nghỉ trôi qua rất nhanh. Thường những ngày nghỉ đầu tiên sẽ diễn ra thật chậm rãi để bạn thích nghi với nhịp độ mới, nhưng càng về sau, bạn càng cảm thấy "thời gian thấm thoát thoi đưa" khi đã bị cuốn vào những cuộc vui.

 

 

"Lên giây cót" tinh thần

Tự nhủ rằng những lo lắng của mình cũng bình thường thôi. Năm nào bạn cũng "căng thẳng" như thế vào cuối dịp tết, rốt cuộc mọi chuyện vẫn tốt đẹp mà, phải không?

Nhớ đến những giây phút vui vẻ, những thói quen cà-phê, trò chuyện với đồng nghiệp mà bạn cảm thấy "nhớ" khi ở nhà nghỉ tết.

Bạn vẫn còn thời gian nghỉ cuối tuần và những ngày nghỉ phép hằng năm để "xả hơi" mà. Thử… lên kế hoạch cho kỳ du lịch hè trước xem sao!

Dành thời gian cho những hoạt động giải trí như nghe nhạc, chơi thể thao…

 

Có nhiều nguyên nhân khiến những ngày mùng 3, mùng 4 của nhiều người trở nên căng thẳng. Sau gần một tuần lễ sống theo nhịp Tết, ăn uống linh đình, ngủ nghỉ thiếu điều độ, lại ít có cơ hội vận động, cơ thể bạn sẽ trở nên nặng nề, mệt mỏi, mất hẳn sự năng động. Rõ ràng đây không phải là điều kiện lý tưởng để bạn "mở hàng" một năm làm việc. Với nhiều người, sau Tết sẽ là một khởi đầu mới nên đi kèm theo là áp lực làm sao cho bản thân phải hoàn hảo hơn, công việc phải tốt đẹp hơn.

Đi làm lại nghĩa là phải giã từ những ngày vui chơi, tiệc tùng thả cửa và quay về với hàng núi công việc cùng thiên hình vạn trạng những thứ đi kèm mà đôi khi bạn không thích lắm. Chuyện sẽ trở nên "bi kịch" hơn với những ai đang gặp khó khăn trong công việc hoặc có mâu thuẫn với đồng nghiệp.

Củng cố bản thân

Để trở lại làm việc với một tâm trạng "xuân tươi phơi phới", bạn cần chuẩn bị cho bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần  vào thời gian trước và trong Tết.

Điều tréo ngoe là vào dịp tết, nhiều người lại nghỉ ngơi không điều độ, thậm chí… thiếu ngủ: "luyện" phim bộ, chơi cờ bạc liên miên, ăn nhậu thâu đêm… Nhịp sinh học sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt đối với những người chọn dịp Tết để say xỉn, bạ đâu ngủ đó, bất kể thời gian. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe "ngon lành" cho những ngày hậu Tết, bạn nên chú ý dành thời gian cho việc nghỉ ngơi, tận dụng kỳ nghỉ để ngủ cho đủ giấc đồng thời duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng.

Để kỳ nghỉ thật sự thư giãn, bạn nên ưu tiên cho những khoảnh khắc giải trí nhẹ nhàng, như cùng cả nhà xem những bộ phim chiếu Tết vui nhộn.

Sau cùng, hãy lên sẵn danh sách những điều bạn phải làm sau Tết để tránh trường hợp một "núi" công việc làm bạn choáng ngợp khi vào lại công sở. Công việc sắp xếp sẵn, tinh thần lại năng động, một năm mới thành công đang chờ bạn đấy!