Tuổi trẻ chúng tôi ngày nay cũng bằng chính tinh thần đó, đến học tập trao đổi Phật pháp cũng như thực nghiệm đời sống nội tâm theo sức trẻ của mình, chứ không phải chỉ đơn thuần đến chùa theo xu hướng tín ngưỡng. Tại Tp. Hồ Chí Minh hàng loạt các phong trào hoạt động của thành niên Phật tử diễn ra như Trại hè cho giới trẻ Phật giáo, khóa Tu mùa hè của Thanh niên, họat động thiện nguyện của Câu Lạc Bộ Đến Từ Trái Tim, mà gần nhất là tại Hà Nội, Câu Lạc Bộ Thanh Niên Phật Tử được hình thành. Tất cả những những hoạt động trên cho thấy tinh thần giới trẻ ở khắp nơi hướng về đạo Phật như máu chảy về tim, như chính nhiệt huyết sống của người Phật tử Việt
Bản thân chúng tôi là những người trẻ, đến với buổi tọa đàm này không ngoài sự chia sẻ và nhìn nhận một khía cạnh nhỏ – một góc nhìn về “Vấn đề tu học của thanh niên Phật tử hiện nay”. Tu học và thực nghiệm giáo lý như thế nào và mọi người có cách nhìn nhận gì mới đối với vấn đề này ? Trong bài viết này chúng tôi đề cập 2 vấn đề: Thanh niên học tập Phật Pháp và sự nhìn nhận, chuyển hóa cuộc sống.
Thanh niên học tập Phật pháp
Thanh niên Phật tử chúng tôi là những người trẻ, những người song hành với cuộc đời bằng những khát khao cháy bỏng về niềm tin tôn giáo, về một tương lai tự thân, về mái ấm gia đình bé nhỏ trong hàng vạn gia đình của xã hội Việt
Người trẻ học Phật hoàn toàn khác các đối tượng khác, bởi chúng tôi đã tự ý thức được câu nói : “Học mà không tu là cái đãy đựng sách – tu mà không học là tu mù”. Chúng tôi tiếp cận Phật pháp bằng những môn học căn bản : Phật Học Phổ Thông, phưong pháp niệm Phật – lễ Phật, hành thiền..v.v.. trên các các phương tiện truyền thông như : Băng giảng, chương trình thuyết giảng online tại đạo tràng Chuyển Pháp luân, các website Phật giáo và thuận tiện hơn là đến các chùa tham gia các buổi giảng trực tiếp. Đạo phật dạy chúng tôi phải là hòn đảo chính mình trong vạn pháp duyên sinh, của đất nước gió lửa, của trùng trùng điệp điệp nhân quả báo ứng. Và đúng thật như vậy, chúng tôi là những nguời trẻ, có nhiều hoàn cảnh sống và công việc khác nhau, nhưng có điểm chung là đến với đạo phật tìm ở nơi mình một điểm sáng của Trí Tuệ và Giác ngộ mà các tôn giáo khác chỉ có chủ trương ban ơn và cứu rỗi.
Những điều tưởng chừng như bình thường đơn giản trong cuộc sống về tình thương trong tinh thần Từ Bi, về lòng tha thứ trong tinh thần Hỷ Xả … đơn giản vô cùng nhưng có mấy ai làm được. Nếu các bạn trẻ tiếp xúc với công việc và nghề nghiệp của mình, những bài học của triết lý Phật giáo thông qua các mẫu chuyện đạo lý, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản khi thẩm thấu được nhân cách sống của một kiếp con người – Tôi gởi tôi cho đất, đất gởi đất cho tôi; tôi gởi tôi cho Phật, Phật gởi Phật cho tôi. Cái chân giá trị và chính tinh thần lớn của Yêu Thương đã tuông chảy khắp kinh điển nhà Phật. Người trẻ chúng tôi, Có người quy y, có người chưa quy y, có ngươì rất thích đọc kinh Phật vì điều đó đã đem lại cho bản thân và những người xung quanh sự tuyệt mỹ của sự tịch tĩnh an lạc trong dòng chảy tâm thức. Nếu các bạn trẻ không thấy điều đó thì sẽ dễ có cách nhìn phiến diến về đạo Phật – xem đạo phật là đạo tách rời cuộc đời. Nhưng chúng tôi tin chắc rằng, giới trẻ chúng ta đến với Đạo phật mọi lúc mọi nơi bằng chính nhịp sống của mình.
Và chính những điều kiện tiếp cận phật giáo rất tích cực và bình thường như chính sự vận hành của sự phát triển của xã hội, bản thân người viết đã cảm nhận được tâm thế của thanh niên Phật tử hiện nay. Họ không e dè đến với Phật Pháp, họ học Phật bằng niềm tin vững chắc, gieo một chút hạnh nguyện Bồ Tát vào cuộc đời thông qua hành động cụ thể mà họ có thể cống hiến cho Phật giáo và dân tộc. Đồng thời, thanh niên Phật tử còn có một cách nhìn tích cực với những hành động lệch lạc xã hội bằng thái độ sống của những người trẻ không thơ ơ và lạnh lùng trước những nỗi đau xã hội.
Sự nhìn nhận và cảm thụ cuộc sống
Trong cuộc sống đặc biệt là trong công việc của giới trẻ, việc học có thể giúp trau dồi kỹ năng, nhưng kỹ năng không thể có được chỉ từ bản thân việc học. Kỹ năng chỉ giúp ích khi kiến thức có được từ việc học được đem ra áp dụng vào thực tế. Chính vì thế, điều học được trong cuộc sống mới là giá trị thực.
Thật vậy, là thanh niên Phật Tử, chúng tôi luôn cố gắng thực hành những điều mình học được ở giáo lý khi tiếp cận với chư Tăng, các đồng đạo vào cuộc sống của mình. Từ việc sửa đổi nội tâm, cách nhìn nhận cuộc sống, đến cách ứng xử với mọi người xung quanh, với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…là những môi trường mà không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, không có những mâu thuân nội kết xảy ra. Riêng đối với những người trẻ được học Phật thái độ sống khác hơn với những người thanh niên bình thường, họ xử lý tình huống với tinh thần Bi, Trí, Dũng chứa đựng ở nhip sống đang cuồn cuồn dâng trào trong nhịp thở, trái tim tuổi trẻ.
Điển hình trước kia, chúng tôi chỉ chăm chú vào học hành, suy nghĩ làm sao tìm được một công việc tốt, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, hòa thuận với anh chị em, không tham lam…giới hạn việc tiếp xúc với mọi người , vì xã hội vô cùng phức tạp và đầy cạm bẫy, sống như thế là đủ tiêu chuẩn của một người lương thiện. Nhưng bây giờ, chúng tôi nhận ra rằng, cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa hơn nếu ta biết áp dụng những đạo lý mình học được mà “dấn thân” vào cuộc sống. Dấn thân ở đây có nghĩa là “hòa nhập chứ không hòa tan”, vì chính điều đó sẽ là thước đo sự tu tập của mình – đúng với tinh thần đạo Phật đi và cuộc đời trong sắc màu của những bi kịch sống.
Tinh thần Tự Giác của Thanh Niên Phật tử trẻ ngày nay, là một trong những điểm mà bản thân người viết rất tâm đắc. và khi đến với cuộc tọa đàm này, chúng tôi đã cảm nhận được điều đó của sự hiện diện của các bạn trẻ trong các chương trình tu tập Phật pháp ở các chùa, các thư viện phật học tại Hà Nội hay ở Thành Phố Hồ Chí Minh. Và nhìn chung nếu không có một môi trường học tập Phật pháp thuận lợi cho giới trẻ thì những công việc mà chúng ta hướng đến sẽ khó thành tựu. Hơn nữa, sự thành tựu của những công tác Phật sự của thanh niên Phật giáo là dụng công tu tập chuyển hóa cuộc đời, đó chính là công đức, mà những người biết sống vì tha nhân mới có thể có được điều đó.
Đúc kết bài viết này, chúng tôi chỉ muốn chia sẻ với mọi người, thanh niên Phật tử là lực lượng nhiều tiềm năng, ngoại hộ cho Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững. Họ là những thanh niên trẻ thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng có điểm chung là có nhiệt huyết sống, biết dấn thân tìm đến Phật giáo học tập và thực nghiệm giáo lý nhà Phật. Họ là những người biết nhìn nhân cuộc đời: Học Phật pháp để chuyển hóa Nội tâm bắng chính tình yêu thưong tự thân và tình yêu thương đồng loại thông qua những hành động thực tiễn,mặc dù, môi trường học Phật ở các nơi đối với thanh niên phật tử trẻ còn nhiều hạn chế.
Hy vọng qua cuộc tọa đàm này, chúng ta- những thanh niên trẻ sẽ cùng nhau xiết chặt bàn tay trong tinh thần Lục Hòa Cộng Trụ, hãy cùng phát Đại Bi Tâm : Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật.
(Bài tham luận của Buổi Tọa đàm “Tuổi trẻ Phật tử với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam” tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội vào ngày 29/10/2006 nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam”