Từ lòng nhân ái
Ðã từng đi giảng đạo Phật ở nhiều nơi, cũng từng chứng kiến những nỗ lực của giới Phật giáo Thái-lan ngăn ngừa bệnh dịch thế kỷ HIV/AIDS, Ðại đức Thích Thanh Huân rất tâm đắc về mô hình ở nước bạn. Ông nghĩ ngay đến việc thành lập câu lạc bộ (CLB) cai nghiện, tư vấn người nhiễm HIV ngay tại ngôi chùa mình trụ trì. Ông tâm sự: "Ðạo Phật từ bi cứu khổ nhân sinh. Tôi thấy ở xã hội ta có nhiều người mắc bệnh thế kỷ, khổ đau vì nghiện mà thương họ vô cùng. Người nhiễm HIV thường bị kỳ thị, thậm chí bị người thân xa lánh, sống cô độc. Có người nghĩ dại tìm đến cái chết. Làm sao để giúp họ cũng là bài toán khó mà cả xã hội phải chung tay".
Nghĩ là làm, thầy Huân đã "làm công tác tư tưởng" với các tăng ni tới chùa Pháp Vân để họ ủng hộ công việc mới mẻ nhưng cũng đầy nhân văn ở nhà chùa tôn nghiêm. CLB Vì ngày mai tươi sáng được thành lập vào tháng 7-2003 với sự tham gia của nhiều tu sĩ và một số người nhiễm HIV, nghiện ma túy. Mục đích của CLB là thuyết pháp đạo Phật, khuyên nhủ các thành viên tích cực làm điều thiện, tổ chức cai nghiện, tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS, tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, hướng dẫn tập thiền, dưỡng sinh nâng cao sức khỏe… Ban đầu, CLB chỉ có hơn mười thành viên, sau đó những người nghiện, bệnh nhân nhiễm HIV "giác ngộ" cũng tham gia tư vấn, giúp người khác làm lại cuộc đời. Chùa Pháp Vân trở thành chốn nương nhờ của những số phận đang bị cuộc đời từ chối. Năm 2004, nhóm thu hút rất nhiều người tham gia, sư Huân đổi tên CLB thành Hương Sen, còn CLB mang tên Vì ngày mai tươi sáng được đặt cho một nhóm nhiễm HIV, đã mở một quán cà-phê đang hoạt động rất tốt tại huyện Gia Lâm. Tiếp đó, thầy Huân cùng với nhiều thành viên khác thành lập nhóm Bình Minh do họa sĩ nhiễm HIV Nguyễn Trọng Kiên làm trưởng nhóm và nhóm Hướng Dương dành riêng cho những người phụ nữ nhiễm "H". Ðiều đáng mừng là đến nay đã có hơn 300 thành viên tham gia ở nhiều nhóm, CLB khác nhau.
… đến "bí kíp" vi diệu
Thời gian đầu, Ðại đức Thích Thanh Huân gặp phải không ít khó khăn bởi xã hội còn định kiến với những người từng lầm lạc, hay có người quan niệm chùa chiền vốn thanh tịnh, không thể dung nạp những người đang gánh hậu quả của tệ nạn xã hội. Thêm nữa, nhà chùa lại phải gánh vác việc tổ chức ăn uống trong điều kiện vật chất còn khó khăn. Nhưng mỗi khi có người bệnh tìm đến chùa trong tâm trạng chán nản, tuyệt vọng, vị Ðại đức lại có thêm quyết tâm, kiên trì mở rộng vòng tay nhân ái giúp đỡ họ. Khó khăn dần qua đi… Thầy Huân cho biết: "Bất cứ ai đến gặp chúng tôi thổ lộ, tâm sự cũng yên tâm vì thân phận không bị tiết lộ, mọi thông tin được giữ kín. Những người mắc nghiện, nhiễm HIV ở lại được đối xử bình đẳng, không phân biệt".
Anh Trần Văn Thìn, một người được giúp cai nghiện thành công chia sẻ: "Nhà sư không bao giờ mắng mỏ, trách phạt nhưng luôn nghiêm khắc. Ðã đến thì phải đoạn tuyệt và không nhắc tới ma túy, không hút thuốc lá, ngồi quán và giữ quá 30 nghìn đồng…". Cũng như anh Thìn, nhiều người đã được thầy giúp từ bỏ ma túy đều nghĩ vị sư này có bí kíp rất cao siêu. Thật ra không phải thế. Nghiện hay không đều là do ý chí của con người. Muốn có chí thì tâm phải tốt, phải tĩnh. Ðến chùa cai mà không thấy thuốc cai nghiện, chỉ có những lời hỏi han ân tình, sự động viên và những bài giảng đạo. Bởi thế, những người nghiện đã vượt qua 10 ngày đầu vật vã thì những ngày sau cũng trôi đi một cách nhẹ nhõm, tự nhiên quên đi mọi khổ đau, dằn vặt, thèm muốn… Tình thương, lòng nhân ái, sự thông cảm đã làm nên điều vi diệu, giúp người nghiện thoát khỏi sự chi phối ghê người của thuốc, người nhiễm HIV khát khao muốn sống, sống vui, sống khỏe. Nhiều người đang đê mê, lầm lạc tìm thấy chỗ dựa vững chắc trong tâm hồn, gột rửa được những nhuốc nhơ, ham hố trần thế, tìm thấy cho mình một con đường trở lại đời thường.
Ðiều khiến Ðại đức Thích Thanh Huân luôn trăn trở là tệ nạn vẫn đang hoành hành, làm cho bệnh nhân nhiễm HIV cũng như người nghiện mỗi ngày gia tăng. Ðiều đó không chỉ tạo thêm gánh nặng cho xã hội, phá tan nhiều tổ ấm mà những người mắc bệnh bị xa lánh, ảnh hưởng rất lớn đến giá trị đạo đức con người. "Những người tìm đến nhà chùa đều có thân phận và tâm sự khác nhau. Tôi đã gặp những phụ nữ bị lây nhiễm HIV từ chồng. Sau khi người chồng mất thì gia đình chồng hắt hủi, đuổi con dâu ra khỏi nhà. Cô ấy đã tìm đến chúng tôi nhờ giúp đỡ và giờ cô ấy sống không những rất tự tin mà còn nhiệt tình giúp đỡ người cùng cảnh ngộ." – thầy Huân kể.
Hiện nay, nhà chùa vẫn nhận tư vấn trực tiếp và qua điện thoại cho người nhiễm HIV. Thầy Huân là người trực "đường dây nóng". Nhiều người Việt làm ăn ở Hàn Quốc, Nga, Ma-lai-xi-a… cũng gọi điện xin tư vấn. Dù là ai, thì với thầy Huân họ vẫn luôn nhận được sự tôn trọng, và nhận được những lời khuyên nhủ chân thành, thấm đẫm triết lý nhà Phật, dẫn dắt người nghe thay đổi cách nghĩ, lấy lại niềm tin tìm về với cuộc sống.
Thầy Huân và những người giúp đỡ nạn nhân bệnh AIDS cho biết, điều quan trọng nhất đối với mỗi người bệnh là một điểm tựa tinh thần, tâm lý ổn định, kỹ năng sống và phương hướng sống. Vẫn còn nhiều người chưa được giúp đỡ, đang loay hoay sống trong dòng chảy ồn ào của cuộc đời. Giá mà tất cả họ đều có được sự giúp đỡ kịp thời, có thêm nhiều bàn tay đón nhận, sẻ chia… Nỗi niềm ấy đã canh cánh bên lòng, thúc giục vị Ðại đức nhân từ giang rộng vòng tay, miệt mài xoa dịu những nỗi đau trần thế.
* Chị Nguyễn Thị Loan: Tôi phát hiện mình nhiễm HIV từ năm 2004, từ đó suy sụp hoàn toàn. Mọi ước mơ, dự định đều tan biến, đôi khi chẳng muốn sống nữa. May mắn tôi đã gặp thầy Huân, được ông giúp đỡ, động viên, cưu mang. Nay tôi đã quên đi nỗi đau, thường xuyên gặp những người đồng cảnh và động viên nhau tiếp tục sống tốt. * Anh Nguyễn Tiến Hải: Tôi nghiện suốt 11 năm trời, lúc nào cũng sống trong tăm tối, chán nản, đến nỗi vợ bỏ đi biệt. Thầy Huân đã xua tan những ý nghĩ mông lung trong tôi. Chừng một tuần, những bài giảng, lời động viên của thầy nơi chốn tôn nghiêm đã giúp tôi cắt cơn, ba tháng sau cai được hẳn. |