Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả Xem xét quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng đất tôn...

Xem xét quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng đất tôn giáo

282

Một số tỉnh, thành phố chưa có quy hoạch đất sử dụng cho tôn giáo, cũng không có đất dự phòng để giao khi tổ chức tôn giáo có nhu cầu đất cho mục đích tôn giáo.


Theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010 – 2020, đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo từng vùng kinh tế – xã hội đều có xu hướng tăng theo thời gian, có tôn giáo tăng hơn 3 lần. Tuy vậy, năm 2018, giám sát việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Khóa XIV cho thấy, nhu cầu đất tín ngưỡng, tôn giáo vẫn rất lớn. Chẳng hạn, trong số 1.225 Hội thánh và Điểm nhóm trực thuộc của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) vào thời điểm giám sát, mới có 14 nhà thờ, 273 nhà nguyện, số còn lại là thuê, mượn địa điểm sinh hoạt.

Trong khi đó, báo cáo kết quả khảo sát vừa qua của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chỉ ra rằng, một số tỉnh, thành phố chưa có quy hoạch đất sử dụng cho tôn giáo, cũng không có đất dự phòng để giao khi tổ chức tôn giáo có nhu cầu đất cho mục đích tôn giáo. Đa số cơ sở tôn giáo mới đều không nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên không có đất dự phòng để giao khi chấp thuận cho tổ chức tôn giáo thành lập hoặc thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Khoản 2, Điều 159, Luật Đất đai hiện hành quy định: UBND cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho các cơ sở tôn giáo. Thực tế hiện nay tại Ninh Bình, việc thu hồi đất, giao đất, công nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả xây dựng mới và mở rộng khuôn viên) đều được xem xét, thống nhất chủ trương từ Ban chỉ đạo thực hiện công tác tôn giáo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; UBND tỉnh đến UBND cấp huyện, cấp xã trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, Quy hoạch xây dựng và ý kiến của người đứng đầu tổ chức tôn giáo (đối với Công giáo là ý kiến của Tòa giám mục Phát Diệm, đối với Phật giáo là Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình).

“Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đất của các cơ sở tôn giáo luôn tăng, tình trạng cơ sở tôn giáo tự ý nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây dựng mới hoặc mở rộng khuôn viên vẫn diễn ra, gây khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng đất của các cấp, chính quyền địa phương” – báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình chỉ ra thực trạng.

Cũng bởi hoạt động về tôn giáo, tín ngưỡng trong nhân dân ngày càng phát triển mạnh mẽ, các cơ sở tôn giáo ngày càng phát triển rộng lớn về quy mô, mức độ đầu tư, sức lan tỏa trong tâm linh, nên theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, tình trạng các cơ sở tôn giáo tự thỏa thuận, thực hiện việc chuyển nhượng, mua bán lại đất của các hộ gia đình, cá nhân, nhận hiến tặng, công đức không đúng quy định khá phổ biến. Một số cơ sở tôn giáo sau khi nhận hiến tặng, chuyển nhượng của hộ gia đình, cá nhân đã tự mở rộng chùa, nhà thờ mà chưa thực hiện các thủ tục chấp thuận cho tu bổ, tôn tạo di tích, phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Từ thực tế trên, các địa phương đề nghị trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai cần xem xét quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với đất tôn giáo để làm cơ sở thẩm định nhu cầu sử dụng đất, góp phần sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Có quy định cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất, giao đất cho các tổ chức kinh tế để xây dựng khu du lịch liên quan đến tôn giáo. Cần tách bạch đất sử dụng vào mục đích tôn giáo (không thu tiền sử dụng đất) và đất kết hợp du lịch để sử dụng đất tiết kiệm, tính thu tiền thuê đất đối với đất du lịch dịch vụ, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

Theo báo cáo, những năm vừa qua (đặc biệt từ năm 2017 đến nay), Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và đất cơ sở tôn giáo và đã tháo gỡ khó khăn trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các điểm cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất trên địa bàn. Đến nay tỉnh đã hoàn thành giao đất, hợp thức hóa đất đang sử dụng cho 163/180 điểm đất cơ sở tôn giáo.

Trong số 17 điểm cơ sở tôn giáo chưa được hợp thức hóa quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có 7 trường hợp do cơ sở tôn giáo đang sử dụng nhưng không đủ điều kiện để giao đất, hợp thức đất đang sử dụng. Đất tôn giáo tín ngưỡng diện tích chưa cấp giấy chứng nhận chủ yếu là phần diện tích các cơ sở tôn giáo gắn liền với diện tích được người dân hiến, tặng, còn tranh chấp, nằm trong hành lang, đất phế tích, chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Ngọc Hà/ĐBHĐND