Trang chủ Diễn đàn Hộ Pháp Xe hoa Phật đản tại TP.HCM: Nên điều chỉnh lộ trình và...

Xe hoa Phật đản tại TP.HCM: Nên điều chỉnh lộ trình và tăng tần suất sử dụng

67

 

Tuy nhiên, điều chắc chắn là dù chuẩn bị sớm, có lẽ vì được quan tâm hơn, nhưng đại đa số Tăng Ni Phật tử, nhìn vào lộ trình dự kiến của xe hoa Phật Đản, vẫn không tránh được nỗi thất vọng. Xe hoa vẫn không đi qua nhà mình, chùa mình!
 
BẤT HỢP LÝ VỚI QUY MÔ TPHCM?
 
Vì bây giờ là Thành phố Hồ Chí Minh không phải là Sài Gòn của gần 40 năm trước.
 
TPHCM đông dân hơn Sài Gòn cũ gấp 3, 4 lần. Diện tích còn được mở rộng hơn thế nữa. Huyện Nhà Bè cũ sình lầy nước đọng đã trở thành những khu phố mới sang trọng, lộng lẫy. Xóm chài Cần Thạnh lụp xụp đã trở thành một thị trấn khang trang, sạch đẹp.
 
TPHCM có nhiều trung tâm mới, cả về dân cư, kinh tế thương mại, văn hóa, giáo dục lẫn tôn giáo. Chùa Huê Nghiêm Quận 2, chùa Phổ Quang Quận Tân Bình, chùa Hoằng Pháp Huyện Hóc Môn… đã trở thành những trung tâm Phật giáo mới của TP, những địa chỉ mà trước năm 1975, Tăng Ni Phật tử Sài Gòn Gia Định chưa thể hình dung.
 
Trong khi người dân, người Phật tử TPHCM tự hào vì sự phát triển của TP, phơi phới đi trên những đại lộ mới mở, những chiếc cầu mới xây thênh thang, bề thế, thì nhìn vào lộ trình xe hoa, thì vẫn thấy ở đó bóng dáng chật chội của Sài Gòn cũ, từ năm 1964, năm bắt đầu có xe hoa.
 
Quanh đi quẩn lại, xe hoa Phật Đản vẫn đi trên những con đường nửa thế kỷ trước là đại lộ như Trần Hưng Đạo, 3 tháng 2 nhưng bây giờ đã là những con đường nhỏ, so với những đại lộ mới như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trường Chinh…
 
Đã gần 40 năm giải phóng, gần 30 năm đổi mới, tất cả mọi thứ của TPHCM đều rộng hơn, mới hơn, hoành tráng hơn, quy mô hơn… Ấy thế sao, lộ trình xe hoa Phật Đản vẫn như gần 50 năm trước, vẫn không có được tầm cỡ, vóc dáng của TPHCM hiện đại, công nghiệp, phát triển?
 
Những trung tâm Phật giáo mới, như chùa Phổ Quang, chùa Hoằng Pháp… chưa một lần đón xe hoa Phật Đản, dù đã có hầm Thủ Thiêm, Đại lộ Hoàng Văn Thụ, Đại lộ Trường Chinh…
 
Phải chăng, tư duy của Ban tổ chức Đại lễ Phật đản tại TPHCM không theo kịp với sự phát triển mạnh mẽ của TPHCM? Từ đó, việc tổ chức Đại lễ Phật Đản không theo kịp với quy mô phát triển của TPHCM? Để rồi, lộ trình xe hoa Phật Đản vẫn nhỏ hẹp, quẩn quanh trong dáng dấp Sài Gòn những năm chưa giải phóng?
 
Thiết nghĩ, bây giờ, hay vài ngày trước Đại lễ Phật Đản, xe hoa Phật đản TPHCM vẫn còn kịp để điều chỉnh, mở rộng lộ trình.
 
Hãy để những trung tâm Phật giáo mới: Huê Nghiêm, Phổ Quang, Hoằng Pháp…, nơi chư vị tôn đức, Tăng Ni Phật tử đã dày công xây dựng để có được quy mô hôm nay, được đón chào đoàn xe hoa Phật Đản, thêm vào những trung tâm Phật giáo đã có như Ấn Quang, Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Quảng Đức, Việt Nam Quốc Tự…
 
Hãy để những đại lộ mới của TPHCM, niềm tự hào của người dân TP, trở nên lộng lẫy hơn, tươi đẹp hơn trong ngày Phật Đản với những chiếc xe hoa lấp lánh đèn màu, và cư dân những xòm bùn lầy kênh rạch trước đây chưa từng một lần đón xe hoa Phật Đản, thì này, được chào đón xe hoa Phật Đản từ những cao ốc tinh khôi bên những Đại lộ mới mở…
 
LÃNG PHÍ?
 
Vấn đề này không mới, với lộ trình xe hoa cũ, chỉ vài giờ đồng hồ chạy qua, quẩn quanh trên những đường phố chật chội…, thì đã có nhiều ý kiến nói đó là một sự lãng phí chủ quan. Chiếc xe hoa vài chục triệu đồng kinh phí trang trí, ròng rã nhiều ngày công của các tập thể Tăng Ni, Phật tử, thực sự chỉ dùng trong vài giờ, hay hơn chút ít.
 
Càng đáng tiếc hơn nữa, khi việc lãng phí này có thể chuyển thành tiết kiệm, khi xe hoa Phật đản được khai thác hết “công suất” trên những đại lộ mới mở, những khu dân cư mới, những trung tâm sinh hoạt, kinh tế thương mại, dịch vụ, văn hóa giáo dục mới xây dựng của TP.
 
Số Tăng Ni, Phật tử cũng như cư dân TP chào đón xe hoa Phật Đản càng nhiều, thì xe hoa Phật đản càng tiết kiệm, vì chi phí đầu tư càng sẽ phát huy tác dụng do số lượng đối tượng phục vụ tăng cao.
 
Đoàn xe có thể tổng trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng chi phí trang trí, lại chỉ chen chúc trên những đường phố cũ trong vài giờ, như là không biết đến những đại lộ thênh thang, hiện đại của TPHCM, rồi giải tán sau vài giờ khi đã qua những con đường cũ.
 
Ngoài ra, các Ban Đại diện, các chùa có tôn trí xe hoa cũng nên chủ động diễu hành trong phạm vi địa phương, hoặc đi từ địa phương này sang địa phương khác để tới những chùa, những ban đại diện kết nghĩa. Dù chỉ là một chiếc xe hoa chạy trên đường cũng góp phần làm tăng không khí và nhắc nhở người dân về lễ hội Phật đản. Và chắc chắn, việc diễu hành đơn chiếc và trong phạm vi địa phương này chẳng cần phải xin phép ai cả.
 
Như vậy, việc vừa tham gia diễu hành theo lộ trình của Thành hội, vừa diễu hành trong phạm vi địa phương sẽ kéo dài, làm tăng hiệu quả truyền thông ngày Phật đản. Chi phí bỏ ra tăng không đáng kể (tiền xăng), nhưng hiệu quả sử dụng lại rất lớn. Đó cũng là một cách tiết kiệm chi phí so với lợi ích mang lại.
 
Mong rằng, Phật giáo TPHCM hãy lấy niềm tự hào của người dân TPHCM, một thành phố phát triển, quy mô làm cơ sở trước tiên cho những đề xuất mới về lộ trình xe hoa Phật Đản, bổ sung vào lộ trình xe hoa Phật Đản các đại lộ tiêu biểu cho sự đi lên của TPHCM như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trường Chinh…, những đại lộ phản ánh tầm cao trí tuệ và nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân TPHCM, cũng như tăng tần suất sử dụng xe hoa trong phạm vi địa phương để đưa niềm vui Phật đản đến gần với mọi người, mọi nhà.
 
MT