Trang chủ Thời đại Truyền thông Xe hoa Phật đản: hãy là những cuộc triễn lãm văn hóa...

Xe hoa Phật đản: hãy là những cuộc triễn lãm văn hóa PG di động

101

>>> Chùm ảnh: Đa sắc xe hoa Phật đản Hà Nội năm 2010 (phần 1), phần 2

>>> Ấn tượng, hoành tráng xe hoa Phật đản năm 2009 tại Hà Nội

Tôi rất dè dặt với ý kiến chủ quan của mình, nhưng cũng xin nêu ra đây, để quý độc giả tăng ni Phật tử cùng bàn luận.

Xem xe hoa Phật đản những năm trước, ở TPHCM từ thực tế, cũng như ở các địa phương khác, qua ảnh và video, chúng tôi thấy có một điều, là chừng như xe hoa Phật đản có phần đơn điệu.

Vì là chào mừng Phật đản, nên xe nào cũng như xe nào, đều có hình Phật đản sinh, tay chỉ trời, tay chỉ đất, cũng như vườn Lâm Tỳ Ni…

Các tượng Phật sơ sinh tuy có khác nhau đôi chút, nhưng cũng một hình thức thể hiện.

Nên chăng, Phật giáo chúng ta có thể khai thác xe hoa Phật đản như một phương thức triễn lãm văn hóa Phật giáo, giới thiệu hoạt động của Phật giáo Việt Nam đến đông đảo tăng ni Phật tử và toàn thể người dân.

Vì là xe hoa chào mừng Phật đản, nên nhất thiết trong đoàn xe phải có điểm nhấn quan trọng là kính mừng Phật đản, với hình thức quen thuộc là ảnh tượng Đức Phật Đản sinh, vườn Lâm Tỳ ni…

Đây sẽ là những chiếc xe dẫn đầu đoàn xe, trang trí rực rỡ, chiếu sáng nổi bật. Những ngôi chùa, những đơn vị Phật giáo có thế mạnh tài chính có thể đứng ra nhận trách nhiệm trang trí xe hoa điểm nhấn này. Thông thường số xe hoa Phật đản ở TPHCM chẳng hạn là khoảng 30 – 40 chiếc, thì có thể có 7 chiếc xe là điểm nhấn Kính mừng Phật đản. Chúng tôi nghĩ đến số 7 vì Đức Phật Đản sinh trên 7 hoa sen.

Số xe còn lại, trên mỗi xe cũng có điểm nhấn “Kính mừng Phật đản”, thí dụ khẩu hiệu như trên, các câu kinh liên hệ đến Phật đản…

Nhưng các xe đi sau có thể thể hiện nhiều đề tài khác nhau, qua các phương thức trang trí chung quanh, không nhất thiết lặp lại hình ảnh Đức Phật đản sinh, hay vườn Lâm Tỳ Ni…

Những hình thức thể hiện khác thì vô cùng phong phú, miễn là liên hệ đến Phật giáo và dân tộc, có tác dụng biến phần phía sau đoàn diễn hành xe hoa Kính mừng Phật đản thành một cuộc triển lãm sinh động, phong phú với nội dung Phật giáo và dân tộc, di chuyển trên đường phố.

Chúng tôi đề xuất ý tưởng này, cũng từ cơ sở quan điểm Phật giáo toàn dân do Thượng tọa Bảo Nghiêm đề xướng. Nội dung thể hiện của xe hoa không chỉ giới hạn trong khuôn khổ Lễ Phật đản, mà còn là nhân lễ Phật đản thể hiện mối quan hệ Đạo Pháp – Dân tộc, thể hiện nỗ lực hoằng pháp lợi sinh, vì sức mạnh tâm linh của dân tộc, sự đoàn kết chung tay xây dựng đạo – đời…

Các chùa cũng có thể dùng xe hoa Phật đản giới thiệu sinh hoạt tu học hoằng pháp của chùa mình. Chẳng hạn, chùa Hoằng pháp giới thiệu về những đêm hoa đăng lộng lẫy, chùa Ấn Quang giới thiệu hình ảnh là trung tâm đào tạo tăng tài của Phật giáo phía Nam trong những năm 1950, 1960, chùa Giác Lâm giới thiệu giá trị văn hóa lịch sử của một di tích mấy trăm năm, tiêu biểu cho Sài Gòn – TPHCM…

Chúng ta cũng có thể giới thiệu mô hình, hình ảnh thắng tích Phật giáo trên khắp thế giới, ảnh tượng Đức Phật sơ sinh theo các kiểu Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan… cả sinh hoạt Phật giáo Việt Nam ở các nước trên thế giới…

Cảnh trí mô hình các ngôi chùa cổ Việt Nam trên khắp đất nước là một kho hình ảnh, mô hình có thể khai thác vô tận.

Phật giáo toàn dân là Phật giáo đem đạo vào đời, gắn liền với đạo, là Phật giáo phục vụ xã hội.

Vì vậy, xe hoa chạy trên đường phố đương nhiên đã tạo một kênh đem đạo vào đời. Chúng ta nên chú ý đến đặc điểm này. Phải làm sao, nhìn những chiếc xe hoa Phật đản, mọi người có thể đều nhìn thấy dân tộc mình, đất nước mình, nhân dân mình và chính mình trong đó.

Vì vậy, cũng có thể thể hiện hình ảnh các vị anh hùng dân tộc gắn bó với Phật giáo, như Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Vạn Hạnh, Đức vua Lý Công Uẩn…, kể cả hình ảnh các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước đến lễ chùa, dâng hương kính Phật.

Thành quả hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo trên khắp cả nước cũng cần thể hiện bằng hình ảnh, con số thông tin cụ thể.

Xe hoa Phật đản không chỉ là hình thức thể hiện sự hoan hỷ, tôn kính nhân mùa Phật đản, mà trong tổ chức sự kiện, xe hoa là một phương thức cổ động rất là hữu hiệu.

Vì vậy, có thể dùng xe hoa để cổ động Phật tử đi dự lễ Phật đản, chẳng hạn xe hoa chạy những đêm trước ngày rằm tại TPHCM có thể căng các băng rôn nội dung như “Kính mời 6 giờ ngày rằm tháng 4 đến dự lễ Phật đản tại chùa Vĩnh Nghiêm”. Còn xe quận, huyện nào thì cổ động Phật tử dự lễ tại lễ đài quận huyện đó.

Cổ động cho việc ăn chay, trưởng dưỡng tâm từ bi, hiếu sinh, không giết chóc sinh vật nhằm bảo vệ môi trường… cũng có thể là nội dung cổ động của xe hoa mừng Phật đản. Trên đó, các địa chỉ ăn chay, các sản phẩm ăn chay cũng có thể được thể hiện, chỉ dẫn, với sự tài trợ của những tiệm ăn chay, cơ sở sản xuất thực phẩm chay.

Địa chỉ các số điện thoại liên hệ để tham dự các sinh hoạt thanh niên Phật giáo cũng có thể thể hiện trên xe hoa để thanh thiếu niên có thể liên hệ nếu muốn cũng là một nội dung có thể thể hiện trên xe hoa.

Bên cạnh đó, cũng có thể thể hiện địa chỉ các trang web Phật giáo, trang web các chùa.

Xe  hoa cũng có thể giới thiệu các ấn phẩm, xuất bản phẩm giá trị của Phật giáo mà những yêu thích đọc sách có thể tìm đọc, cũng như tìm  xem (đối với đĩa VCD, DVD).

Diễn hành xe hoa, như đã nói là một kênh cổ động rất hiệu quả. Nếu khéo khai thác chức năng này, lợi ích mà việc cổ động đem lại có thể vượt xa gánh nặng tài chính cho việc trang trí xe hoa.

MT