I. Mục tiêu
– Giáo hội là môi trường tập hợp được tất cả những hệ phái, những tu sĩ Phật giáo chân chính, để tìm được sự hòa hợp đoàn kết theo lý tưởng Phật Đà.
– Giáo hội được tổ chức sao cho Tu sĩ và Cư sĩ, và bất cứ ai muốn, được thuận lợi tiếp cận với Giáo lý nhất, được nhiều cơ hội học tập nhất.
– Giáo hội được tổ chức sao cho Tu sĩ và Cư sĩ và mọi người được giúp đỡ nhiều nhất để thực hành tu tập Bát Chánh đạo, từ tu dưỡng Đạo Đức bản thân, đến tác trì các thiện nghiệp, đến nhiếp tâm Thiền định.
– Giáo hội được tổ chức sao cho mọi người được khuyến khích, được hỗ trợ trong việc truyền bá Giáo lý rộng rãi đến khắp nơi, từ vùng xa thôn quê, đến thành thị, đến các trường học, và cả các trại giam.
– Giáo hội được tổ chức sao cho ai cũng có khả năng, có bổn phận bảo vệ sự tồn tại của Phật Pháp khỏi những âm mưu phá hoại hoặc tấn công bạo lực từ các phe nhóm xấu ác đang hiện diện rất nhiều nơi trên thế giới.
– Giáo hội sẽ làm sáng danh những bậc chân tu để mọi người có niềm tin, và sẽ loại trừ những ai không xứng đáng ra khỏi hàng ngũ chức sắc để mọi người yên tâm tu tập.
– Giáo hội luôn đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của Đất nước, nhất là về lĩnh vực Đạo đức, sự bình yên của cộng đồng, và hoàn toàn tương thích với lòng yêu nước của công dân.
– Giáo hội tiến dần tới một tổ chức nề nếp, có kỷ luật, có Giáo quyền trong chừng mực thích hợp nhất.
– Giáo hội cũng là nơi đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng cho quảng đại quần chúng như nghi lễ, nhưng tràn đầy tính vị tha giúp đỡ.
– Mục tiêu lớn lao nhất của Giáo hội vẫn là góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, hạnh phúc, tràn đầy lòng thương yêu, sáng ngời trí tuệ Giác ngộ.
II. Đường lối để thực hiện các mục tiêu
Để là một Giáo hội hòa hợp được tất cả các hệ phái và tu sĩ chân chính, GH phải xác định quan điểm về giáo lý có tính dung hợp, và có tính chọn lọc lâu dài. Bát Chính đạo là nền tảng, Giới Định Tuệ là trụ cột. Các tông phái được yêu cầu không cố chấp pháp môn của mình và phải tìm về một giáo lý hoàn hảo chung. Những nhà lãnh đạo GH phải hiểu rõ bản chất của các tông phái để hướng dẫn các tông phái quy về một mối. Những giáo lý cốt lõi như luật Nhân quả, mục tiêu Vô ngã phải là điểm quy đồng chung không thể thay thế.
Để thực hiện mục tiêu Học cho mọi người, GH phải hỗ trợ từng chùa có thư viện, có thuyết pháp định kỳ. GH cũng phải tổ chức lại hệ thống Trường Phật học hiệu quả hơn, hiện đại hơn, hợp tác hơn. Các tác phẩm văn hóa PG được hỗ trợ và được chọn lọc hơn trong việc xuất bản phát hành.
GH sẽ định hướng cho các chùa có hướng đào tạo ngay từ đầu những người mới xuất gia sao cho những vị này chú tâm tu dưỡng đạo đức sâu sắc làm nền tảng vững chắc cho cả một đời tu hành đi qua nhiều cám dỗ và nghịch cảnh. Giáo trình dạy cho người mới xuất gia phải được biên soạn thích hợp cho việc tu dưỡng đạo đức chứ không thiên vị một tông phái nào.
GH giúp định hướng cho Cư sĩ mới quy y Tam Bảo biết sống đời lý tưởng vị tha, giúp đời, phụng Đạo, tiếp tay với người xuất gia xây dựng Phật Pháp.
GH khuyến khích các chùa tạo nên nề nếp thực hành Thiền định vững chắc. Phương pháp nhiếp tâm sẽ tùy thuộc hệ phái mà chùa đang đi theo, nhưng công phu nhiếp tâm phải được duy trì tuyệt đối thường xuyên không gián đoạn bởi vì đây là cốt lõi của Phật giáo so với các triết thuyết và tôn giáo khác. Cả tu sĩ lẫn cư sĩ PG phải am tường về công phu thiền định như thế.
GH khuyến khích cho các chùa làm được các việc Từ thiện xã hội để tạo nên thiện nghiệp lớn lao cho toàn thể PG. Cư sĩ được hướng dẫn hoạt động từ thiện xã hội. Tu sĩ được hướng dẫn làm công tác giáo dục Đạo đức cho cộng đồng, nhất là thiếu nhi.
GH tổ chức chu đáo việc truyền bá giáo pháp rộng rãi khắp nơi. Ngoài những giảng sư chuyên môn được phân bổ đi giảng cho các Đạo tràng tu tập, từng cá nhân tu sĩ và cư sĩ đều được khuyến khích giới thiệu Phật Pháp đến với mọi người, có đánh giá, khen thưởng, tập huấn đều đặn. Chùa nào ít có hoạt động hoằng pháp sẽ phải được nhắc nhở, hướng dẫn.
GH theo dõi các chùa đã phát triển tín đồ như thế nào, vào những khu vực nào để hướng dẫn, khen thưởng kịp thời.
Ngoài những người được giới thiệu về chùa Quy Y Tam Bảo, GH cũng khuyến khích việc trao đổi Phật Pháp với tín đồ của tôn giáo bạn nhằm giúp tôn giáo bạn hiểu đúng hơn về PG, và như thế cũng góp phần tạo nên sự hòa ái trong cộng đồng xã hội.
Tu sĩ nào phát tâm về làm việc giáo hóa ở vùng sâu vùng xa sẽ được GH ưu ái hỗ trợ giúp đỡ mọi mặt. GH có tổ chức dạy và học tiếng các dân tộc cho Tu sĩ và Cư sĩ.
GH cũng tìm cách liên hệ với Bộ Giáo dục, với các Trường học để giới thiệu Đạo đức PG vào môi trường giáo dục học đường như thế.
GH cũng liên hệ với cán bộ quan chức ngành Tư pháp, Cảnh sát để có thể giới thiệu Đạo đức PG đến với các phạm nhân nhằm giúp chuyển hóa tốt hơn tâm hồn của phạm nhân trong thời gian giam giữ cải tạo.
Trước tình trạng các phe nhóm tôn giáo cực đoan hoặc thủ đoạn đang muốn chống phá đạo Phật âm thầm hoặc công khai, GH cũng trang bị cho Tu sĩ và Cư sĩ những kiến thức, quan điểm, kỹ năng cần thiết để mỗi người phải biết bảo vệ PG thoát khỏi những âm mưu và sự tấn công bạo lực. Những thủ đoạn như gây chia rẽ nội bộ PG, xúi giục đệ tử Phật chống nhau đều phải được phát hiện và hóa giải nhanh chóng. Những cuộc tấn công bạo lực vào đệ tử Phật phải được ngăn chận và tiêu diệt hoàn toàn. GH kêu gọi mọi người hợp tác và ủng hộ Nhà nước trong việc ngăn chận những thành phần xấu muốn phá hoại PG như thế.
GH là tổ chức tiêu biểu về đạo đức tu hành nên một yêu cầu quyết liệt của GH là không bao giờ cho phép những người Giới hạnh đạo đức yếu kém đứng vào hàng ngũ chức sắc lãnh đạo. Những chức sắc lãnh đạo GH các cấp phải là những tấm gương Đạo đức cho mọi người chiêm ngưỡng tin tưởng. Chính vì vậy, việc đề bạt chức sắc phải có ý kiến rộng rãi của cả Tu sĩ lẫn Cư sĩ. Ai ký quyết định đề bạt chức sắc sẽ phải chịu trách nhiệm nếu người đó yếu kém về Giới hạnh và năng lực, có khi phải từ chức vì việc đề bạt sai lầm của mình. Ngoài ra, còn một tu sĩ nào yếu kém về giới hạnh là GH còn phải lo lắng cải hóa. Ta không chấp nhận tổ chức GH là nơi tập hợp quá nhiều phần tử bê bối tu hành biếng nhác làm quần chúng khinh bỉ.
GH có 2 thành phần chính: Tu sĩ và Cư sĩ. Tu sĩ lo việc lãnh đạo GH và tu hành giữ giềng mối đạo pháp. Cư sĩ là bộ mặt của GH đối với cuộc đời. Những sinh hoạt, việc làm, tư cách của Cư sĩ chính là thành tích cụ thể mà GH đóng góp cho xã hội. GH phải làm sao xây dựng khuyến khích tầng lớp Cư sĩ nhiệt tình tham gia xây dựng đất nước và làm các việc từ thiện công ích cho cộng đồng. Các chùa sẽ có những hình thức giúp tập hợp Cư sĩ, hướng dẫn Cư sĩ, hỗ trợ Cư sĩ trong đời sống, kinh tế, và trong sinh hoạt từ thiện xã hội. Nói gì thì nói, Cư sĩ phải có đời sống khá giả thì mới tu hành và ủng hộ GH được. GH phải có quan tâm đến đời sống kinh tế của Cư sĩ, và có những hỗ trợ cụ thể.
Cư sĩ PG cũng phải là những tấm gương sáng về lòng yêu nước. Đất nước bình yên hay chiến tranh thì Cư sĩ vẫn là những người có trách nhiệm cao trong bổn phận của mình. GH phải nhắc nhở quan điểm này cho mọi người.
Để tiến dần tới một GH có nề nếp, có kỷ luật, có giáo quyền, những người lãnh đạo GH cấp cao phải có trách nhiệm với những cấp dưới của mình. Từ cấp thấp nhất chính là Tu sĩ vẫn được GH quan tâm theo dõi giúp đỡ, mặc dù trách nhiệm chính chăm lo cho Tu sĩ vẫn là Bổn sư Trụ trì. GH theo dõi từng tu sĩ qua hồ sơ, qua ý kiến của Bổn sư, và qua tiếp xúc trực tiếp.
Sự giúp đỡ từ cấp GH đến từng chùa sẽ khiến các chùa hướng về GH. Những nhà lãnh đạo GH phải chăm lo giúp đỡ cho cấp dưới, cho từng chùa, cho từng tu sĩ. Điều này tạo nên một PG hướng tâm hơn. PG sẽ bị phân hóa, bị ly tâm nếu người lãnh đạo GH không làm gì giúp cho cấp dưới của mình. Tệ hơn nữa là nạn vòi vĩnh hối lộ không khác gì thế gian.
Sau này khi GH đã hoàn toàn lo được đời sống cho các chùa rồi thì ta tiến tới quản lý tài chánh thống nhất luôn, nghĩa là sổ sách kế toán tài chánh của chùa sẽ được báo cáo và duyệt bởi GH. Lúc đó GH đã trở thành vô cùng nề nếp không thua bất cứ một giáo hội nào khác. Nhưng điều kiện ban đầu vẫn là chỉ khi nào GH chăm lo được đầy đủ cho đời sống của từng chùa mà thôi.
Ngoài tổ chức tu học, GH còn quan tâm đến nhu cầu tín ngưỡng cho quần chúng tín đồ khi hữu sự. Tuy nhiên, GH sẽ quyết liệt không cho phép dùng nghi lễ như một dịch vụ trao đổi. Chùa dùng nghi lễ cầu an cầu siêu để góp phần an ủi gieo duyên với quần chúng để thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật mà thôi.
Bất cứ khi nào có dịp, GH đều khuyến khích đệ tử Phật tham gia các hoạt động hòa bình thế giới.
Đặc biệt GH sẽ đệ trình Chính phủ và Quốc hội xin thông qua một bộ luật Phật giáo. Luật này khác hẳn luật Tôn giáo chung, vì tính đặc thù của PG. Luật này sẽ quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ PG, và trách nhiệm của Tu sĩ PG đối với xã hội. Tu sĩ PG sẽ được hưởng một số ưu tiên so với công dân bình thường, nhưng bù lại Tu sĩ phải sống gương mẫu và cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Đạo đức xã hội. Luật cũng quy định chỉ những người nào được GH công nhận thì mới được bận pháp phục tu sĩ và được hưởng những quyền lợi của Tu sĩ. Ai vi phạm sẽ bị chế tài nghiêm khắc theo luật định. Luật cũng quy định tư cách của Tu sĩ không còn riêng của Tôn giáo nữa mà trở thành sự quan tâm của Luật pháp. Tu sĩ nào vi phạm tư cách Tu sĩ cũng là vi phạm luật pháp quốc gia luôn, và sẽ bị chế tài nghiêm khắc.
III. Tổ chức của Giáo hội
GH sẽ tổ chức các cấp của mình tương thích theo các cấp hành chánh của Nhà nước, từ Trung ương, Tỉnh Thành phố, Quận Huyện, Phường Xã. Sự phân cấp như vậy cũng là quá nhiều khi mà các phương tiện kỹ thuật giao thông đã tiến bộ như ngày nay. Vì vậy, phải tránh phân thêm cấp trung gian nào nữa. Lý tưởng nhất là phân một cấp duy nhất: Chùa trực thuộc Trung ương Giáo Hội luôn.
Thực ra phương tiện liên lạc thông tin ngày nay đã bắt đầu hé ra cánh cửa tổ chức phân một cấp duy nhất rồi. Máy điện toán giúp TW quản lý theo dõi từng chùa vô cùng dễ dàng. Việc liên lạc qua điện thoại, internet, hội nghị từ xa đều hỗ trợ cho việc quản lý như thế. Nhưng ta còn bị trở ngại về tâm lý, cứ theo thói quen là phải phân nhiều cấp để chia nhỏ cho dễ quản lý. Thật ra chính việc chia nhỏ sẽ làm cồng kềnh bộ máy hành chánh, tốn kém chi phí cho bộ máy đó, và dễ làm phát sinh thêm tiêu cực quan liêu.
Ta thử tưởng tượng bỏ hẳn cấp xã,bỏ luôn cấp quận huyện xem, sẽ thấy Tỉnh Thành phố vẫn quản lý tốt các chùa như thường khi ta đã có phương tiện điện toán như hiện nay. Nhưng tạm thời ta cứ sử dụng phân cấp như hiện nay. Song song, GH sẽ cho thử nghiệm một tỉnh nào đó bỏ hẳn cấp quận huyện. Một tỉnh nào đó, bỏ luôn cấp Giáo hội tỉnh, cho các chùa trực thuộc TW GH. Nếu thử nghiệm này mà hiệu quả tốt đẹp thì các tỉnh khác sẽ học tập theo.
Mỗi cấp Giáo hội sẽ có Chánh, phó (hoặc nhiều phó), các trưởng ban, Kế toán, Thủ quỹ, Thư ký. TW có vị Pháp chủ đứng đầu làm biểu tượng cao quý cho PG, có quyền chỉ định hoặc bãi nhiệm chức Chủ tịch hội đồng trị sự TW ( ta nên thay tên cho chức danh này vì rườm rà mà giống thế gian quá). Việc bầu chọn Pháp chủ phải thông qua một Đại hội các vị trưởng lão tôn túc.
Việc điều hành chính của GH sẽ được giao cho một thượng tọa, vừa đủ lớn tuổi để có sự chững chạc uy tín, vừa còn đủ trẻ để có sức khỏe tháo vác. Chức Thượng thủ (Trưởng ban điều hành GH) này (ta vừa gọi là Chủ tịch hội đồng trị sự TW) rất quan trọng nên phải được giao cho một người kiệt xuất, đầy đủ giới hạnh, rộng rãi kiến thức, sâu dày công phu tu tập, không bị thiên vị tông phái pháp môn… Các ban của GH sẽ đề cử lên vài vị xuất sắc nhất cho Pháp chủ quyết định chọn lựa. Thượng thủ GH lại có quyền chỉ định các cấp dưới của mình, cũng như có quyền bãi nhiệm. Việc chỉ định cấp dưới cũng cần được tham khảo chọn lựa từ vài ứng viên sáng giá do ý kiến đề xuất của tập thể bên dưới nữa.
GHTW có một số ban chuyên môn làm tham mưu cho Pháp chủ và Thượng thủ.
– Ví dụ Ban Dữ liệu quản lý toàn bộ tư liệu về Tự viện, Tu sĩ, Sinh hoạt… của GH. Ban này lấy Tư liệu các nơi về, theo dõi bổ sung và đề xuất ý kiến. Ví dụ Chùa nào cần phải tổ chức lại, Tu sĩ nào đã đến lúc phải thọ giới… Một Tu sĩ đang ở chùa, bất ngờ được GH xin phép Bổn sư gọi lên triệu tập để hỏi về kiến thức, Giới hạnh và đề xuất cho thọ giới hay cho đi học vân vân… Ban Tham mưu như vậy phải biết quản lý hồ sơ, lập trình vi tính, khiến cho từng đối tượng tự động truy xuất theo mỗi điều kiện về thời gian, trình độ… Ví dụ một vị trụ trì già, bỗng được GH cử người đến thăm hỏi, giúp đỡ về đời sống chỉ bởi vì hồ sơ vị đó được máy điện toán tự động đưa ra và đề nghị giải quyết. Ví dụ máy điện toán được lập trình sẽ nhắc nhở GH về tỉ lệ phân bố thuyết pháp ở vùng nông thôn miền núi chưa hợp lý, đề nghị tổ chức lại vân vân…
– Ban Giáo dục Tăng Ni chuyên lo xây dựng Giáo trình giáo án cho các Phật học viện để cung cấp cho các trường. Giáo trình sẽ có điều chỉnh để tiến dần tới việc thống nhất giáo lý chuẩn nhất cho Phật giáo VN và thế giới. Điều này lệ thuộc rất nhiều vào quan điểm Chính kiến của GH và các vị Chức sắc có trách nhiệm. Phải là những người không thiên vị tông phái, quyết tâm tìm lại ý của Phật để quy đồng các dị biệt hiện nay. GH cũng kêu gọi các tông phái không được cố chấp bảo thủ đường lối của tông phái mình để tiến đến một đạo Phật chung đúng như đức Phật đã dạy dỗ.
Việc tổ chức các trường Phật học là cả một chuyên đề quan trọng. GH sẽ cử những người đi học chuyên môn về tổ chức trường học để về xây dựng đường lối trường Phậ học cho PG. GH cũng không quên mục tiêu tổ chức trường Phật học quốc tế giúp cho Tu sĩ và Cư sĩ khắp thế giới về tham học nghiên cứu. GH sẽ quyết tâm xây dựng các Trường Phật học có giá trị để cho thế giới phải công nhận.
– Ban Giáo dục Cư sĩ sẽ cung cấp cho các điểm thuyết giảng những đề tài và cả dàn bài để gợi ý các điểm tổ chức thuyết giảng thường xuyên cho Cư sĩ tại gia. Lần lượt các chùa đều phải có thuyết giảng vào các ngày đặc biệt định kỳ. Cư sĩ cũng được hướng dẫn phương pháp Thiền tập để đi vào cốt lõi của giáo lý Phật đà. Ban Giáo dục Cư sĩ cũng hướng dẫn các chùa mô hình giáo dục thiếu niên vào các chiều chủ nhật hoặc dịp hè, giúp cho các thiếu niên Phật tử thấm nhuần đạo đức PG trước khi vào đời gánh vác trách nhiệm công dân và Phật tử. Trụ trì các chùa sẽ là người chịu trách nhiệm lớp giáo dục cho thiếu niên Phật tử tại chùa mình. Trẻ được học và vui trong việc học. Mô hình này ít hình thức, ít tổ chức, hiệu quả cao, và không phát sinh tiêu cực lâu dài về sau.
Tu sĩ nào cũng được học về kỹ năng thuyết giảng. Ai có khả năng cao sẽ được GH phân bổ đi giảng nhiều nơi làm chuẩn cho các Tu sĩ địa phương.
GH giúp các chùa tập hợp được sức mạnh của quần chúng Phật tử vào việc tu hành và xây dựng đạo pháp. Những Cư sĩ nào có nhiệt tâm, có thời gian sẽ được mời tham gia hoạt động của chùa, của GH tùy theo trình độ của mình. Nhất là hoạt động Từ thiện xã hội luôn luôn cần sự tham gia nhiệt tình của Cư sĩ.
Có nhiều lĩnh vực mà Cư sĩ làm việc tốt hơn Tu sĩ khi mà họ có điều kiện tiếp cận nhiều thành phần hơn trong xã hội. GH sẽ có nhiều văn bản hướng dẫn các chùa cách huy động khả năng Cư sĩ trong việc giúp đời phụng đạo.
– Ban Tăng Sự sẽ cố vấn cho lãnh đạo GH về số lượng Tu sĩ có khả năng trình độ tác phẩm và gợi ý sử dụng nguồn nhân lực đó vào các công tác của GH. Nhiều Tu sĩ học xong, hoặc có khả năng sẽ được hướng dãn đào tạo thêm rồi được bố trí làm việc. Ban Tăng sự cũng xem công phu tu tập thiền định, oai nghi, đạo đức là tiêu chuẩn để xem xét kỹ lưỡng từng Tu sĩ. Tu sĩ bị buộc phải tu tập tinh tấn đều đặn một cách đồng bộ trên nhiều phương diện.
– Ban Pháp chế sẽ lo việc xem xét việc áp dụng Giới luật và Hiến chương GH của các chùa, các Tu sĩ có nghiêm túc hay không. Ban sẽ đưa ra quyết định khen thưởng những Tu sĩ hay Tự viện nào giữ gìn Giới luật Hiến chương tốt, và sẽ có biện pháp răn nhắc, xử phạt ai vi phạm. Ban này phải do các bậc thanh tu đầy uy đức đảm nhiệm. Pháp chủ thường được xuất thân từ Ban này. Ban Pháp chế cũng đảm nhiệm làm việc về Luật pháp quốc gia một khi có duyên sự cần thiết, ví dụ như lo thủ tục cư trú cho Tu sĩ, thông báo danh sách Tu sĩ, truy tố những kẻ giả danh, truy tố những âm mưu phá hoại PG… Các cấp GH sẽ vừa làm việc theo GH, vừa hài hòa với chính quyền địa phương để nhận được sự ủng hộ pháp lý và sự bảo vệ của chính quyền theo luật định.
Bổn sư trụ trì các Tự viện có trách nhiệm dạy dỗ người xuất gia ở giai đoạn ban đầu về các Đạo đức căn bản, Giới hạnh Luật nghi, Giáo lý nền tảng, Thiền định và các sở trường của mình. Sau đó GH tạo điều kiện đào tạo thêm cho các Tu sĩ nhiều khả năng trình độ cao hơn để có thể tu tập và làm việc tốt hơn nữa. Sự đào tạo của GH sẽ giúp Tu sĩ giảm bớt ý thức hệ phái để nhắm đến một đạo Phật chung. Một cá nhân Tu sĩ nào cũng đều có hồ sơ tại GH và được theo dõi suốt đời để được giúp đỡ và hướng dẫn mãi mãi. Bổn sư sẽ được GH khen thưởng hay quở trách nếu dạy đệ tử buổi đầu không nghiêm, sau khi GH kiểm tra Giới hạnh và Năng lực.
GH sẽ tạo ra một truyền thống tất cả các Tu sĩ là chung đồng, có thể được GH phân công làm bất cứ một việc đột xuất nào khi cần thiết chứ không buộc phải có chức vụ chức sắc gì trước cả. Phải tạo thành thói quen là ai cũng làm việc được, làm xong thì thôi không bận tâm vướng mắc gì.
GH phải luôn theo dõi biết tình trạng từng chùa qua hồ sơ, qua email, qua phone, và khi cần thì cử người đến tận nơi thăm hỏi. GH phải chủ động đề xuất giúp đỡ chùa chứ không đợi chùa lên tiếng yêu cầu. Chùa phải có cảm giác là mình luôn luôn được GH quan tâm hỗ trợ. Tùy theo khả năng tài chánh và sự vận động mà GH giúp chùa cụ thể như thế nào, nhưng phải luôn luôn giúp.
Sau một thời gian chứng tỏ thiện chí của GH, bây giờ chùa sẽ tin tưởng vào một GH tốt đẹp. Lúc đó GH sẽ yêu cầu chùa này giúp chùa kia theo hoàn cảnh và nhu cầu. Các chùa sẽ được GH điều phối để sống hòa thuận, tương trợ, thương yêu nhau trong đời sống tu hành và trong Phật sự.
Việc chọn chức sắc thì ta chỉ nên bầu một Pháp chủ, bầu thật khoáng đại, công khai. Sau đó ta giao quyền cho Pháp chủ chỉ định hay bãi nhiệm cả một hệ thống tổ chức GH. Cấp trên phải được quyền chỉ định hay bãi nhiệm cấp dưới của mình thì GH mới có nề nếp được. Nếu một chức sắc bị chứng tỏ là có dấu hiệu sai lầm thì người chỉ định cũng bị quở phạt kỷ luật lây. Như thế buộc mỗi người phải hết sức có trách nhiệm trong việc chỉ định hay đề cử người khác vào vị trí chức sắc.
– Ban Y tế sẽ chăm lo sức khỏe của Tu sĩ (còn hoạt động từ thiện của Cư sĩ thì sẽ lo cho người nghèo là khác). Ban sẽ phổ biến những phương pháp tập luyện, những cách dinh dưỡng có tính bảo vệ sức khỏe. Ban Y tế cũng hướng đến việc tổ chức những bệnh viện riêng cho Tu sĩ, hoặc kết hợp với các thiền viện để lập khu an dưỡng luyện tập cho các Tu sĩ được tu hành và dưỡng bệnh. Ban Y tế cũng lấy dữ liệu từ Ban Dữ liệu để theo dõi những Tu sĩ già yếu nhằm có hướng chăm sóc hoặc nhắc nhở những vị ở gần phải có bổn phận chăm sóc cho tu sĩ già yếu.
– Ban Tài chánh lo quản lý chi thu tiền bạc của GH theo phương pháp quản lý doanh nghiệp, bảo đảm không có một đồng bị thất thoát. Những vị ở trong Ban này phải có bằng cấp chuyên môn thật sự. Ban Tài chánh làm việc với các kế toán ở các cấp để nắm chắc con số chi thu của GH các cấp. Nói chung, Tài chánh của GH phải hết sức minh bạch vì sự minh bạch về tiền bạc là một dấu hiệu của Đạo đức, mà người xuất gia thì phải có đạo đức cao.
Ban đầu GH không quản lý tiền bạc của các Tự viện mà chỉ quản lý tiền bạc của GH do Phật tử cúng dường để GH hoạt động Phật sự. Chừng nào GH có thể chăm lo đầy đủ đời sống cho các Tự viện và các Tự viện tự nguyện giao cho GH quản lý luôn con số tài chánh của chùa thì GH sẽ quản lý luôn.
– Một bộ phận chuyên môn thống kê quản lý các tài sản của GH như đất đai, chùa chiền, trường học, cơ sở… Những tài sản khác như máy móc, vật dụng có giá trị đều được GH quản lý và tính khấu hao hợp lý. Bộ phận này thường xuyên báo cáo về tình hình tài sản cho Ban Điều Hành GH biết để xử lý thích hợp.
– Ban Hộ Pháp sẽ lo việc bảo vệ Đạo Phật trước những âm mưu phá hoại. Có thật tình trạng các tôn giáo bạn ngày đêm muốn phân hóa làm suy yếu đạo Phật. Có thật những tôn giáo cuồng tín cực đoan muốn tấn công bạo lực vào đạo Phật. Có thật những hệ phái bảo thủ muốn cản trở việc hòa hợp đoàn kết PG. Có thật một số Tu sĩ và Cư sĩ bị bên ngoài mua chuộc, nằm bên trong PG nhưng phá rối kích động chống đối PG. Ban Hộ Pháp sẽ có biện pháp hướng dẫn mọi người hiểu rõ các âm mưu của kẻ xấu để cùng nhau chận đứng. Ban Hộ Pháp cũng phải chuẩn bị tình huống một khi xuất hiện phe nhóm cực đoan tấn công bạo lực vào PG.
Còn nhiều công việc mà ta phải lo, nhưng cũng đừng vì thế mà lập ra thêm nhiều ban bệ quá thành cồng kềnh. Nếu có việc, ta cứ giao cho Ban nào có sẵn để thực hiện luôn.
IV. Nhân sự của Giáo hội
Qua một số điểm khái quát về hoạt động của GH thì ta cũng hình dung ra phẩm chất của những vị chức sắc tương lai phải như thế nào. Đó phải là những vị có lý tưởng tu hành vững chắc để làm gương cho đại chúng. Dù bận trăm công ngàn việc, vị này cũng không bao giờ xao nhãng tu hành. Vị này cũng phải có công phu nhiếp tâm tốt để làm chủ nội tâm và thái độ trước nhiều nghịch cảnh, chướng ngại, sự đa đoan, và cả cám dỗ.
Vị này dĩ nhiên phải là một hình ảnh đẹp về giới hạnh để giữ uy tín chung cho GH.
Vị này phải có lòng từ bi sâu đậm để làm việc của GH mang lợi ích đến cho muôn người với lòng hy sinh tận tụy, không than phiền kể công, không đòi hỏi vòi vĩnh.
Vị này phải có trình độ năng lực thật sự để tổ chức công việc khoa học hợp lý,
Vị này cũng phải có quan điểm giao tiếp tốt đẹp với cấp trên và cấp dưới để luôn là trung tâm đoàn kết cho GH.
GH cố gắng phát hiện ra hiền tài, sử dụng hiền tài, đãi ngộ hiền tài để làm thành nguyên khí cho PG. Ai giới thiệu được người tốt để GH trọng dụng, người đó cũng được khen thưởng tán thán. Cấp nào trù dập hiền tài, bỏ sót hiền tài sẽ bị quở trách, kể cả bãi chức. Cấp nào dung dưỡng kẻ xấu trong hàng ngũ chức sắc sẽ bị quở trách và bãi chức.
GH sẽ thương lượng với Bổn sư mỗi khi điều một Tu sĩ từ nơi này sang nơi khác để nhận nhiệm vụ gì đó.
Nhân sự chức sắc của GH phải đạt 2 tiêu chuẩn: một công dân tốt, và một tu sĩ tốt. Vì vậy GH khi cất nhắc nhân sự cũng tham khảo cơ quan Nhà nước để đánh giá tiêu chuẩn thứ nhất nhằm bảo đảm không có kẻ khai man lý lịch, giấu giếm thành tích bất hảo rồi đóng kịch leo lên hàng ngũ chức sắc.
GH luôn yêu cầu các Tự viện, các Tu sĩ, các Cư sĩ nhận xét về công việc của GH và của các chức sắc. GH rất hoan nghênh cả những ý kiến phản biện giúp GH phải nỗ lực nhiều hơn nhằm thoát ra khỏi lối mòn, khuyết điểm.
Tuy nhiên GH không cho phép ai lợi dụng việc đóng góp ý kiến để tạo nên sự kích động chống đối. Góp ý khác, phản biện khác và chống đối khác. Góp ý và phản biện có tính xây dựng, còn chống đối có tính phá hoại. GH cương quyết bảo vệ sự toàn vẹn, thống nhất, nề nếp của mình trước những ý đồ xấu muốn ly gián phân hóa GHPGVN. Những ai chống đối phá hoại có chủ mưu có thể bị GH truy tố trước pháp luật vì GH đã yêu cầu có luật Phật Giáo
Mục tiêu lâu dài của GHPGVN là làm chỗ quy đồng cho PG toàn thế giới. Đây không phải là tham vọng mà chính là bổn phận bắt buộc để góp phần tìm lại một đạo Phật chung cho cả hành tinh này.
Thắc mắc
Hỏi: Tại sao không để cho các cấp tự bầu ra Ban Trị sự của mình mà lại do cấp trên chỉ định, e rằng thiếu dân chủ chăng?
Đáp: Mục đích của GH là làm việc hiệu quả, giúp Tăng Ni tu học, tạo môi trường đoàn kết hòa hợp. Dân chủ chỉ là một trong những yếu tố đưa đến mục đích trên chứ dân chủ không phải là mục tiêu chính. Sự nề nếp của GH được sắp theo vòng tròn, Pháp chủ ở TW chỉ định cấp tỉnh, Tỉnh chỉ định Quận Huyện, Quận Huyện chỉ định Xã (nếu có), rồi quảng đại Tu sĩ ở các cấp lại bầu Pháp chủ ở TW.
Nếu ta phá ngang cái vòng tròn đó, nghĩa là cấp nào bầu cấp đó thì ta sẽ có nhiều cái vòng nho nhỏ biệt lập với nhau khiến cho GH không bao giờ có nề nếp được, rồi phát sinh tệ nạn trên nói dưới không nghe. Tuy nhiên, cấp trên chỉ định nhân sự lại sẽ chỉ định một trong những người mà cấp dưới đề cử. Cấp dưới sẽ gửi lên danh sách ba bốn người có tài đức, và cấp trên chọn một trong số đó vào nhiệm vụ cần thiết. Ví dụ Pháp chủ chỉ định Thượng thủ GH cũng lựa chọn từ số người do ở dưới đề cử lên.
Hỏi: Tại sao phải hỏi ý kiến chính quyền khi nhận đệ tử xuất gia, như vậy có bị chính quyền can thiệp vào nội bộ PG chăng?
Đáp: Ngày xưa vua Lý Thái Tổ ra điều luật muốn nhận đệ tử phải xin phép vua, khủng khiếp hơn bây giờ nhiều. Ta không xin phép chính quyền mà chỉ tham khảo chính quyền để bảo đảm người này là một công dân tốt, trước khi ta quyết định nhận người đó làm đệ tử xuất gia. Điều này cũng khiến chính quyền có thiện cảm và tin tưởng vào hoạt động của GH. Sự gắn bó giữa GH và CQ luôn luôn là truyền thống từ ngàn xưa không phải mới mẻ gì. Những kẻ muốn làm chính trị chống đối Nhà nước thì muốn kích động sự ngăn cách giữa GH và CQ. Ta không cần phải bận tâm nhiều lắm về những ý kiến đó.
Hỏi: Việc GH tiến đến quản lý tài chánh toàn bộ của các chùa có khiến GH PG trở thành giống như
Đáp: Bản chất của Tu sĩ PG là vô sản không cần có tiền bạc gì. Bây giờ theo thời thế ta cũng cần sử dụng đến tiền bạc, nhưng nếu không khéo ta sẽ sở hữu tiền bạc giống như người thế tục. Việc GH quản lý con số chi thu của chùa cũng là cách giúp ta minh bạch và không chấp giữ tiền bạc quá đáng. Tuy nhiên điều này chỉ xảy ra khi GH rất là tốt, được lãnh đạo bởi những vị chân tu thạc đức khiến tất cả các chùa tin tưởng giao con số tài chánh của mình cho GH kiểm tra. Nhưng thật ra cũng chỉ là kiểm tra con số chứ GH không thu giữ một đồng nào của chùa cả.
Hỏi: Tại sao phải kéo các tông phái, các pháp môn lại một chỗ, tại sao không để yên cho các hệ phái tu theo sở trường của mình, vì Phật Pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn?
Đáp: Tám vạn bốn ngàn pháp môn là để đến một điểm chung chứ không phải tách ra tám vạn bốn ngàn mục tiêu khác nhau. Và điểm xuất phát ban đầu của tám vạn bốn ngàn pháp môn cũng phải từ một điểm chung chứ không thể khác nhau. Điểm xuất phát chung của mọi pháp môn là Chánh Kiến. Chánh Kiến tức là hiểu rõ Nhân quả Nghiệp báo, rồi hoàn thiện Đạo đức, rồi làm nhiều công đức cho đời cho Đạo, rồi đi tới nhiếp tâm. Có rất nhiều cách nhiếp tâm, nhưng cách nào rồi cũng phải đưa đến Giải thoát Vô ngã thì mới đúng là đạo Phật. Nếu không nhắm đến Giải thoát Vô ngã thì không còn là đạo Phật nữa. Vì vậy, GH phải làm công việc bảo đảm cho các hệ pháp không đi xa khỏi mục tiêu Giải thoát Vô ngã, và như vậy cũng khiến cho các hệ phái gần lại với nhau thành một đạo Phật chung như thuở ban đầu của Phật. Đây là ước mơ mà nhiều người ấp ủ.
Hỏi: Vai trò của Cư sĩ được đánh giá như thế nào?
Đáp: Cư sĩ có những thuận lợi và cũng có những trở ngại hơn so với Tu sĩ. Thuận lợi là Cư sĩ có thể làm ra tiền để ủng hộ GH. Cư sĩ cũng có thể xâm nhập vào mọi giới để giới thiệu đạo Phật mà không sợ mất oai nghi như Tu sĩ. Trở ngại là Cư sĩ cũng vì thế mà bận lo gia duyên và sinh kế nên không thể dành thời gian toàn phần cho Phật sự. Dĩ nhiên chung chung thì Cư sĩ cũng không thể tu hành được nhiều như Tu sĩ nên oai đức đạo lực cũng kém hơn Tu sĩ. Tuy nhiên, trong suốt quá trình phát triển của đạo Phật từ xưa đến giờ, Cư sĩ đã cống hiến vô cùng lớn lao. Điều quan trọng là GH phải biết trọng dụng, huy động sức mạnh và sự nhiệt tâm của Cư sĩ. Nếu những Cư sĩ nào có khả năng, có thời gian, có điều kiện thì GH sẵn sàng mời giữ những nhiệm vụ thích hợp lập tức không câu nệ phân biệt chi cả.
Hỏi: Vấn đề lương bổng đời sống của những vị chức sắc làm việc trong GH có được quan tâm không ạ?
Đáp: Dĩ nhiên GH rất muốn cấp lương bổng đầy đủ cho các vị chức sắc để các vị yên tâm công tác nhưng chỉ e rằng GH chưa đủ tài chánh để giải quyết. Hơn nữa, các vị chức sắc thường bản thân có nhiều phước nên cũng ít cần lương bổng gì, các vị phục vụ vô tư là chính. Thời gian qua cũng có hiện tượng một số chức sắc nhận hối lộ khi các chùa cần công việc thủ tục hành chánh, hoặc Tăng Ni sinh cần thủ tục tham học. Những vị đó hối lộ vì tham lam chứ không phải vì thiếu thốn.
Hỏi: Tại sao GH không chấp nhận có những GH khác tồn tại song song với mình, ví dụ những tổ chức GH trước kia?
Đáp: Một GH duy nhất cho một quốc gia mới là PG hòa hợp. Hai ba GH thì đâu còn sự hòa hợp nữa. Hơn nữa, nếu các vị nào yêu quý sự hòa hợp thì sẽ đứng chung vào GH để xây dựng chứ không muốn tách riêng. Thời gian qua có sự phân chia GH hầu hết đều có lý do chính trị phía sau chứ không phải vì lý do đạo pháp.