Do vậy, trong bài viết này, chúng tôi sẽ lý giải vấn đề từ lợi ích của xã hội, của nhà nước, của cộng đồng. Vì thế, việc sẽ có một số điểm không hoàn toàn đồng nhất, thậm chí có khác biệt với lợi ích Phật giáo cũng là điều có thể.
Trừ những trường hợp ngoại lệ, hoặc bất thường ở một số thời điểm, không chỉ ở nước ta, mà ở mọi nơi trên thế giới, ở mọi chế độ, các cơ sở tôn giáo, đặc biệt là tôn giáo gắn liền với đời sống văn hoá địa phương, đều là địa điểm mà nhà nước ở địa phương đó đầu tư quảng bá, cổ động du lịch, và hơn nữa, đầu tư bảo quản, bảo dưỡng, trùng tu xây dựng mới.
Đó không hẳn là vì chính quyền địa phương thiện cảm ưu đãi, hỗ trợ tôn giáo đó, mà trước hết là vì các lợi ích chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá.
Tuy nhiên, trong hoạt động nói trên, không phải không có sự lựa chọn. Kênh RAI của Ý chẳng hạn tập trung quảng bá, cổ động du lịch, quyên góp trùng tu đối với các nhà thờ, nguyện đường, tu viện đạo Ca tô La Mã, trong khi tiêu điểm của các kênh truyền hình Nga là các thánh đường đạo Cơ đốc Chính thống.
Dường như, ở nhiều trường hợp, các di tích tôn giáo còn được chú trọng nhiều hơn các thắng cảnh thiên nhiên.
Hoạt động như trên có ở hầu hết các chế độ chính trị, kể cả nhà nước vô thần. Tại Liên Xô, nhà thờ trên Quảng Trường Đỏ là nơi mà nhà nước Xô Viết nhiều lần đầu tư trùng tu, bảo quản và quảng bá về mặt du lịch, cho dù là vị trí của nhà thờ không thích hợp với tính chất trung tâm chính trị của Quảng Trường Đỏ.
Stalin, đã ít nhiều thay đổi quan điểm đối với nhà thờ Chính thống Nga từ năm 1941, khi các tu sĩ tín đồ của Giáo hội này sát cánh với chính quyền Liên Xô chống lại nước Đức Phát xít xâm lược, trong khi Giáo hội Thiên Chúa La Mã, tập trung ở miền Tây Ukraina, lại có sự thoả hiệp, ủng hộ Chính quyền Quốc xã chiếm đóng.
Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Stalin đổi sang thiện cảm với Chính thống giáo rõ rệt. Thái độ như thế từ Stalin cũng xuất phát từ lợi ích của nhà nước, chế độ. Nhà nước Xô Viết do Stalin lãnh đạo không hậu thuẫn sự phát triển Chính thống giáo là lẽ đương nhiên, nhưng vẫn chấp nhận sự tồn tại của các cơ sở Chính thống giáo trong lợi ích văn hoá, và sau đó là lợi ích chính trị (do quan điểm chống phát xít xâm lược của Chính thống giáo Nga), và sau này, người ta thấy ra cả lợi ích kinh tế, như nguồn thu do thu hút khách du lịch, bán vé vào cổng, giúp việc làm cho người dân địa phương.
Ở Trung Quốc, những chùa chiền bị phá huỷ trong Đại Cách mạng Văn hoá đã được xây dựng lại vào những thập niên 1990, 2000 và có cả những chùa mới.
Chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến nguồn lợi kinh tế với nguồn doanh thu bán vé tham quan các danh lam cổ tự. Đến nay, đối với nhà nước Trung Quốc, đây là một lợi ích chính từ chùa và việc xây chùa. Chùa ở Trung Quốc gắn liền với ngành công nghiệp không khói có doanh thu khổng lồ là du lịch. Khó có thể hình dung du lịch Trung Quốc mà không có những tour chùa.
Tại Việt Nam, từ trước khi bắt đầu công cuộc đổi mới, chùa chiền Phật giáo vẫn được nhà nước bảo quản trùng tu, không phải chỉ vì lợi ích của Phật giáo, mà vì lợi ích chung của xã hội, lợi ích văn hoá.
Sau khi đổi mới, như chúng ta đều thấy, ngày càng nhiều ngôi chùa được hỗ trợ kinh phí đầu tư trùng tu, xây dựng. Có trường hợp việc trùng tu do Bộ Văn hoá đứng ra làm chủ đầu tư, với phương án tốn kém nhất được lựa chọn, nhằm bảo tồn ở mức cao nhất giá trị của những công trình lịch sử.
Trong những năm gần đây, xu thế chùa gắn liền với du lịch, ngày càng rõ nét. Xây khu du lịch hầu như là phải xây chùa hay trùng tu chùa. Khu du lịch Suối Tiên nổi tiếng với ngôi chùa đồ sộ cũng vào loại bậc nhất ở TPHCM. Còn Đại Nam quốc tự là trung tâm điểm của khu du lịch Đại Nam, Bình Dương. Liên hoàn với các khu resort ở Hàm Thuận, Hàm Tiến, Mũi Né, tỉnh Bình Thuận là việc trùng tu chùa trên núi Tà Cú, với hệ thống cáp treo hiện đại…
Làm du lịch mà không đầu tư cất chùa, cấp đất cất chùa, thì giống như một sợi dây chuyền vàng mà không có tượng ngọc, làm mất hẳn giá trị.
Như vậy, trong khi cả nước cả thế giới gắn kết các cơ sở tôn giáo nói chung, chùa chiền nói riêng vào hoạt động du lịch, phát hiện ở đó những lợi ích lớn lao, mà nhìn từ khía cạnh xã hội là lợi ích kinh tế, thì một địa phương nào đó ngần ngại khi chỉ cấp đất xây chùa, trong khi một khu du lịch hoành tráng đã bắt đầu xây dựng, thì chắc chắn, chỉ là điều tạm thời.
Thực tiễn sẽ là lời thuyết phục hùng hồn. Thành công của Đại Nam, của Suối Tiên… là những kinh nghiệm quý báu đối với các nhà quản lý. Đối với người Phật tử, xây chùa là trồng cây công đức. Còn đối với nhà quản lý, cấp đất xây chùa là một hình thức đầu tư cho lợi ích địa phương. Chùa chắc chắn sẽ là một trong những sản phẩm du lịch thu hút du khách. Khách đến thăm nhiều, có nghĩa là họ chi tiêu nhiều tại địa phương, nguồn lợi du lịch tăng cao, đời sống người dân cải thiện.
Mong rằng các nhà quản lý ở địa phương có khu du lịch sẽ sớm thấy được cơ hội đang đến. Trước đây, khi khu du lịch chưa có, thì quan niệm về việc cấp đất xây chùa có thể khác, vì từ một góc nhìn nào đó thì chưa có lợi ích gì. Nhưng nay, khi khu du lịch đã được xây dựng, thì cấp đất xây chùa mới, hỗ trợ kinh phí trùng tu chùa cũ là cơ hội đang tới cho địa phương.