Đã có không biết bao nhà ngôn ngữ học phân tích về ý nghĩa của hai từ xa xỉ lại còn có cả một hội MBA nào đó nói về giá trị của sự xa xỉ …
Nhắc đến từ xa xỉ thì ai cũng nghĩ trước hết nó đang nói đến vật chất, về cuộc sống xa hoa, phung phí… ít có ai nghĩ rằng nó còn mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau, ở từng thời điểm, môi trường, hoàn cảnh khác nhau ví dụ:
Có người khi nhìn thấy một bức hình người lính cứu hỏa, đang cầm một chai nước cho một chú thỏ uống khi xung quanh là khói lửa mịt mùng, ở một cánh rừng đang cháy khô. Người ta cũng thốt lên “ … sao xa xỉ so với đất nước mình thế” thay cho “ Ôi đầy lòng từ bi quá”, hay “ thật xúc động, ở mình chắc là đã bị cho lên bàn nhậu rồi”.
Có người còn thốt lên hai từ xa xỉ chỉ vì khi nhìn thấy đội cứu hộ của Nhật trong thảm họa trận động đất năm 2011 khi họ đang nỗ lực cứu một chú chó đang bị trôi dạt trên biển.
Có người lại dùng hai từ xa xỉ khi nhìn thấy một người nước ngoài ngồi đút cơm cho một người ăn xin…
Hay khi có một nhận xét ghi ở hình ảnh một người phụ nữ chết khi bị cửa sổ rơi xuống. Người ta đã dựng ngay cho một chiếc nều nhỏ bằng vải quây kín, xung quang chỉ có vài nhân viên cảnh sát và y tế. Còn ở mình thì chỉ là một manh chiếu đậy và mọi người thì xem kín làm tắc nghẽn giao thông. Người này cũng thốt lên từ “ Ở mình sao xa xỉ…”
Hay khi có một quan chức, hay một nhân vật nào đó của công chúng mà làm sai làm những điều đáng xấu hổ, thì không chịu rút lui hay từ chức mà còn bao biện… thì người đời cũng thốt lên “ văn hóa từ chức sao ở mình cũng xa xỉ quá”
….
Còn nhiều lắm muôn vàn hình ảnh mà người đời nhìn vào đều nghĩ là sao ở người ta như vậy mà ở mình sao quá xa xỉ.
Vậy là xa xỉ còn có thêm một ý nghĩa nữa là không chỉ dùng để nói về cái gì đó có hình dáng, kích thước, trọng lượng, mùi vị, mầu sắc… Nói tóm lại là vật chất phục vụ cho nhu cầu của con người, mà con người mang xử dụng nó một cách phung phí, xa hoa, hay người này có được quá dễ dàng còn người kia thì có mơ cũng không dám.
Hai từ xa xỉ còn dùng để nói về cách ứng xử mang đầy tính nhân văn, tình người, lòng từ bi, về cái đẹp của con người đối với con người, về con người đối với các loài khác, với thiên nhiên, với môi trường, về trách nhiệm, về lòng tự trọng và sự văn minh … Vậy không hiểu dùng từ xa xỉ để chỉ những việc phi vật chất có đúng không ?
Hai từ xa xỉ cũng đương nhiên là mong muốn, mơ ước, là động lực thúc đẩy cho con người để phấn đấu sao cho mình cũng làm được như thế với động lực hướng tới những thứ xa xỉ tốt đẹp cho con người, thiên nhiên, môi trường … Một ví dụ rất đơn giản thôi cách đây vài năm, internet là một thứ gì đó xa xỉ, nhưng bây giờ thì chuyện đó là quá bình thường…
Ai cũng biết cuộc sống khi đã đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu, con người sẽ tìm tới những thứ xa xỉ hơn. Giống như khi đã đủ cơm ăn, áo mặc thì lại phải làm sao mặc đẹp hơn và chế biến những món ăn ngon hơn thì khi đó đâu có phải là xa xỉ.
Một con cua trị giá bằng cả tấn thóc? Ai cũng nghĩ là nhập cua này về chỉ để mọi người chiêm ngưỡng, ai dám ăn? Ấy thế mà hết sạch, siêu thị phải đặt nhập tiếp. Ai mua nhỉ ?
Tự mua cho mình ăn, con cái mua biếu cha mẹ, bạn bè mua cho nhau, cấp dưới biếu cấp trên,… ăn nó chắc là ngon lắm, đặc biệt lắm. Nếu ai cũng có tiền mà mua được con cua này mà ăn thì đâu còn phải dùng hai từ xa xỉ .
Còn những người bỏ tiền ăn những động vật hoang dã (chưa cần nói là quí hiếm) về ăn mà cách ăn cũng rất đặc biệt thì có thể dùng từ xa xỉ được không? Có người còn ngâm cả mấy chú hổ con trong hũ rượu để uống cho bồi bổ sức khỏe thì có xa xỉ không ?…
Hay mỗi ngày một túi xách hàng hiệu, một bộ cánh hàng hiệu, một đôi giầy hàng hiệu… trị giá bằng cả vài tấn thóc chỉ để mặc một lần, chỉ dùng một lần, chỉ đi một lần cho công việc, cho đẳng cấp của họ. Vậy có xa xỉ không ?
Hay những bữa tiệc trị giá bằng cả chục đến vài chục tấn thóc để tiếp khách, tiếp đối tác làm ăn…Vậy có xa xỉ không khi mà người sử dụng vẫn sử dụng đúng mục đích.
Nhưng xa xỉ mà không có lòng trắc ẩn thì sẽ như thế nào trong khi những bữa cơm của người công nhân và sinh viên nghèo thì “thừa độc tố, thiếu dinh dưỡng”, “Xót xa những bữa cơm người công nhân”, “ bữa ăn trưa của công nhân có dòi”…
Không thừa độc tố mới là chuyện lạ: Nào là rau ế, trứng quá hạn, đậu phụ đầy thạch cao, thịt, tôm, cá thì ôi, bao nhiêu thứ đó đổ đi đâu?
Những người công nhân nhập cư, những sinh viên nghèo tỉnh lẻ có đủ tiền mà mua, thịt ôi, tôm ôi, cá ôi về mà ăn đã là xa xỉ rồi đấy.
Khi ai đó được ăn con cua giá bằng cả tấn thóc có nghĩ rằng ngoài kia, xung quanh ta còn hàng vạn người Nông dân đang ngày đêm miệt mài gieo trồng và chăm bón gần bốn tháng trời mới có thu hoạch đó là chưa kể đến thiên tai làm họ mất trắng. Một tấn thóc họ làm ra vừa để ăn, vừa bán để trang trải cuộc sống tối thiểu cho gia đình mình. Ngoài kia hãy còn những trẻ em đang mắc bệnh hiểm nghèo, đang cần được trợ giúp. Ngoài kia còn biết bao con người kém may mắn đang thiếu ăn, thiếu mặc, đang không có tiền đóng học phí, chữa bệnh…hay trong chính họ hàng của bạn đang còn rất nhiều người nghèo khồ cần bạn trợ giúp.
Nếu người có tiền để ăn một con cua có giá trị bằng cả tấn thóc là các đại gia, là các ông chủ bà chủ của doanh nghiệp nào đó thì khi ăn có nghĩ đến hàng trăm công nhân của mình đang phải ăn những bữa cơm toàn đồ dư thừa ở các chợ khi bán ế đổ về. Đói ăn, thiếu chất, dư thừa độc tố, dẫn đến sức khỏe kém, phát sinh đầy bệnh tật …thì làm sao có năng xuất cao, làm sao có nhiều sáng tạo…
Ăn đã vậy còn ở của những công nhân nhập cư tại các khu công nghiệp thì rộng nhất của một cặp vợ chồng cũng chỉ là 25m2 là sang lắm rồi. Những người sống độc thân thì vài ba người trong căn phòng cấp bốn 10-15m2 nóng thì nóng tới 37-40 độ, lạnh thì cũng lạnh thấu xương. Mùa ruồi muỗi thì khỏi phải kể, có nơi phải mắc mùng ngồi ăn cơm tối…
Cuộc sống của họ thật cơ cực, trăm ngàn thiếu thốn. Họ đang sống mức sống của người dưới mức sống tối thiểu. Có những công nhân ngay trong những doanh nghiệp nổi tiếng họ phải thốt ra “… em ở trong bộ đội còn được ăn lo, ăn ngon, ngày được ăn 3 bữa, tháng được 900,000 đ tiêu. Giá như không phải là hai năm phải giải ngũ thì em xin ở luôn cho đỡ đói”.
Dẫu biết rằng đồng tiền của ai làm ra thì người đó có quyền tiêu sài, nhưng không phải ai cũng có cơ hội may mắn làm ra tiền và nhiều tiền. Ai cũng muốn và cũng biết ăn ngon mặc đẹp, nhưng nếu chúng ta đang ngồi ăn sơn hào hải vị mà bên cạnh ta toàn những người đang đói rách, cơm không đủ ăn thì bữa ăn sơn hào hải vị đó đâu có còn ngon mà là đắng ngắt. Huống chi là nhân viên là công nhân của mình còn phải ăn những bữa ăn có giá trị mươi, mười lăm ngàn đồng thì sao có đồ tươi, không ôi, thiu, mà ăn kia chứ.
“ …Bớt giầu một ít, chậm giầu một chút …”, ăn ít đi một chút, bớt ăn sơn hào hải vị một chút, bớt sống xa hoa đi một chút ở những người giầu thì đã có biết bao em được cắp sách đến trường, được chữa bệnh… và bữa cơm của công nhân trong doanh nghiệp đảm bảo có chất lượng tươi ngon một chút sẽ không còn là xa xỉ nữa. Khi đó ông chủ, bà chủ có ngồi ăn cua trị giá bằng cả tấn thóc chắc chắn rằng hương vị sẽ ngon hơn nhiều lắm.
Trong khi cuộc sống của đại bộ phận người lao động đang còn sống dưới mức lương tối thiểu. Ngân sách nước nhà thì còn nghèo, chưa thể làm gì được ngay để nâng mức sống cho họ, thì trước hết trách nhiệm những doanh nhân, những ông chủ, bà chủ, những người lãnh đạo trong các doanh nghiệp nghĩ gì khi để người nhân viên của mình phải ăn những bữa cơm trưa dưới mức ăn tối thiểu như thế?
Ngoài trách nhiệm ra, người lao động còn đang trông chờ lòng chắc ẩn của các vị, để những gì là tối thiểu nhất phục vụ cho cuộc sống thường nhật của người lao động, ngay trong chính doanh nghiệp của mình không còn là một thứ xa xỉ nữa.
Đức Dalai Lama đã nói: “Yêu thương và lòng trắc ẩn là những thứ thiết yếu, không phải xa hoa. Không có yêu thương và lòng trắc ẩn, nhân loại không thể tồn tại”.
Sài Gòn tháng 1 năm 2013