Tôi còn nhớ ngày tôi rời Ấn Độ về Việt Nam cũng là ngày Bảo tàng Quốc gia New Delhi tại thủ đô New Delhi mở cửa cho khách chiêm bái Xá lợi Phật.
Vì duyên chưa đủ lại cận giờ bay, nên chúng tôi không thể đến đó để chiêm bái xá lợi Phật.
Tôi có niềm tin vào xá lợi Phật cũng theo những gì kinh điển ghi chép lại. Tôi cũng từng thắc mắc hơn 25 thế kỷ trôi qua, trải bao thăng trầm binh lửa, xá lợi Phật vẫn còn tồn tại thì quả là diệu kỳ, ngoài sức tưởng tượng.
Kinh Trường A Hàm cho biết, sau khi hỏa thiêu Đức Phật, xá lợi Phật chia làm 8 phần cho 8 quốc gia, sau đó được phân chia làm 84.000 phần để thờ phụng khắp nơi.
Kinh điển ghi chép vậy nên sau này tôi cũng tin rằng tháp Nhạn (Nam Đàn, Nghệ An) cũng là nơi thờ xá lợi Phật.
Tùy Cao Tổ Dương Kiên sai Lưu Phương mang 5 hộp xá lợi Phật sang Giao Châu để dựng bảo tháp. Xá lợi Phật lần lượt được dựng tháp thờ tại chùa Dâu (Bắc Ninh), tại Tường Khánh (Nam Định), tại Châu Hoan, Châu Ái và Phong Châu. (1)
Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tìm được hộp xá lợi Phật tại tháp Nhạn, Nghệ An (châu Hoan xưa).
Như vậy, Việt Nam từng có 5 nơi tôn thờ xá lợi Phật.
Nhân đây xin liên hệ thêm về chuyện xá lợi tóc Phật ở Myanmar. Theo truyền thuyết Myanmar, có hai anh em vị thương nhân Myanmar là Taphussa và Bhallika được Đức Phật ban cho 8 sợi tóc về thờ phụng.
Trong kinh Du hành, Trường A Hàm cũng có nhắc đến việc phân chia xá lợi, trong đó có tháp thờ tóc Phật: “…Xá lợi Phật được chia thờ ở 8 tháp, tháp thứ 9 là cái bình, tháp thứ 10 là tháp tro và tháp thứ 11 là tháp tóc, thờ tóc Phật khi còn tại thế”.
Như vậy không nên chỉ hiểu xá lợi tóc Phật xuất hiện sau khi hỏa thiêu Đức Phật.
Khi tôi còn công tác tại tạp chí Văn hóa Phật giáo, nhà biên kịch Trần Đức Tuấn, Đài Truyền hình HTV có gửi loạt bài Mê Kông ký sự, trong đó có nhắc đến hòn đá vàng Kyaikhtiyo đầy bí hiểm, phá vỡ mọi nguyên tắc vật lý, và người dân Myanmar tin rằng nó được giữ lại bằng một sợi tóc của Đức Phật.
Không biết chính phủ Myanmar hay giới khoa học có khả năng chứng minh “xá lợi tóc Phật” ở chùa Parami, hay ở một số chùa khác tại Myanmar có phải nằm trong số 8 sợi tóc mà truyền thuyết Myanmar nhắc đến hay không?
Là xá lợi tóc Phật thật hay xá lợi của niềm tin, nếu hoán đổi địa điểm trưng bày từ một viện bảo tàng tư nhân sang bảo tàng quốc gia, chắc người ta sẽ có góc nhìn khác.
Nhưng cho dù là vậy thì không phải cái gì mang danh “quốc gia” cũng đều là sự thật.
Cũng như hộp xá lợi Phật ở châu Hoan xưa, nếu nó là xá lợi của riêng chùa Thiệu Long, làng Nhạn tháp, (Nam Đàn, Nghệ An ngày nay) thì có lẽ cũng là niềm tự hào của người Phật tử Nghệ An.
Nay chùa tháp không còn, hộp xá lợi thuộc bảo vật được bảo quản trong ngân hàng nhà nước tỉnh Nghệ An, muốn thăm viếng ở tầm Giáo hội cũng không phải dễ.
Liên quan đến niềm tin tôn giáo hay truyền thuyết, huyền thoại về lịch sử dân tộc không phải khi nào cũng dễ dàng chứng minh.
Không chỉ tranh cãi chuyện xá lợi trong đạo Phật, ngay cả “tấm vải liệm Chúa” được Vatican xem như báu vật, thì những tranh cãi thật giả quanh nó cũng vẫn chưa dứt, thậm chí xét nghiệm bằng carbon phóng xạ, tấm vải được cho rằng chỉ xuất hiện vào thế kỷ 13.
Ai đặt niềm tin vào xá lợi Phật hay “vết tích mình Chúa còn in lại trên vải liệm” thì cứ việc tin miễn là đừng chỉ vì tin cái mình muốn tin mà miệt thị niềm tin của người khác.
Cũng như cá nhân tôi vẫn tin vào xá lợi Phật ở tháp Nhạn, Nghệ An. Nhưng thú thật tôi vẫn còn hoài nghi về “xá lợi tóc Phật”, dù biết như vậy là chưa công bằng khi so sánh niềm tin của mình với niềm tin của người khác.
Tôi thông cảm khi đọc được tin phản hồi từ ngôi chùa có “xá lợi tóc Phật” ở Myanmar.
Giá như họ không cho nó chuyển động và thêu dệt thêm có lẽ tôi sẽ có quan điểm khác và chẳng mấy quan tâm đến “thật giả”. Vì có khối chuyện ảo thực đã tương quan trong mạch sống giữa tôn giáo, niềm tin, văn hoá tín ngưỡng và cả lịch sử từ rất lâu rồi.
Chứng minh cái bọc trăm trứng sinh ra dòng giống Lạc Hồng hay Thánh gióng cưỡi ngựa sắt về trời có khác với chuyện chứng minh tảng đá được giữ lại bằng một sợi tóc của Phật hay không?
Để hòn đất, cất ông Bụt. Có bao thứ chúng ta thiêng liêng hoá hàng ngày, ai có thể chứng minh?
(1) Xin đọc lại Quảng Hoằng Minh tập, quyển 17, hay tìm đọc Chùa Dâu – Tứ Pháp và Hệ thống các chùa Tứ pháp, của tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường. Tiến sĩ cùng đoàn khảo cổ đã tìm ra hộp đựng xá lợi Phật tại tháp Nhạn.
Cũng có thể tìm đọc bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 2 vừa tái bản và bổ sung của giáo sư Lê Mạnh Thát, trang 255.