Trang chủ Người thời nay Vươn lên từ lầm lỗi

Vươn lên từ lầm lỗi

84

Người đàn ông ấy là Lê Ngọc H. (34 tuổi), trú tại phường Thủy Phù, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế). Nhưng những người ở Tuệ Tĩnh đường Hải Đức (tổ chức từ thiện của Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên – Huế tại 182 Phan Bội Châu, TP. Huế) và nhiều bệnh nhân có HIV ở Thừa Thiên – Huế vẫn gọi anh với cái tên Lê Thuận.

Được sự giới thiệu của các sư cô tại Phòng Tư vấn sức khỏe Tuệ Tĩnh đường Hải Đức, chúng tôi liên hệ gặp Thuận. Tôi cứ nghĩ câu chuyện giữa chúng tôi rất khó khăn, nhưng Thuận tỏ ra là người cởi mở, thân thiện và rất chí tình.

Không đầu hàng số phận

Ngồi bên Thuận trước hiên nhà, cơn mưa rả rích càng làm cho câu chuyện giữa chúng tôi có thêm nhiều xúc cảm. Với chất giọng xứ Huế trầm trầm, Thuận mở đầu câu chuyện về quãng đời đã qua mà đôi mắt đã ngân ngấn lệ.

Đời Thuận có lẽ đã ổn định với cái nghề tài xế ở TP. Hồ Chí Minh nếu như không có cái lần dại dột ấy. Sau cuộc vui với bạn bè, không làm chủ được mình, anh và một người bạn đã tìm đến một tụ điểm mại dâm giữa chốn Sài thành. Và cũng bởi một lần quan hệ không an toàn ấy, Thuận đã phải trả giá bằng cả cuộc đời. Không lâu sau đó, Thuận đau đớn tột cùng khi biết mình đã mắc phải căn bệnh thế kỷ ở tuổi 27. Thuận về lại quê hương, nhiều người biết chuyện, càng xa lánh, kỳ thị và hắt hủi.

Thuận xót xa nhớ lại: “Chỉ cần thấy mình đứng ngoài cổng là người ta đóng cửa lại ngay; đi mua hàng người ta cũng không chịu bán. Ngày ấy, mình nghĩ cuộc đời đã chấm dứt hoàn toàn. Sống chi mà khổ rứa?”. Mất hết niềm tin vào cuộc sống, suốt mấy tháng trời, Thuận chỉ biết lấy bia rượu làm trò vui để quên đi thực tại khủng khiếp và sự hụt hẫng bao quanh.

Giữa lúc cuộc đời đối với Thuận chỉ còn là ngõ cụt vô vọng, anh đã được gặp những sư cô, sư thầy tại Tuệ Tĩnh đường Hải Đức. Thuận được những nhà sư đồng cảm, chia sẻ. “Nhờ sự tận tình tư vấn của các sư, mình đã nhận ra rằng, mình vẫn còn thời gian. Những ngày cuối đời dù có ngắn ngủi, nhưng phải tận dụng để làm điều gì đó có ý nghĩa, còn hơn là cứ ngồi một chỗ mà ân hận, tiếc nuối”, Thuận quả quyết.

Cùng với sự giúp đỡ của mọi người, Thuận nỗ lực hết mình để mong hòa nhập với cuộc sống xung quanh, vượt qua mặc cảm, sự kỳ thị. Được theo mọi người tham gia những buổi tư vấn kiến thức về HIV/AIDS, những giờ tuyên truyền phòng chống HIV trong cộng đồng…, Thuận bắt đầu cảm nhận được tín hiệu của tình người, tình yêu cuộc sống giữa khoảng vô vọng. Từ đó, bạn bè, người thân hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của Thuận. Họ đã gần gũi, thăm hỏi anh nhiều hơn…

Phải mất một thời gian khá dài sau đó, Thuận mới lấy lại được thăng bằng và quyết tâm làm lại cuộc đời.

Kết nối những người đồng cảnh ngộ

Trong căn nhà nhỏ ở phường Thủy Phù, Thuận sống với cha và chị gái. Ngày trôi qua, Thuận vẫn cố gắng đi làm để có tiền phụ giúp, đỡ đần thêm cho chị. May mắn anh đã có được một công việc ổn định tại một khách sạn ở TP. Huế.

Mỗi lần có thời gian rảnh rỗi hoặc tranh thủ những ngày nghỉ, Thuận lại tìm đến Tuệ Tĩnh đường Hải Đức để cùng các sư cô, sư thầy làm công tác tình nguyện. Mang trong mình căn bệnh thế kỷ, anh hiểu và đồng cảm sâu sắc với những người cùng cảnh ngộ. Anh đã lặn lội cả trăm cây số đến các huyện xa xôi trong tỉnh như Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc…, đến nhà các bệnh nhân có HIV/AIDS để thăm hỏi, nắm bắt tình hình sức khỏe và đời sống của họ.

Rồi anh xin gia nhập nhóm Niềm tin (do Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh TP. Hải Phòng tài trợ hoạt động tại Thừa Thiên – Huế). Nhóm gồm 10 thành viên và đều có HIV/AIDS. Thuận giới thiệu về nhóm: “Cứ 1 – 2 tuần theo định kỳ, các thành viên lại giao lưu để trao đổi kinh nghiệm, kiến thức chống chịu với bệnh tật lâu dài hơn, đề phòng sự lây nhiễm đến mọi người xung quanh… Những buổi sinh hoạt văn nghệ đã làm cho các thành viên thực sự rất gắn bó với nhau, tạo dựng cho nhau niềm tin để thấy cuộc sống còn có nhiều ý nghĩa. Tất cả mọi thành viên trong nhóm đều là những người tham gia rất tích cực vào việc tuyên truyền, tư vấn HIV/AIDS trong cộng đồng”. Thuận bộc bạch thêm: “Mình và mọi người trong nhóm luôn động viên nhau ổn định tâm lý, giữ gìn sức khỏe để cống hiến cho xã hội, tuyên truyền những hiểu biết của mình về HIV cho tất cả mọi người”. Đầu tháng 11/2009, Thuận cùng mọi người trong nhóm đã ra Hà Nội tham dự cuộc thi: “Hòa nhập con tim – chung hành động” để thể hiện kiến thức, năng lực tuyên truyền về căn bệnh thế kỷ và may mắn đoạt giải khuyến khích. Sư cô Minh Châu, Phó phòng Tư vấn sức khỏe Tuệ Tĩnh đường Hải Đức nói như khoe: “Vượt qua tất cả để hòa nhập vào xã hội, Thuận có một nghị lực sống đáng nể. Khi làm tuyên truyền, Thuận hết sức năng nổ và khéo léo. Chính tấm lòng của Thuận đã kết nối được biết bao số phận đồng cảnh ngộ trở lại với cuộc sống và làm nhiều điều có ý nghĩa…”.

“Mong mỏi lớn nhất của mình là có được nhiều thời gian hơn nữa để chuyển tải những kiến thức về cách phòng chống HIV cho mọi người. Qua hoàn cảnh của mình, chắc mọi người sẽ rút ra được những kinh nghiệm sống. Mong rằng, càng ngày càng có ít những người mắc phải và càng ít đi những người quay lưng lại với những con người bất hạnh”, đó là lời bộc bạch của Thuận trước khi chia tay chúng tôi với ánh mắt lấp lánh niềm hy vọng.