Trang chủ Văn hóa Du lịch "Vườn bách khỉ" dưới chân đỉnh Kỳ Vân

"Vườn bách khỉ" dưới chân đỉnh Kỳ Vân

105

Núi lành… khỉ tựu

Thiền viện Chơn Nguyên nằm giữa lòng "thiên đường" resort Long Hải, gối đầu trên bờ bãi được bao bọc bởi dãy núi Kỳ Vân cao vời vợi quanh năm lộng gió, phủ mây. Trong sương sớm, khi thị trấn Long Hải (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thơ mộng, bình yên còn ngái ngủ trong tiếng sóng vỗ bờ cùng nhịp điệu rì rầm đều đặn như hát khúc tình ca thì nhóm lữ khách người thành phố rời bãi bờ Dinh Cô tiến về phía núi Kỳ Vân, nơi có ngôi chùa khỉ ẩn chứa nhiều bí ẩn của tự nhiên, nhiều tiên cảnh được kiến tạo từ những giây phút thăng hoa của tạo hóa hàng ngàn năm trước.

Gọi là Dinh Cô bởi trên trái núi nhô mình ra phía biển ấy có ngôi đền cổ thờ thần nữ Long Hải mà theo truyền thuyết là một trinh nữ bị vong mạng do sóng ma gió quỷ đánh đắm thuyền. Sau cái chết bất đắc kỳ tử ấy, xác trinh nữ tấp vào bãi bờ, được ngư dân địa phương an táng trọng thể.

Du khách vượt núi băng rừng xem khỉ.

Cũng từ đó trinh nữ hiển linh, ngày đêm báo mộng cho dân làng tránh được những mối họa mỗi khi dong thuyền đánh bắt giữa trùng dương. Cảm kích ơn ấy, người làng lập miếu thờ Cô. Đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy niên hiệu Gia Long đã ban sắc phong thần cho người trinh nữ bạc mệnh.

Đón chúng tôi trước cổng thiền viện, thầy trụ trì Thích Thông Luận khí dáng phong sương với đôi mày ngài rậm rì, bạc trắng, chân tình giới thiệu cái thế giới không bị tạp nhiễm những toan tính, xô bồ, những hờn ghen, chà đạp của lối sống thị thành mà thầy đang tu, đang sống cùng đàn khỉ. Thầy nói mươi năm trước, thiền viện chỉ là tịnh thất được chắp nối từ những mảnh ván gỗ sơ sài, nằm chênh vênh trên các mỏm đá chứ không được hoành tráng như bây giờ.

Cũng theo lời thầy, khi ấy cuộc sống dưới chân núi rất khắc nghiệt. "Không điện, không nước, đường vào nhỏ hẹp, quanh co, chùa nghèo nên việc sinh tồn, tu đạo của các sư vô cùng khó ngặt. Sau nhờ sự đóng góp, sẻ chia của Phật tử gần xa mà chùa được cải tạo, xây mới, mang dáng dấp thiền viện như hôm nay".

Khẽ hớp ngụm trà nóng ngút khói thơm mùi thảo dược chốn thiên sơn, thầy tiếp tục nói về câu chuyện hãy còn dang dở: "Hơn mươi năm trước, một sáng nọ, vừa mở mắt sau khoảng thời gian tịnh thiền, trước mặt thầy là mấy con khỉ đuôi dài ốm đói, xác xơ. Thầy cử động chúng vẫn ngồi yên, không tỏ ra sợ sệt. Khi ấy thầy nghĩ có lẽ bầy khỉ bị lạc đàn. Cũng có thể chúng là những con may mắn sống sót sau những họng súng, những chiếc bẫy mà người dân địa phương giăng như mắc cửi trên đỉnh núi…

Và dù hiện diện với lý do gì thì rõ là bầy khỉ cần được một bữa ăn no. Nghĩ vậy nên thầy đãi chúng bữa hoa quả thịnh soạn. Bầy khỉ gần một chục con ăn uống điềm đạm, không tranh ăn nuốt vội như thường thấy. Sau bữa viếng chùa ấy, bầy khỉ mất dạng. Hôm sau nghĩ rằng chúng sẽ quen ăn mà quay trở lại nên thầy để dành nhiều cây trái thết đãi nhưng chúng bặt dạng. Hôm sau và hôm sau nữa cũng chẳng thấy bóng dáng chúng đâu. Chúng đến và đi như những vị khách lỡ đường, để thầy bất chợt mang cảm giác nhớ nhớ, thương thương, âu lo cho số phận của chúng. Đến bây giờ mỗi khi nhớ lại, trong thầy vẫn sống lại cảm giác ấy".

– Sau đó bầy khỉ có trở lại không, thưa thầy? – một vị khách không kìm được sự tò mò, cất tiếng hỏi.

"Giữa lúc thầy nghĩ sẽ dứt duyên đoạn nợ thì chúng xuất hiện" – thầy Thích Thông Luận trả lời: "Nhưng sự trở lại ấy không bình thường. Lần này chúng trình diện với quân số đông gấp đôi lần trước. Có cả những con khỉ mẹ bụng căng tròn sắp đến ngày khai hoa nở nhụy. Có cả những khỉ con sơ sinh bé xíu bấu chặt vào bầu vú của mẹ không rời. Thấy thầy tiến lại gần, thay vì bỏ chạy thì bầy khỉ xán tới". Hôm ấy, lại một lần nữa, bầy khỉ được các sư ở chùa thết đãi bữa đại tiệc hoa quả. Và cũng từ đó, chúng sinh sản bầy đàn trong sự cưu mang của thầy trụ trì Thích Thông Luận đến tận hôm nay.

Thầy trụ trì đang chăm sóc cho một nhóm khỉ lang thang mới nhập bầy.

 

Gian nan giữ khỉ

Thời gian trôi nhanh như dòng chảy, như gió thoảng mây bay. Mới ngày nào đàn khỉ chưa đầy 20 con bỗng phát triển quân số lên đến hơn 200 con. Chùa nghèo nằm khuất trong núi chẳng mấy người biết mà ghé thăm, mà khỉ thì lại đông nên việc lo cho bữa ăn của chúng là cả một vấn đề nan giải với thầy trò tại chùa. Không đủ sức cho khỉ dùng hoa quả, thầy trụ trì tập cho chúng ăn cơm.

Được cái là đàn khỉ dễ ăn, không kén chọn. Ngày đầu dùng món mới, chừng như hiểu được nỗi ưu tư, trăn trở của các sư thầy mà đám thạch hầu bốc cơm cho vào miệng không chút kêu ca. Phật tử Thông Từ, nhà ở thị trấn Long Hải, một trong những "Mạnh Thường Quân" thường xuyên "tài trợ" hoa quả cho đám thạch hầu, trò chuyện: "Tình cờ ghé thăm, trước cảnh sư thầy cho đàn khỉ đông đúc dùng bữa, tôi thấy lạ hỏi thăm. Biết chuyện tôi về kể với nhiều người rồi từ đó chung sức cùng nhà chùa lo cho khỉ. Cứ thế chuyện chùa khỉ lan rộng, khách du lịch đến Long Hải nghe chuyện tò mò ghé thăm và lại chung tay với thầy. Cứ thế người này giới thiệu người kia, khách ghé ngày một đông, nhờ vậy mà đàn khỉ được chăm sóc tốt, sư thầy có điều kiện chỉnh trang, xây dựng chùa khang trang hơn. Cũng từ đó ngành Du lịch Long Hải có thêm sản phẩm du lịch mới thú vị là "ghé chùa xem khỉ".

10h sáng là thời điểm đàn khỉ xuống núi ghé chùa dùng bữa. Từ trên đỉnh núi Kỳ Vân, chúng kéo bầy đàn ào ào xuống núi khiến ngôi chùa đang im ắng bỗng náo động khác thường bởi âm thanh kêu gọi bầy đàn chí chóe và tiếng hò reo phấn khích của đám trẻ con. Khỉ bu đen trên cây, trên mái chùa, trên mỏm đá có tượng Phật…

Chúng ngồi đó, im lặng, trật tự chờ đến lượt được thầy trụ trì chia phần. Nhìn cảnh ấy, nhiều vị khách kháo nhau: "Có lẽ nhờ ở gần chùa, được nghe tiếng chuông, những bài kinh kệ mà đàn khỉ có Phật tính, chứ không láu cá như đàn khỉ ở đảo khỉ (huyện Cần Giờ – TP HCM), hay đàn khỉ ở đảo Hòn Lao (Nha Trang, Khánh Hòa). Vừa cho khỉ ăn, thầy Thích Thông Luận vừa trò chuyện: "Đàn khỉ được phân thành nhiều đàn lớn nhỏ. Tuy có sự phân chia lãnh thổ nhưng chúng sống hòa thuận, ít có chuyện đánh nhau. Sau khi được ăn no, chúng sẽ rút lên núi kiếm ăn thêm và chờ đến trưa hôm sau lại xuống dùng bữa".

– Đàn khỉ có bị người ta săn bắt, sát hại không, thưa thầy?

Thầy trụ trì đang vui bỗng chùng giọng trước câu hỏi bất ngờ của vị khách. Như được khơi đúng tâm can, thầy trải lòng: "Nếu không bị phường săn sát hại, số lượng đàn khỉ sẽ không dừng lại như quân số hiện nay. Bắt khỉ bán được tiền, mỗi con giá cả triệu đồng nên phường săn tích cực săn khỉ, dùng nhiều cách để bắt được khỉ". Thầy trụ trì thở dài: "Ngày trước thầy băn khoăn không biết phải làm sao để lo cho đàn khỉ khi chúng liên tục phát triển bầy đàn. Bây giờ thì thầy lại lo chùa mai này không còn khỉ".

Dùng xong bữa, lũ khỉ tíu tít rút lên núi, ẩn trong những khe đá thẳm sâu. Do thời gian lưu lại Long Hải có hạn nên chúng tôi không thể theo thầy trụ trì lên núi để được thấy những chiếc bẫy khỉ mà cánh phường săn giăng chờ đám thạch hầu. Đường về, bên tai chúng tôi văng vẳng tiếng thở dài và nỗi ưu tư của thầy trụ trì: "Phật tử gần xa biết đến núi Kỳ Vân và Thiền viện Chơn Nguyên nhờ có sự xuất hiện của đàn khỉ. Ở đây mà không còn khỉ thì mai này sẽ ra sao?!"