Lương Vũ đế, tên Tiêu Diễn, hình dung kỳ vĩ, vầng trán chữ nhật, mặt rồng, cổ có ánh sáng tròn, thân sáng như ánh trời chiều, nhà ở thường có hơi mây. Thuở nhỏ hiếu học, từ thi thơ cho đến chiêm đoán, bốc phệ; viết chữ thảo, chữ lệ; cung tên, cưỡi ngựa, săn bắn thảy đều rành rẽ.
Về sau, tuy lên ở ngôi cao, tay vẫn không rời quyển sách. Về già thờ phụng Phật đạo. Ngày chỉ ăn một bữa nếu không có đại hội, yến tiệc, tế tự tông miếu thì không cử nhạc. Khi hành quyết tử tù thì rơi nước mắt. Chăm lo chính sự, mùa Ðông qua nửa đêm vẫn cầm bút xem xét công việc. Tính tình ngay thẳng, ở trong nhà tối cũng mặc áo mão; tháng nóng chưa hề vén áo, cởi trần; thấy bầy tôi thấp hèn cũng như gặp khách quan trọng.
Niên hiệu Thái Thanh năm thứ ba (549), Hầu Cảnh mưu phản vây hãm Thành Ðài, đem năm trăm quân mặc giáp, mang kiếm lên trên điện. Lương Vũ đế thần sắc vẫn không thay đổi, bảo Hầu Cảnh đến giường của bậc Tam công ngồi, rồi bảo:
– Khanh ở trong quân ngũ lâu ngày không mệt nhọc sao?
Cảnh sợ hãi không đáp được, lui ra bảo tả hữu rằng:
– Ta mỗi lần lên ngựa ra trận, tên đá bời bời nhưng không hề hãi sợ. Nay thấy Tiêu Công khiến người khiếp sợ há chẳng phải oai trời khó phạm, ta chẳng gặp ông ta nữa.
– Về già, Lương Vũ đế nằm giường bệnh, ngày đêm niệm Phật luôn miệng. Rồi băng ở điện Tịnh Cư, thọ 86 tuổi.
(Theo Cao tăng dị truyện)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Chúng ta đều biết đến một Lương Vũ đế (502-549), vị quân vương Phật tử thuần thành, một đại hộ pháp đắc lực nhưng thiếu căn duyên với thiền, không hội được yếu chỉ khi Tổ sư Đạt Ma chấn tích sang Đông Độ. Cảnh Ðức Truyền Đăng Lục ghi lại cuộc hội kiến giữa Lương Vũ đế và Tổ Ðạt Ma như sau: “Lương Vũ đế hỏi Tổ Ðạt Ma:
– Trẫm từ khi lên ngôi đến nay đã cho xây chùa, dựng tượng, in kinh, độ Tăng rất nhiều. Vậy trẫm có công đức gì chăng? Tổ Ðạt Ma đáp:
– Chẳng có công đức gì cả.
– Tại sao làm Phật sự nhiều như thế lại không có công đức?
– Bởi vì đó chỉ là những tiểu quả mà thôi. Ðấy chỉ là cái nhân giả lâp như bóng theo hình, có mà chẳng thật.
– Vậy phải làm thế nào mới được xem là công đức?
– Phải tự mình rèn cho trí trong sạch, tâm thanh tịnh, tính rỗng lặng, thân an vui, như thế mới là công đức. Công đức ở nơi tự tính, chứ chẳng phải do vật bên ngoài mang đến.
Vua hỏi tiếp:
– Chân lý tối cao của bậc Thánh là gì?
Khi tỉnh ra, thông suốt rồi thì không có gì gọi là Thánh cả.
– Người trước mặt trẫm là ai?
Chẳng biết!
Lương Vũ đế không lĩnh hội được, cuộc đối thoại chấm dứt. Tổ Ðạt Ma biết căn cơ không hợp, lặng lẽ lên núi Tung Sơn, chùa Thiếu Lâm, trọn ngày ngồi thiền đối diện với bức tường trong suốt 9 năm”.
Tuy không phải bậc thượng căn nhưng nhờ suốt đời vun bồi “tiểu quả”, tạo phúc và niệm Phật, cuối cùng vua Lương cũng thành tựu đại quả, vô úy và tự tại. Vô úy là không sợ hãi, rõ ràng, kề cận với sinh tử mà “thần sắc vẫn không thay đổi”. Bởi sợ hãi có gốc rễ từ tham ái, tham nhiều thì sợ hãi càng nhiều. Tự tại là không có gì ràng buộc, thảnh thơi trong mọi hoàn cảnh, bị vây giữa rừng giáo mác vẫn ung dung đem lòng từ nhiếp hóa quần mê. Chính phong thái của bậc thượng thừa ấy đã nhiếp phục Hầu Cảnh hồi tâm, cải tà quy chính.
Ngày nay chúng ta tu tập cũng chớ xem thường tiểu quả. Tích phúc làm lành, vun bồi thiện nghiệp, niệm Phật tụng kinh v.v… tuy là rất bình thường, ai cũng làm được bởi những việc ấy thuộc về sự, hữu vi. Nhưng chính nhờ huân tu niệm Phật, tích lũy phước báo hữu vi lâu ngày mà vua Lương hội được lý, thể nhập vô vi, chứng đạt an lạc và giải thoát.