“Vào cửa Phật từ bi hỷ xả
Ra thế gian vô ngã vị tha”
‘Vui Xuân ta sống chan hoà
Luôn tu huệ phước, đại gia thái bình
Xuân về ta đón ta nghinh
Chúc nhau hạnh phúc, đẹp xinh cõi lòng
Xuân đi ta vẫn thong dong
Phật tâm vẫn mãi ở trong mỗi người".
Ngày mùng một tháng giêng là Tết Nguyên Đán, chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu, chữ Đán có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của năm mới. Ngày mùng một tháng giêng cũng là ngày Vía Đức Phật Di Lặc, một ngày bắt đầu cho niềm hoan hỷ và sự bao dung.
Trong lễ hội ‘Tết’ nầy cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân ông bà tổ tiên, đặc biệt nhất, tết cũng là dịp để cùng nhau đến chùa lễ Phật, cúng dường Tam bảo, hái lộc đầu năm và truyền cho nhau những gì cao đẹp nhất, nó mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc và độc đáo, phản ánh tinh thần, tâm linh của con người hòa điệu với thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ.
Tết Nguyên Đán của Dân tộc và Xuân Di Lặc của Phật Giáo đã thành truyền thống, hoà quyện vào nhau từ lâu đời, mang lại biết bao mong ước, sức sống mới và niềm vui, hạnh phúc đến cho muôn người, vì đã tôn trọng, hiểu biết, thương yêu, chia sẻ, hướng nhau đến Chân- Thiện- Mỹ và hoan hỷ cho nhau, như nụ cười của Ngài Di Lặc luôn tươi nở trên môi, dù cho biết bao đau thương biến đổi, quấy phá đang có diễn ra!
Hoà vào niềm vui chung của dân tộc và toàn thể đồng bào ta ở trong và ngoài nước, chùa Pháp Hoa Nam Úc cũng đã tổ chức đón xuân từ rất sớm, bắt đầu ngày 22 tháng chạp, Phật tử đã hoan hỷ rủ nhau vân tập về chùa công quả phước điền: góí bánh tét, bánh chưng, chả giò, nấu đồ chay, róc mía, chùi lư, làm sạch đẹp cảnh quan chùa, trang hoàng sân khấu, treo cờ, biểu ngữ, tập hát, dợt múa lân và thanh tịnh thân tâm để chuẩn bị cho khóa lễ Sám hối cuối năm, hội chợ, văn nghệ phục vụ bà con đồng hương và khóa lễ đón giao thừa để cộng hưởng một năm mới tròn đầy ý nghĩa.
Với đêm hội chợ, văn nghệ đón giao thừa đã có khoảng hơn 2 ngàn người đến tham dự, sân chùa dường như hẹp lại, người người đã phải chen chúc nhau để thưởng thức văn nghệ, những món ăn dân tộc, đặc biệt món nước mía là đắc khách nhất, muốn uống được một ly phải sắp hàng dài nhích đi từng bước, sau đó là món chuối nướng và tử vi cùng gian hàng văn hoá phẩm Phật Giáo lúc nào cũng đông ngẹt người mua sắm.
Sau hơn 4 tiếng đồng hồ thưởng thức, cuôc vui rồi cũng phải tạm dừng, cho mọi người cùng vân tập về chánh điện để hành lễ đón giao thừa, nhận lộc đầu năm và tiếp tục thưởng ngoạn những trò muá lân rộn rả đẹp mắt của các em GĐPT Pháp Hoa trình diễn, cộng thêm tiếng pháo nỗ giòn đã làm sống lại hình ảnh quê hương trong từng người đến dự.
Sáng mùng một tết, khóa lễ câù an và chúc tết đầu năm đã được diễn ra trên chánh điện, trong không khí trang nghiêm ấm cúng của ngày đầu xuân, chúng hội đã được nghe những lời pháp nhũ qua Thông Bạch xuân Tân Mão và Đạo từ của Hoà Thượng Hội Chủ.
Buổi chiều mùng một, tiếp tục truyền thống Thầy, Trò những Phật Tử công quả đắc lực gặp nhau tại Tổ Đường để dâng lên những lời chúc Tết và những lời khuyến tấn cũng như những bao lì xì với những Phật ngôn làm hành trang cho một năm mới.
Tối mùng hai tết, khóa lễ Khai Đàn Dược Sư cũng đã diễn ra rất là trang nghiêm phấn khởi, mỗi người đến dự, tự tay thắp một ngọn đèn, đến trước đàn tràng để khấn nguyện những gì mình mong ước. Với thất châu, thờ Bảy Đức Phật Dược Sư, nhiếu người đã mang nhiều chai nước tinh khiết đến đặc lên bàn thờ để được liên tục chí thành trì tụng trong thời gian hơn 10 ngày, hầu khi mãn đàn tràng sẽ mang về nhà chia sẻ niềm pháp lạc và xem như nước ‘cam lồ’ để xoa diụ những bệnh khổ cho bà con thân quyến.
Ngày mùng bốn tết là ngày Hành hương thập tự, với gần 200 người tham dự, Đoàn hành hương đã đi chiêm bái, đranh lễ, cúng dường, thưởng ngoạn đến những Chùa các sắc tộc: Tây Tạng, Campuchia, Lào, Thái Lan, Tàu và 3 Chùa Việt Nam.
Một ngày hành hương vừa thư giản vừa tạo phước điền, trong niềm phấn khởi và nhiều an lạc cũng tạm kết thúc, nhưng Đàn tràng Dược Sư vẫn còn tiếp tục 10 ngày nữa, để cho Phật Tử hằng đêm đến chùa trì tụng và cầu nguyện cho một năm mới được bình an, tiêu trừ nghiệp chướng.
Đến ngày mùng 10 tháng giêng là khoá lễ dâng sớ cầu an và sau đó ngày 11 tháng giêng là Lễ Thượng Nguơn, xem như ‘ hạ nêu’ một cái Tết chấm dứt .
Nhưng truyền thống Văn hoá Phật Giáo và Dân tộc Viêt nam đã để ại được nhiều ấn tượng đẹp, ăn sâu vào từng người dân Việt cũng như những người dân bản xứ.
Một năm cũ với nhiều điều buốn phiền, bất như ý cũng đã trôi qua. Một năm mới với những hy vọng và ước mơ mới lại bắt đầu trong sự tinh tấn hành trì tu tập của mỗi người chúng ta.