Trong kinh nói về “những thế giới úp, thế giới ngửa, vi trần số thế giới hình xoay chuyển, hình giang hà, hình nước xoáy… giăng bày như lưới báu của trời Đế Thích (phẩm Hoa Tạng thế giới thứ 5). Ý niệm “tương tác” của vật lý cũng gần với chữ tương tức tương nhập của Hoa Nghiêm, hay tính cách ánh sáng vừa là sóng vừa hạt có thể dùng thuật ngữ của Hoa Nghiêm để nói rằng sóng và hạt tương tức tương nhập với nhau. Thành ngữ trùng trùng duyên khởi của Hoa Nghiêm gợi cho chúng ta sự sinh hóa vô tận của không gian và thời gian của vật lý hiện đại.
1. Vũ trụ Hoa Nghiêm
Vũ trụ của Hoa Nghiêm là pháp giới viên dung vô ngại. Pháp giới là thế giới vũ trụ trong cái nhìn đúng như pháp, cái nhìn thấy chân thật (khác với cái nhìn của chúng sanh bình thường, thấy vũ trụ là chia biệt, ngăn ngại và đây cũng là vũ trụ của sinh tử). Viên dung vô ngại là giao thiệp với nhau một cách toàn triệt, trộn lẫn vào nhau một cách toàn hảo, không ngăn ngại.
Để có một ý niệm về vũ trụ như vậy, chúng ta hãy hình dung qua sự giải thích của Tổ thứ 3 Hoa Nghiêm tông là Pháp Tạng, cho nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên đời Đường về ý nghĩa Viên dung: ngài cho đốt một ngọn nến rồi đặt những tấm kính xung quanh ngọn nến. Ngọn nến độc nhất phản chiếu trong tất cả các tấm kính, đồng thời ngọn nến trong mỗi mặt kính lại phản chiếu trong tất cả các tấm kính khác, thành ra một sự giao thoa vô tận… Thí dụ này để diễn tả những câu nói của Hoa Nghiêm tông như: trùng trùng duyên khởi, viên dung vô tận, một tức tất cả, tất cả tức một, chủ – bạn vô ngại…
Đó là một thế giới giao thiệp lẫn nhau một cách toàn diện và toàn triệt. Thế giới đó là dung thông vô ngại về mặt không gian: một hạt bụi bao trùm toàn bộ pháp giới; và dung thông vô ngại về mặt thời gian: một khoảnh khắc bao trùm cả ba đời quá khứ hiện tại vị lai. Vũ trụ của không gian đó là Pháp thân, Báo thân, Hóa thân của Phật (trong Hoa Nghiêm là Phật Tỳ Lô Giá Na): Phật là vũ trụ, vũ trụ là Phật, tất cả là sự hiển bày vô ngại của Trí tuệ và Đại bi của Phật.
Để diễn tả cái vũ trụ như một trường diễn biến của vô số năng lực chằng chịt, vô số phần tử trùng trùng vô tận tác động lẫn nhau này, ngài Pháp Tạng mượn hình tượng con sư tử bằng vàng trong cung điện để nói cho hoàng hậu Võ Tắc Thiên trong Hiền Thủ Hoa Nghiêm Kim Sư Tử Chương:
“Cảnh giới môn “lưới trời Đế Thích”: Trên toàn thân con sư tử bằng vàng, mỗi lỗ chân lông chứa toàn bộ con sư tử bằng vàng… Mỗi con sư tử vàng này ở mỗi lỗ chân lông lại đồng thời đốn nhập trên đầu mỗi sợi lông mà vẫn tự do vô ngại giữ nguyên cá thể. Thế là trên mỗi sợi lông của sư tử chứa vô lượng vô biên sư tử. Hơn nữa mỗi nhóm vô lượng vô biên sư tử trên đầu mỗi sợi lông ấy lại hỗ tương dung nhập dung nhiếp vào sợi lông khác, thế là trên mình sư tử chiếu khắp, vô tận, trùng trùng duyên khởi hằng sa hệ thống hình ảnh sư tử. Đó là lưới ngọc tương tức tương nhập của vua trời Đế Thích”.
Cái vũ trụ trùng trùng duyên khởi, tương tức tương nhập này do Nhất Tâm (tức là tâm Phật) mà hiện thành (kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Địa). Và sở dĩ tất cả đều vô ngại với một, tất cả vô ngại với tất cả là vì bản tính của vũ trụ là Tánh Không. Tánh Không khiến tất cả có thể dung thông vô ngại, có thể tương tức tương nhập, có thể đồng thời trùng trùng duyên khởi… Hay nói theo kinh là có thể “vô tận thần biến”.
Pháp giới như vậy do bởi sự thể nghiệm của những cấp độ tâm thức thấp cao mà có bốn pháp giới:
1. Sự pháp giới: thế giới của sự, của sự vật như cái nhìn giác quan bình thường vẫn thấy. Sự là Sắc, vật chất như chúng ta thường nghĩ, có thể nghĩ theo triết học phương Tây là thế giới hiện tượng.
2. Lý pháp giới: thế giới của lý. Lý đây là tánh Không, là Tâm. Theo triết học phương Tây là thế giới của bản thể.
3. Lý sự vô ngại: tất cả sự vật đều đồng nhất trong bản tánh của chúng. Hiện tượng chính là bản thể: Sắc tức thị không.
4. Sự sự vô ngại: mỗi sự vật không những đồng nhất trong bản tánh, với sự vật khác, mà hơn nữa, mỗi sự vật (không gian) nhập vào và là tất cả mỗi sự vật khác, mỗi một sự việc (thời gian) nhập vào và là tất cả mọi sự việc khác. Tất cả sự phản chiếu trong một sự, và tất cả sự phản chiếu trong tất cả sự
Thế giới của sự là thế giới sự vật hiện tượng khoa học, nói theo triết học Trung Hoa là thuộc và hình nhi hạ học. Thế giới của lý là chỗ nghiên cứu của triết học hình nhi thượng học. Nói là nghiên cứu mà không phải chứng nghiệm, vì triết học chỉ làm việc trên mặt ý niệm, chứ không thể trực tiếp chứng nghiệm. Sự chứng nghiệm lý chỉ có những hành giả thực hành “tôn giáo” mới có thể làm được.
Thế giới của lý sự vô ngại là điều các triết học và khoa học hiện đại có thể hình dung. Khi nói rằng hiện tượng (sắc, sự) chính là bản thể (không, lý), thì trong khoa học hiện đại đã chứng minh rằng vật chất (sắc, sự) chỉ là năng lượng (không, lý) cô đọng lại. Hay nói theo hình ảnh Phật giáo thường dùng: sóng (sắc, sự) tức là nước (không, lý).
Tuy nhiên vẫn nói là khoa học hình dung, bởi vì sự chứng nghiệm khoa học là một sự chứng nghiệm “khách quan” ở bên ngoài (hay ở những cấp độ bên ngoài) chủ thể chứng nghiệm, bởi thế sự khám phá “khách quan” của khoa học chỉ tác động ở mặt ngoài, không tác động ở phần sâu xa của người nghiên cứu. Chẳng hạn nhà khoa học nào cũng có thể nhìn qua kính hiên vi điện tử hay tính toán để thấy biết rằng cơ cấu nguyên tử là vô thường, “sanh diệt trong từng sát na”, nhưng chứng được vô thường ở tận trong sâu tâm thức mình để không chấp thủ nữa, để sống một đời giải thoát khi biết rằng tất cả đều vô tự tánh thì đó vẫn không phải là lĩnh vực của khoa học.
Sự sự vô ngại là tuyệt đỉnh của Phật giáo, nói như nhiều học giả là sự vinh quang của toàn bộ Phật giáo, mà không có tư tưởng triết học nào, khoa học nào hình dung đến, chứ chưa nói là thể nghiệm, chứng ngộ.
Thế giới sự sự vô ngại viên dung vô tận này có nguồn năng lực làm cho sinh động tương tức tương nhập trùng trùng duyên khởi là trí tuệ và đại bi và cũng là nơi hiển bày của trí tuệ và đại bi. Toàn thể thế giới sự sự tương tức tương nhập đó không gì khác hơn là Nhất Tâm (Pháp thân) và Sắc thân của Phật, cũng gọi là Nhất chân pháp giới. Trong thế giới đó, tất cả chúng sinh là Như Lai tạng (Sarvasattvas tathagatagarbah).
Trong Tham huyền ký, Pháp Tạng nêu ra mười cấp độ của giáo lý Nhất Tâm này như sau (trích theo Francis H Cook, Hua-Yen Buddhism, the Jewel Net of Indra, 1977):
1) Những tri giác giác quan và những đối tượng của chúng đều thực hữu.
2) Những đặc tính của những đối tượng được tri giác là những chức năng tác dụng của tri giác.
3) Phân biệt là một chức năng tác dụng của thức.
4) Sự phát sinh (lưu xuất) là một chức năng tác dụng của tâm nền tảng.
5) Những tướng (đặc tính) là tánh (một cách) tối hậu.
6) Những sự vật được tạo thành từ sự chuyển hóa của thực tại (Tâm).
7) Những hiện tượng (sự) và cái tuyệt đối (lý) dung hòa lẩn nhau.
8) Tất cả những sự vật của thế giới hiện tượng đều viên dung vô ngại với nhau (trong Nhất Tâm).
9) Tất cả mọi sự vật đều đồng nhất, viên thông.
10) Những tướng và dụng của tất cả mọi sự vật viên dung vô ngại với nhau như lưới ngọc của trời Đế Thích.
Những điều đầu là của triết học Thượng tọa bộ, Đại thừa thủy giáo và chung giáo , chỉ có 3 điều cuối cùng là lĩnh vực đặc biệt của Hoa Nghiêm tức Đại thừa viên giáo.
Tóm lại, vũ trụ Hoa Nghiêm là một trường diễn biến trùng trùng trong vô tận chiều kích không gian – thời gian, nơi đó cái toàn thể dung thông và có mặt ở tất cả các phần tử, đồng thời mỗi phần tử đều dung thông và có mặt ở tất các phần tử, để có thề nói rằng phần tử ở trong phần tử, nghĩa là toàn thể ở trong toàn thể. Tất cả thời gian không gian lớn nhỏ đồng thời tương tức, đồng thời tuơng nhập, chủ -bạn (chủ thể và khách thể) viên minh cụ túc ( đầy đủ, trọn vẹn), nhất đa tương dung, và tất cả đồng thời cụ túc tương ứng trong cái gọi là Nhất Chân Pháp Giới đó.
Vũ trụ đó trong kinh Hoa Nghiêm gọi là Trí tuệ Tạng, Đại bi Tạng, Đại nguyện Tạng, Công đức Tạng… Nói theo ngôn ngữ bình thường thì vũ trụ đó là nơi thành tựu của khoa học và triết học siêu việt (chữ siêu việt này để dịch chữ Ba la mật của Phật giáo), tức là Trí tuệ Tạng, của đạo đức học siêu việt (Đại bi Tạng và Đại nguyện Tạng), của xã hội học siêu việt (gia trì lực, túc thế thiện căn lực, thú hướng Bồ đề thanh tịnh tâm lực…)v.v…
Tóm lại, đó là nơi thành tựu của Chân – Thiện – Mỹ mà tất cả chúng sinh, tất cả xã hội và lịch sử đều nhắm tới.
2. Hoa nghiêm và thế giới hiện đại
Nhìn vào khoa học ngày nay, chúng ta thấy có một sự tương đồng giữa hai cái nhìn ấy về vũ trụ. Chỉ lấy một ví dụ gần gủi với chúng ta là cuốn sách Giai điệu bí ẩn của nhà thiên văn vật lý người Việt Nam nổi tiếng thế giới Trần Xuân Thuận (La Mélodie Secrète – Paris 1988, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội 2000).
Chính trong khoa thiên văn vật lý và cả triết học, nhà khoa học lỗi lạc này đã cảm nghiệm sự hòa điệu bí ẩn của vũ trụ. Và, Hoa Nghiêm như cái nhìn như thực của các bậc chứng ngộ là cái vũ trụ hòa điệu trùng trùng không chướng ngại đó.
Trong Hoa Nghiêm, cái vũ trụ chỉ nhìn thấy bằng tâm chứng ngộ (nghĩa là cái tâm ở tầng sâu thẳm nhất, không nương dựa vào dụng cụ, vào chủ thể khách thể nào cả), nhưng có lẽ đó là cái vũ trụ thực như nhà khoa học Trịnh Xuân Thuận mơ tưởng: “Con người không bao giờ thoát khỏi nhu cầu cấp bách là phải tổ chức thế giới bên ngoài thành một sơ đồ hài hòa và thống nhất. Sau vũ trụ Big Bang, con người sẽ tiếp tục sáng tạo ra những vũ trụ khác, càng ngày càng gần với vũ trụ thực hơn, dù không bao giờ đạt tới, nhưng chúng sẽ soi sáng và ngợi ca sự tồn tại của cái vũ trụ thật ấy”.
Phải chăng đó cũng là mối tương quan tương tác của khoa học và Phật giáo?
Khoa học có có giới hạn của nó. Chẳng bao giờ khoa học có thể xóa bỏ được tương quan nhị nguyên giữa người quan sát, người thí nghiệm và vật được quan sát, được thí nghiệm. Do đó mà có những cái như nguyên lý bất định của Heisenberg. Và bởi thế mà nhà vật lý lý thuyết Richard Feyman nói rằng, một ngày nào khoa học vật lý sẽ tìm ra tất cả những định luật vật lý của vũ trụ, nhưng vẫn còn đó những lãnh vực khác ngoài khoa học vật lý là khoa học xã hội và khoa học tâm linh (tôn giáo). Khoa học không bao giờ vượt qua tương quan chủ – bạn (chủ thể và khách thể), trong khi đó thế giới Hoa Nghiêm là thế giới trùng trùng vô tận chủ – bạn viên dung cụ túc.
Một trường thống nhất mọi phương diện của vũ trụ như Einstein đã mơ ước và các nhà vật lý về sau vẫn mơ ước đã không thể nào đạt được khi chủ thể của nhà khoa học chưa viên dung vô ngại với khách thể là thế giới bên ngoài, ngày nào vật lý học chưa viên dung vô ngại đối với xã hội học, sinh học chưa viên dung vô ngại đối với đạo đức học, hóa học chưa viên dung với tâm lý học, kinh tế chưa viên dung với đạo đức, vật chất chưa viên dung với tinh thần…
Phải chăng khi Einstein nói rằng “tôn giáo tương lai sẽ là tôn giáo vũ trụ, bao quát cả hai mặt tự nhiên và tâm linh, nó phải dựa trên một ý thức tôn giáo nảy sinh từ sự thực nghiệm của sự vật tự nhiên và tâm linh được quan niệm như một thể thống nhất có ý nghĩa và chỉ Phật giáo mới đáp ứng được những mô tả như vậy”, là ông đã đặt niềm tin vào đạo Phật như một viễn cảnh của trường thống nhất tất cả mọi sự, mọi phương diện, thống nhất mà vẫn dung thông vô ngại với mọi phần tử, mọi phương diện của đời sống?
Theo quan điểm Phật giáo nói chung và Hoa Nghiêm nói riêng, trường thống nhất ấy vốn đã có sẵn, vốn đã tự toàn hảo, là thế giới trùng trùng vô ngại. Chỉ do con người, cái chủ thể chấp ngã và chấp pháp làm cho cái thế giới vốn đồng nhất ấy bị phân chia thành ta –người, tâm – vật, thiện ác, hơn thua, cao thấp, giỏi dở… Pháp giới ấy vốn trùng trùng duyên khởi mà con người làm ra thành cá nhân và sự vật hạn cuộc, và cũng từ đó mà “trùng trùng” khổ đau.
Khi nói về tánh Không, giáo sư vật lý Victor Mansfield nói: “Như vật lý học đã khẳng định, sự phân biệt giữa quá khứ và tương lai, sự gia tăng entropy (có thể hiểu là mức độ sai biệt) chung quanh chúng ta chỉ phụ thuộc vào 3 phút đầu tiên của vũ trụ. Như thế, mối quan hệ nhất thể giữa nhân loại chúng ta quả là sâu sắc”. “Thời gian trong Trung quán Phật giáo và Vật lý học – Ns Giác Ngộ 38). Và trong đồ lịch sử gen của loài người mà các nhà khoa học mới khám phá gần đây, đã đi đến một vấn đề là mặt dầu bề ngoài rất khác biệt, đứng trên phương diện gen – những “nguyên tử sinh học” căn bản, chúng ta không khác nhau là bao.
Nhưng quả thật, sự quan hệ “không khác biệt, hầu như là đồng nhất thể” đó, trên bình diện ý thức của vật lý, sinh học hay xã hội học thì không thể nào thể nghiệm để đi đến một lòng bi cho tất cả chúng sinh được. Mà phải là một tâm thức “viên dung vô ngại” của đạo Phật mới có thể nhìn thấy “Tất cả là Một, Một là tất cả” để tỏa sáng một lòng đại bi không chướng ngại trùm khắp.
Không phải quan niệm của khoa học hay xã hội học hoặc đạo đức học về bình đẳng mà có thể khiến thế giới trở thành bình đẳng hòa bình được, nếu không nhờ đạo Phật và sự thực hành của nó vượt khỏi sự phân chia bẩm sinh của ý thức, thì chẳng bao giờ con người có thể đạt đến bình đẳng tánh trí, một trong bốn trí của Phật giáo, để có thể sống bình an với người khác, với thiên nhiên và với chính mình.
Như chúng ta đã thấy, khoa học hiện đại đã tạo cho thế giới một sự chung nhất về vật chất, người ta sử dụng những phương tiện kỹ thuật giống nhau, những tiện nghi giống nhau, nhưng về mặt nhân loại, người ta vẫn cách xa nhau, những cuộc chiến tranh, những khủng bố ám sát, và con người vẫn cô đơn với người khác, thậm chí cái tình người gần gủi nhất là gia đình cũng ngày càng bị hủy hoại. Mối dung hòa giữa người với người đã yếu, với thiên nhiên là sự tàn phá môi trường, là thiên tai, bão lụt…
Thế giới bây giờ đã trở nên đa phương hơn, đa thù hơn, phân cực hơn. Trong một ngành học, ngày nay phân ra rất nhiều ngành, như vật lý thì có vật lý lý thuyết, vật lý thiên văn, vật lý lượng tử, vật lý sinh học…Trong xã hội có nhiều ý kiến quan điểm của nhiều thành phần xã hội hơn. Ví dụ, ngày xưa quan điểm thường nằm trong giới trí thức (sĩ), ít nằm trong giới nông, công, thương.
Ngày nay, ảnh hưởng của một ban nhạc trẻ cùng quan điểm lối sống của họ ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người. Nhà kinh tế có tiếng nói của nhà kinh tế, nhà môi trường có tiếng nói của nhà môi trường, nhà sinh học có tiếng nói của nhà sinh học, nhà đạo đức có tiếng nói của nhà đạo đức…
Sự phân hóa, cá biệt hóa trong mọi lãnh vực có cái lợi là là người ta hiểu rõ về từng lãnh vực hơn , phần tử hơn, chuyên sâu hơn, nhưng kèm với nó là người ta ít có cái nhìn bao quát hơn, ít “rộng mở” hơn và ít thông cảm nhau hơn. Ngay trong ngành y học, một chuyên gia về bệnh tim chắc là không hiểu nổi một chuyên gia về xương, và một chuyên gia thần kinh về tâm lý không dễ gì hiểu được một chuyên gia thần kinh nghiên cứu các phản ứng hóa học của não…
Chỉ nói sơ qua những ai cũng thấy rằng thế giới ngày nay phân hóa hơn, lớp cha mẹ có một khoảng cách lớn với con cái – ngày xưa thì không – dù thời gian chỉ là một thế hệ. Khi thế giới cùng với thuyết dân chủ và sự phát triển theo bề rộng đã phân cực con người thành những cá thể biệt lập, những trung tâm độc lập, và không chỉ với con người mà trong mọi lãnh vực khoa học, xã hội, kinh tê… kết quả là con người ngày nay tự lập hơn nhưng cô đơn hơn, thành công hơn nhưng biệt lập và bất an hơn, nhìn chung xã hội rối rắm hơn, tốt thì rất tốt, xấu thì rất xấu, giàu thì rất giàu, nghèo thì rất nghèo.
Sự phân cực của thế giới biểu lộ trong mọi lãnh vực. Không chỉ giữa con người với nhau, đó còn là sự dứt lìa với thiên nhiên, tách biệt với sự vật, với gia đình, với những ý nghĩa cần thiết cho cuộc sống, với sự sống nói chung. Đó là một thế hệ mất phương hướng và lạc loài (lost generation) như nhiều nhà văn đã nói. Chính trong một thế giới mà sự đa thù, sự phân cực trở nên gắt gao như thế, trong một “vũ trụ phân tán” – vi đây là thời của sự giản nở vũ trụ, các thiên hà ngày càng cách xa nhau – như thế, thì cái nhìn của Hoa Nghiêm về một vũ trụ “nhất thể” tơng tức tương nhập vô ngại, chắc chắn nối kết được con người với người khác, với thiên nhiên và với chính mình , nối kết dung thông các lãnh vực xã hội với nhau, mọi sự mọi vật với nhau để tìm lại sự thái hòa cho con người.
Hiện nay, ai cũng biết là thế giới đang đi đến xu hướng toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa trong nhiều lãnh vực như kinh tế, kỹ thuật, giáo dục và cả văn hóa. Nhưng cũng có người e rằng sự toàn cấu hóa, chỉ nói về mặt kinh tế – kỹ thuật, chỉ là một hình thức cho các nước mạnh về kinh tế kỹ thuật ép buộc các nước yếu đi theo quỹ đạo của họ. Sự toàn cầu hóa là một điều tất yếu xảy ra trên bình diện vật chất, khi những phương tiện kỹ thuật đã là một cách sinh hoạt của khắp trái đất. Nhưng con người đã thực sự sẳn sàng cho sự toàn cầu hóa về mặt tinh thần (tứ hải giai huynh đệ), đã sẳn sàng từ bỏ những bám chấp phân biệt, những phiền não thâm căn cố đế trong tâm thức mình hay chưa?
Chắc chắn, nếu không có một cái nhìn trí tuệ tương tức tương nhập , và đó cũng là tình thương bao la trùm khắp – thì sự tiến bộ vật chất “toàn cầu hóa” cũng không giúp được nhiều cho nhân loại. Những ý tưởng “leo thang chiến tranh phòng thủ” với những mạng tên lửa và ra đa mới, những loại máy bay trả đũa mới sau thời kỳ chiến tranh lạnh tưởng đã có thể có hòa bình lâu dài, đã nói lên điều đó.
3. Tìm ra ý nghĩa của chính mình, con người và thế giới
Kinh Hoa Nghiêm không phải là để cho chúng ta những hình ảnh đẹp đẽ, những ý niệm tuyệt vời về một vũ trụ toàn hảo, lý tưởng, để rồi sau đó trong tâm thức chúng ta mọi sự đâu rồi lại vào đó, chúng ta lại vẫn tiếp tục nhìn người khác như nững đối tượng để cạnh tranh, để ganh ghét, và thế giới như một đối vật để xài phí, khai thác cho những đòi hỏi không cùng của mình.
Toàn bộ kinh Hoa Nghiêm, từng trang từng dòng là một hành trình tâm linh cởi bỏ cho chúng ta chấp ngã chấp pháp để trả lại cho chúng ta khuôn mặt xưa nay đích thực của chính mình, con người và thế giới.
Tương tức tương nhập, viên dung vô ngại không phải là những ý niệm, đó là sinh hoạt đích thực của vũ trụ, là hoạt dụng của thực tại mà chúng ta cần chứng nghiệm. Hoa Nghiêm không phải là một mô thức vũ trụ chúng ta thích biết để thỏa trí tò mò, nó là pháp giới chân thật chúng ta cần thâm nhập bằng tất cả thân tâm không vướng mắc của mình (Nhập Pháp Giới, phẩm cuối cùng của cuộc hành trình Hoa Nghiêm).
Chỉ khi nào chúng ta thấy mình tương tức tương nhập với những chúng sanh khác, với nỗi khổ và niềm vui của họ (tùy hỷ), với từng sự vật của thế giới này, chúng ta mới hiểu được cái mà đạo Phật gọi là lòng đại bi, mới hiểu được cái đạo đức học vũ trụ của đạo Phật là thế nào.
Chỉ khi nào chúng ta thấy mình viên dung vô ngại với chúng sanh và thế giới, chúng ta mới hiểu cái mà đạo Phật gọi là trí tuệ, cái hiểu biết có tính vũ trụ của đạo Phật. Chỉ khi nào chúng ta thấy “một trong tất cả, tất cả trong một”, chúng ta mới chứng nghiệm được cái xã hội học siêu việt của vũ trụ, muc đích của mọi môn xã hội học đương thời.
Và lúc đó, chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa của mọi sự, của sự hiện hữu của mình, của những người khác, của sự vật và thế giới, lúc đó chúng ta mới tìm thấy hòa bình và an vui thực sự, chúng ta mới có thể nói mình sống cho mình, cho người và cho thế giới – cả ba cái là một thể hữu cơ bất khả phân. Ý nghĩa đó nằm trong Nhất chân Pháp giới trùng trùng vô tận của Phật tánh.