Trong một sự kiện tế nhị và nhạy cảm: (“cầu nguyện đòi đất”), dù không muốn bào chữa cho những sai lầm trong quá khứ thì ở đây – hiện tại này cái vốn dĩ có ích cho bản thân mình, cho dân tộc mình – có lẽ nào đã không còn giá trị lịch sử và lương tâm, hay vì bản thân nó đã bị lãng quên: cội rễ dân tộc-lịch sử?
Có thể chúng ta có hai lịch sử: lịch sử xã hội (sự kiện) và lịch sử con người (lương tâm). Do đó cách xử lý lịch sử được nhắc đến không chỉ tiếp nối để tạo ra một hiện thực mới mẻ và sinh động mà lịch sử từ trong chính nó cần được hiểu và phân tích như một tình huống hiện tại. Chỉ có thế chúng ta mới không quá đà vào “chủ nghĩa định mệnh lịch sử”.
Tất cả mọi người đều là một phần trong lời nói và hành động của chính mình. Dù là cá nhân, tổ chức hay nhà nước cũng đều phải đặt mình trong những tương quan lịch sử. Bởi có lẽ nào tôi không phải là chủ nhân của lịch sử khi lịch sử tuột mất khỏi tay tôi? Có lẽ nào tôi không còn là chủ nhân của chính tôi khi lương tâm không còn cất lên tiếng gọi?
Phải chăng có một ảo ảnh nào đó cho rằng hiện tại là “đặc quyền”, “đặc lợi” là thời kỳ quan trọng hơn hết của con người? Đã bao nhiêu lần con người cứ nghĩ rằng mình đã sống trong thời kỳ cuối cùng của loài người, tận thế. Nhưng rồi thì lịch sử vẫn tiếp diễn như một chuỗi những sự kiện có tương quan và liên hệ nhân quả với nhau. Bởi nếu có một cái gì đó kết thúc thì sẽ có một cái gì đó đang bắt đầu.
Chỉ có bình tâm khảo xét đời sống, chúng ta mới không ngạc nhiên khi có ai đó buông ra một câu hỏi rằng: lẽ nào tội ác đã qua là cái không có thật? lẽ nào sự cướp phá chùa chiền của giáo sĩ thực dân là không có thật?
Bước vào sự nhập nhằng đáng sợ của một “hiện thực” tranh tối tranh sáng mới thấy hết dư vị của thiện và ác, của cái gọi là “công lý”, “hòa bình” và những dục vọng ích kỷ. Vì sao, điều đó “buộc” chúng ta phải suy nghĩ như vậy? Vì hơn 100 năm trước, khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, đốt phá chùa chiền, chúng ta không thấy người giáo sĩ Công giáo nào đứng ra thắp nến cầu nguyện đòi công lý và hòa bình cho mảnh đất thân yêu này. Hơn 50 năm sau, khi chủ nghĩa thực dân không còn, chúng ta thấy người Công giáo cầu nguyện đòi tòa khâm (được định giá là tài sản thuần túy).
Nhưng điều đáng nói sự “tranh chấp” (một phía) “căn nhà” thuần túy ấy lại không bình thường như sự tranh chấp đất đai vốn phổ biến xưa nay. Sự tranh chấp đó được “xã hội hóa”, thậm chí “quốc tế hóa”: vì “công lý và hòa bình”. Một chuyện mới hoàn toàn trong lịch sử tranh chấp đất đai ở nước ta về một căn nhà.
Trong vụ việc này, nếu cứ chưng những bằng chứng pháp lý ra thì hẳn nhiên phải có người sai rồi. Còn nhắc đến công lý thì chúng ta buộc phải nhắc đến lương tâm và tình người. Khi nói đến từ “trả lại” thì người Công giáo đòi đất phải nên và rất nên hiểu mảnh đất đó đã được chiếm hữu như thế nào:
Một trong những thành tích phục vụ Pháp khá nổi tiếng của ông Nguyễn Hữu Độ là việc giúp Giám mục Puginier xây nhà thờ trên chùa Báo Thiên ở Hà Nội. Công sứ Pháp ở Hà Nội bấy giờ là Bonnal đã khen ngợi tinh thần hợp tác của ông Độ và kể lại một bằng chứng, như việc chiếm hữu đất chùa một cách “hợp pháp” như sau: “San bằng cái chùa và tịch thu miếng đất thật không có gì dễ bằng trong thời gian chiếm đóng…, tuy nhiên, công bình mà nói, tôi cảm thấy ít nhiều ái ngại trong việc phạm một sự lạm quyền kiểu đó, nên thấy nên nhờ ông tổng đốc Nguyễn Hữu Độ. Ông rất tâm đầu ý hiệp với vị giám mục [Purinier, NQT ct.] và muốn làm vừa lòng ngài cũng như tôi vậy…”.
Và giám mục Purinier đã ca ngợi sự cúc cung tận tụy phục vụ thực dân của giáo dân Việt Nam như sau: “Không có giáo dân Việt Nam hỗ trợ thì Pháp như những con cua bị bẻ gãy hết càng, không có cách nào có thể xâm chiếm nổi Việt Nam” (André Masson, The Transformation of Hanoi, 1873-1888, Madison, WI: Center for Southeast Asian Studies. University of Wisconsin-Madison, 1983, 51, NQT dịch).
Trước khi qua đời, ông Độ đã gửi thư cho toàn quyền và khâm sứ Pháp với đoạn như sau: “Trong ba năm qua, nước chúng tôi bị sụp đổ. Uy quyền quốc gia lọt vào tay bọn phản quốc đã vì tham vọng riêng, mang lại tại họa cho đất nước chúng tôi. Ngôi báu đã bị khuynh đảo. May mắn thay, chính phủ Pháp vĩ đại đã không lìa bỏ chúng tôi. Họ đã hạ cố ban cho tôi lòng tin của họ, và tôi đã được cái ân trạch giao tiếp với những viên chức cao cấp của chính phủ ấy để giải quyết các vấn đề quốc gia, và tái tục bằng những hiệp ước mối giây liên lạc thân hữu giữa hai chính phủ. Nếu nước chúng tôi có được như ngày nay đó là nhờ lòng nhân đức của chính phủ Pháp. Tôi xin mang cái kỷ niệm êm đềm đó xuống nấm mồ và truyền nó vào thân xác của tôi. Than ôi! Tôi không thể nào bày tỏ tất cả lòng tri ân nồng nhiệt và chân thành của tôi…” (Dẫn theo Thế kỷ 21-số 172, tháng 8-2003, trang 46)
Chúng ta đang đọc lại “lương tâm” về sự “ái ngại” vì “lạm quyền” và sự cúc cung tận tụy phục vụ thực dân của giáo dân Việt Nam khi ấy để có một cái nhìn tương chiếu vào ngôi tòa khâm bị tịch thu trong Cải Cách Ruộng Đất và vụ “cầu nguyện đòi đất” đầu năm 2008.
Chắc hẳn ai trong chúng ta (tối thiểu) cũng hiểu rằng một người đi cướp đất thì không bao giờ có thể trở thành sở hữu chủ được. Đó không chỉ là nguyên tắc pháp lý chung trên toàn thế giới, trên mỗi quốc gia mà đó còn là lương tâm trong mỗi con người. Mỗi khi chúng ta nghe báo chí nói về một vụ lấn chiếm nhà đất người khác, chúng ta bất bình lên tiếng. Chẳng lẽ những người đi chiếm phá chùa Báo Thiên chưa một lần tự vấn lương tâm mình hay sao? Còn những người không thể tự vấn được lương tâm của mình thì có lẽ những người Phật tử chúng ta không cần phải bàn nhắc đến nữa.
Với hai chữ “trả lại”, người Phật tử chỉ mong người Công giáo đang cầu nguyện đòi đất hãy suy nghĩ điều đó bằng chính lương tâm của mình. Chúng ta không nói đến vấn đề tranh chấp pháp lý vì hiến pháp và pháp luật nhà nước CHXHCNVN đã quy định rất rõ rồi. Chúng ta chỉ nhấn mạnh đến lương tâm và buộc phải nhắc lại một điều: một người cướp đất của người khác không thể trở thành sở hữu chủ được. Quá khứ cũng thế, hiện tại cũng thế và tương lai cũng sẽ như thế.
Người Phật tử lâu nay im tiếng vì nghĩ đến những lợi ích lâu dài cho dân tộc. Nhưng nếu người Công giáo cầu nguyện đòi đất cứ khăng khăng là nhà nước “chiếm” đất của họ. Vậy đem hai cái chiếm và tịch thu: 1 cái chiếm toàn bộ ngôi chùa Báo Thiên (một cách bất hợp pháp) và một cái tịch thu tòa khâm, 1 phần đất của chùa Báo Thiên xưa (một cách hợp pháp) để xem cái nào nặng nhẹ hơn cái nào. Và người Phật tử xin hỏi những người đang cầu nguyện đòi đất rằng họ có lương tâm hay không?
Tội ác là gì nếu chúng ta không những không biết hối tiếc mà còn cố tình quên bẵng đi tất cả những lỗi lầm mà chúng ta đã phạm phải? Có lẽ cần phải nói thêm rằng, sự xung khắc trong lương tâm con người còn sâu sắc hơn cả sự xung khắc giữa một chủ thể và đối tượng. Thời buổi “voi sinh mà cỏ không sinh” càng ngày càng tô đậm cho cái gọi là “nhu cầu” của con người lên một cách quá đáng. Lịch sử dân tộc bị rút gọn vào một vài biến cố, và biến cố lại được rút gọn vào trong những thiên kiến vị kỷ. Trong khi ấy lương tâm thì chống lại sự lãng quên lịch sử và lãng quên con người – như một chủ thể của cuộc sống.
Nhu cầu (liên tục) chăm chăm vào cái hiện tại thuần túy, thậm chí hoa hòe, trang sức cho những khái niệm đao to búa lớn đến nỗi nó vô tình đẩy quá khứ ra khỏi tầm mắt, tầm suy nghĩ và tầm tự vấn lương tâm (chúng ta đã làm gì?), trong khi lương tâm thì luôn hướng đến cái trường tồn, cái có thể nối liền giữa quá khứ và tương lai. Nếu lương tâm bị rút gọn vào cơ chế hiện tại và bỏ qua sự tự vấn thì chính bản thân nó chỉ là một biến cố thời sự, một hành vi không có ngày mai.
Lối “ve vãn” hiện tại mà bỏ quên quá khứ, tương lai và lương tâm là một lối ve vãn “xu thời” tệ hại, nếu không muốn nói đó là sự quá trớn của hành vi. “Bây giờ” đã là tương lai của quá khứ xưa và “bây giờ” sẽ là quá khứ của tương lai sau. Tất cả sẽ “phán xét” hành vi của chúng ta trong một mối tương quan nhân quả tiếp nối. Những cạm bẫy “hiện tại” mà chúng ta đang rơi vào đó chính là nhu cầu không có điểm dừng và lòng vị kỷ. Và đến đây buộc chúng ta phải đưa ra một câu hỏi nghiêm túc: “Đâu là khả năng còn lại của con người trong một thế giới mà những quyết định từ bên ngoài trở thành nặng trĩu đến nỗi những động cơ bên trong của chúng ta không còn chút trọng lượng nào? Không biết có còn ai phải đòi lương tâm được sinh ra không?
Chiến tranh, cướp phá, công lý, hòa bình là tính chất nước đôi của những cạm bẫy (nhu cầu, quyền lực, tổ chức, giáo hội…) và có lẽ nào nó lại chẳng liên quan đến lương tâm, đến anh, đến tôi, đến mọi người…? Và có lẽ nào lương tâm chúng ta lại không giống nhau: căm ghét cái ác, cái bất công và vô lý?
Quá khứ bắt đầu từ đâu? Tương lai kết thúc ở chỗ nào? Lương tâm không mách bảo chúng ta phải định lượng, định vị, đo đếm điều vô bổ đó mà lương tâm nói với chúng ta rằng, mọi cái thủ tiêu không bao giờ làm cho cái bị thủ tiêu ấy mất đi hoàn toàn, chí ít nó còn trong tâm thức, trong lương tâm, để một bài học sau đó được chúng ta rút ra một cách có ích nhất.
Chúng ta không thể quên qúa khứ, đẩy quá khứ vào khoảng trống vì ở đó chứa đựng tất cả những động cơ (và đã từng là động cơ) của nhiều cách ứng xử hiện tại. Quên quá khứ là thiếu trách nhiệm đối với lịch sử và sự thật.
Qua vụ cầu nguyện đòi đất của người Công giáo, điều khẳng định nhất quán của người Phật tử là chúng ta không xem điều đó như một sự tranh chấp và không bao giờ có ý muốn đòi lại mảnh đất mà thực sự khi xưa nó đã bị cướp phá. Nhưng chúng ta có quyền kêu gọi một lương tâm, bởi lời nguyện cầu nào có sự hiện diện của lương tâm, lời nguyện cầu ấy sẽ trở nên chính đáng và vô giá.
Ý kiến độc giả Phan Bội Lâm – Ba Lan ([email protected]) Tôi theo dõi sự kiện Toà Khâm gần cả một tháng nay. Sau khi làm công tác tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, tôi có nhận định khách quan như thế này: cho dù một người có theo hay không theo tôn giáo cũng dễ dàng nhận ra rằng, việc người cầu nguyện đòi đất của các giáo dân ở Hà Nội, Sài Gòn và Thái Hà là điều sai trái. Tôi nghĩ những người chủ trương cầu nguyện đòi đất đó nên suy nghĩ cho thật kỹ về hai chữ “đòi lại “. Bởi vì lịch sử nhiều ngôi chùa trên toàn quốc bị chiếm làm nhà thờ còn sờ sờ trước mắt. Chỉ cần đọc một trang viết của công sứ Bonnal kể lại Nguyễn Hữu Độ đã hiến đất cho Puginier như thế nào trong bản tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, thì ai cũng biết việc làm của ông giám mục này là lấy đất chùa hiến cho nhà thờ. Lâu nay Phật tử im hơi lặng tiếng là vì sự hoà hợp dân tộc, như thế đáng lý người Công giáo phải xem đó là điều may mắn mới phải? Chính sự đòi hỏi yêu sách quá đáng của các vị, bỏ lợi ích dân tộc ra ngoài nên bây giờ buộc lòng các Phật tử phải lên tiếng. Cho nên hiện nay người Phật tử đang đòi chính lương tâm của các vị, đòi các vị suy nghĩ về hai chữ “trả lại” trên lương tâm của mình, bởi vì đây không phải là vấn đề tranh chấp , đây là vấn đề lương tâm. Tôi không nghĩ Giáo hội Công giáo không có trách nhiệm với lịch sử và không có lương tâm. Tôi là Phật tử 100%. Nhưng người Phật tử không cớ gì lại “từ bi hỷ xả” một cách mù quáng cả. Người Phật tử không đấu tranh nhưng phải biết đối thoại với tất cả mọi người về sự thật, về “công lý” và lương tâm. Lịch sử chùa Báo Thiên rõ ràng là của Phật giáo, nếu người Công giáo có đầy đủ chứng cứ, lý lẽ, cơ sở pháp lý thì nhà nước tất yếu phải trả lại, chẳng cần phải tổ chức cầu nguyện. Mà đem cả con nít còn bú sữa đi cầu nguyện, con nít biết gì mà cầu nguyện? Cầu nguyện như thế vì mục đích gì? Và làm như thế chẳng phải ích kỷ hay sao? Bao nhiêu ngôi chùa trên toàn quốc nằm ở những vị trí then chốt bị biến thành nhà thờ, chừng đó vẫn chưa đủ? Người Công giáo làm như là đất ấy do giáo hội Vatican cấp không bằng! Nhờ Vatican mà những người Công giáo VN tay sai ngày đó thì Giáo hội ngày nay mới có được những miếng đất “béo bỡ” ấy, như lời phát biểu của Giám mục Puginier: “Không có giáo dân Việt Nam hỗ trợ thì Pháp như những con cua bị bẻ gãy hết càng, không có cách nào có thể xâm chiếm nổi Việt Nam”, lẽ nào Giáo hội lại xem đó là điều vinh hạnh? Tôi tin sự cầu nguyện của người Công giáo sẽ không bao giờ trở thành hiện thực, bởi vì nếu trở thành hiện thực thì Giáo hoàng Benedict XVI đã có thể tổ chức giáo dân trên khắp thế giới cầu nguyện để đòi lại lãnh thổ rộng lớn của Giáo hội đã bị quân đội của nhà ái quốc Italia – Garibaldi, tiến vào thành Rooma tước đoạt vào năm 1870, để đến nay đất của Giáo hội chỉ còn lại chưa bằng 2 sân vận động bóng đá! Người Phật tử Việt Nam bấy lâu vốn đã không muốn nhắc lại những hình ảnh không tốt đẹp đó, nay chính người Công giáo khơi dậy lòng yêu nước của người Phật tử, đó chính là lỗi của các vị. Giáo hội Công giáo không thấy đây là một điều bất lợi rằng, nhân vụ việc này mà cả thế giới người Việt đều biết đến lịch sử đen tối của Giáo hội và càng đánh thức lòng yêu nước của tất cả những người không theo Công giáo trên khắp hành tinh này? Hoa Huong Duong – Hà Nội ([email protected]) Tôi là người không theo Tôn Giáo nào. Nhưng tôi có thiện cảm với các Tôn Giáo vì các Tôn Giáo luôn dậy người khác ăn ngay ở lành. Sự việc người Công giáo đòi Toà Khâm sứ cũ tôi nghĩ rằng họ có nỗi khổ của họ. Song dù khổ gì thì khổ cách thức dùng quần chúng gây sức ép với chính quyền để đòi lại là “thủ đoạn”… Một hành vi mà bất cứ người tu hành nào – Công giáo hay Phật giáo – cũng không được phép. Tôi biết, hình như Kinh Thánh của người Công giáo, Tin lành có dạy là phải vâng phục nhà cầm quyền và nhà cầm quyền do Chúa sai phái tới… Hơn nữa, cầu nguyện là thông công với Chúa bằng thinh lặng, bằng lòng thành chứ cầu nguyện tập thể, thậm chí dùng loa phóng thanh thì được hiểu là gì. Tôi được biết Công giáo Việt ở hải ngoại đi vận động các nghị sỹ Mỹ ủng hộ… Khi làm vậy người Công giáo có nghĩ rằng mình là người Việt Nam hay không? Hay muốn vùng lên để nắm quyền cai trị đất nước, hay định cõng rắn cắn gà nhà… Tuy nhiên, tôi không ủng hộ một số người quá khích mong có sự chia rẽ Tôn giáo, chia rẽ cộng đồng người Việt chúng ta. Muốn nói gì thì nói. Cộng đồng Công giáo, với 10% dân số đang góp sức xây dụng nước nhà. Những người chưa hiểu rồi sẽ hiểu, những người lợi dụng sự kiện này để mưu lợi cá nhân sẽ bị quả báo. Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Nguyễn Ánh…đã và đang bị lịch sử Việt Nam đời đời nguyền rủa. Để kết thúc, tôi cho rằng: Đã chọn con đường đi tu thì không làm chính trị. Cách thức mà Ông Ngô Quang Kiệt đang làm, cộng với sự hưởng ứng của nước ngoài mà ông Kiệt không có ý kiến gì cứ nhắm mắt bỏ mặc là đang “làm chính trị” sẽ có tội với Lịch Sử. Còn nếu không phải là như vậy thì xin hãy dừng lại vì Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang bị lợi dụng một số thế lực cực đoan lợi dụng và sẽ trở thành “CON RỐI” chính trị để ngoại bang điều chỉnh. Tôi xin lỗi vì dùng từ hơi quá, nhưng từ này được đăng ở bài “Con đường lựa chọn” trên mạng Vietcatholicnews.com. Chân thành góp ý. Mong lắm thay!!!! Nguyễn Hữu Liêm – trích từ bài “Một lịch sử đã muộn (trao đổi với Lê Tuấn Huy)” trên trang Talawas Lê Tuấn Huy khai thác sự bất cập trong hai hiện tượng đòi Tòa Khâm sứ và đất chùa Báo Thiên để không công nhận phần chính đáng của sự việc thứ hai. Vấn đề phải được nhìn kỹ hơn. Hai sự đòi hỏi dù có thể là không tương đồng trên mặt pháp lý, cũng như là chính danh, theo lý luận của tác giả, nhưng những đòi hỏi của Phật tử – rất nặng lời – về các cơ sở tôn giáo của họ đối với Giáo hội Công giáo không thể được coi như là một sự đã rồi. Khi Phật tử nêu lên nguồn gốc của các cơ sở Công giáo hàng đầu ở Việt Nam, từ tháp Báo Thiên trở nên Nhà thờ Thánh Joseph (Nhà thờ Lớn), chùa Lá Vàng trở thành Thánh địa La Vang, từ một ngôi chùa “không tên” trở nên Vương cung Thánh đường, thì họ đã nêu lên và chỉ thẳng ra bằng chứng cho những tảng băng ngầm và nổi từ một lịch sử hoán chuyển mà sức mạnh phương Tây đã thay đổi những biểu tượng của truyền thống tâm linh dân tộc. Vì thế, từ tính chất tình cảm, văn hóa, tôn giáo, đến ngôn từ mạnh mẽ của Phật tử, đây không phải thuần chỉ là một tranh luận pháp lý. Nó là cả một hiện tượng chủ nghĩa dân tộc, mà trí thức Phật giáo là một phần, từ cái cớ người Công giáo đòi lại Tòa Khâm sứ, mà họ cho là khiêu khích, đang được biểu lộ công khai trong sinh hoạt dân sự của xã hội Việt Nam hiện nay. Đây là, và phải là, một cáo trạng nặng nề đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam, và theo bằng chứng lịch sử, nó không phải là vô căn cứ hay thiếu biện minh. Nếu ai chịu khó nghiên cứu đến vấn đề này, sẽ thấy rằng những cáo trạng này có thừa bằng chứng, vừa pháp lý vừa lịch sử, theo tiêu chuẩn “vượt qua một nghi ngờ vừa phải”, vốn đã được đưa ra gần đây, hay vẫn đang còn nằm đó trong các văn khố của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, cũng như ở La Mã. Từ một lịch sử trong vòng một trăm năm nay, những vấn đề này vẫn còn mang tính thời sự và “hiện thực”. Cáo trạng này là một hiện thực hóa lịch sử cận đại mà gia sản độc lập dân tộc trong sự mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa Đông và Tây, vẫn còn đang tiếp diễn, mà tất cả chúng ta là những đứa con tinh thần của tính “hiện thực lịch sử” này. Đây lại càng không phải, và không thể là một vấn đề cổ xưa, không còn giá trị liên đới đến nội dung nhân văn của người Việt hiện đại, mà là một mạch ngầm, một luồng “sóng đáy” đang được chuyển động, mà vì bối cảnh lịch sử chưa cho phép, nó mới trở nên ngọn sóng mới trong những ngày tháng qua. Vì thế, tinh thần và chủ nghĩa dân tộc, mà tinh thần chống đạo Chúa là một phần, dù hẹp hòi hay lỗi thời đi nữa, vốn im lặng nằm yên bấy lâu nay, nay được khơi động lên bằng chủ trương “đòi lại Tòa Khâm sứ” của người Công giáo. Khi trí thức Phật tử đặt vấn đề chùa Báo Thiên hay Lá Vàng, không phải là họ bênh vực (âm mưu!) chính quyền, hay lẫn lộn, hay đánh tráo vấn đề, hay mạo danh nào, mà họ đặt câu hỏi đối với vị thế chính danh và nội dung chính nghĩa, ít nhất là trên bình diện đạo đức lịch sử của người Công giáo, khi đòi lại cơ sở của họ. Giáo hội Công giáo phải trả lời cáo trạng này. Trong truyền thống pháp chế Anh Mỹ có câu, “Khi bạn đến tòa để xin công lý (equity), hãy nhìn hai tay mình xem có sạch hay không”. Người Phật tử Việt đang chất vấn Giáo hội Công giáo như vậy. Đây là một vấn nạn đáng buồn của lịch sử Việt Nam hiện đại, mà không có vấn đề nào có thể tách biệt ra riêng để có thể hiểu được, chúng ta phải nhìn đến nó như là một tổng thể từ một vấn đề lớn hơn. Những mất mát, hơn thua, như Lê Tuấn Huy nói, cho một vài cơ sở tôn giáo, của Phật giáo hay Công giáo, chắc là không mang một tác động quan trọng về xã hội, tôn giáo, tinh thần hay kinh tế nào. Phật giáo cũng đã mất nhiều cơ sở không thờ phượng sau 1975, như các lô đất của Đại học Vạn Hạnh, hay Việt Nam Quốc tự ở Sài Gòn. Tuy nhiên có những cơ sở tôn giáo tự chúng mang tính biểu tượng quan trọng cho quan hệ tôn giáo và dân tộc. Việc đòi lại Tòa Khâm sứ, bằng thái độ nhân danh chủ quyền, pháp lý hay đạo đức, nửa trịch thượng, nửa giả vờ, của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, đã bị coi như là một thách thức, tạo nên một sự khích động lớn, đối với người Phật tử. Nó khơi động lên những nội dung cáo trạng văn hóa và lịch sử liên đới cho chủ thể bị cáo. Khi cái hộp mở ra, châu chấu sẽ chen nhau mà cất cánh. Vì thế, trên cơ bản dân tộc – và đây mới là vấn đề quan yếu – thì hai vấn đề Tòa Khâm sứ và tháp Báo Thiên ở Hà Nội tự thực chất chỉ là một. Thế còn hệ quả của cách đặt vấn đề của cáo trạng tôn giáo và dân tộc như vậy? Dĩ nhiên là chúng ta, những người Việt có ý thức, đều phải quan tâm. Và cũng chính bởi lý do này, do đó, chúng phải được nêu lên. Vì Công giáo nay đã trở thành một phần máu thịt văn hóa dân tộc Việt, do đó mà không nên đem con ma “tranh chấp tôn giáo” để hòng bỏ qua, xí xóa những món nợ lớn của lịch sử. Quét rác vào chân tủ, hay thổi nó lên không trung, không phải là một cách giải quyết thể loại cáo trạng này. Người thổ dân da đỏ ở Mỹ ngày nay vẫn còn tranh đấu cho những di tích dân tộc và tâm linh của họ sau hơn 200 năm bị xóa vết. Những tranh chấp dân sự là một thực tế không thể từ chối trong một quốc gia pháp trị. Khi đặt vấn đề một cách rõ ràng, phân định các lĩnh vực tranh chấp thành những cáo trạng minh bạch và dựa theo một tiêu chuẩn chính trị, pháp lý cũng như học thuật công bằng và hợp lý, chúng ta có thể, và phải giải quyết những cáo trạng lịch sử và văn hóa còn đọng lại. Người Phật giáo không từ bỏ tiêu chuẩn ôn hòa, hỉ xả, từ bi khi mạnh dạn và ngay thẳng nêu lên những cáo trạng công lý – dù rằng ngôn từ nhiều khi hơi nặng, mà chúng ta phải hiểu. Ôn hòa không có nghĩa là thụ động. |
Nếu quý vị độc giả có ý kiến về vụ Cầu nguyện đòi “Tòa khâm”, xin gửi thư điện tử về địa chỉ [email protected]; hoặc bấm vào đây để viết ý kiến.
Xem thêm: