Trang chủ Văn học Vụ phá chùa Báo Thiên xây Nhà thờ Lớn trong tiểu thuyết...

Vụ phá chùa Báo Thiên xây Nhà thờ Lớn trong tiểu thuyết Mẫu Thượng ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

167

Philippe Messmer là người Pháp xuất thân nông dân ngoan đạo. Ông lại là người khôn ngoan, thực tế. Lẽ dĩ nhiên ông tán thành cả ý kiến của chính phủ bảo hộ lẫn ý kiến của nhà thờ.


Hồi đánh trận Cầu Giấy, khi đi tìm xác thiếu tá Henri Rivière, Philippe nhiều lần gặp đức giám mục Puginier, ông cha cố già thông minh đã nói nhiều câu mà Philippe vẫn nhớ như in trong lòng:


– Nếu tất cả dân An Nam đều là người công giáo, thì chúng ta sẽ dẫn dắt họ đi thật dễ dàng theo ý muốn của chúng ta. Quyền lợi của họ sẽ nhanh chóng hòa vào quyền lợi của chúng ta. Chẳng những ta không cần mang quân sang đây đông đến thế, mà chính họ, những người công giáo sẽ cung cấp cho ta những đội quân bản xứ đông bao nhiêu tùy thích. Nước Pháp là tổ quốc mẹ của họ. Đội quân ấy sẽ không phản bội tổ quốc mẹ đã đem tới cho họ quyền lợi…


Rồi, ý kiến sau:


– Người Trung Hoa đến xâm chiếm xứ An Nam, họ cai trị dân này thông qua đạo Khổng của họ. Đến khi họ ra đi đạo Khổng vẫn còn mãi trong tâm hồn người dân an Nam. Chúng ta cũng phải đưa đạo Thiên chúa vào cắm rễ ở đây. Không có sự cai trị nào vững bền hơn sự cai trị thông qua văn hóa tôn giáo.


Vào thời gian tháng 5 năm 1883, khi quân Cờ Đen phục kích giết thiếu tá Henri Rivière ở Cầu Giấy, thì đồng thời họ cũng tấn công khu Hội Truyền giáo, đốt ngôi nhà thờ gỗ. Đức giám mục Puginier phải vào trú ngụ tại khu Nhượng địa Đồn Thủy. Sau khi đẩy lui được quân Cờ Đen ra xa khỏi Hà Nội, người Pháp bắt đầu xây dựng một số công trình để làm việc.


Giám mục Puginier cũng quyết định xây một ngôi nhà thờ lớn ở ngay chốn thủ đô xứ Bắc Kỳ này, để làm nơi thờ phụng Chúa, để chứng tỏ cho mọi người dân xứ sở này đều phải biết ánh sáng của Đức Chúa trời đã đến nơi này rồi. Giám mục nói với những người thân cận:


– Khi những nhà chinh phục Tây Ban Nha đến châu Mỹ, việc đầu tiên họ làm khi đặt chân lên đất liền là tìm ngay một nơi cao ráo đẹp đẽ, rồi cắm trên đó một cây thập tự bằng gỗ. Tất cả đoàn conquistador đều quỳ trước cây thánh giá và đọc kinh cảm ơn Chúa. Cử chỉ ấy của họ thật cao cả. Họ muốn nói rằng đất này đã là đất của Chúa và cầu Chúa đem ánh sáng đến cho mảnh đất này. Chính vì vậy mà ta muốn xây dựng một ngôi nhà thờ thật lớn, thật đẹp ở một nơi đẹp nhất giữa thành phố ngoại đạo này.


Giám mục Puginier đem ý kiến ấy ra nói với ông Bonnal, trú sứ Pháp tại Hà Nội. Người đại diện của chính phủ Pháp hỏi:


– Thưa giám mục, ngài đã chọn được chỗ đất nào ưng ý chưa ạ?


– Chúng tôi đã tìm, chỉ thấy miếng đất hiện nay tọa lạc ngôi chùa Báo Thiên là thích hợp nhất.


Ông trú sứ sau đó tham khảo ý kiến của các quan chức địa phương, trả lời đức cha:


– Nhìn bề ngoài, trong thời kỳ chúng ta đang chinh phục xứ này, chiếm đất của một ngôi chùa thoạt tưởng là công việc dễ dàng, nhưng ở trường hợp này tôi sợ là mình sẽ lạm quyền. Mà sao đức cha lại cứ phải chọn nơi đất ấy?


Bởi vì nó đẹp. Tôi nghĩ rằng đối với nơi thờ phụng Chúa, thì chúng ta không nên tiếc một thứ gì.


– Không phải tiếc, mà bởi vì chúng ta vừa chiếm xong nơi đây. Có thể nói tình hình rất tế nhị. Ta không nên làm dấy lên lòng căm phẫn của dân chúng vì lý do tôn giáo. Nhất là ngôi chùa Báo Thiên. Đức cha có biết không, đây là một ngôi chùa cổ của xứ An Nam, được xây dựng từ thời nhà Lý. Trước kia, còn có một ngôi tháp rất cao soi bóng xuống hồ Gươm. Người dân Thăng Long cho đó là linh địa. Nay ta phá chùa linh thiêng của họ đi… Tôi rất sợ dân nơi đây từ chuyện đó sinh ra bất mãn.


Cha Puginier rất mềm dẻo:


– Chính vì vậy nên chúng tôi mới phải nhờ đến tài cai trị giỏi giang, khéo léo của ngài trú sứ.


Ông trú sứ Bonnal liền đến gặp ông tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Hữu Độ. Ông tổng đốc này nhờ quân Pháp đánh chiếm Hà Nội mới được lên làm tổng đốc, sau khi ngài tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết.


Ông Nguyễn Hữu Độ có rất nhiều tham vọng. Ông biết triều đình Huế đã thất thế, và người Pháp sắp làm chủ xứ này. Chức vụ ông muốn ngoi lên là chức phụ chính bên vua như ông Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Ông lại biết người Pháp sẽ áp dụng chế độ bảo hộ ở Bắc và Trung Kỳ, nghĩa là vẫn có Vua và có Các quan. Chính vì vậy, Nguyễn Hữu Độ ra sức làm vui lòng người Pháp, trong đó có đức giám mục Puginier là một nhà tu hành đầy quyền thế.


Nguyễn Hữu Độ là một viên quan cáo già, nhiều mưu mẹo. Lúc đó đang thời đại loạn, sư chùa Báo Thiên phải nhiêu bạt, chẳng biết còn sống hay đã chết. Ông cho người đi tìm, rồi tuyên bố không còn tung tích. Vậy là ngôi chùa hoang.


Ông Độ liền cho họp các bô lão của làng Báo Thiên lại. Ông đưa các bô lão ra ngôi chùa xem xét. Ngôi chùa thời loạn tường xiêu mái thủng. Ông liền bảo các bô lão viết một cái đơn xin phá ngôi chùa, vì để như hiện trạng có thể gây nguy hiểm chết người. Và khi đã có lá đơn ấy trong tay, ông Bonnal thấy đúng luật liền cấp cái nền chùa bị phá vô chủ ấy cho giám mục Puginier.


Đó là lịch sử xây đựng ngôi Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Cha Puginier vừa là kiến trúc sư vừa là nhà thầu. Tiền xây nhà thờ có được do cúng hiến và do hai lần phát hành vé xổ số vào 1884 và 1886. Nhà Thờ Lớn xây dựng trong bốn năm, bắt đầu 1884, hoàn thành năm 1888.







Phật tử Việt Nam sẽ tiếp tục quay trở lại đề tài “Giám mục Puginier và giáo dân công giáo” trong tiểu thuyết Mẫu Thượng ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.