Sau bài viết trước về luận văn “Thực chất đạo Hòa Hảo” của tăng sinh Thích Thiện Huệ, không lâu sau đó, chúng tôi đã có được bản photocopy luận văn nói trên. Bản photo này được nói là đang lưu hành trong tín đồ Phật giáo Hòa Hảo.
Bản photocopy không đẹp, chữ nhòe nhoẹt, rất đáng nghi vấn.
Đọc trên mạng thấy tác giả Minh Mẫn cũng đã có trong tay luận văn “Thực chất đạo Hòa Hảo” với ảnh chụp bìa của luận văn và nhiều đoạn trích dẫn để bình luận.
Như vậy, dù có thể là không muốn, bản photo luận văn trước đây không ai biết đến này đã mức phổ biến nhất định. Quyển photo luận văn tưởng chừng như bình thường như bao luận văn tốt nghiệp đại học khác, vùi sâu trong những tủ sách đóng bụi lại, bỗng dưng trở nên được nhiều người biết đến, nhiều người quan tâm và tất nhiên nhiều người tìm đọc.
Như vậy:
– Viết luận văn “Thực chất đạo Hòa Hảo” là tăng sinh Thích Thiện Huệ (nhưng có thể còn nghi vấn vì văn bản là bản photo).
– Làm cho mọi người biết đến bản photo luận văn này là ông Lê Quang Liêm.
– Hậu quả của việc số đông biết đến luận văn “Thực chất đạo Hòa Hảo” có 2 mặt: Nhiều người phản đối luận văn, nhưng những lời lẽ được coi là xúc phạm đến Đức Huỳnh Giáo chủ cũng nhiều người biết. Đây chính là mấu chốt của việc gây chia rẽ tôn giáo và đồng thời cũng là việc làm mất sự tôn nghiêm đối với Đức Huỳnh Giáo chủ. Trách nhiệm của việc này thuộc về ai?
Rõ ràng là thuộc về ông Lê Quang Liêm, người đã làm cho số đông biết đến một luận văn không ai biết, đã chìm vào quên lãng sau hơn 10 năm, và chỉ là bản photo.
Để có thể dễ hình dung, chúng ta có thể thông qua một câu chuyện.
Một người, do tình cờ biết được có bản sao lời một học sinh đã viết xúc phạm đến bậc trưởng thượng của mình. Chuyện đó không ai biết, đã trải qua 10 năm, và chỉ là bản sao. Lẽ ra, chỉ cần tìm đến gặp riêng người học sinh có sai sót đó nói chuyện phải quấy, người nắm những tờ giấy bản sao lại viết những lời xúc phạm bậc trưởng thượng ấy đến giữa trường, giữa chợ mà la lên cho mọi người biết. Việc làm đó có ý nghĩa ra sao đối với bậc trưởng thượng mà mọi người đều tôn kính?
Để gìn giữ sự tôn nghiêm trưởng thượng trước số đông có nên làm như vậy không?
Nếu tìm gặp riêng tăng sinh Thích Thiện Huệ để giải quyết, tìm hiểu thực hư, nguồn ngọn, đi đến việc thu hồi những bản photo luận văn đã photo biếu tặng, thì sẽ không ai biết đến việc có những lời lẽ như thế đối với Đức Huỳnh Giáo chủ. Sự tôn nghiêm của Đức Huỳnh Giáo chủ vẫn được giữ gìn, không xảy ra việc chia rẽ, mất đoàn kết tôn giáo.
Tưởng chừng như ông Lê Quang Liêm có công với Đức Huỳnh Giáo chủ, nhưng kỳ thực là ngược lại. Ông đã làm cho phổ biến, nhiều người biết đến những lời xúc phạm Đức Huỳnh giáo chủ.
Ngoài ra, có 2 vấn đề, nhìn từ góc độ khoa học, thiết tưởng cần bàn luận, trước khi đi vào nội dung cụ thể xem xét, phê phán những luận điểm, những ý kiến nêu trong luận văn.
Đạo Phật là đạo hòa hợp, nêu cao tinh thần hòa hợp, giáo huấn đại chúng tinh thần hòa hợp. Đức Phật cấm nói lời chia rẽ nói lời hung ác. Vì vậy, chúng ta đương nhiên không thể tán thành với một số lời lẽ của tác giả Thích Thiện Huệ, nếu khi đã xác định chính xác bản chính.
Nhưng việc thông qua luận văn trên cần được xem xét trong bối cảnh học thuật ngành khoa học xã hội. Trong nghiên cứu khoa học xã hội, có thể có những ý kiến khác biệt nhau, thậm chí tương phản nhau, mâu thuẫn nhau về một vấn đề, một sự kiện, một nhân vật… tất cả đều có thể trình bày trong môi trường học thuật, nếu qua một quá trình nghiên cứu.
Chẳng hạn, như đối với vua Gia Long. Trước đây phổ biến quan điểm đây là vị vua có tội phản quốc, “cõng rắn cắn gà nhà”, nhưng gần đây vẫn tồn tại song song đánh giá công lao thống nhất quốc gia của vua Gia Long.
Như vậy, không thể cấm phát biểu những ý kiến đã qua quá trình nghiên cứu trong môi trường học thuật như Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM được. Theo ý kiến riêng của tôi, nhận xét của Giáo sư Minh Chi “Luận văn đạt yêu cầu về công phu nghiên cứu và sưu tầm tài liệu. Nên tránh phê phán tôn giáo khác với lời lẽ nặng nề” là trong mức chấp nhận được trong môi trường nghiên cứu, học thuật.
Cũng liên hệ đến nguyên tắc chung về nghiên cứu khoa học xã hội như thế, thì cũng không thể cấm phát biểu những luận điểm có được qua quá trình nghiên cứu và cũng không riêng gì ở lãnh vực khoa học xã hội, ở lãnh vực khoa học kỹ thuật cũng vậy.
Chúng tôi đã nhìn thấy 2 luận văn cùng được thông qua, một nói về sự nguy hiểm của điện hạt nhân, đề nghị hạn chế sử dụng. Một luận văn khác nói về những tiện ích của điện hạt nhân và đề nghị triển khai rộng rãi.
Tất nhiên, cũng như GS Minh Chi đã phê vào luận văn “đạt yêu cầu về công phu nghiên cứu về sưu tầm tài liệu” nhưng nên tránh lời lẽ nặng nề. Vấn đề là ở chỗ lời lẽ nặng nề mà không phải ở luận điểm khoa học. Những trường hợp có thể có về sau và đối với mọi tôn giáo, thì vẫn nên áp dụng nguyên tắc căn bản này, không thể cấm phát biểu những luận điểm khoa học vì lý do này khác được, nhất là trong môi trường học thuật của các trường đại học, các học viện được.
Điểm thứ hai về mặt khoa học cần chú ý nếu xem xét luận văn trong bối cảnh văn bản có được là đưa từ bên ngoài vào, nếu văn bản chính thức do học viện lưu trữ đã bị hủy (theo quy định sau 10 năm) nếu không có mặt tác giả, và giáo sư hướng dẫn đã qua đời, thì nên cẩn trọng về mặt văn bản. Việc cố tình thay đổi nội dung luận văn nhằm vào một mục tiêu nào đó (chẳng hạn giống như thay thế nội dung khác vào những tờ ruột trong một bộ văn bản mà trên từng trang không có chữ ký xác nhận). Vì tính chất quan trọng của vấn đề, nên cẩn trọng đối với việc này, nhất là khi nếu văn bản lữu trữ chính thức không còn nữa.
Luận văn không phải là sách. Khi nghiên cứu nội dung một luận văn mà văn bản lưu trữ chính thức không còn thì có thể có nhiều vấn đề, nhất là trong bối cảnh một sự việc nhạy cảm.
Bản photocopy luận văn “Thực chất đạo Hòa Hảo” mà tôi đang có đây cũng ghi tên tác giả là Thích Thiện Huệ, nhưng cũng không có chắc chắn nó đúng hoàn toàn với luận văn gốc, vì được photo rời từng tờ một, đóng cuốn từng lần một. Lấy gì để bảo đảm nó y hệt nguyên bản. Nếu mai kia có ai đó lại trưng ra một bản photocopy luận văn không có những lời xúc phạm Đức Huỳnh Giáo chủ thì sao? Không thể nói gì ngoài 2 chữ thận trọng.
Tuy nhiên, chẳng làm sao hơn với bản photocopy đang có, chúng tôi hy vọng sẽ có được những bài nhận xét thích hợp đối với luận văn “Thực chất đạo Hòa Hảo”, vì tình đoàn kết tôn giáo. Chỉ có phê phán bằng những bài viết, bài nghiên cứu đối với những chuyên luận khoa học là phù hợp hơn cả đối với những ý kiến từ một luận văn tốt nghiệp đại học, một công trình nghiên cứu khoa học ở dạng bài tập.
Nên đưa vấn đề từ lãnh vực chính trị, tôn giáo trở về với lãnh vực khoa học, như trong khuôn khổ xuất phát các ý kiến, khuôn khổ một luận văn khoa học.
Nếu vụ luận văn “Thực chất đạo Hòa Hảo” được giải quyết trên tinh thần học thuật và chỉ riêng trong giới hạn với tác giả, thì sẽ tốt biết bao nhiêu, mà điều trước hết là gìn giữ sự tôn kính đối với Đức Huỳnh Giáo chủ.
MT