Trang chủ Văn học Tùy bút Vu lan và con

Vu lan và con

399

Đức Thế tôn đã dạy: “Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai. Là Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng Cha, một bên vai cõng Mẹ, làm vậy cho đến trăm tuổi. Nếu đấm bóp, thoa nước tắm rửa, thoa gội và dầu tại đấy có vãi tiểu tiện, đại tiện như thế, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ Mẹ và Cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỳ kheo, Cha Mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng con khôn lớn , giới thiệu con vào đời” (Kinh Tăng Chi I) Hạnh phúc thay khi ta còn Cha, Mẹ để thành kính tôn thờ.

Vu lan, mùa của những tình thương, của những kỷ niệm sâu thẳm về công ơn dưỡng dục lại ùa về. Chúng ta những đứa con đang lặn hụp trong dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống, một giây phút đó, hãy tĩnh lặng, để tưởng nhớ về các Đấng sanh thành.

Con có đi và con sẽ thấy, để cảm nhận tình thương mà gia đình dành cho. Dù con có bao nhiêu tuổi, dù con thế nào; giàu hay nghèo, tốt hay xấu… thì Cha, Mẹ vẫn luôn bên cạnh, luôn sẽ là người đồng hành cùng con qua suốt chặng đường dài, cho đến khi… khuất bóng. Tình thương Đấng sanh thành dành cho con là lớn lao, là vô cùng tận, không thể nói hết được. Dù Mẹ, Cha biết rằng, con có thể tự lo cho bản thân nhưng vẫn luôn theo dõi con mình, luôn xem chúng đang làm gì, chúng sẽ thế nào… để rồi, họ luôn bên cạnh những đứa con trong mọi hoàn cảnh.

Con, đã từng trải qua những tháng ngày như vậy, những lúc mệt mỏi vì công việc hay những lúc căng thẳng vì cuộc sống bộn bề, con lại điện về cho Mẹ, những lúc như vậy, con cảm thấy thoải mái và bình an hơn. Có những lúc mãi mê trốn tìm với công việc bên ngoài, thì có những thời điểm, con lại quên gia đình nhỏ của mình, một tổ ấm đầy ắp hạnh phúc và yêu thương. Con quên rằng, luôn có một chỗ dựa vững chắc nhất mà mọi cám dỗ bên ngoài không thể lay chuyển được, đó là tình thương mà Mẹ, Cha dành cho con, vô bờ và không tính toán…

Ca dao có câu :

Cha Mẹ nuôi con biển hồ lai láng

Con nuôi Cha Mẹ tính tháng tính ngày”.

Nghe sao chua xót và lạnh lùng quá. Có thể, ngoài kia, ngoài xã hội đang ngổn ngang sẽ có những người như thế, sẽ có những đứa con như thế. Nhưng con nguyện với lòng rằng, điều đó sẽ không bao giờ có với con, một bổn phận mà con luôn hạnh phúc để được chăm sóc, nuôi dưỡng Mẹ, Cha được sống an lành trọn vẹn.

Có thể bạn không giàu, có thể bạn sống xa hàng trăm, hàng ngàn dặm nhưng Mẹ, Cha có muốn bạn cho họ những gì cao sang đâu? Chỉ cần bạn quan tâm bằng tình thương của những đứa con, bằng sự quan tâm chân thành hay chỉ đơn giản là một câu hỏi thăm, chỉ vậy thôi, cũng đã ấm lòng. Có những điều bạn có thể đánh đổi, có những thứ bạn có thể mua được ở bên ngoài, nhưng tình thương và lòng biết ơn vô bờ bến mà bạn dành cho Mẹ, Cha hay Mẹ, Cha dành cho bạn không thể đánh đổi hay tìm mua!

Ân cha lành cao như núi Thái,

Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi,

Dù cho dâng trọn một đời,

Cũng không trả hết ân người sanh ta” (Kinh Tâm Địa Quán).

Con luôn hiểu rằng, tình thương mà Mẹ, Cha dành cho là cao tột như đỉnh Tu Di, như vầng nhật nguyệt, sáng rọi cả cuộc đời con. Và mỗi khi nghe đến câu Phật dạy các hàng đệ tử trong kinh Báo hiếu Mẹ Cha: “Điều thứ mười: Chẳng ham trau chuốt. Dành cho con các cuộc thanh nhàn. Thương con như ngọc như vàng. Ơn cha nghĩa mẹ sánh bằng Thái Sơn” Lòng con lại nhớ về ơn Cha Mẹ ngàn lần, công lao to lớn đó, có biết khi nào con trả được. Vậy mà, đôi khi mãi mê những “thăng trầm” của đời, những “xa hoa và thời thượng” bên ngoài, lắm khi con lại quên đi người Mẹ đang ở nhà, luôn lo lắng cho con, từng bữa cơm, từng viên thuốc…

Con có thể ở những khách sạn sang trọng, nhưng sẽ không thể có cảm giác như trong nhà của mình; được nằm bên Mẹ, được trò chuyện và cười sảng khoái với những câu chuyện tiếu lâm mà Ba kể. Sẽ không có ai có thể nấu món kho chay, vừa ý con, thì Mẹ luôn biết phải làm thế nào… Mẹ có thể thức dậy giữa khuya để làm chén thuốc khi con bệnh, Mẹ có thể làm mọi thứ vì con. Chỉ đơn giản, Mẹ yêu thương những đứa con của Mẹ bằng cả tấm lòng, mà suốt cuộc đời Mẹ dành trọn cho gia đình.

Con luôn bắt gặp những điều, những câu chuyện mà con lặng người lại, lắng nghe để thấy những điều bình dị nhưng cao cả trong cuộc sống này. Nhớ ngày xưa ở quê, Ngoại kể một câu chuyện mà cho tới bây giờ con vẫn luôn nhớ: “Ngày xưa trong một già đình nọ, đến ngày rằm, anh ta chuẩn bị một mâm trái cây tươm tất để dâng lên Đức Phật, cầu mong được hạnh phúc giàu sang. Nhưng Mẹ anh đang trong cơn đói và xin được một trái lót dạ, anh nhất quyết không cho và trả lời rằng “đây là mâm trái cây dâng lên Đức Phật, vì vậy Mẹ không được dùng trước”. Nhưng khi dâng lên Đức Phật, Phật mới bảo rằng: “Này thiện nam có biết, nhà của con có một vị Phật mà suốt đời con phải tôn sùng và kính bái?” Anh ta trả lời “dạ không”. Đức Phật mới dạy rằng: “Này con, Ta tán thán công đức này của con dành cho Ta, nhưng Mẹ con mới đáng là người mà con phải dâng lên trước nhất, Bà là vị Phật của các vị Phật trong con, người đã mang nặng đẻ đau, chín tháng cưu mang, bao nhiêu năm nuôi dưỡng con trưởng thành, vì vậy Mẹ con chính là vị Phật mà con phải kính bái. Đó là lòng thành cúng dường trọn vẹn nhất mà con dành cho Ta”.

Cha Mẹ là tài sản lớn nhất mà mỗi con người khi sinh ra đã có. Đừng để đến khi mất đi rồi mới hối tiếc, mới tiếc thương, làm đám rình rang, khóc lóc vang trời để chứng tỏ mình là người con có hiếu. Ông bà ta có câu:

Còn Cha còn Mẹ thì hơn.

Không Cha không Mẹ như đờn đứt dây.

Đờn đứt dây còn xoay còn nối.

Cha Mẹ mất rồi con chịu mồ côi”.

Của cải, tiền bạc có thể tìm được nhưng Mẹ, Cha mất đi, thì không thể nào tìm lại được. Dòng đời cứ trôi mãi, cuộc sống sẽ theo định luật vô thường “Thành, Trụ, Hoại, Không”, nhưng lời chư Phật dạy về lòng hiếu thảo của con cái và báo đền công ơn Mẹ, Cha luôn mãi mãi bất di bất dịch, trường tồn với năm tháng. Vì vậy, phàm là một Phật tử, y giáo của Đức Bổn Sư, hàng ngày, hàng giờ, ta nên nhìn lại, soi rọi chính mình đã làm những gì để đền đáp công ơn của Mẹ, Cha hiện tiền và quá khứ. Để chúng ta đừng bao giờ quên đi, một điều thiêng liêng nhất mà mình có thể làm ngay bây giờ, là chăm lo cho Mẹ, Cha được an lành và hạnh phúc, đừng để đến khi quá muộn và nói câu… giá như và ước gì!

Xin mượn lời bài hát “Bông hồng cài áo” của Phạm Thế Mỹ để kết thúc bài viết nhân mùa Vu lan năm nay :

Một bông Hồng cho em,
Một bông Hồng cho anh,
Và một bông Hồng cho những ai,
Cho những ai đang còn Mẹ,
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn…

Xin gởi một bông hồng đỏ thắm đến tất cả mọi người đang còn Mẹ. Một bông hồng trắng cho những ai không còn may mắn được ngày đêm phụng dưỡng vị Phật hiện tại của mình. Nguyện cầu mười phương chư Phật gia hộ cho tất cả bậc sanh thành, sức khỏe, thân tâm an lạc, phước lộc viên thành.

Mùa Vu Lan PL 2013

Chúc Trọng

(trích từ Tạp chí Từ Quang số 6 – Chùa Phật Học Xá Lợi)