Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Vu Lan đạo lý sống của con người

Vu Lan đạo lý sống của con người

75

Thế nên, kinh điển Phật giáo nói về đạo hiếu khá nhiều. Ngoài kinh Vu Lan Bồn ra, còn có một số kinh khác như kinh Nhẫn Nhục, Đại Tập, Tứ Thập Nhị Chương, A Hàm, Tăng Chi, Tương Ưng, Tâm Địa Quán…, lời lẽ rất thống thiết, sinh động, để lại dấu ấn tâm linh cho người đọc thực thi đạo sống làm người, an trú trong con đường thể nhập sự thật chân lý.


Ngay trong bản kinh Tứ Thập Nhị Chương, một bản kinh được phiên dịch và lưu hành rộng rãi khá sớm tại nước ta, đã trình bày khá rõ quan điểm thực thi đạo giải thoát: “Phàm người phụng thờ quỷ thần, không bằng phụng thờ cha mẹ. Cha mẹ là vị thần tối thượng”. Còn kinh Đại Tập chỉ ra rằng: “Nếu ở đời không có Phật thì hãy khéo phụng thờ cha mẹ. Khéo phụng thờ cha mẹ cũng như phụng thờ Phật”. Điều đó có nghĩa bước chân đầu tiên con người bước vào lộ trình nhận chân sự thật giải thoát khổ đau là thiết lập tâm hiếu ngay từ trong ngôi nhà thân thương của chính mình, mà xưa kia Mâu Tử đã đã xác định rõ ở vế thứ nhất trong con đường thể nhập đạo lý sống của Phật giáo. Đó là “ở trong nhà thì có thể phụng thờ cha mẹ”. Nơi đó, mẹ cha đã tạo nên hình hài của con, đưa con vào đời bằng cái gia tài đầu tiên là “tình người”  với cả niềm tin và hy vọng.


Chính cái gia tài đầu tiên đó mà Thái tử Tất Đạt Đa nỗ lực tu hành chứng ngộ sự thật duyên khởi dưới gốc cây bồ đề, từ đó đạo giải thoát được Đức Phật Thích Ca tuyên thuyết và lan tỏa, thấm sâu vào lòng người. Vì vậy, khi Phật giáo, với giáo lý đặc trưng duyên khởi tính, đậm tính nhân văn, xem trọng chữ hiếu, đặt chân lên xứ xở này liền được người dân tiếp nhận một cách chân tình và chung sống gắn bó hơn 20 thế kỷ. Và như thế, có ai sinh ra ở đời mà không đi qua lời mẹ ru năm xưa:


“Ru hời ru hỡi là ru


Bên cạn thì chống, bên su (sâu) thì chèo”


Rõ ràng, gia tài đầu tiên mẹ cha trao cho con là đạo lý duyên khởi mà chính song thân đã tiếp nhận từ suối nguồn Phật pháp. Lời ru ấy cứ vang vọng, dẫn dắt con đi vào đời để đối mặt với sự thật khổ đau và tìm cách vượt thoát khỏi chúng. Muôn nẻo đường của ý, con tự tin sống và làm việc bằng hành trang lý duyên khởi, bằng nếp sống tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên: “Bên cạn thì chống, bên su (sâu) thì chèo”. Như vậy, con phụng thờ cha mẹ bằng tâm hiếu thảo là con đang thực thi hạnh nguyện sống theo đạo lý duyên khởi. Ở đó, mọi mối quan hệ được thiết lập bắt nguồn từ tình phụ tử sẽ lan tỏa và tuôn chảy vào đời sống hiện thực. Khi tâm hiếu tuôn chảy vào người bạn đời, thì đó là tình cảm thủy chung vợ chồng. Khi tâm hiếu chảy vào cốt nhục anh em cùng huyết thống, thì đó là tình huynh đệ như thủ túc. Khi tâm hiếu chảy qua bà con xung quanh xóm phường gọi là tình nghĩa “bà con xa, láng giềng gần”, qua xứ sở gọi là “trung với nước, hiếu với dân”, qua mọi người gọi là nhân nghĩa. Từ tâm hiếu, tình người mà có tình nhân loại thấm đậm sắt son toàn cầu, tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu vạn vật liên quan mật thiết đến đời sống con người.


Tại đây, có thể nói rằng người có tâm hiếu là người có nhân, có tình, có nghĩa, có trung mà Mâu Tử đã xác định rõ ở vế thứ hai trong con đường thể nhập nguồn sống đạo lý Phật giáo: “ra ngoài xã hội có thể cứu dân giúp nước”. Hay nói cách khác, người đó đang thực thi hạnh nguyện sống theo lý tưởng Bồ tát. Con đường đó được cụ thể hóa bằng triết lý hành động: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ để đem lại đời sống tươi sáng và hạnh phúc chân thật cho mọi người. Con đường ấy chính Đức Phật và các bậc Thánh đã đi qua, trải nghiệm và thể nhập một cách cụ thể rõ ràng cách đây hơn 2.500 năm. Ở nước ta, các thiền sư, thiền gia chứng ngộ đều thực thi hạnh nguyện đó cả. Một Mãn Giác thiền sư luôn thực thi tâm nguyện: “Bậc chí nhân hiện thân ở cõi đời tất phải làm việc để cứu chúng sinh, không hạnh nào là không cần có đủ, không việc gì không phải chăm lo, chẳng những đắc lực về thiền định và trí tuệ mà cũng có công giúp ích cho nhà nước”(2). Một Khuông Việt quốc sư từng làm cố vấn cho triều đình, cùng vua an dân trị nước. Một Pháp Thuận thiền sư trở thành “người có công dự bàn sách lược, đại diện triều đình để tiếp sứ thần nhà Tống cùng với Khuông Việt Quốc sư, làm cho sứ thần kính phục”(3). Hay Thiền sư Lâm Huệ Sinh đã theo vua Lý Thánh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành vào năm 1069 nhằm bảo vệ sự tồn vong của dân tộc là bảo vệ đạo pháp. Một vị vua đời Trần, vua Trần Thái Tông, nghe theo lời khuyên của Quốc sư Phù Vân, vừa làm vua, vừa làm thiền gia giác ngộ, luôn lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình, lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình để trị quốc an dân, xiển dương Phật giáo.


Như vậy, từ một tâm hiếu sinh khởi, được mẹ cha giáo dục trong khuôn viên mái ấm gia đình, đã vận hành và lan tỏa ra đến bên ngoài xã hội. Điều đó có nghĩa, khi tâm hiếu vận hành theo lý duyên khởi với cái nhìn chánh kiến thì sẽ tác động mạnh mẽ vào đời sống thực tiễn xã hội trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, tôn giáo. Từ đó, chính tâm hiếu sẽ tạo ra đòn bẩy để thúc đẩy mọi người thực thi đời sống đạo một cách tốt đẹp, bao gồm mọi giá trị đời sống vật chất và tâm linh. Thực tế cho thấy không ai sống một mình, con người có nhu cầu thiết lập các mối quan hệ xoay quanh đời sống hiện hữu. Mọi tư duy, hoạt động, biểu hiện hành vi của con người, kể cả mọi sự vật hiện hữu ở đời, đều nương vào nhau và tác động đa chiều mà tồn tại và phát triển trong nguyên lý duyên sinh, duyên diệt: “Cái này sinh thì cái kia sinh. Cái này có thì cái kia có. Cái này diệt thì cái kia diệt. Cái này không thì cái kia không”. Do đó, khi tâm hiếu được giáo dục và thành tựu thì tự thân sẽ chuyển hóa thành tâm giải thoát là điều hẳn nhiên. Việc mỗi cá thể ra ngoài xã hội cứu dân giúp nước là đạo lý sống mà bất cứ ai cũng có thể phát nguyện và hành trì với một tinh thần thể nhập lý duyên sinh vô ngã để vận hành. Rõ ràng, tâm hiếu là suối nguồn làm phát sinh các thiện pháp, nuôi dưỡng thiện tâm và hướng đến sự thành tựu tuệ giác vô thượng. Người thực thi hạnh hiếu không những tự mình được an lạc, hạnh phúc mà còn có khả năng hướng dẫn người khác sống an lạc trong một cộng đồng của xã hội, quốc gia dân tộc, nói rộng ra là sự hòa bình cả thế giới nhân sinh.


Nói cách khác, một người không hiếu kính, phụng thờ mẹ cha trong ngôi nhà huyết thống thì đừng bao giờ nói đến việc họ sẽ có thái độ sống tốt đẹp đầy tính nhân văn với người khác bên ngoài xã hội. Cho nên, Mâu Tử đã đề xuất ở vế thứ ba trong con đường thể nhập đạo lý sống của con người Phật giáo là “lúc ở một mình thì có thể hoàn thiện bản thân”. Đây là sự thật hiển nhiên mà con người cần ý thức và hành trì mọi lúc, mọi nơi.


Như thế, trách nhiệm cá nhân, bổn phận, lương tâm, thái độ hành xử tốt đẹp đối với người khác sẽ có mặt đầy đủ trong mỗi chúng ta; kết quả, nếp sống hướng thiện sẽ được thăng hoa trong từng bước đi mang dấu ấn của vô ngã vị tha, bao dung và độ lượng. Trách nhiệm và bổn phận đối với hạnh phúc cá nhân của mỗi người sẽ trở thành trách nhiệm và bổn phận đối với hạnh phúc tha nhân, tập thể, nhân quần, xã hội. Phạm vi môi trường hoạt động vị tha càng lớn thì càng đem lại nhiều hạnh phúc và hạnh phúc đó càng mang thuộc tính bền vững. Một con người khi mở rộng tấm lòng vị tha đến với mọi người thì bấy giờ hạnh phúc của chính ta là hạnh phúc của mọi người và ngược lại. Như thế, các mối mâu thuẫn giữa cá nhân với tự thân, giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, môi trường sống sẽ được dập tắt và khai thông trên sự hiểu biết, chia sẻ; con người sẽ an trú trong Chánh pháp với thông điệp hòa bình và an lạc thật sự.


Suy cho cùng, việc hoàn thiện bản thân là sự thiết lập mọi giá trị hiện hữu của con người. Bởi vì, trong mọi giá trị có mặt ở đời thì giá trị con người là cao nhất. Mọi thứ đều là phương tiện để phục vụ cho con người và cuộc sống. Nếu con người đề ra mục đích cải tạo thế giới theo chiều hướng tích cực, thì thực chất không phải họ cải tạo bản thân thế giới, mà chính là cải tạo và chuyển hóa vì bản thân con người. Phật giáo với toàn bộ nền giáo lý nhằm đưa con người hướng đến sự đoạn tận khổ đau, từng bước giải quyết các vấn đề bất cập của cuộc sống mà từng cá nhân phải gánh lấy theo nghiệp nhân, nghiệp quả của chính mình. Nó là cánh cửa mở rộng để đón nhận tất cả những ai thực thi đời sống đạo. Kết quả cho thấy, con người có đủ điều kiện để thực hiện mục đích tối hậu là giải thoát Niết bàn ngay bây giờ và tại đây bằng sự nỗ lực cá nhân, tự mình tu tập, tự mình hành trì và tự mình chứng ngộ.


Và như thế, Vu lan là ngày lễ mà con người có dịp để xác lập và khẳng định con đường thể nhập đời sống đạo bắt nguồn từ việc thực thi tâm hiếu. Tâm hiếu tuôn chảy đến đâu, tình người theo đó mà thấm vào từng cá nhân hiện hữu giữa cõi đời này. Tâm hiếu thiết lập trong nền tảng giáo dục văn hóa gia đình sẽ lan tỏa, hội nhập vào đời sống, đem lại hạnh phúc cho con người, xã hội một cách cụ thể, rõ ràng. Trên hết, nó cũng là con đường minh định cho sự hoàn thiện cá nhân, hướng đến thành tựu tâm giải thoát và tuệ giác vô thượng. Kỷ niệm ngày Vu lan như thế sẽ có tác động mạnh mẽ đến với mọi người hôm nay và mai sau trong sự kết nối yêu thương và hiểu biết lẫn nhau, nhất là hướng đến việc xây dựng một đời sống hạnh phúc thật sự dài lâu.


(1) Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu Mâu Tử, tập 2, Tu thư Vạn Hạnh, 1982, tr.292.


(2) Thiền uyển tập anh, Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga dịch, Phân viện Viện Nghiên cứu Phật học VN – NXB Văn Học, 1990, tr.93


(3) Sđd, tr.180.


(4) Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3, NXB TP.HCM, 2002, tr.279.