Nhiều cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, các cơ quan đại diện của Việt Nam và sinh viên, học sinh Việt Nam đang công tác hay học tập ở xứ “chùa Vàng” cũng có mặt tại buổi lễ, do Hội Văn hóa Thái-Việt phối hợp với Trung tâm Ngôn ngữ và Kiến thức Việt cùng các quý thầy tăng sinh Việt Nam du học tại đây tổ chức.
Hòa cùng không khí cúng Rằm tháng Bảy Âm lịch ở quê hương, bà con phật tử đã dâng hương hoa tỏ lòng tôn kính lên đức Phật tổ và báo hiếu ông bà cha mẹ; đồng thời lắng nghe Hòa thượng Thích Kỉnh Chiếu – Trưởng môn hệ phái Phật Giáo Annamnikaya (An Nam tông) tại Thái Lan, trụ trì chùa Phổ Phước, và các vị hòa thượng trụ chùa Samanamboriharn (Cảnh Phước) và chùa Upairatchabamrung (Khánh Vân) cùng quý sư thày trong nhóm du học tăng lữ tại Thái Lan tụng kinh "Báo hiếu và Vu lan," thuyết giảng bằng tiếng Việt và tiếng Thái về ý nghĩa của ngày lễ xá tội vong nhân cũng như trách nhiệm của người con đối với đấng sinh thành.
Tiếp theo nghi lễ dâng hương đức Phật sau ba hồi chuông trống Bát Nhã chào đón các chư tăng và lễ tụng kinh là nghi thức cài hoa hồng lên ngực áo của tăng ni phật tử để tưởng nhớ mẹ.
Tại buổi lễ tổ chức theo cách thức Phật giáo Việt Nam, sư thầy Thích Nguyên Chơn nói, lễ hội Vu lan đã vượt ra ngoài ý nghĩa tôn giáo thuần túy, để trở thành một Lễ hội thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, lễ Vu lan năm nay tiếp tục được tổ chức như là một cơ hội quý báu nhằm kết nối tình thâm của những người con Việt Nam xa xứ.
Chủ tịch Hội Văn hóa Thái-Việt, giáo sư Lae Dilokvidhyarat nói rằng, việc tổ chức những lễ hội như lễ Vu lan báo hiếu sẽ giúp bà con Việt kiều nhớ về cội nguồn, tỏ lòng kính hiếu đối với cha mẹ, qua đó sống tự tin và mạnh mẽ hơn.
Kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2009 tại chùa Cảnh Phước, một ngôi chùa cổ có nhiều vị sư trụ trì hay giúp đỡ người nghèo và học sinh một số trường ở thủ đô Bangkok hay các tỉnh phụ cận, từ năm Phật lịch 2552 (tức năm 2009 dương lịch), đại lễ Vu lan được tiến hành hằng năm tại xứ "chùa Vàng".