Hôm qua có người bạn thân từng công tác trong Viện nghiên cứu tôn giáo hỏi tôi, có phải mình và bạn cùng với thầy Thanh Quyết từng ghé thăm chùa Ba Vàng khi nó đang xây dựng dang dở?
Vâng đó là chuyến đi đáng nhớ đầu tiên của tôi với thầy Thanh Quyết khi lên thăm một số tỉnh Tây Bắc. Khi ở Quảng Ninh, mọi người có ghé thăm chùa Ba Vàng. Khi ấy tôi chỉ nghe thầy Thanh Quyết khen ngợi thầy Thái Minh, việc ủng hộ vật chất tinh thần của thầy Thanh Quyết cho chùa Ba Vàng đúng với những gì thầy nói trên báo Vietnamnet.
Giữa tâm bão truyền thông, mọi suy diễn “Phật giáo đấu đá” quả tình ghê gớm. Thầy Thanh Quyết đi xuất gia từ nhỏ và từ nhỏ đã không ăn được thịt cá. Xin nói thêm, chùa chiền phía Bắc không phân biệt ăn chay ăn mặn như phía Nam. Thầy Thanh Quyết nói với tôi, không phải tôi phân biệt chay mặn gì đâu nhưng cơ địa của tôi từ nhỏ đã không thể ăn mặn được, ăn vào là ói.
Và rong ruổi trên các chuyến xe, có khi đến bữa là cơm nếp nương của người dân tộc, hay củ khoai củ sắn. Ít có bữa nào trọn vẹn. Có khi đi trên xe qua các vùng đồi núi, 1 giờ sáng mới về đến nhà nghỉ, nghỉ vội nghỉ vàng đến 4 giờ sáng đã lại xuất phát để kịp giờ hẹn buổi sáng với lãnh đạo các tỉnh. Sau chuyến đi ấy tôi có viết bài “Phật giáo ở đâu trên bản đồ Tây Bắc”.
Thầy Thanh Quyết là người luôn gỡ khó cho tăng ni mỗi khi vướng thủ tục xây dựng. Khi nói chuyện với lãnh đạo tỉnh, thầy thường nói mong các anh suy nghĩ thêm về việc phát triển Phật giáo ở những vùng phên dậu của tổ quốc, chỉ cần có hình bóng tăng ni chùa chiền hiện diện ở đây là đáng qúy rồi, cứ xét nét lỗi lầm của người ta, nhưng thử hỏi ai dám dấn thân vì đạo về những vùng biên địa hạ tiện khó khăn như thế này?
Phải nói sức làm việc của thầy Thanh Quyết rất lớn. Trong chuyến đi, khi quan sát con người riêng của thầy, tôi thấy vẻ cô đơn. Đôi lúc thầy đi thơ thẩn ngẫm nghĩ một mình, có khi như trẻ con đánh cầu lông không biết mệt.
Trong mỗi con người, dù quan cách thế nào cũng có khi trở về bản chất thật. Ngồi trên cỗ máy quyền lực cũng là ngồi trên cỗ máy thời gian, ai không có lúc đổi thay, nhưng với ai cũng vậy, nhất là người tu, sơ tâm buổi đầu lúc nào cũng trong veo như giọt sương mai. Còn chuyện thế quyền và giáo quyền vốn từ xa xưa trong mỗi thể chế đều được kết hợp một cách có ý thức. Cái phần tự nhiên hồn nhiên sinh động của sự kết hợp do y phục xứng kỳ đức mang lại, như người ta vẫn ví vua sáng tôi hiền.
Những vụ động trời trong đời sống tăng ni trải Đinh, Lê, Lý, Trần triều nào chả có. Rồi sóng trước lại dồn sóng sau, tâm thức dân tộc và tự tình sông núi lại ôm ấp lấy nhau mà sống, ở đời là tình đời, trong đạo là tình đạo.
Tôi tin, hãy cứ cho tôi tin vào cái đạo tình ấy.
Tôi ít tiếp xúc với thầy Thái Minh dù cũng đã trò chuyện với nhau vài lần. Và dù chỉ vài lần thôi, tôi đã coi thầy là bạn. Một lần trong đời là bạn thì vĩnh viễn là bạn. Người ta nói, nếu người khác không muốn gần mình thì mình không nên gần họ. Ai từ bỏ mình trước chứ mình không từ bỏ ai. Đã là bạn rồi thì dù bạn mình có phạm phải lỗi lầm gì cũng vẫn là bạn.
Vấp ngã cũng là cơ hội cho người ta trưởng thành. Ai đó muốn đuổi tôi ra khỏi đạo làm công dân bình thường, không để họ phải sầu muộn khi nhìn thấy mình, tôi trở về làm nông dân.
Tôi tin giáo hội xử lý thế nào thầy Thái Minh cũng sẽ bình thản tiếp nhận. Tôi cũng tin thầy Thanh Quyết khi giáo giới sẽ vực thầy Thái Minh dậy như những nét đạo tình mà tôi đã thấy. Và tôi cũng tin lễ dâng sao giải hạn đầu năm của chùa Phúc Khánh sẽ trở thành đàn lễ Dược Sư cầu quốc thái dân an như Phật giáo phía Nam đã làm, để người ta không còn nói thầy “giải hạn” giáo giới thầy “giải vong”.
Đức Phật nói không nên xem thường ngọn lửa nhỏ, con rắn nhỏ và vị sa di nhỏ tuổi. Ý nghĩa thì nhiều nhưng chẳng thể quên, một đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả khu rừng.
Ngài Nguyễn Công Trứ tán Phật: “Thiên thượng thiên hạ vô như Phật, nhỏ không trong mà lớn không ngoài”. Khi không thể tới hết vô cực của đường biên lớn nhỏ thì khoảng cách luôn ngăn ngại chia rẽ. Khi hiểu ra rồi thì việc phân thân, phân vai chỉ là phương tiện quyền biến. Đạo tình làm sáng chữ tâm!
Còn như những chuyện khẩu thị tâm phi của thế gian, vượt qua được thì như bèo trôi ngược nước. Tăng Sâm không giết người mà người mẹ dứt ruột đẻ con mình ra, hiểu con mình đến thế nhưng sang đến câu thứ 3 đã tin người ta nói con mình giết người. Tin hay không tin dùng tâm mà cảm, chứ tục ngữ ở đời đã có câu “chúng khẩu đồng từ ông sư cũng chết”, lời nói có thể cứu người nhưng cũng có thể giết người vậy!