Trang chủ Văn hóa Giới thiệu sách Vũ Bình Lục: Đi tìm hồn thiền trong thơ Lý – Trần

Vũ Bình Lục: Đi tìm hồn thiền trong thơ Lý – Trần

191

Kết thúc chiến tranh, Vũ Bình Lục trở về làm giáo viên dạy văn của một trường trung học phổ thông chuyên ở Đắc Lắc – Tây Nguyên. Dạy học và làm thơ, ông đã từng được giải thưởng thơ tạp chí Văn Nghệ Quân đội.
 
“Hồn thiền trong thơ Lý – Trần” tập hợp từ hàng ngàn bài thơ chữ Hán thời Lý, Trần, tác giả tinh tuyển được 165 bài (35 bài thơ thời Lý, 130 bài thơ thời Trần) rồi dịch và bình luận công phu, nghiêm túc.
 
Điểm đặc sắc đầu tiên là sau khi tinh tuyển, thay vì tuân theo lối thất ngôn bát cú, hoặc tứ tuyệt truyền thống của các bài thơ cổ ấy, thì nhà thơ Vũ Bình Lục có phần dịch sang thể thơ Lục bát. Một quyết định tuy được coi là mạo hiểm, song lại được nhiều bạn văn bày tỏ ý kiến tán thành, nể phục. Bài Thị đệ tử của Vạn Hạnh Thiền sư: Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô/Nhậm vận thịnh suy vô bố ú /Thịnh suy như lộ thảo đầu phô. Vũ Bình Lục dịch thơ: Bảo các đồ đệ: Đời người có có không không/Cỏ xuân tươi tốt, khi đông héo tàn/Sương treo ngọn cỏ mang mang/Vận đời suy thịnh vô vàn, sợ chi! Từ tứ tuyệt sang lục bát mà vẫn giữ nguyên ý tứ bài thơ, ngôn ngữ thuần Việt mà vẫn lay động cảm xúc người đọc.
 
Dịch thất ngôn bát cú theo lối lục bát truyền thống, Vũ Bình Lục cũng được nhà thơ Vũ Quần Phương đánh giá cao ở việc làm:”bình dân hóa bằng thơ lục bát và thêm lời dẫn giải sẽ giúp đông đảo bạn đọc có điều kiện thẩm thơ cổ”. Thậm chí, nói theo nhà văn Hoàng Quốc Hải là “sẽ giúp cho giáo dục có thêm điểm tựa về văn chương cổ điển vì thơ Việt cổ vốn không hề thua kém thơ cổ Trung Hoa”.
 
Hiện nay, sáng tác thơ Đường Luật dường như chỉ còn tồn tại trong phong trào câu lạc bộ thơ huyện, xã, phường. Vũ Bình Lục đi tìm Hồn thiền trong thơ Lý – Trần là một việc làm rất có ý nghĩa: “góp chút sức nhỏ để gìn giữ di sản vô cùng phong phú và độc đáo của cha ông ta” và mang lại cảm hứng mới cho người sáng tác trẻ, cho đông đảo bạn đọc trẻ. Điều này đặc biệt quan trọng khi mà trong thời điểm hiện nay thơ Đường luật đang dần biến mất trên thi đàn Việt.
 
Một số nhà thơ cho rằng ngày nay ít người đọc sách dày, ông Vũ Bình Lục nên tinh tuyển “Hồn thiền trong thơ Lý – Trần” hơn, cô đọng hơn, lược bớt những bài chưa thật tâm đắc để tiện cho bạn đọc thưởng thức, đồng thời cũng nên có thêm phần dịch nghĩa cho dễ hiểu.