Trang chủ Văn hóa Giới thiệu sách Vô ngã vô ưu – Cuốn sách tôn giáo hay nhất

Vô ngã vô ưu – Cuốn sách tôn giáo hay nhất

582

Tôi sẽ nêu ra ý kiến của mình và có thể không phù hợp với tư duy, suy nghĩ hay nhận định của các Phật tử và các bậc thiện tri thức khác nên rất mong được lượng thứ và bỏ qua.
 
Cuốn sách mà tôi muốn nói đến hôm nay được nhận giải thưởng “Chrismas Humphreys Memorial Awards” – giải thưởng sách tôn giáo hay nhất năm 1988. Tôi tình cờ đọc được bản tiếng anh “Being nobody, going nowhere – Meditations on the Buddist path” và thật sự bị cuốn hút bởi nội dung và cách viết. Tác giả là ni sư nổi tiếng Ayya Khema, người cũng đã viết khá nhiều sách khác rất đáng đọc như “Khi nào chim sắt bay”, “Ốc đảo tự thân”, “Tôi là ai” mà tôi cũng đã không bỏ sót dù một cuốn.
 
“Vô ngã vô ưu” cho chúng ta biết lý do và phương pháp thiền, ảnh hưởng của thiền đến đời sống của chính chúng ta. Ni sư Ayya Khema cũng nêu rõ về sự thanh tịnh và tỉnh giác, về tứ vô lượng tâm rồi từ bi quán. Đọc cuốn sách này mỗi Phật tử tự nhận ra và hiểu về 5 chướng ngại cần phải vượt và tìm ra cách riêng để “xuyên thủng”.
 
Nghiệp và luân hồi – vấn đề vô cùng quan trọng trong triết lý đạo Phật – cũng được ni sư Ayya Khema mổ xẻ, phân tích để chúng ta hiểu và ứng dụng. Đọc phần này tôi thấy rất hứng thú và thậm chí phải xem đi xem lại vài lần trước khi chuyển sang kinh từ bi.
 
Hai khái niệm “bốn hỷ lạc” và “ngũ uẩn” giúp những ai trên con đường tu tập “học” và “hành”. Cá nhân tôi đã đọc và học, đã vừa đọc vừa tâm sự với ni sư, đã tự giải đáp nhiều thắc mắc để hiểu và áp dụng vào cuộc sống thường ngày của mình.
 
Mười điều thiện có lẽ là rất quan trọng và quá cần đối với mỗi chúng sinh chúng ta chứ không chỉ là Phật tử. Thực hành 10 điều thiện sẽ giúp cuộc sống của ta trở nên đẹp hơn rất nhiều và ta như được sống trong cõi của chư thiên, như được các chư vị Bồ Tát và các bậc Thánh yểm trợ, che chở. Chỉ có những ai thực hành thì mới biết được chuyện này!
 
Cuối cùng là tứ diệu đế và bát chánh đạo. Đọc để biết về mấu chốt của Phật giáo. Đọc để hiểu tại sao đây lại là bài pháp đầu tiên của Đức Phật dành cho 5 anh em nhà Kiều Trần Như. Đọc để không quên rằng, cách đây 2500 năm Tam Bảo ra đời để chúng ta được hưởng lợi vô biên đến ngày hôm nay.
 
Bạn sẽ hỏi tôi nhớ nhất câu gì. Tôi xin nhắm mắt mà đọc ra nguyên cả đoạn: “Tâm là chủ còn Thân chỉ là người đầy tớ. Một người đầy tớ khỏe mạnh, cường tráng, năng nổ nhưng có một ông chủ yếu đuối, thiếu kiên quyết, không biết mình phải làm gì, cũng khó có thể làm nên việc. Người chủ phải biết điều khiển, chỉ huy người đầy tớ của mình. Ngay nếu như người đầy tớ không được khỏe mạnh, tháo vát nhưng ông chủ khôn ngoan, giỏi giang thì “ngôi nhà” của chúng ta cũng được tự tại”. (Và tôi nhớ lại rằng cách đây ngót 10 năm khi lần đầu tiên đọc cuốn sách này tôi chợt nhận ra vai trò của tâm. Đây là bước đột phá giúp tôi đến với thiền định.)
 
Tôi còn đọc và tự thuộc khá nhiều đoạn trong cuốn sách Bestseller này. Vì quá hay, quá đúng và quá cần. Tôi đọc và vô cùng cảm tạ dịch giả – phật tử Diệu Liên Lý Thu Linh đã chuyển thể sang Việt ngữ quá hoàn hảo. Khi đọc bản tiếng Việt tôi cứ nghĩ mãi – làm sao cô cư sỹ này có thể chọn được những từ “đắt” đến như vậy. Và nếu là tôi, tôi không thể dịch ra tiếng việt được như cô. Mà nói thật, ngay cái tên sách, có lẽ không có tên nào hay hơn là “Vô ngã vô ưu” khi chúng ta Việt hóa tên tiếng Anh “Being nobody, going nowhere”. Tôi thật sự cảm tạ công đức của phật tử Diệu Liên Lý Thu Linh.
 
Mà bạn có thể không biết, tất cả mấy cuốn sách tuyệt diệu của ni sư Ayya Khema đều một tay cô Lý Thu Linh dịch đấy.
 
Cũng cần nói thêm rằng ni sư Ayya Khema là người Đức. Là một phụ nữ phương tây nhưng bà đã trọn đời cống hiến cho Phật giáo. Trong cuốn sách “Vô ngã vô ưu” này ni sư đã giới thiệu cho chúng ta những gì tinh túy nhất trên con đường Phật pháp. Với những trải nghiệm vĩ đại của cả đời mình bà đã chia sẻ và dẫn dắt chúng ta cách thức thực hành từ, bi, hỷ, xả và cách vượt qua những chướng ngại (mà tôi và các bạn thường xuyên gặp phải) trên con đường tu tập.
 
Bạn có thể chưa tin nhưng tôi phải thật lòng tuyên bố rằng rất ít cuốn sách cơ bản về Phật giáo có được cả 2 tiêu chí: giản dị và sâu sắc. “Vô ngã vô ưu” đã làm được điều này.
 
Giờ đã điểm. Bạn nên có trong tay cuốn sách “Vô ngã vô ưu”  càng sớm càng tốt để đọc mỗi ngày. Thậm chí có thể học thuộc. Tôi đã đọc nhiều lần bản tiếng Anh và sau đó là bao lần bản tiếng Việt.
 
Cá nhân tôi có đến gần chục cuốn và để ở khắp nơi: nhà riêng, cơ quan, Hà Nội, Sài Gòn, trong xe hơi, ở CLB nơi tôi sinh hoạt. Tôi đã tặng chắc cả mấy chục cuốn “Vô ngã vô ưu” mà chưa thấy ai không cám ơn và phản hồi lại.
 
Giờ đã điểm. Bạn hãy đọc ngay đi. Cuộc sống là vô thường đấy bạn nhé.
 
Một cuộc bắt đầu mới!
 
Nguyễn Mạnh Hùng

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Thái Hà Books