Từ cổng Tam quan, đi vào hơn 100m là chùa Hộ (hay còn gọi là Tiền đường). Từ chùa Hộ trở vào, các khối kiến trúc nối tiếp nhau xây trên trục chính theo hướng đông nam, phân tách bằng một sân hẹp. Có 4 khối: chùa Phật (các nhà Tiền đường tức chùa Hộ, Thiên hương và Thượng điện) hình chữ “công” nhà tổ đệ nhất cũng hình chữ “công” – gác chuông hai tầng tám mái – nhà Tổ đệ nhị và nhà Trai kiểu chuôi vồ.
Lấy sân làm cốt tức mặt bằng gốc, ba khối kiến trúc sau đều có nền cao 30cm, nền chùa Phật cao gấp đôi, ở nhà tiền đường và các nếp sau lại cao hơn nữa. Trong sân chùa có những cây ăn quả lâu năm để lấy bóng mát và cùng với các nếp nhà tạo ra cả một phong cảnh kiến trúc thanh nhã.
Bao quanh tất cả khuôn viên rộng chừng 10.000m2 này là lũy tre dày đặc. Phía sau chùa là thôn Đức La, xa hơn nữa là vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào vùng núi Yên Tử.
Chùa Vĩnh Nghiêm, còn gọi là chùa Đức La thuộc xã Đức La, nay là xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Tương truyền ngôi chùa có từ thời Lý, song trở nên nổi tiếng từ giữa thời Trần, sau khi ba vị sư tổ của phái Trúc Lâm Yên Tử lấy đây làm nơi giảng đạo và trụ trì trước khi đến với Quỳnh Lâm-Yên Tử. Chính bởi vậy một trong những di sản quý mà ngôi chùa hiện nay còn lưu giữ được là các bộ ván kinh.
Theo ghi chép xưa, số ván kinh chứa hết 10 gian nhà, nay chỉ còn 2 kệ. Đó là những bộ ván kinh có từ 700 năm nay, là kho sách cổ vô cùng quý giá, như: Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ sao, Đại thừa chỉ quán… Đây là những bản khắc có niên đại sớm nhất, chữ chuẩn đẹp nhất và đạt đến độ tinh xảo cao nhất trong số mộc thư còn lưu giữ được ở nước ta.
Từ những ván khắc đó, có thể in ra đủ biên lan, bản tâm, ngư vĩ, thiên đầu, địa cước. Các bản mộc thư chủ yếu ghi chép kinh luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển thiền phái Trúc Lâm, trước tác của 3 vị tổ thiền phái là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang; ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng.
Nghiên cứu mộc thư khố, chúng ta có lượng thông tin phong phú, đa dạng về lịch sử Phật giáo, tư tưởng hành đạo, nhập thế của thiền phái Trúc Lâm, văn học, phong tục tập quán cùng sự phát triển của nghề khắc in mộc thư và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam.
Chùa Vĩnh Nghiêm còn được một số đông Phật tử cả nước biết đến là nơi chữa bệnh từ tâm do có một số mộc thư giới thiệu cách chữa bệnh bằng thuốc nam, cách châm cứu với bản sơ đồ chỉ dẫn các huyệt rõ ràng.
Hiện nay phòng mạch của nhà chùa vẫn kế thừa các bài thuốc ghi trong mộc thư để chữa các bệnh về thần kinh, đau sưng khớp và các bệnh về tiêu hóa rất có hiệu quả.
Trong hành trình du xuân đầu năm của mình, về được với chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, vừa được chiêm ngưỡng phong cảnh hữu tình, vừa được tìm hiểu về lịch sử, sự phát triển và những dấu ấn của dòng Phật giáo đậm dấu ấn Việt Nam, lòng tôi bỗng cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái và nhớ tới câu ca dao:
“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa đến, thiền tâm chưa đành”.