Trang chủ Diễn đàn Viết tiếp về tu khổ hạnh

Viết tiếp về tu khổ hạnh

Trong tăng đoàn Đức Phật tại sao không nhiều người tu khổ hạnh? Vì pháp tu khổ hạnh chỉ thích hợp cho những người nhiều tham và si.

Vì sao lại như vậy? Vì việc tu khổ hạnh vừa là một tiến trình khó khăn, vừa là một hạnh trú trong viễn ly, do khó tiến, mà tham giảm thiểu; do tinh cần trong viễn ly, si giảm thiểu.

Cũng như vậy, hạnh ở trong rừng và ở gốc cây thích hợp cho người nhiều tâm sân. Vì sân giảm thiểu nơi một người ở những nơi gần như không va chạm, không vướng vào xung đột.

Viễn ly và độc cư nói trắng ra là những người thích sống một mình nơi vắng vẻ. Kéo bao nhiêu người ồn ào đi theo, cứ tâm xây cảnh phá, thì giảm thiểu tham sân thế nào được.
Cho nên tất cả các pháp tu khổ hạnh đều thuộc về tư tâm sở. Vì chỉ có một khổ hạnh, đó là cái ý chí, chí nguyện thọ trì vì nhận ra pháp tu kia phù hợp và giảm trừ được tham sân si trong mình.

Cũng giống như vậy, người thế tục cũng chọn những ngành nghề, những môn thể thao, nghệ thuật phù hợp với căn cơ của mình để không ngừng thăng tiến và ngăn việc bất thiện phát sinh. Cho nên người ta mới ví von: “Nhàn cư vi bất thiện”.

Chẳng hiểu sao những điều khó khổ kia lại được thần thánh hoá tới mức chính những người thực hành cũng chỉ khiêm tốn nói mình đang thực tập. Người tu thiền, người niệm Phật, người trì chú, ai cũng có công phu khó khổ riêng nhưng đều là vấn đề nỗ lực của chính bản thân họ.

Con cá voi dù có sức mạnh đến đâu cũng không thể bơi trên cạn. Con hổ có móng vuốt sắc thế nào cũng không thể sống trong nước. Căn cơ, thể chất, môi trường sống khác nhau thì sức lực, trí tuệ khác nhau. Vốn đó là lẽ thường thế gian.

Trong Tăng Chi bộ kinh, khi ngoại đạo đến chất vấn vì sao Đức Phật chê bai pháp tu khổ hạnh, Đức Phật bèn trả lời:

“Này Gia chủ, Ta không nói rằng tất cả khổ hạnh cần phải hành trì. Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng tất cả sự chấp trì cần phải được chấp trì. Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng tất cả sự chấp trì không nên chấp trì. Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng tất cả sự tinh cần phải tinh cần. Này Gia chủ, ta cũng không nói rằng, tất cả sự tinh cần không nên tinh cần. Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng, tất cả sự từ bỏ nên từ bỏ. Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng tất cả sự từ bỏ không nên từ bỏ. Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng tất cả sự giải thoát nên giải thoát. Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng, tất cả sự giải thoát không nên giải thoát.

Này Gia chủ, phàm hành trì khổ hạnh nào, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, khổ hạnh ấy, Ta nói, không nên hành trì. Nhưng này Gia chủ, phàm hành trì khổ hạnh nào, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, khổ hạnh ấy, Ta nói nên hành trì. Này Gia chủ, phàm chấp trì nào, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, chấp trì ấy, Ta nói, không nên chấp trì. Phàm chấp trì nào, các pháp bất thiện tổn giảm, các thiện pháp tăng trưởng, thời chấp trì ấy, Ta nói nên chấp trì. Này Gia chủ, phàm tinh cần nào được tinh cần, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, thời tinh cần ấy, Ta nói rằng, không nên tinh cần. Phàm tinh cần nào được tinh cần, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, thời tinh cần ấy, Ta nói nên tinh cần. Này Gia chủ, phàm từ bỏ sự từ bỏ nào, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, thời từ bỏ ấy, Ta nói, không nên từ bỏ. Phàm từ bỏ sự từ bỏ nào, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, thời từ bỏ ấy, Ta nói, nên từ bỏ. Này Gia chủ, phàm giải thoát sự giải thoát nào, các pháp bất thiện tăng trưởng, các thiện pháp tổn giảm, thời giải thoát ấy, Ta nói, không nên giải thoát. Phàm giải thoát sự giải thoát nào, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, thời giải thoát ấy, Ta nói nên giải thoát”.

Nếu thời Phật vị tăng nào tu hành mà gây ra sóng gió thị phi, dư luận trái chiều, hoặc gây ra những ngộ nhận, phỉ báng tăng đoàn, Đức Phật sẽ tác pháp yết ma xử lý. Cho dù là vị nào tu có thần thông phép màu mà gây thị phi cũng là bất thiện pháp, phá hoà hợp tăng, Đề Bà Đạt Đa (chứng tứ thiền, bát định, có thể nhấc thân mình lên hư không) là một ví dụ điển hình.