Trang chủ Tin tức Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam công bố quyết định và...

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam công bố quyết định và ra mắt nhân sự nhiệm kỳ IX (2022-2027)

220

Sáng ngày 23/3, tại Văn phòng 2 T.Ư – Thiền viện Quảng Đức (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức lễ công bố quyết định và ra mắt nhân sự nhiệm kỳ IX (2022-2027).

Quang lâm chứng minh có sự hiện diện của Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh – Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Niệm – Phó Thư ký Hội đồng Chứng minh, Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Tường – Thành viên Hội đồng Chứng minh; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tăng sự T.Ư. Hòa thượng Thích Thiện Pháp – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư, chư tôn đức Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Hòa Hòa thượng Thích Giác Toàn, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Hòa thượng Thích Thiện Thống, Hòa thượng Thích Huệ Trí; Thượng tọa Thích Phước Nguyên – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh văn phòng 2 T.Ư; cùng chư tôn đức HĐTS, Trưởng, đại diện các ban Trung ương; chư tôn đức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

 

Về phía chính quyền có Lê Minh Khánh – Trưởng phòng Phật giáo, Ban tôn giáo Chính phủ; bà Phan Kiều Thanh Hương – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, đại diện ban Dân vận, ban Tôn giáo TP.HCM; đại diện Cục An ninh nội địa – Bộ Công an và chính quyền Quận 3.

Khai mạc hội nghị, Hòa thượng Thích Giác Toàn phát biểu, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam là một trong 13 Ban, Viện chuyên môn của GHPGVN. Dưới sự sáng lập của Hòa thượng Thích Minh Châu và lãnh đạo đến năm 2009, tiếp nối là Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đến năm 2017, qua 34 năm hoạt động, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã đóng góp nhiều dịch phẩm kinh, luật, luận và những tác phẩm biên soạn về Phật học Việt Nam, lịch sử, nhân vật và văn học Phật giáo, là kim chỉ nam, cơ sở cho Tăng Ni, Phật tử làm tài liệu nghiên cứu, tu học.

Trong nhiệm kỳ VIII Hội đồng Quản trị Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã nỗ lực hết mình biên tập và ấn hành toàn bộ Kinh tạng Pāli, gồm 9 quyển; Luật tạng Phật giáo Thượng tọa bộ gồm 2 quyển, 4 bộ A hàm bản dịch cũ và mới được ấn hành trong 7 quyển, để dâng lên Tam Bảo và cúng dường đến chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, 13 Ban, Viện Trung ương, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN 63 tỉnh thành, chư giáo thọ Học viện Phật giáo cũng như tất cả thư viện Phật học trên toàn quốc.

Nhiệm kỳ IX (2022-2027) ra mắt 2 Phân viện, 10 Trung tâm và 2 Ban trực thuộc, là sự kiện trọng đại đánh dấu cho sự khởi đầu một nhiệm kỳ mới, kế thừa và phát huy những thành quả to lớn đã đạt được trong nhiệm kỳ VIII mà các thành viên đã và đang cam kết đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp phiên dịch, biên tập, trước tác, ấn hành Tam tạng Thánh điển PGVN, ấn hành Tục tạng PGVN cũng như các tác phẩm nghiên cứu Phật học và Phật giáo thế giới, góp phần phát triển văn học Phật giáo Việt Nam thêm tươi nhuận và khởi sắc.

Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Phước Nguyên – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 T.Ư công bố quyết định của Giáo hội về thành phần nhân sự Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam nhiệm kỳ IX (2022-2027) gồm 2 vị Chứng minh và 98 thành viên (16 thành viên Hội đồng Quản trị, 36 ủy viên Thường trực, 46 Ủy viên) do Hòa thượng Thích Giác Toàn làm Viện trưởng; Hòa thượng Thích Gia Quang và Hòa thượng Thích Tâm Đức – đồng Phó Viện trưởng Thường trực; Phó Viện trưởng kiêm Tổng Thư ký – Thượng tọa Thích Nhật Từ.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị GHPGVN trao quyết định đến Hòa thượng Thích Giác Toàn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam nhiệm ký 2022 – 2027

Buổi lễ đón nhận những lẵng hoa tươi thắm từ Hội đồng Trị sự, các ban T.Ư, Ban Trị sự TP.HCM và chính quyền, ban ngành các cấp gửi đến chúc mừng Ban Tổ chức.

Đại diện Viên nghiên cứu Phật học Việt Nam, Thượng tọa Thích Nhật Từ – Phó Viện trưởng, Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam trình dự thảo phương hướng hoạt động Phật sự của Viện nhiệm kỳ 2022-2027.

Theo kế hoạch cho biết, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức các hội thảo: “Tiến sĩ Bhimrao Ambedkar và sự chuyển đổi xã hội Ấn Độ”; “Danh mục các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam trong 2000 năm”; “Tổ Huệ Đăng: Đạo nghiệp và sự thay đổi xã hội tại miền Nam”; “Đạo Phật Khất sĩ: Tư tưởng Phật học, lịch sử truyền thừa, và những đóng góp”; “Tổ Thiện Hoa: Đạo nghiệp và phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam”; “Trưởng lão Thích Minh Châu: Nhà phiên dịch, tác giả, nhà quản trị, nhà ngoại giao và nhà giáo dục Phật giáo”…

Bên cạnh đó, 10 Trung tâm trực thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam cũng đã lên kế hoạch tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo; dự kiến trong 5 năm sẽ hoàn thành 36 tác phẩm trước tác và 70 sách phiên dịch.

Theo đó, Hòa thượng Thích Minh Thành – Phó Viện trưởng trình bày những bước kế tiếp của dự án Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam do Viện Nghiên cứu thực hiện. Trong năm 2023, in 10 tập hoàng thành từ quyển 01 đến quyển 23. Dự kiến trong nhiệm kỳ sẽ hoàn thành thêm 35 tập thuộc Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam.

Ban đạo từ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã tán thán những thành tựu mà Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đặc biệt, Hòa thượng đề cao việc mạnh dạn nỗ lực cải cách và ấn hành một phần của bộ Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam sẽ luôn ổn định và phát triển hơn nữa; các thành viên của Viện sẽ tiếp tục đoàn kết, hòa hợp, luôn kiên trì, nhiệt tâm trong công tác để thực hiện tốt các phương hướng đã đề ra.

Trên cương vị là Trưởng Ban chỉ đạo dự án Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Chủ tịch chỉ đạo Ban Biên tập trong quá trình in ấn, xuất bản cần chú ý làm theo trình tự từ Kinh, Luật, Luận và sau cùng là các ấn phẩm Đại thừa. Nhờ vậy mà Tăng Ni, Phật tử và giới trí thức có thể tiếp cận dễ dàng trong khi tìm hiểu và nghiên cứu kiến thức Phật học.

PV