Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Viện Đại học Vạn Hạnh: cơ duyên thành lập

Viện Đại học Vạn Hạnh: cơ duyên thành lập

121

Từ truyền thống Phật giáo Việt Nam

Giáo dục xã hội ở bậc cao không phải là điều chi lạ lẫm đối với Phật giáo Việt Nam. Việc Giáo hội Phật giáo bấy giờ tại miền Nam (1964) thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh, suy cho cùng, cũng chỉ là việc quay trở lại một truyền thống đã có từ hàng ngàn năm trước nhưng tiếc rằng Phật giáo Việt Nam đã quên đi trong nhiều thế kỷ, và chỉ sực tỉnh sau một cú hích, là pháp nạn lịch sử 1963.

Người ta thường nói đến Quốc tử giám là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Điều đó  đúng nếu xét về mặt hành chính.

Nhưng giới trí thức tinh hoa Việt Nam, khi đó chưa là những nho sĩ, đã được đào tạo trước khi có  Quốc tử giám rất lâu. Giới học thức tinh hoa của nước Đại Cồ Việt, sau đó là Đại Việt, đã lập nên nhiều công trạng hiển hách với đất nước, để lại nhiều trước tác giá trị. Họ được đào tạo từ đâu? Câu trả lời rất rõ ràng: từ nhà chùa.

Thiền sư  Vạn Hạnh được tôn làm Quốc sư. Chữ sư ở  đây có 2 nghĩa, chúng ta chú ý đến nghĩa là thầy học của cả nước. Có thể coi Quốc sư Vạn Hạnh là người khai sáng ngành đại học của Việt Nam.

Thế  nhưng, sau đó, theo một hướng diễn biến tiêu cực, những vị sư Phật giáo bị giới nho sĩ loại trừ dần ra khỏi những hoạt động xã hội. Điều rất có thể là do sự suy vong của Phật giáo từ cuối đời Trần, Phật giáo Việt Nam cũng xuôi tay theo diễn biến, mà theo chúng tôi, là  có tổ chức này.

Chùa lần lần tách rời khỏi những hoạt động xã hội, trong đó có giáo dục. Các nhà sư vui lòng trở về với am thanh chùa vắng, vui thú kinh kệ nước mây thoát tục.

Điều đó, hiển nhiên đưa tới hệ quả  là nhà chùa không còn đào tạo được trí thức cho đất nước nữa, và chính các nhà  sư không còn là trí thức nữa.

Diễn biến  “giải trí thức” hóa Phật giáo Việt Nam xuống đến điểm tận cùng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Khi đó, những nhà truyền giáo ngoại quốc khinh thị sư dốt nát, mê tín của giới tăng sĩ Phật giáo ra mặt và họ cố khai thác điều này như một ưu thế.

Cánh cửa tháp ngà của Phật giáo Việt Nam được tấn thêm chặt để quây các nhà sư vào đó, cắt rời liên hệ Phật giáo Việt Nam với xã hội.

Việc loại bỏ Hán học cũng có tác động tiêu cực đối với Phật giáo Việt Nam. Những nhà sư bị loại trừ đứt điểm khỏi môi trường trí thức vì giáo dục Tây học, xóa bỏ hoàn toàn chức năng giáo dục xã hội của nhà chùa.

Cùng lúc đó, với sự ủng hộ của chính quyền thực dân, những trường học do Đạo Thiên Chúa Ca tô thành lập và điều hành được xây dựng nhanh chóng.

Tất nhiên, hệ thống giáo dục của đạo Thiên Chúa Ca tô  phải xây dựng dần dần, từ tiểu học lên dần  đến trung học. Đến năm 1954, khi thực dân Pháp, lực lượng chống lưng cho Giáo hội đạo Thiên chúa Ca tô tại Việt Nam, rút lui hoàn toàn khỏi Việt Nam, hệ thống giáo dục xã hội đạo Thiên Chúa Ca tô chưa có bậc đại học.

Và cú hích "Viện Đại học Đà Lạt"?

Giáo dục xã hội bậc đại học là mục tiêu Giáo hội Thiên Chúa Ca tô tại Việt Nam nhắm tới. Họ quyết tâm làm điều này khi con chiên ngoan đạo, thầy tu xuất Ngô Đình Diệm nắm ngôi Tổng thống và ổn  định tình hình chính trị ở miền Nam.

Mục tiêu một trường đại học Thiên Chúa Ca tô là điều mà chế độ kỳ thị tôn giáo Ngô Đình Diệm hướng đến. Chính Giám mục Ngô Đình Thục anh ruột của Ngô Đình Diệm đứng ra chủ trì thực hiện đề án này.

Sở hữu cơ sở đào tạo trí thức miền Nam Việt Nam như một phương tiện truyền đạo là một lẽ, đồng thời một viện đại học cũng là một món đồ trang sức quý giá của các thầy tu Thiên Chúa Ca tô, muốn thể hiện đặc tính trí thức trước những tu sĩ Phật giáo, mà hoàn cảnh đã tác động trở nên những thầy tu bình dân, với lực lượng chính quyền muốn thấy phát triển là các vị sư Lục Hòa Tăng (sau này cộng tác với chế độ Diệm trong pháp nạn 1963 chống lại Ủy Ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo).

Để có sự tương phản có học/ ít học mà phía Thiên Chúa Ca tô mong muốn, Giám mục Ngô Đình Thục gấp rút bắt tay vào việc. Chương trình được thảo luận từ ngay khi Ngô Đình Diệm vừa nắm chính quyền. Muốn rằng Đà Lạt  sẽ là một trung tâm khoa học giáo dục, địa điểm được chọn xây dựng đại học Thiên Chúa giáo là Đà Lạt.

Cùng với một Viện Đại học mà chính quyền giao cho Thiên chúa Ca tô, một lò phản ứng nguyên tử hiện  đại bậc nhất ở Châu Á lúc bấy giờ được xây dựng ở Đà Lạt.

Theo sự  lựa chọn và tác động của Ngô Đình Thục, chính quyền Diệm đã bán cho Hội đồng Giám mục Việt Nam (chỉ hoạt động thực tế ở miền Nam) một khu đồi cảnh trí rất đẹp không xa trung tâm thành phố Đà Lạt với giá tượng trưng là một đồng.


Đại học Đà Lạt

Giảng đường đại học có thánh giá cắm bên trên được xúc tiến xây dựng trên khu đất rộng rãi, đẹp đẽ như một công viên rộng đến 40 héc ta này.

Viện  Đại học Đà Lạt là cơ sở trực thuộc và chịu sự quản lý của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, từ ngày được thành lập 8/8/1957 đến khi đưa vào hoạt động chỉ có một năm, với 5 trường đại học là sư phạm, văn khoa, khoa học, chính trị, kinh doanh và thần học (tổ chức tương tự như các trường trực thuộc Đại học quốc gia ở Hà Nội hay TPHCM hiện nay).

Viện Đại học Đà Lạt cũng có 2 tạp chí học thuật là Tri thứcSử địa.

Năm 1961, khóa sinh viên đầu tiên của Viện Đại học  Đà Lạt, ngành sư phạm hoàn tất việc đào tạo và tốt nghiệp, với sự chủ trì của của Giám mục Ngô Đình Thục, được tôn xưng với chức vụ Chưởng Ấn.

Dùng tên gọi trong nước là Viện Đại học Đà Lạt với ngụ ý là một viện đại học cấp quốc gia vẫn gọi theo tên địa phương như Viện Đại học Sài Gòn, Viện Đại học Huế…, nhưng trong nội bộ đạo Thiên Chúa Ca tô và đối ngoại, một tên gọi khác được sử dụng, có thêm từ “Công giáo”, là “Viện Đại học Công giáo Đà Lạt”.

Viện  Đại học Đà Lạt là một thành công lớn của Giáo hội Thiên Chúa Ca tô tại Việt Nam. Ngoài việc  đạt những mục tiêu kể trên, như là công cụ truyền đạo (với một linh mục tuyên úy phụ trách đối tượng sinh viên), công cụ để hoạt động văn hóa khoa học giáo dục, công cụ khẳng định vị trí tôn giáo tri thức, Viện Đại học Đà Lạt còn thành công ở chỗ:

* Việc xây dựng và đưa vào hoạt động một cách nhanh chóng tương đối hiệu quả một trường đại học chứng tỏ năng lực của thành phần tinh hoa trong giới thầy tu đạo Ca tô.

* Viện Đại học Đà Lạt tương đối nổi tiếng, vì được xem là đại học đẹp nhất Đông Nam Á, trở thành một cảnh quan du lịch thành phố cao nguyên Đà Lạt.

* Điều quan trọng là Viện Đại học Đà Lạt đã trở thành công cụ rất đắc lực để nhà cầm quyền thân Thiên Chúa giáo lúc bấy giờ cung cấp tài chính cho Giáo hội.

Về mặt nguyên tắc, nhà nước không thể cầm tiền mặt dâng cho giáo hội. Nhưng khi có một trường đại học, thì việc cấp tiền sẽ khoác một lớp vỏ bọc tài trợ hoạt động giáo dục. 40 héc ta đất bán với giá 1 đồng tượng trưng là việc ủng hộ đầu tiên. Sau đó, là tài trợ xây dựng, trang bị, chi phí…

Viện Đại học Đà Lạt trở thành một cổng nhận tiền tài trợ và bộ máy chi phí, đầu tư tiền tài trợ một cách hiệu quả (40 héc ta đất đó không chỉ xây dựng cơ sở giáo dục, mà trong đó có nhiều cơ sở tôn giáo khác như nhà nguyện, chủng viện…).

* Ngoài việc tranh thủ sự tài trợ của chính phủ Sài Gòn, vốn tìm đủ những lý do hợp lý để chuyển tiền cho Giáo hội Thiên Chúa Ca tô Việt Nam, Viện Đại học Đà Lạt còn là phương tiện thanh thủ tài trợ từ nước ngoài (các chính phủ, các tổ chức và cả những cá nhân) vì “sự nghiệp giáo dục”. Sự ủng hộ của giáo dân trong nước cũng khá là đáng kể.

* Viện Đại học Đà Lạt tập hợp khá thành công một tập thể trí thức khoa bảng miền Nam Việt Nam. Điều này rất có lợi cho hoạt động tôn giáo, chính trị, xã hội của đạo Thiên Chúa Ca tô tại Việt Nam.

* Viện Đại học Đà Lạt đã góp phần đào tạo một số lượng cán bộ tôn giáo (cả tu sĩ tín đồ) với trình độ Đại học.

* Viện Đại học Đà Lạt tạo môi trường làm việc cho thành phần trí thức đạo Thiên Chúa, phần lớn được đạo tạo ở nước ngoài.

* Các tạp chí học thuật của Viện Đại học Đà Lạt đã góp phần nâng cao vị thế của đạo Thiên Chúa Ca tô trong hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội tại miền Nam Việt Nam.

Đến việc thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh

Những nhà lãnh đạo của Phật giáo miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ (cuối thập niên 1960) có tầm nhìn xa, đã sớm nhận thức rằng giáo dục xã hội là một lĩnh vực biểu hiện sự bất bình đẳng tôn giáo. Phật giáo Việt Nam, tôn giáo hàng đầu tại Việt Nam, tôn giáo đã có truyền thống giáo dục xã hội với cấp đào tạo tầng lớp tinh hoa từ hàng năm trước, lại không có cơ sở đào tạo đại học nào hết, là một điều bất hợp lý.

Do đó, kế hoạch thành lập một viện đại học Phật giáo đã sớm hình thành, đưa đến việc thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh sau đó.

Có  ý kiến nói rằng Viện Đại học Vạn Hạnh là  một trong những bản copy hình mẫu hoạt động  của đạo Thiên Chúa Ca tô (các hình mẫu khác là  cơ chế giáo hội trung ương tập quyền và  thống nhất, cơ chế tuyên úy trong quân đội, các thông điệp Phật đản có chủ đề…).

Tuy nhiên, người viết bài này cho rằng Viện Đại học Đà Lạt không phải là mẫu mà Viện Đại học Vạn Hạnh copy. Viện Đại học Đà Lạt có tác động đến việc thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh trong vai trò cú hích, làm các nhà lãnh đạo Phật giáo, đặc biệt là các tăng sĩ trí thức, bừng tỉnh trước sự thua kém của Phật giáo Việt Nam trong hoạt động giáo dục xã hội. Có chăng chỉ là một cú hích, vậy thôi!

Phật giáo Việt Nam không bắt chước ai cả, vì giáo dục xã hội cấp cao là truyền thống của Phật giáo. Viện Đại học Vạn Hạnh, viện đại học mang tên Quốc sư của nhà nước Đại Việt thế kỷ thứ X thể hiện tinh thần đó. Quá trình thành lập Đại học Vạn Hạnh là quá trình Phật giáo ý thức lại các giá trị của mình, tìm về với truyền thống, không phải là việc học đòi bắt chước một mô hình nào!

Tất nhiên, việc thành lập một viện đại học trong thế  kỷ XX thì phải theo những quy chuẩn giáo dục  đại học thế giới. Viện Đại học Đà Lạt, Viện Đại học Huế, Viện Đại học Vạn Hạnh… tất nhiên đều theo những quy chuẩn đó và cũng thế, trong việc điều hành, các mặt hoạt động của giáo dục đại học nói chung, đại học tư tôn giáo nói riêng đều cơ bản tương đồng nhau.

Do vậy, Viện Đại học Vạn Hạnh có những nét nào đó giống với Viện Đại học Đà Lạt, thì đó cũng là điều bình thường, vì cả hai trường đều xây dựng theo những hình mẫu chung.

Công việc xây dựng Viện Đại học Vạn Hạnh bắt đầu ngay từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đây là công lao tập thể chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ đứng đầu là Tăng thống Thích Tịnh Khiết, và các  chức sắc giữ nhiệm vụ lãnh đạo thường trực là Thượng tọa Thích Trí Quang – Chánh thư ký Viện Tăng thống,  Thượng tọa Thích Tâm Châu – Viện trưởng Viện Hóa đạo…

Các vị  tôn đức được đưa đi đào tạo ở  nước ngoài như Thượng tọa Thích Nhất Hạnh, Thích Minh Châu, Thích Mãn Giác… giữ vai trò tổ chức điều hành, quản lý Viện Đại học Vạn Hạnh từ khi khởi động đến khi thành lập.

Viện  Đại học Vạn Hạnh được Bộ Quốc gia Giáo dục chế độ Sài Gòn cấp giấy phép hoạt động ngày 17/10/1964. Viện trưởng là Thượng tọa Thích Minh Châu, Phó Viện trưởng là Thượng tọa Thích Mãn Giác.

Khi mới thành lập cơ sở của Viện Đại học Vạn Hạnh tạm đặt tại Chùa Xá Lợi và Chùa Pháp hội. Đến năm 1966 thì dời sang cơ sở biệt lập tại 222 Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sỹ).

Đầu tiên, Viện Đại học Vạn Hạnh có 2 phân khoa là Phật học và Văn học & Nhân văn. Năm 1967 Phân khoa Khoa học xã hội được bổ sung. Trong những năm 1970, Viện Đại học Vạn Hạnh có thêm phân khoa Khoa học ứng dụng với cơ sở đặt tại quận Phú Nhuận, TPHCM.

Ngoài ra, từ năm 1966 Viện Đại học Vạn Hạnh còn có Trung tâm Ngôn ngữ.

Viện  Đại học Vạn Hạnh có cơ sở tu thư, tổ  chức biên soạn và xuất bản nhiều đầu sách nghiên cứu giá trị của các học giả Phật giáo. Viện cũng có tạp chí Tư tưởng, một tạp chí Phật học, triết học, khoa học xã hội, xuất bản từ 1967.

Thư  viện Viện Đại học Vạn Hạnh có hơn 25.000 tựa sách, là một trong những thư viện đại học phong phú và hiện đại tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Vài nét so sánh Viện Đại học Vạn Hạnh và Viện Đại học Đà Lạt

Để so sánh 2 viện đại học, cần có những tiêu chí cụ thể, để kết quả việc so sánh có tính định lượng cao. Ở  đây, chỉ xin so sánh sơ nét, có tính chất định tính.

Xét về  diện tích, quy mô cơ sở vật chất, trang bị  kỹ thuật, Viện Đại học Đà Lạt lớn hơn nhiều lần so với Viện Đại học Vạn Hạnh, Viện  Đại học Đà Lạt được coi là Viện  đại học lớn nhất Việt Nam và đẹp nhất Việt Nam (diện tích khuôn viên Viện Đại học Đà Lạt là 40 héc ta, so với diện tích khuôn viên Viện  Đại học Vạn Hạnh chỉ khoảng 4.000m2)..

Về  cơ sở vật chất Viện Đại học Đà Lạt còn hơn Viện Đại học Vạn Hạnh ở nhiều chỗ: tiện nghi giảng đường, trang bị âm thanh ánh sáng, lưu học xá sinh viên…

Về  thư viện, số đầu sách thư viện 2 viện  đại học xấp xỉ nhau, khoảng 23 – 25.000 quyển.

Về  danh sách và trình độ giáo sư, thì cũng có  thể nói là tương đương.

Viện trưởng đầu tiên của Viện Đại học Vạn Hạnh là  tiến sĩ (tương đương học vị tiến sĩ khoa học ngày nay). Viện trưởng đầu tiên Viện Đại học  Đà Lạt có học vị cử nhân.

Trong điều kiện cơ sở vật chất, trang bị còn kém xa như vậy, số sinh viên Viện Đại học Vạn Hạnh trong những niên khóa sau cùng đạt mức xấp xỉ Viện Đại học Đà Lạt (khoảng 3500 – 4000 sinh viên).

Chúng ta lý giải thế nào về kết quả này?

Theo chúng tôi, điều đó trước hết là do vị trí  địa lý. Viện Đại học Đà Lạt, dù sao, cũng chỉ là đại học ở thành phố  địa phương trên cao nguyên. Trong khi đó Viện Đại học Vạn Hạnh là viện đại học tại Sài Gòn, thủ đô của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, có dân số cao hơn 10 lần số so với Đà Lạt..

Cái  ưu thế phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, đồi thông yên tĩnh thanh vắng của Viện Đại học Đà Lạt lại trở thành nhược điểm của Viện đại học này.

Viện Đại học Đà Lạt khó thu hút được sinh viên đông đảo từ đồng bằng do giao thông cách trở, lại càng khó khăn trong điều kiện chiến sự liên miên. Cảnh quan đại học trong rừng của Viện Đại học Đà Lạt tạo khung cảnh xuất thế cho những vị tu sĩ Thiên chúa giáo bao nhiêu, thì mặt trái của nó bộc lộ nhược điểm trong việc giáo dục xã hội bấy nhiêu.

Khu vực phụ cận  quanh Đà Lạt thưa dân, hầu hết là rừng rú, do đó, hệ quả đương nhiên là số lượng và trình độ sinh viên đại học hạn chế. Trường hợp sinh viên từ Sài Gòn khăn gói lên Đà Lạt để phải trọ học chắc chắn không phải là trường hợp phổ biến, trong khi hệ thống đại học tại Sài Gòn đã hoàn thiện.

Trong khi Viện Đại học Đà Lạt mang được mệnh danh một cách “xuất thế” và thơ mộng là “đại học trong rừng”, thì Viện Đại học Vạn Hạnh được mệnh danh bằng cụm từ rất thế tục là “đại học chợ”, vì cổng Viện Đại học Vạn Hạnh nhìn xéo ngay mặt tiền chợ Trương Minh Giảng, vốn là một chợ thuộc loại lớn ở Sài Gòn.

Có  phải nhờ vị trí “nhập thế”, có phần  “trần tục” này, mà Viện Đại học Vạn Hạnh, với cơ sở vật chất hạn chế hơn, đã có những thành quả giáo dục tương đương Viện Đại học Đà Lạt?

Một số nhận xét cho rằng Viện Đại học Vạn Hạnh có tiếng tăm và vị thế vượt trội so với Viện Đại học Đà Lạt trong khoảng thời gian  từ năm 1970 trở đi. Chúng tôi, vẫn lý giải điều này cũng một phần nhờ vào ưu thế hoạt động tại vị trí thành phố trung tâm của Viện Đại học Vạn Hạnh. Nhân tài hào kiệt tinh hoa thường tụ lại ở những nơi trung tâm.

Đến khoảng những năm 1973 – 1975, Viện Đại học Vạn Hạnh đã có kế hoạch mở phân khoa Y khoa, đào tạo bác sĩ, với người chịu trách nhiệm xây dựng phân khoa là vị thầy thuốc nổi tiếng, bác sĩ Lê Khắc Quyến. Cơ sở khoa học ứng dụng ở quận Phú Nhuận được tích cực xây dựng, trong bối cảnh Viện Đại học Minh Đức (một viện Đại học khác của đạo Thiên Chúa Ca tô) mới đưa vào hoạt động Phân khoa Y khoa.

Để kết luận, chúng ta cùng nhau trở lại với Viện Đại học Đà Lạt, như là cú hích đối với giáo dục xã hội của Phật giáo ở bậc đại học.

Liệu Phật giáo miền Nam Việt Nam có được Viện Đại học Vạn Hạnh hay không nếu trước đó không có Viện  Đại học Đà Lạt, do Hội đồng Giám mục Việt Nam xúc tiến thành lập và quản lý?

Tuy nhiên, câu hỏi đáng quan tâm hơn, là trong bối cảnh các đại học tư thục liên tiếp ra đời như hiện nay, liệu Phật giáo Việt Nam, với những thuận lợi của mình, có thể lại rơi vào cảnh đi bước đi sau, như 50 năm trước?

MT