“Bệnh tự kỷ của con là do có âm binh theo đuổi, không phải bệnh trần… Muốn hết bệnh phải cúng để xin giải điện, trục giải âm binh”, đó là lời “phán” của một người tự xưng “cô Huế”, nhà sáng tạo nội dung kênh TikTok @CôH****** khi được một khán giả hỏi cách chữa bệnh tự kỷ.
Cuối clip được đăng tải ngày 30/1 này, cô Huế không quên kêu gọi người xem nhấn nút theo dõi kênh, bình luận thông tin ngày sinh để cô “giải mã bí ẩn cuộc đời qua lá số tử vi”.
Zing phản ánh video đăng tải hơn 3 tháng này với TikTok. Ngay trong ngày, clip này đã bị gỡ khỏi kênh. Tuy nhiên, TikTok vẫn chưa có phát ngôn chính thức về vụ việc.
Nội dung mê tín dị đoan tràn ngập TikTok
Đáng chú ý, trong phần bình luận của kênh này, đa số là lời “xin vía” của các tài khoản cho biết năm sinh từ 1997-2006. Cá biệt, có trường hợp nhờ “cô Huế” xem số mạng với năm sinh 2010. Đây là độ tuổi dưới mức được phép sử dụng nền tảng theo chính sách của TikTok.
@CôH****** cũng không phải là kênh duy nhất đăng tải các nội dung về sự toàn năng của tử vi tướng số. Rất nhiều tài khoản mang màu sắc mê tín dị đoan xuất hiện trên TikTok, với số lượng theo dõi dao động từ vài nghìn cho đến hàng trăm nghìn.
Không khó để người dùng tiếp cận được với các hình thức dịch vụ tâm linh trên mạng xã hội này. Thực tế, khi tìm thử từ khóa “kumanthong”, “bùa yêu”, “tử vi”, “coi bói” trên TikTok, kết quả cho ra nhiều nội dung liên quan.
Trong phần giới thiệu, kênh có tên @Tom**** tự nhận “chuyên tâm linh Thái Lan, bùa làm ăn kinh doanh, bùa yêu, kumanthong…”.
Trong một đoạn clip, tài khoản này đăng hình ảnh búp bê Kumanthong kèm lời nhắn: “Bùa **** giúp bạn dễ dàng chiến thắng trong các trò cờ bạc, đặc biệt là xổ số và các trò ăn thua may rủi”.
Đoạn sau của clip thể hiện hình ảnh sữa chảy ra khỏi hộp được cho là “do kumanthong uống”.
Ngoài bùa yêu và kumanthong, các mặt hàng được rao bán trên kênh khá phong phú như bùa chiêu tài, bùa hộ thân… được gán ghép với “sức mạnh tâm linh” dựa trên văn hóa Thái Lan, Ấn Độ.
Điểm chung của các kênh TikTok này là đều đăng những hoạt động mang đậm màu sắc mê tín dị đoan như xin vía, cúng búp bê, cách làm phép để kinh doanh bùa chú, kumanthong một cách công khai.
Với các kênh nội dung về xem bói, tử vi, thường có một nhân vật chính xưng là “cậu”, “cô”, tự quảng cáo có năng lực đặc biệt luận giải được mọi vận hạn của con người thông qua đường chỉ tay, tướng mạo… nhằm mời chào người xem, tăng lượt theo dõi.
Đi ngược cả về tín ngưỡng lẫn pháp luật
Trao đổi với Zing, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM cho rằng việc truyền bá tư tưởng kumanthong mang lại thành công, may mắn là lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều người.
“Niềm tin vào kumanthong mang lại thành công học vấn, may mắn trong làm ăn… là hình thức lừa đảo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều người”, Thượng tọa Thích Nhật Từ khẳng định.
Ban lãnh đạo, cơ quan chức năng nhiều tỉnh thành từng lên tiếng về kumanthong. Tháng 4/2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên đã có công văn chỉ đạo về hiện tượng búp bê kumanthong, xác định rõ đây là hình thức mê tín dị đoan, không phù hợp với truyền thống văn hóa và pháp luật Việt Nam.
Còn với tiêu chuẩn cộng đồng do chính TikTok đề ra có điều khoản ghi rõ không đăng, tải lên, phát trực tuyến hoặc chia sẻ thông tin gây hiểu lầm. Ngoài ra, hành vi có hại cho trẻ vị thành niên gồm các hoạt động bất hợp pháp, thử thách thể chất hoặc những hành vi có thể đe dọa đến sức khỏe của trẻ vị thành niên.
Trong chính sách sử dụng, TikTok nêu rõ chỉ người trên 13 tuổi mới có thể sử dụng nền tảng này. Có thể thấy, mạng xã hội này không chào đón người dùng dưới tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, nhóm tuổi này vẫn có thể dễ dàng tiếp cận các nội dung trên TikTok.
“Điều này có nghĩa TikTok không có cơ chế gắn nhãn nội dung theo lứa tuổi. Vì không gắn nhãn nên họ đồng thời cũng không chặn truy cập hay buộc đăng nhập để xem nội dung dành cho người lớn. Cần nhớ rằng từ 13-16 vẫn là độ tuổi chưa vị thành niên và chưa hoàn thiện nhận thức”, Văn Khải, chuyên gia truyền thông từ Seaevent chia sẻ.
Với những video độc hại hướng tới người dùng trẻ em, TikTok không yêu cầu đăng nhập vẫn có thể xem. Bất cứ ai có liên kết đến video đều tiếp cận được. Cách làm này khác hoàn toàn với cơ chế gắn nhãn độ tuổi của YouTube đang áp dụng. Theo đó, những video có nội dung người lớn trên YouTube buộc người dùng đăng nhập mới có thể xem.
Theo thống kê của Wallaroo Media, 60% trong tổng số 800 triệu người dùng của TikTok ở độ tuổi 16-24. Con số này dĩ nhiên chưa tính đến những người dùng có thể xem “lậu” nói trên. Do đó, khả năng lan truyền của nội dung độc hại là khó có thể đong đếm
Huỳnh Lộc (theo Zing news)