Video: Không có cơ sở lịch sử và pháp lý để đòi mảnh đất 42 Nhà Chung
Cách đây hơn 1 thế kỷ, chùa Báo Ân nằm ở tòa nhà Bưu điện ven hồ Hoàn Kiếm, dấu tích duy nhất còn sót lại cho đến ngày nay của quần thể kiến trúc này là tháp Hòa Phong. Các nhà sử học cho rằng, quy mô của một ngôi chùa khác cũng nằm cạnh hồ Hoàn Kiếm có tên là Báo Thiên, vốn đã bị người Pháp phá đi để xây Nhà thờ lớn Hà Nội cách đây đúng 125 năm cũng đẹp và to lớn không khác gì chùa Báo Ân.
Hiện có một số tài liệu trong kho lưu trữ và cụ thể nhất là cuốn sách “Hà nội một thời kỳ anh hùng 1873-1888” của tác giả André Masson in năm 1929 đã ghi lại lời kể của Công sứ Bonnal lúc bấy giờ: “Phá hủy ngôi chùa và chiếm lấy miếng đất, việc đó chẳng có gì dễ dàng hơn trong thời điểm chinh phục… nhưng bản thân tôi e ngại sự lạm quyền… và tôi chọn giải pháp thỉnh ý ông Nguyễn Hữu Độ“. Ông Nguyễn Hữu Độ đã cho truy tìm hậu duệ của người xây chùa cách đây 2 thế kỷ, nhưng không tìm được.
Như thể tình cờ, các giáo dân được hỏi cũng cho rằng, do đổ nát, ngôi chùa có gây nguy hại cho người đi ngang qua. Vậy là đúng luật, cho phá hủy ngôi chùa, sung công cho thửa đất vô chủ mà không gây nên một sự phản đối nào. Sau đó, Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ đã nhượng lại hữu nghị cho nhà chung Công giáo thửa đất vô chủ kéo dài từ Nhà Thờ lớn hiện nay đến 42 phố Nhà Chung.
Ông Nguyễn Vinh Phúc, Nhà nghiên cứu về lịch sử Hà Nội cho rằng: “Việc xóa bỏ chùa Báo Thiên và dựng lên nhà Thờ lớn rõ ràng là có thủ thuật của Công sứ và Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ. Bonnal không muốn ra mặt chiếm, Bonnal thông qua bàn tay Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Hữu Độ cũng rất khôn ngoan, ông không ra lệnh nhường lại ngay, mà vận động một số người ở đó nghiên cứu và báo cáo là ngôi chùa sắp hỏng đến nơi rồi gây tai nạn cho người qua lại, nên họ có đủ lý do để phá ngôi chùa đi. Và khi thành đất công và Tổng đốc Hà Nội có quyền đem đất đó để mà tặng cho cha Puginier để xây nhà thờ”.
Mất 4 năm xây dựng, đến năm 1887, Ngôi Thánh đường Nhà Thờ lớn đã được xây dựng xong trên chính nền của chùa Báo Thiên, còn khu vực xung quanh, trong đó có 42 phố Nhà Chung cũng đã được người Pháp xây dựng nhiều ngôi nhà, trong đó có ngôi nhà được Tòa thánh Vatican sử dụng làm tòa Khâm Sứ cho đến năm 1959.
Năm 1961, Linh Mục Nguyễn Tùng Cương quản lý tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đã ký giấy trao lại mảnh đất 42 Nhà Chung và hơn 90 sơ cở khác của Công giáo cho chính quyền thành phố Hà Nội quản lý.
Theo Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, việc Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đứng ra đòi lại mảnh đất của Tòa Khâm sứ cũ là không có căn cứ pháp lý, vì Tòa nhà Khâm sứ cũ chưa bao giờ thuộc quyền sử dụng của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: “Không thể nói chính quyền cũ lấy đất cấp cho Tòa Khâm sứ, Tòa Khâm sứ đã bỏ đi và đã trải qua các thời kỳ cách mạng và bây giờ Tòa Tổng Giám mục lại thay mặt cho Tòa Khâm sứ để đứng ra ra đòi là không có cơ sở pháp lý nào cả. Tức là họ nhầm lẫn giữa giấy tờ của chính quyền cũ mà Nhà nước hiện nay công nhận cho những người dân đang sử dụng đất từ trước đến nay mà không có tranh chấp gì thì nhà nước vẫn bảo hộ, vẫn tôn trọng cái giấy ấy. Thế còn đây, nó không có một căn cứ pháp lý nào đối với Tòa Giám mục Hà Nội mà nhận 42 Nhà Chung“.
Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ cũng khẳng định rằng, về Luật pháp, Tòa Tổng giám mục Hà Nội cũng không có quyền và cơ sở gì để đòi lại đất. Vì sau Cách mạng tháng 8, Nhà nước đã quốc hữu hóa toàn bộ đất đai, đồn điền và hầm mỏ của chính quyền thực dân.
Trong Hiến pháp năm 1980 và điều 17 của Hiến Pháp năm 1992 cũng nhắc lại rằng, đất đai và các tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Hơn nữa, trong Nghị quyết 23 của Quốc hội đã xác định, Nhà nước không xem những diện tích nhà và đất mà Nhà nước đã quản lý từ 1/7/1991 trở về trước.
Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: “Nghị quyết này xác định rằng, những việc mà Nhà nước quản lý từ thời gian ấy, Nhà nước sẽ không xem xét lại nữa. Nhưng cũng từ thời gian ấy trở về trước mà nhà, đất ở diện phải quản lý nhưng nhà nước không quản lý và chưa giao cho ai sử dụng thì Nhà nước cũng không quản lý nữa. Sau 1/7 sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể và không chấp nhận đòi lại đất.”
Như vậy, xét cả về yếu tố lịch sử cũng như cơ sở pháp lý, việc Tòa Tổng Giám mục tự nhận mảnh đất 42 Nhà Chung là của mình là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi lẽ, chính quyền cũ đã dùng thủ thuật để chiếm mảnh đất của nhà chùa để giao cho Giám mục người Pháp.
Nhưng quan trọng nhất, Hiến pháp cũng như Luật pháp hiện nay đều không cho phép công nhận quyền sử dụng đất mảnh đất 42 Nhà Chung là của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội.
Xem bài viết có liên quan: