Trang chủ Đời sống Chuyện đời - Ý đạo Vì tiền bạc là phù du

Vì tiền bạc là phù du

329

Ðại dịch toàn cầu Covid-19 đã cuốn phăng mất của Peter Lim khối tài sản lên tới một tỷ USD, nhưng có vẻ điều đó chẳng khiến ông bận tâm nhiều lắm. Ðối với vị tỷ phú Singapore làm nên mọi thứ từ hai bàn tay trắng này, chuyện lỗ lãi chỉ còn là những con số trên giấy tờ.

Chăm chỉ và tiết kiệm

“Tôi gặp may nhiều lần trong cuộc đời mình, nhất là với khoản đầu tư siêu lợi nhuận vào Công ty dầu cọ Wilmar đầu thập niên 90 của thế kỷ trước” – Peter Lim nói về thương vụ để đời của mình. “Từ 10 triệu USD bỏ vốn vào ban đầu, tôi thu về 1,6 tỷ USD vào năm 2010. Nhưng tin tôi đi, đó là thành quả từ những ngày cố gắng không ngừng nghỉ trước đây. 90% là nhờ làm việc chăm chỉ, và 10% còn lại do tiết kiệm”.

Lim không hề cường điệu. Sinh ra trong một gia đình nghèo đông con, bố là ngư dân chài lưới lênh đênh quanh năm trên biển, Lim chỉ có thể thoát cảnh màn trời chiếu đất nhờ được Chính phủ Singapore hỗ trợ cấp nhà cho người thu nhập thấp. Nhưng ngay cả khi đó, tám người trong gia đình ông vẫn phải sống cảnh chen chúc trong căn hộ nhỏ xíu chỉ có vỏn vẹn hai phòng ngủ.

Khu dân cư Lim từng sống hồi nhỏ, Bukit Ho Swee, cũng là nơi khét tiếng “vô pháp vô thiên”. Sống ngay cạnh ông là những người sẵn sàng bất chấp mọi thứ để kiếm tiền sinh nhai mỗi ngày. Hồi tưởng về quá khứ, Lim nói ông rất ngưỡng mộ và học được nhiều điều từ họ, nhưng chưa bao giờ muốn trở thành họ. Với xuất phát điểm đó, cách duy nhất để Lim thoát khỏi vòng lặp nghèo đói là học tập.

Với thành tích xuất sắc, cậu học sinh nghèo Peter Lim thi đỗ vào Viện Raffles, trường trung học phổ thông lâu đời và danh giá bậc nhất tại Singapore. Tạm gác chuyện đèn sách lại vài năm để lên đường nhập ngũ, ngày trở về, Lim nhanh chóng lấy được học bổng du học tại Australia. Nhưng đến lúc đó, một vấn đề khác lại nảy sinh. Lim được miễn hoàn toàn học phí, nhưng ai sẽ hỗ trợ ông chi phí ăn ở tại nơi đất khách quê người?

Gia đình Lim không thể chu cấp tiền cho cậu con trai, nhất là khi vẫn còn năm người con khác đang tuổi ăn tuổi lớn. Bởi vậy, Lim quyết định một thân một mình lập nghiệp ở Australia. Tại đó, ông nhận mọi công việc mưu sinh, từ lái xe taxi đến làm bồi bàn, đầu bếp. Nhờ vậy ông không chỉ dư dả tiền chi tiêu, mà còn nắm được cách thức doanh nghiệp vận hành, khi làm cho một chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh.

Nuôi chí lớn, song Lim chưa bao giờ sống xa rời thực tại. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân tài chính, ông vào làm việc ở một công ty tư vấn kê khai thuế với vị trí kế toán viên. Vẫn như thời sinh viên, ông dành dụm, chắt chiu mỗi đồng tiền mình kiếm được rồi kinh doanh đủ mọi lĩnh vực để kiếm lời. Năm 40 tuổi, Lim có trong tay 10 triệu USD, và đó là vốn liếng để giúp ông trở thành tỷ phú.

Ung dung chờ sóng dữ

“Tôi sống nhờ các khoản đầu tư, nhưng không để chuyện lỗ lãi chi phối cảm xúc” – Lim bộc bạch – “Bí quyết là đừng bao giờ quá vui khi giá cổ phiếu lên, cũng đừng quá buồn khi giá xuống. Ðầu tư cũng như cuộc sống, có lúc vui lúc buồn, và cũng có người đột ngột qua đời khi lên cơn đau tim, cho nên chúng ta phải biết chấp nhận rủi ro. Nếu không sẵn sàng chịu rủi ro thì bạn tốt nhất nên giữ tiền trong ngân hàng, bởi chỉ có cách đó mới không bao giờ mất tiền”.

Lim sẵn sàng nhận rủi ro, và từng mất nhiều tiền khi thị trường đi xuống, nhưng ông thường biết rút lui vào đúng những thời điểm sinh tử. Năm 1998, Singapore bị cuốn vào khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Lim nằm trong số rất ít nhà đầu tư gần như không mất đồng vốn nào ở thời điểm đó, bởi ông đã nhanh tay bán tháo tất cả số chứng khoán mình nắm giữ, và gửi tiền mặt vào ngân hàng, đợi đến tận khi thị trường phục hồi mới đầu tư trở lại.

Chưa bao giờ mất ngủ vì tiền bạc, Lim quan niệm những người giàu cần chia sẻ nhiều hơn cho cộng đồng. Cho đến nay, ông đã quyên góp hàng trăm triệu USD cho các trường đại học và bệnh viện công ở Singapore. Ðiều này có vẻ kỳ lạ với một người sở hữu hàng loạt bệnh viện tư tại “đảo quốc Sư tử”, nhưng Lim vẫn làm. Ông cũng tin những khoản tiền mình hỗ trợ sinh viên có thể tạo ra những Peter Lim trong tương lai gần.

Những đêm trắng

Thứ duy nhất khiến Lim mất ngủ là những người con. Ông luôn lo lắng cho hai đứa con của mình, không biết chúng làm gì ở trường, có bị lũ bạn xấu rủ rê hay không. Ðến ngày diễn ra kỳ thi của các con, ông cũng thức trắng đêm cầu mong cho con được kết quả tốt.

Người khiến Lim lo lắng nhất là cô con gái “rượu” – Kim, vốn khét tiếng ăn chơi một thời tại các chốn xa hoa bậc nhất Singapore. Lim chưa bao giờ quở trách Kim, vì ông biết mình là một phần nguyên nhân khiến con gái có thời gian sống buông thả quá mức. Kim sống trong nhung lụa, đầy đủ vật chất nhưng lại không hưởng trọn vẹn tình cảm gia đình êm ấm. Khi cô mới 10 tuổi, Lim li dị người vợ là bà Venus Tan – người từng đồng cam cộng khổ bên ông những lúc khó khăn.

Vụ ly dị của Lim từng trở thành đề tài gây tranh cãi tại Singapore, vì bà Tan liên tục cáo buộc chồng cũ giấu các khoản tiền mình có để bớt phải chia cho vợ. Ngẫm lại về những năm tháng sóng gió ấy, Lim nửa đùa nửa thật nói, tiền bạc “thật thú vị”. Ai cũng muốn có thật nhiều tiền khi trắng tay, nhưng đến lúc có rồi thì vô vàn rắc rối lại ập đến. Lim quả quyết nếu ông không nuôi chí làm giàu, gia đình ông sẽ không tan vỡ, con gái cũng không phải chứng kiến cảnh bố mẹ mỗi người một nơi.

May mắn cho Lim là sau nhiều năm, Kim dần chín chắn hơn và tu thân lập nghiệp theo tấm gương của bố. Chứng kiến các con trưởng thành, vị tỷ phú 66 tuổi giờ đây mới có thể tận hưởng vài thú vui tuổi già. Lim bắt đầu nghĩ nhiều hơn đến tương lai, về sự sống và cái chết. Ông biết mình không đời nào chết trong nghèo khó, nhưng còn những người khác thì sao?

Và chính bởi suy nghĩ đó, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, Lim càng muốn cho đi nhiều hơn…


HẢI SƠN/ Báo Nhân Dân