Trang chủ Diễn đàn Vì sao người dân phản đối đặt tên đường Alexandre de Rhodes?

Vì sao người dân phản đối đặt tên đường Alexandre de Rhodes?

872
Những ngày qua, dư luận đang tranh cãi và thảo luận về việc đặt tên đường cho Giáo sĩ Alexandre de Rhodes tại Đà Nẵng. Có nhiều ý kiến đồng tình và cũng rất nhiều ý kiến phản biện. Đa số đều cho rằng Giáo sĩ Alexandre de Rhodes không phải là người tạo ra chữ Quốc ngữ và trên hết, ông ta có tội với dân tộc Việt Nam.

Trần tình của Alexandre de Rhodes trong Lời giới thiệu của Từ điển Annam-Lusitan-Latinh, tức Từ điển Việt-Bồ-La như sau: “tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam (tức là từ điển Việt – Bồ), ông sau bằng tiếng Bồ – Đào (tức là từ điển Bồ – Việt), nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La tinh theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn.”

Như vậy, có thể khẳng định Alexandre de Rhodes không phải là cha đẻ của chữ Quốc ngữ, ông ta chỉ có công trong việc phổ biến rộng rãi chữ Quốc ngữ, với sự giúp đỡ vật chất rất đầy đủ của Bộ Truyền Giáo tại La Mã năm 1651.

Theo Phó Giáo sư, tiến sĩ Lê Cung, Trường ĐH Sư phạm Huế (ĐH Huế), người đứng đầu đồng đơn kiến nghị lên lãnh đạo Đà Nẵng khẳng định: “Alexandre de Rhodes không phải là người sáng chế ra chữ Quốc ngữ. Trái lại, đối với dân tộc Việt Nam, Rhodes là kẻ có tội thì làm sao vinh danh, đặt tên đường được”.

Rất nhiều người đồng tình với ý kiến của ông Lê Cung, qua sử liệu cho thấy Alexandre de Rhodes bị chúa Nguyễn ở Đàng Trong lẫn chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đều đã trục xuất, không cho ông ta cư trú và hoạt động ở Việt Nam vì những hành động và mục đích không tốt đẹp.

Tri ân những người có công với dận tộc và đất nước là truyền thống tốt đẹp của người Việt, trong một phạm vi nào đó, vị giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã có công truyền bá, làm cho chữ Quốc ngữ được phổ thông hơn nhưng cũng không nên đề cao thái quá vai trò truyền bá này khi mục đích ban đầu đã bị chính trị hóa.

Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô đại cáo bằng chữ Hán, Hưng Đạo Vương viết Hịch tướng sĩ cũng bằng chữ Hán, Lý Thường Kiệt với bản tuyên ngôn đầu tiên của dân tộc “Nam Quốc sơn hà, Nam Đế cư” cũng là chữ Hán, chúng ta không thể vì lý do khách quan để phủ nhận rằng các vị tiền nhân dùng chữ Hán là không yêu nước.

Về trường hợp của Linh mục Alexandre de Rhodes, ông có cái công, ít nhiều, triển khai thêm chữ Quốc ngữ do một số giáo sĩ trước ông sáng nghĩ để dạy giáo lý Kitô cho con chiên. Nhưng ông có cái tội là cung cấp thông tin và vận động nước Pháp xâm chiếm và đô hộ nước ta.

Rất nhiều ý kiến phản đối của người dân trong việc đặt tên đường lần này của thành phố Đà Nẵng, trong đó đa phần đều khẳng định rằng ông chỉ có công truyền bá chữ Quốc ngữ với ý định xâm lược bằng chính ngôn ngữ không do ông sáng chế và việc đặt tên như vậy chưa thuyết phục cũng như  thiếu công bằng với lịch sử của dân tộc.

Dân tộc chúng ta không thiếu những danh nhân, không thiếu những anh hùng đã cống hiến và hy sinh cuộc đời của mình cho đất nước và dân tộc. Chúng ta tri ân những anh hùng đó đã đầy đủ và hoàn thiện chưa? Chúng ta có thiếu tên những anh hùng để đặt tên đường hay không mà phải sử dụng tên của một Giáo sĩ từng bị triều đình trục xuất? Đó là câu hỏi đầy bỡ ngỡ của đại đa số người dân dành cho chính quyền thành phố Đà Nẵng.

Nếu chúng ta không sòng phẳng với quá khứ thì tương lai sẽ không sòng phẳng với chúng ta và các thế hệ hậu sinh cũng sẽ nhìn chúng ta qua đôi mắt thiếu nể trọng.

Nguyên Phú